11/01/2011 08:30 GMT+7

Đẩy mạnh đổi mới toàn diện

NHÓM PV TUỔI TRẺ
NHÓM PV TUỔI TRẺ

TT - Sáng 10-1, chủ trì cuộc họp báo về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, ông Tô Huy Rứa (ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương) khẳng định Đại hội XI là sự kiện chính trị không chỉ của Đảng mà của cả đất nước.

f39bv7QE.jpgPhóng to
Một panô chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội - Ảnh: VIỆT DŨNG

Sau đây là nội dung hỏi đáp trực tiếp tại cuộc họp báo.

- Báo Nhân dân: Các dự thảo văn kiện của Ban chấp hành trung ương khóa X trình Đại hội XI có gì mới?

* Ông Nguyễn Văn Thạo (phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng): Trong các văn kiện trình Đại hội XI có rất nhiều điểm mới. Chẳng hạn dự thảo báo cáo chính trị và dự thảo chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm tới nhấn mạnh đến việc tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng vào nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; cùng với việc phát triển theo chiều rộng sẽ phát triển theo chiều sâu; nhấn mạnh kết hợp giữa phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.

* Tuổi Trẻ: Trong bài viết mới đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 có đề cập vấn đề đổi mới đồng bộ kinh tế và chính trị. Vấn đề đó đã được thảo luận qua các hội nghị trung ương như thế nào và nếu như đã có thảo luận thì định hướng thực hiện ra sao?

- Ông Nguyễn Văn Thạo: Quan điểm và đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam là đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, bao hàm cả đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. Đảng Cộng sản Việt Nam đẩy mạnh đổi mới kinh tế đi trước một bước, đồng thời kết hợp với đổi mới chính trị có bước đi phù hợp với mục tiêu để giữ vững ổn định chính trị và tạo ra động lực cho sự phát triển của nền kinh tế.

Việc đổi mới chính trị, chúng tôi hướng vào đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị để phát huy hơn nữa dân chủ XHCN, giữ vững và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng thời nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước và chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể quần chúng.

q3qkZ8ui.jpgPhóng to
Trang hoàng đường phố Hà Nội đón chào Đại hội Đảng XI Ảnh: Quý Trung

* VNExpress: Đại hội Đảng lần thứ XI sẽ bầu trực tiếp tổng bí thư hay vẫn do Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa mới bầu tổng bí thư? Có đưa ra hai ứng cử viên để bầu hay để một ứng cử viên? Tổng bí thư Nông Đức Mạnh có nằm trong nhân sự giới thiệu vào Ban chấp hành trung ương khóa mới?

- Ông Trần Lưu Hải (phó trưởng Ban Tổ chức trung ương): Đảng Cộng sản Việt Nam đang trăn trở tìm cách đổi mới nội dung, phương thức hoạt động sao cho có hiệu quả nhất. Trong các vấn đề chung về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Đảng có nội dung về đổi mới bầu cử trong Đảng. Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa X) chưa quy định việc bầu trực tiếp bí thư và tổng bí thư tại đại hội các cấp cũng như đại hội toàn quốc.

Năm 2010, chúng tôi đã làm thí điểm ở ba cấp là cấp cơ sở, cấp huyện và cấp tỉnh (chọn 10 tỉnh thành). Kết quả bước đầu đánh giá tốt. Ban chấp hành trung ương cho rằng làm thí điểm rồi từng bước tổng kết xem ưu điểm thế nào để nhân rộng ra trong nhiệm kỳ tới. Còn việc trực tiếp bầu tổng bí thư tại đại hội lần này hay không là do đại hội quyết định, nếu đa số đại biểu thấy cần bầu trực tiếp tổng bí thư tại đại hội thì đại hội sẽ tiến hành bầu.

Theo quy định của Đảng, tổng bí thư làm không quá hai nhiệm kỳ. Như vậy, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã làm qua hai nhiệm kỳ và tuổi cũng đã cao (năm nay 71 tuổi) cho nên xin rút không tham gia Ban chấp hành trung ương khóa mới.

* Người Lao Động: Về vấn đề số dư trong bầu cử, đây là tỉ lệ chung hay cho từng vị trí cụ thể, ví dụ ứng cử viên ủy viên Bộ Chính trị?

- Ông Trần Lưu Hải: Chúng tôi chỉ đạo đại hội các cấp là giới thiệu để bầu vào ban chấp hành có số dư ít nhất 15%, bầu vào ban thường vụ số dư ít nhất là 20%. Đại hội Đảng toàn quốc cũng tương tự như thế, có số dư ít nhất là 15% so với tổng số được bầu.

* Financial Times: Vấn đề của Vinashin có được thảo luận ở Đại hội Đảng XI không? Và toàn bộ quá trình đại hội có được mở rộng cho công chúng và báo chí tham dự không?

- Ông Sa Như Hòa (ủy viên Ủy ban Kiểm tra trung ương): Vấn đề của Vinashin đã được các cơ quan chức năng của trung ương xem xét, làm rõ và đã có xử lý. Cho nên đây không phải là chủ đề sẽ đưa ra đại hội, còn việc thảo luận (vấn đề Vinashin) tại đại hội tùy thuộc các đại biểu có đưa ra hay không.

* AFP: Xin hỏi ông Tô Huy Rứa, ông có dự đoán một thời điểm nào đó trong tương lai khi hệ thống đa đảng có thể được áp dụng ở Việt Nam? Nhiều người nói rằng ông có thể là ứng cử viên tổng bí thư?

- Ông Đinh Thế Huynh (chủ tịch Hội Nhà báo VN, tổng biên tập báo Nhân Dân): Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên, đa đảng và dứt khoát không đa nguyên, đa đảng. Điều đơn giản là Việt Nam đã có lúc đa đảng, vào năm 1946 khi chúng tôi tổng tuyển cử lần đầu tiên có mấy đảng tham gia, nhưng khi thực dân Pháp quay lại xâm lược đất nước, chúng tôi chỉ còn Đảng Cộng sản Việt Nam cùng với nhân dân Việt Nam kháng chiến để bảo vệ Tổ quốc. Và bây giờ Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn đang tiếp tục lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo điều lệ Đảng hiện hành, bất cứ người nào trong Ban chấp hành trung ương cũng có thể là ứng cử viên tổng bí thư, nhưng tùy thuộc vào uy tín và trước hết là phải được đại hội tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành trung ương. Sau đó Ban chấp hành trung ương sẽ bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tổng bí thư.

Hôm nay, Đại hội XI họp trù bị

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng họp phiên trù bị ngày 11-1. Đại hội chính thức sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 19-1 tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Tham dự đại hội có 1.377 đại biểu, đại diện cho hơn 3,6 triệu đảng viên sinh hoạt ở gần 54.000 tổ chức cơ sở Đảng.

Trả lời bên lề cuộc họp báo, ông Trần Lưu Hải cho biết phương hướng nhân sự khóa XI dự kiến khoảng 175 ủy viên trung ương chính thức. Ban chấp hành trung ương khóa X dự kiến số lượng ứng cử viên cho chức danh ủy viên Bộ Chính trị khóa XI là 17 người.

Ông Nguyễn Bắc Son, phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, cho biết sẽ phấn đấu tăng tỉ lệ trẻ, tỉ lệ nữ, tỉ lệ cán bộ người dân tộc, tỉ lệ cán bộ khoa học trong Ban chấp hành trung ương khóa XI, bảo đảm có tính kế thừa, số mới không dưới 1/3 và có ba độ tuổi: dưới 50 tuổi, từ 50-60 tuổi và trên 61 tuổi.

___________________

* Ngài Allaster Cox (đại sứ Úc tại VN):

Chính phủ Úc rất quan tâm đến kết quả của Đại hội Đảng XI sắp tới. Chúng tôi hi vọng sẽ có thảo luận kỹ lưỡng về những gì cần làm để Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn về kinh tế, trong đó có cải cách hành chính để đơn giản hóa các thủ tục, tăng chỗ đứng cho khối doanh nghiệp tư nhân để tạo ra đầu tư và việc làm mới, cải thiện quản lý khu vực doanh nghiệp nhà nước. Những cải cách đó sẽ là động lực tích cực để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và giúp tạo ra nhiều việc làm hơn cho người dân.

Chúng tôi cũng quan tâm liệu các đại biểu có thảo luận làm thế nào Việt Nam có thể giải quyết các vấn đề xã hội đang nổi lên ở Việt Nam, nhất là các vấn đề do quá trình đô thị hóa nhanh chóng gây ra. Đây là những thách thức quan trọng với Việt Nam.

Úc cam kết tăng chương trình ODA cho Việt Nam từ mức 120 triệu đôla Úc hiện nay lên khoảng 160 triệu đôla Úc mỗi năm vào 2015-2016. Chúng tôi làm điều đó để giúp Việt Nam tiến bước vào giai đoạn phát triển của một nước có thu nhập trung bình. Đây là thời điểm quan trọng để các bạn nhìn lại các tiến bộ và dựa vào các dữ liệu, bằng chứng để kiểm điểm những gì đã thành công, những gì chưa thành công... nhằm tiếp tục đưa ra những lựa chọn đúng đắn. Vì vậy, chúng tôi hi vọng đại hội sẽ đặt ra các phương hướng nhằm đảm bảo thành công cho nhiệm vụ sống còn này. Hương Giang ghi

* TS Lê Đăng Doanh (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư):

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng được tiến hành trong bước ngoặt của thời đại, là năm bắt đầu của một thập niên mới, trong bối cảnh đặc biệt của nền kinh tế thế giới. Vì vậy, trông đợi của giới trí thức vào đại hội rất nhiều. Điều mong muốn chung là Đảng sẽ đưa đất nước vượt lên bằng những cải cách, đổi mới đã được nhắc đến nhiều, đặc biệt là việc đổi mới thể chế, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, cải cách nội bộ của Đảng để thực hiện công khai minh bạch, thực hành dân chủ, từ đó củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng.

Theo tôi, đại hội nên bàn sâu về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, cùng các vấn đề về cơ cấu, nhân sự... mà người dân cả nước đang bàn luận. Với tinh thần đổi mới, đã đến lúc đại hội nên xem xét việc lãnh đạo Đảng cũng là lãnh đạo Nhà nước để người lãnh đạo Đảng tham gia, gánh trách nhiệm giải trình trước nhân dân, trước Quốc hội. Với việc kiêm nhiệm chức danh trên, theo tôi, sẽ rõ ràng hơn về trách nhiệm trước nhân dân, cũng như thể chế hóa được lãnh đạo Đảng cũng được nhân dân bầu. Đại hội XI nên phát huy quyền độc lập, thể hiện vai trò hoạch định của mình.

Người dân rất mong đại hội sẽ thảo luận những vấn đề dân đã kiến nghị nhiều, các vấn đề người dân đã phản ảnh với nhiều tâm huyết để tìm phương cách giải quyết. Kết quả đại hội sẽ là hình ảnh một Việt Nam đổi mới với bạn bè thế giới. Vì vậy, tôi rất mong kết quả đại hội sẽ có những điều người dân thấy thỏa mãn. Đại hội đang đứng trước một thập kỷ mới, người dân chắc chắn mong đại hội sẽ bầu ra ban lãnh đạo trẻ, làm nòng cốt lãnh đạo cho Đại hội XII. C.V.Kình ghi

* PGS.TS Trần Văn Nam (giám đốc Đại học Đà Nẵng):

Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XI đã có tổng kết, đánh giá toàn diện về những kết quả đạt được cũng như chỉ ra những hạn chế, tồn tại. Điểm quan trọng nhất là Đảng, Nhà nước đã tiếp tục khẳng định lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ là quyết sách hàng đầu. Riêng giáo dục đại học, tôi tâm đắc nhất vẫn là bước triển khai kiểm định chất lượng đào tạo. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI lẫn các nghị quyết đều nhắc đến kiểm định chất lượng là vấn đề then chốt.

Đất nước ta đã có chủ trương xã hội học tập nên có rất nhiều hệ: chính quy, tại chức, từ xa... Bên cạnh đó đào tạo ra nhiều nhưng chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu xã hội cũng khó cho sự phát triển. Vì thế tôi mới nhấn mạnh vấn đề kiểm định các trường đại học, kể cả phổ thông là rất quan trọng. Tiến đến là kiểm định cho được chất lượng chương trình đào tạo. Để đạt được công việc này không hề đơn giản, tốn thời gian, tiền của, công sức và chúng ta cũng chưa có nhiều kinh nghiệm. Hiện các đại học lớn trên thế giới đều đã được kiểm định chất lượng giáo dục lẫn chương trình đào tạo và họ đã đi vào nền nếp.

NHÓM PV TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên