28/12/2010 05:39 GMT+7

7 thủy thủ về từ cõi chết

NHÓM PV
NHÓM PV

TT - Các thủy thủ gặp nạn ở Nam cực đã về Việt Nam và kể lại cuộc vật lộn tìm đường sống trong đêm chìm tàu.

0jADvZZa.jpgPhóng to
Giây phút sum họp của mẹ con anh Trần Đình Khánh - Ảnh: Văn Định

Các thủy thủ VN về đến New Zealand7 thủy thủ Việt Nam về Hàn Quốc

Người vợ hỏi: “Sao hai bàn tay anh chết cứng thế này?”. Anh Rực gạt nước mắt, đưa hai bàn tay vàng rộm với những móng tay bầm đỏ, giải thích: “Về được là may rồi em ạ, tay chân bị chút không sao, chỉ tội nghiệp mấy anh không kịp bơi...”.

Câu chuyện ngày về của bảy thủy thủ gặp nạn ở Nam cực đầy nước mắt cảm động và hạnh phúc.

Biết chồng là Trần Đình Khánh về đến Hà Nội vào 23g đêm 26-12, suốt đêm chị Dương Thị Lan không thể chợp mắt được. Mỗi lần trở dậy chị lại bật đèn sáng lên và ngắm nghía tấm hình cưới của vợ chồng. Lâu lâu chị lại vào phòng ngủ vén chăn cho ba đứa con chờ trời sáng.

Ở xóm Đồng Tiến, xã Kỳ Ninh (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), ông Nguyễn Thanh Trình, 52 tuổi, bố của thủy thủ Nguyễn Văn Nam, cũng thức suốt đêm chờ con. “Lần này con sống được để về là tui mừng quá, nhất định không cho nó đi nữa” - ông Trình nói.

Về đến nhà vẫn còn sợ

Chiều 27-12, ở ngôi nhà ngói hai gian nằm sâu tít trong xóm chài nhỏ Phú Long, xã Kỳ Phú (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) rất đông người thân và hàng xóm hồi hộp chờ tin Khánh. Vừa nhìn thấy anh Khánh ở đầu ngõ, người mẹ già Dương Thị Đới vội vàng chạy ào ra dang hai tay ôm siết lấy cổ Khánh cứ như sợ con mình đi mất. Vợ anh Khánh thì vội quay mặt giấu đi những giọt nước mắt sung sướng chực trào, mấy đứa con luôn miệng gọi “Ba ơi, ba ơi!”.

Còn ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) trưa 27-12, anh Lê Quang Rực vừa chạy ào vào nhà vứt cái túi xách xuống ghế, liền ôm chầm lấy hai con và vợ. Những giọt nước mắt chan chứa trào theo tiếng khóc hạnh phúc trong căn nhà nhỏ. Chị Hà lay lay hai bàn tay của chồng, hỏi: “Sao hai bàn tay anh chết cứng thế này?”.

Anh Rực gạt nước mắt, đưa hai bàn tay vàng rộm với những móng tay bầm đỏ, giải thích: “Tay mất hết cảm giác rồi. Trận ấy mới ngâm dưới nước biển chừng 30 phút nhưng do nước lạnh âm 12 độ nên tê tái tưởng chết buốt. Về được là may rồi em ạ, tay chân bị chút không sao, chỉ tội nghiệp mấy anh không kịp bơi...”.

Vừa lúc người thân và bà con láng giềng kéo đến đứng chật cả cái sân nhỏ. Ai cũng tò mò nhìn anh Rực như một người lạ, còn anh Rực cứ ôm chặt lấy hai đứa con, ngậm ngùi: “Hôm nay bên đó hỏa thiêu mấy người bạn xấu số cùng tàu. Về đến nhà rồi mà vẫn còn sợ”.

l54Aq0Dv.jpgPhóng to
Anh Trần Đình Khánh, Nguyễn Mậu Hiển và một thuyền viên Indonesia (từ phải sang) bám vào một khúc gỗ chờ cứu hộ - Ảnh do anh Khánh cung cấp

Lênh đênh tìm cá tuyết

Trước khi bị nạn, anh Rực và các thuyền viên đã 40 ngày trên chiếc tàu rong ruổi vừa đi vừa đánh cá tuyết từ Uruguay đến vùng biển lạnh giá của New Zealand. Mỗi ngày, việc đánh cá bắt đầu lúc 6g15 và làm liên tục đến 18g cùng ngày thì nghỉ. Trong cái lạnh cắt da cắt thịt, các thuyền viên như một dây chuyền, người lấy lưỡi câu, người lấy cá rồi cắt cá làm mồi... sau đó kéo câu bắt cá, rửa cá, đưa cá vào ướp lạnh.

Theo anh Rực, trên tàu có 41 thủy thủ người VN, Indonesia, Hàn Quốc, Trung Quốc thì chỉ có 19 người bơi đến được hai phao nên được cứu sống, còn lại bị sóng đánh mất tích. 19 người thoát chết đã được chiếc tàu Hong Zin 707 cùng hãng vớt lên. Sau 3-4 giờ cấp cứu trên tàu, các thủy thủ mới hồi tỉnh. Chiếc tàu này đã đi quanh vùng biển gặp nạn hai ngày để tìm vớt những thi thể. Ngày thứ ba, một chiếc tàu khác ra đưa 19 người bị nạn vào New Zealand. Chuyến tàu này đi hết bảy ngày mới cập bến New Zealand.

Còn theo lời anh Khánh, cứ đến tháng 12 tàu In Sung 1 lại đến vùng biển Nam cực đánh bắt cá tuyết. Đầu tháng 12-2010, tàu In Sung 1 bắt đầu khởi hành. Trên tàu có đến 11 thủy thủ người Việt. Sau hơn 10 ngày quần thảo vùng biển Nam cực, tàu chỉ đánh được hơn 12 tấn cá tuyết.

Anh Rực cho biết cá tuyết cư trú ở độ sâu 2.500-3.000m. Cá tuyết rất giống và đen như con cá lóc (cá quả) nhưng nặng 1-1,2 tạ, con bé nhất khoảng 6-7kg, vì vậy vàng lưới rất dài và rộng mới có thể bắt được cá tuyết. Hôm nào gặp may mới thả lưới xuống vài giờ là gặp cá đầy lưới. Có đợt thả lưới hai, ba ngày chẳng có lấy một vảy cá.

Mỗi lần trúng ngư trường cá tuyết thì vàng cá nặng 5-7 tạ hoặc 1 tấn. Sau khi ướp lạnh, cá tuyết được đưa vào bờ đóng container xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới.

40 phút vật lộn với tử thần

Sáng 13-12, vùng biển Nam cực nổi sóng. Những con sóng cao 5-6m cứ đánh tới tấp vào con tàu nhưng các thủy thủ trên tàu vẫn tròn giấc ngủ sau một ngày làm việc mệt nhọc. “Đúng 6g bếp trưởng gọi 33 thủy thủ dậy làm việc. Nhưng đến 6g30 tàu nghiêng bên phải do sóng vỗ lên các khoang, nước chảy vào tàu như trút. Thấy nguy, thuyền trưởng hô hào mọi người trên tàu ôm áo phao nhảy xuống biển.

Chưa đầy 5 phút, chiếc tàu trên 1.000 tấn của Hãng In Sung úp xuống biển. 42 người chới với giữa nước biển lạnh âm hơn 8OC thì người có phao, người không. Khi đó tui chỉ nghĩ mình khó mà sống sót vì chân bị vướng vào dây câu và bị tàu kéo chìm hơn 10m mới tự cởi ra được và bơi ngoi lên mặt nước. Vừa nhô đầu lên tui thấy mọi người hốt hoảng kêu cứu.

Tui và anh Nguyễn Mậu Hiền và một thuyền viên người Indonesia đã cố bơi lại nhau rồi dùng ba cây gỗ kết lại thành bè để bám trụ chờ cứu hộ” - anh Khánh nhớ lại.

Còn anh Rực kể: “Trên tàu lúc ấy ai cũng hoảng loạn, mạnh ai nấy nhảy đại xuống giữa biển động và lạnh buốt giá. Do biết một ít kinh nghiệm bơi nên mặc dù biển lạnh buốt tôi vẫn cởi hết đồ cho dễ bơi. Tôi vừa cởi xong thì bị sóng đánh bật xuống nước. Nhìn ra thấy hai cái phao tự bung ra khi tàu chìm, cách tôi khoảng 6m, tôi vượt sóng bơi vừa đưa tay chạm phao thì ngất”.

Hơn 40 phút bám trụ giữa biển lạnh, tay chân anh Khánh gần như tê cứng, chỉ gác được đầu lên cây gỗ. Khi tàu Hong Zin 707 đến bắn dây cứu, các thủy thủ chỉ biết cắn chặt dây vào miệng để tàu cứu hộ kéo lên.

“Tui còn nhớ giây phút anh Nguyễn Văn Thành không thể bám được vào dây vì tay chân và miệng lạnh cóng. Các thủy thủ cứu hộ cũng đành bất lực. Trước khi bị sóng biển cuốn trôi, Thành có gọi bạn tên Hùng đi trên tàu Hong Zin 707 nhưng chỉ gọi được tên bạn rồi chìm vào những con sóng lạnh giá” - anh Khánh giàn giụa nước mắt kể lại.

Về đến Hà Nội bảy thuyền viên đã tìm đến các công ty môi giới đóng ở Hà Nội hỏi thủ tục thanh lý hợp đồng. Có người không tìm được công ty đã gấp gáp về quê gặp người thân. Công ty LOD chuyển trụ sở nên anh Khánh buộc phải đón xe về nhà.

“Hầu hết chúng tôi ai cũng biết mình vừa từ cõi chết trở về nên chẳng ai dám liều mình đi lại” - anh Khánh tâm sự. Còn anh Rực nói chưa thể quyết định tiếp tục đi đánh cá tuyết nữa hay không vì tay chân đang tê cóng.

Anh Trần Ngọc Sơn (xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, Nghệ An), một trong bảy thủy thủ bị nạn, bộc bạch: “Chờ cho khỏe lại tôi ra Hà Nội xin thanh lý hợp đồng vì tai nạn khủng khiếp quá mà lương lại thấp. Tìm việc ở quê, ăn cơm với dưa với muối cũng được”.

Theo các công ty xuất khẩu lao động, trước khi lên máy bay về nước, các thủy thủ được chủ tàu hỗ trợ mỗi người 1.000 USD.

Ông Lê Thanh Hà, phó giám đốc Công ty Cung ứng lao động quốc tế và dịch vụ (Inmasco - thuộc Cienco 1), cho biết ngay sau khi trở về từ New Zealand, sáng 27-12 Inmasco đã có buổi làm việc trực tiếp với thủy thủ Nguyễn Văn Nam (21 tuổi, Kỳ Ninh, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), riêng Hoàng Văn Bắc (35 tuổi, Quảng Văn, Quảng Trạch, Quảng Bình) thì các nhân viên Inmasco cho biết người thân và chi nhánh công ty đã đón về Quảng Bình chờ làm thủ tục sau.

Tại buổi làm việc, Inmasco đã tiến hành thanh lý hợp đồng với thủy thủ đúng quy định, vì đây là trường hợp chấm dứt hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng nên hai bên hoàn toàn tự nguyện và không bên nào bị phạt hay bồi thường khoản tiền nào.

Theo các công ty môi giới, Inmasco cũng như TTLC, các thủy thủ đều bày tỏ nguyện vọng sẽ “tạm nghỉ” một thời gian và chưa biết có trở lại Hàn Quốc làm việc trên tàu cá hay không.

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên