Phóng to |
Chỉ trong đêm 23 đến sáng 24-12, điện thoại đường dây nóng của báo Tuổi Trẻ đã tiếp nhận hơn 40 cuộc gọi của bạn đọc ở nhiều nơi trong thành phố phản ảnh nước máy bỗng dưng bị đục và không được ngành cấp nước thông báo hay giải thích gì. Nhiều người gọi cho các công ty cấp nước nhưng cũng không được ghi nhận để khấu trừ tiền nước.
Nước lại đục tràn lan
Theo quyết định 103 của UBND TP.HCM kể từ ngày 1-1-2011 giá nước sẽ tăng như sau: Đối với các hộ dân cư sử dụng dưới 4m3/người/tháng, giá nước tăng từ 4.000 lên 4.400 đồng/m3; từ 4 đến 6m3/người/tháng, giá tăng từ 7.500 lên 8.300 đồng/m3; trên 6m3/người/tháng, giá tăng từ 10.000 lên 10.500 đồng/m3. Đối với cơ quan hành chính sự nghiệp, giá nước tăng từ 7.100 lên 8.100 đồng/m3. Giá nước của đơn vị sản xuất cũng tăng từ 6.700 lên 7.400 đồng/m3. Riêng đơn vị kinh doanh dịch vụ tăng từ 12.000 lên 13.500 đồng/m3. Khi tăng giá nước, phí nước thải cũng sẽ tăng tương ứng. |
Tối 23-12, cả hẻm 159 Nguyễn Thái Sơn, P.4, Q.Gò Vấp xôn xao vì nước máy nhà nào cũng bị đục. Chị Phạm Thị Hường, ngụ 159/22, kể: “Khoảng 20g, tôi mở vòi nước để tắm thì thấy nước phun ra đen kịt, có mùi hôi như nước sình”.
Anh Hòa, ở đối diện nhà chị Hường, cho biết do không được thông báo trước nên thời điểm trên anh đã hứng đầy bồn nước hơn 1m3 và đành phải xả bỏ. Đến sáng 24-12, nước máy tại khu vực này vẫn còn đục giống như nước sông chưa qua xử lý.
Tình trạng nước đục còn xảy ra ở nhiều tuyến đường như Phan Văn Trị (P.14, Q.Bình Thạnh), Bành Văn Trân, Vân Côi, Đất Thánh (Q.Tân Bình), Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Trọng Tuyển, Hoàng Diệu (Q.Phú Nhuận)...
Do thử nghiệm
Một cán bộ Tổng công ty TNHH một thành viên Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết do thử nghiệm đóng, khóa van chuẩn bị phương án di dời tuyến ống cấp nước 2.000mm dưới cầu Điện Biên Phủ vào ngày 29-12 nên mới xảy ra sự cố nước đục nói trên.
Vị này nói: “Đây là tuyến ống lớn, ảnh hưởng đến các quận 1, 3, 5, 10, 11 nên trước khi làm chúng tôi thử nghiệm trước xem những khu vực bị ảnh hưởng giống như mô hình đã tính toán không. Quá trình thử nghiệm làm thay đổi áp lực dẫn đến xáo trộn gây ra tình trạng nước đục”.
Đến thời điểm di dời tuyến ống trên (từ ngày 29-12-2010 đến 12-1-2011), nhiều khu vực sẽ bị thiếu nước, nước đục nên Sawaco khuyến cáo người dân cần tích trữ nước trong thời gian trên. Mặt khác, Sawaco sẽ điều tiết các nguồn nước khác để hỗ trợ, các nhà máy nước sẽ phát tối đa công suất và tăng cường xe bồn cung cấp nước cho những khu vực thiếu nước.
Không thông báo trước
Biết việc thử nghiệm nói trên có thể làm nước đục tại sao không thông báo cho dân để bà con tích trữ nước, khóa van trước? Nhiều người bức xúc đặt câu hỏi này. Anh Vinh (nhà ở đường Lý Thường Kiệt, P.9, Q.Tân Bình) cho biết anh phát hiện nước đục lúc 22g ngày 23-12, nhưng lúc đó nước đã chảy vô đầy bồn.
“Phải chi ngành cấp nước thông báo để tôi không phải hứng nước đục rồi xả bỏ. Việc thông báo trước nước đục thể hiện ngành cấp nước tôn trọng khách hàng của mình, sao lại không thông báo?” - anh Vinh nói.
Khi phát hiện nước đục, anh Vinh phản ảnh đến Công ty cấp nước Tân Hòa thì không được nơi đây ghi nhận để khấu trừ tiền nước. Chị Phan Thị Hường (nhà ở đường Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp) cho biết khi nước đục chị báo Công ty cấp nước Trung An, công ty hứa cho người xuống ghi nhận nhưng chị chờ mãi không thấy người xuống.
Ông Tô Trung Dũng, chánh văn phòng Sawaco, cho biết trước khi thử nghiệm có yêu cầu một số công ty cấp nước (khu vực các quận 5, 10, 11 có thể bị ảnh hưởng) thông báo cho người dân. Còn những khu vực khác có thể các đơn vị cấp nước không lường hết được mức độ ảnh hưởng nên không thông báo kịp (quá trình thử nghiệm chỉ xảy ra trong thời gian ngắn).
Còn ông Nguyễn Văn Phú, giám đốc Công ty cấp nước Tân Hòa, cho biết đang thống kê khu vực bị ảnh hưởng nước đục để khấu trừ tiền nước cho từng khu vực chứ không thực hiện từng hộ riêng lẻ vì nước đục xảy ra trên diện rộng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận