Phóng to |
Bà Nguyễn Thị Hương (thứ hai từ trái sang), mẹ của thủy thủ Nguyễn Văn Thành, đau đớn khi biết tin dữ về con trai - Ảnh: Văn Định |
Thi hài người Việt bị thiệt mạng đang được bảo quản trên tàu. Phía New Zealand đã làm việc với công ty tàu đánh cá của Hàn Quốc và thống nhất sẽ đưa những người được cứu và thi hài người tử nạn về cảng Pluff thuộc đảo Nam của New Zealand.
Xác định danh tính chính xác
Tàu In Sung 1 đánh cá tuyết
Các tàu Hàn Quốc đánh bắt cá xa bờ nhắm vào thị trường nội địa và xuất khẩu sang Nam Mỹ. Theo Ủy ban Bảo tồn sinh vật biển Nam cực, tàu In Sung 1 có giấy phép đánh cá tuyết ở vùng biển Nam cực. Cá tuyết Nam cực (thường được gọi là cá mú Chile), vốn nổi tiếng với chất chống đông glycoprotein trong cơ thể cho phép nó tồn tại trong vùng nước lạnh giá ở Nam cực. Theo Viện Nghiên cứu hải dương học New Zealand, nghiên cứu về cá tuyết Nam cực có thể dẫn đến những tiến bộ trong y học để can thiệp triệu chứng ngừng tim khi con người bị hạ nhiệt cơ thể. Cá tuyết Nam cực vốn được xem là “vàng trắng” trong ngành công nghiệp hải sản nên thu hút nhiều tàu thuyền đánh bắt. Cá tuyết Nam cực được tiêu thụ mạnh ở thị trường Nam Mỹ và Nhật Bản. Loài cá này có tên trong danh sách các loài cá có nguy cơ tuyệt chủng của Tổ chức Hòa bình xanh quốc tế (Greenpeace, năm 2010). |
Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết hiện 7/11 thuyền viên Việt Nam đã được cứu sống và đang trên tàu cứu hộ trở vào đất liền New Zealand gồm: Trần Đình Khánh (sinh 1979, Kỳ Phú, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), Trần Ngọc Sơn (1975, Nghi Quang, Nghi Lộc, Nghệ An), Lê Quang Rực (1978, Cương Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh), Nguyễn Mậu Hiền (1988, Kỳ Văn, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), Nguyễn Văn An (1991, Phúc Thi, Nghi Lộc, Nghệ An), Nguyễn Văn Nam (1989, Kỳ Ninh, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và Hoàng Văn Bắc (1975, Quảng Văn, Quảng Trạch, Quảng Bình).
Bốn thuyền viên còn lại thì một người đã tử nạn là Nguyễn Tương (1986, quê Kỳ Khang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), xuất cảnh ngày 15-8-2010 (do Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực - LOD - đưa đi). Ba người mất tích gồm: Nguyễn Văn Sơn (1985, Kỳ Ninh, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) xuất cảnh ngày 22-7-2009 (LOD), Nguyễn Song Hào (1982 quê Kỳ Khang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) xuất cảnh ngày 13-11-2009 (Sowatco) và Nguyễn Văn Thành (1989, Kỳ Ninh, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) xuất cảnh ngày 18-7-2009 (Công ty CP XKLĐ thương mại và du lịch - TTLC).
Bảo hiểm 13.000 USD/người
Ông Nguyễn Trí Dũng - phó tổng giám đốc TTLC và ông Lê Nhật Tân - phó tổng giám đốc LOD đều cho Tuổi Trẻ biết đã thông báo qua điện thoại đến chính quyền và thân nhân các thuyền viên. Hôm nay 15-12, cả LOD và TTLC cử cán bộ công ty về quê các thuyền viên để thông báo, động viên, thăm hỏi và có những hỗ trợ ban đầu.
Ông Lê Nhật Tân cho biết quan điểm của LOD và TTLC là giải quyết thỏa đáng, đúng luật một cách sớm nhất theo nguyện vọng các thuyền viên là về nước hay tiếp tục ở lại làm việc.
Theo ông Tân, đến lúc này công ty cũng như chủ tàu đang tập trung lo cho người còn sống, vì đến chiều 14-12 các thuyền viên vẫn còn trên tàu cứu hộ và đang cách bờ gần nhất khoảng 2.000km, nên về hướng hỗ trợ, đền bù những nạn nhân xấu số, mất tích chưa tính đến. Tuy nhiên, với các thuyền viên làm việc cho chủ tàu Hàn Quốc thì mức bảo hiểm chi trả cho các trường hợp này là 13.000 USD/người, chưa tính các chế độ hỗ trợ của chủ tàu, công ty cũng như thanh toán các khoản lương, trợ cấp khác.
Mất mát đớn đau
Trong số 11 thủy thủ Việt trên tàu In Sung 1 bị đắm ở Nam cực có sáu người quê Hà Tĩnh.
Chúng tôi tìm đến hai xã Kỳ Khang và Kỳ Ninh của huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), nơi có một thủy thủ tử nạn và ba thủy thủ mất tích.
Tại nhà thủy thủ tử nạn Nguyễn Tương ở thôn Phú Thượng, xã Kỳ Khang, thấy chúng tôi đến ông Nguyễn Tuấn (49 tuổi), bố của Tương, nói trong nước mắt: “Sao ông trời bất công đến vậy, người nghèo tha hương ông không thương còn lấy đi mạng sống”. Còn mẹ của Tương, bà Đặng Thị Lân, quỵ xuống đất gào khóc: “Thằng Tương đi làm thuê ở Hàn Quốc được hơn ba tháng, vậy mà hai vợ chồng tui đi lấy lương người ta chưa trả. 20 triệu đồng nợ vay cho Tương đi Hàn Quốc vẫn còn đó. Con ơi là con ơi, bố mẹ mất con rồi!”.
Tương là con trai đầu. Học xong lớp 12, Tương thi đậu cao đẳng nhưng nhà nghèo nên bỏ học, xin bố mẹ đi Hàn Quốc và chẳng bao giờ trở về thăm cha mẹ được nữa.
Khi tới nhà của thủy thủ mất tích Nguyễn Song Hào, chúng tôi mới biết nỗi đau nhân đôi của bà Đậu Thị Duân: bà vừa là mẹ anh Hào vừa là bà nội của Tương. Thân già 70 tuổi khóc con, thương tiếc cháu khiến bà con xóm Phú Thượng không ai cầm được nước mắt.
Tại huyện Kỳ Anh, nơi có hai thủy thủ mất tích là Nguyễn Văn Sơn và Nguyễn Văn Thành, vợ của Sơn là Nguyễn Thị Dung, 21 tuổi, đang ngất lên xỉu xuống. Ông Trung, một người hàng xóm, nói: “Thằng Sơn mới cưới vợ được hai năm. Vợ có bầu thì sang Hàn Quốc làm thuê. Nay đứa con trai tròn một tuổi bị mồ côi cha”.
Còn tại nhà Nguyễn Văn Thành, bà Nguyễn Thị Hương (mẹ Thành) cứ cầm mãi cuốn sổ lương của Thành trên tay như sợ ai cướp mất. Bố Thành nức nở nói trong nước mắt: “Hôm qua tui coi tivi thấy tàu thằng Thành bị đắm, chết sống chưa rõ, vẫn còn hi vọng. Nhưng chiều nay công ty đã báo tin rằng nó đã mất tích và các nhà cứu hộ coi như đã chết. Ôi, đau đớn quá!”.
Lực lượng cứu hộ dừng tìm kiếm Sáng 14-12, đội cứu hộ New Zealand đã quyết định chấm dứt tìm kiếm 17 thuyền viên bị mất tích, trong đó có ba người Việt Nam, sau khi tàu đánh cá In Sung 1 của Hàn Quốc bị chìm ở biển Nam cực trước đó một ngày. 20 người sống sót đã được tàu đánh cá Hongjin 707 cứu. Ba tàu Hàn Quốc tiếp tục tìm kiếm nhưng không có kết quả trong vòng 30 giờ sau khi tai nạn xảy ra. Điều phối viên cứu hộ Dave Wilson của New Zealand nói: “Về mặt y học, con người ở vùng nước giá lạnh trong một giờ nếu không bị ngừng tim thì cũng có thể bất tỉnh và sẽ không thể nào tỉnh lại sau hai giờ tiếp theo”. Các cơ quan cứu nạn của New Zealand nhận định gần như không có còn khả năng những người mất tích có thể sống trong điều kiện thời tiết 20C và đã dừng công tác cứu hộ tại khu vực có độ sâu 1.600m. Hiện các cơ quan chức năng đang thu thập thông tin để tìm hiểu nguyên nhân bị chìm của chiếc tàu đánh cá chở 42 thủy thủ này. Người phát ngôn của Tập đoàn In Sung nói: “Chúng tôi tin rằng con tàu bị đánh chìm bởi một tảng băng trôi hoặc sóng mạnh, mặc dù chúng tôi vẫn chưa có bằng chứng cụ thể”. Thông tin trên trang mạng DAUM.net (Hàn Quốc) cho biết con tàu gặp nạn được đóng từ năm 1979, tức đã 31 năm hoạt động, trong khi tuổi đời bình quân của một con tàu là 28 năm. Con tàu cũ kỹ này mới trở lại hoạt động vào tháng 7-2010 sau khi được sửa chữa trước đó một tháng. Lực lượng cứu hộ New Zealand chưa biết vì sao con tàu chìm quá nhanh (30 phút) trong điều kiện tự nhiên bình thường và không kịp phát tín hiệu cấp cứu. Do đó, nhiều khả năng việc các thiết bị lão hóa trên tàu có vai trò quan trọng làm tai nạn xảy ra. Ngoài ra, tàu không có đủ thiết bị để cứu hộ. Ở Hàn Quốc, từ năm 2001 ngành công nghiệp đánh bắt cá - vốn được chính phủ bảo trợ - chỉ đóng góp hơn 1% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo thống kê của trang web AsianInfo năm 2003, ngành công nghiệp đánh bắt cá hiện đang gặp nhiều khó khăn về nhân lực mặc dù Chính phủ Hàn Quốc đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ như cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, giảm thuế, tăng cường trợ cấp và bảo hiểm ngư dân. Sự khai thác quá mức tài nguyên hải sản ở vùng biển Hàn Quốc ảnh hưởng đến thu nhập của các gia đình ngư dân, khiến ngành công nghiệp đánh bắt thủy sản không còn hấp dẫn như thập niên 1990. Nhiều gia đình ngư dân còn lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Số ngư dân Hàn Quốc giảm mạnh còn 200.000 người so với 500.000 người năm 1990. Hiện nay số lượng tàu đánh bắt cá Hàn Quốc cũng giảm mạnh sau khi chính phủ đưa ra kế hoạch “mua lại” số tàu thuyền quá hạn sử dụng. Theo Tổ chức Đánh cá thế giới (Anh), từ năm 2005-2008 Chính phủ Hàn Quốc đã thu hồi khoảng 6.300 tàu quá hạn sử dụng. Đây là lần thứ hai trong năm nay tàu đánh cá Hàn Quốc bị chìm nhanh và gây chết người. Ở vùng biển gần New Zealand, tháng 8-2010 sáu thủy thủ đã thiệt mạng và 45 người được cứu khi tàu của họ bị chìm trong điều kiện biển lặng ở cách thành phố Dunedin 740km. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận