Phóng to |
Có mặt tại TAND quận 4, chúng tôi bất ngờ khi thấy cảnh một người đàn ông tóc bạc gần hết, khuôn mặt già nua với đôi chân tật nguyền, cầm xấp hồ sơ khởi kiện đang ngồi bệt tại hành lang của tòa.
Ông cho biết tên là An Văn Châu (63 tuổi, ngụ đường Tôn Đản, quận 4). Đây là lần thứ ba ông đến tòa để nộp đơn kiện nhưng vẫn không được tiếp nhận, lần này ông phải tự mình bò theo cầu thang từ tầng hầm để xe lên lầu 1 - nơi có phòng thụ lý án. Nghẹn giọng, ông Châu cho biết ông bị mất một chân, chân còn lại bị liệt, phải ngồi xe lăn hơn 30 năm nay.
“Sao không hướng dẫn ngay từ đầu”
Ông Châu nhờ một người bạn chở đến tòa để nộp đơn chia di sản thừa kế. Ông ngồi dưới chờ, còn người bạn vào phòng thụ lý án để hỏi thủ tục khởi kiện. Lát sau, người bạn ra nói cán bộ tòa không thể hướng dẫn qua người khác, ông phải trực tiếp đem hồ sơ đến.
Không tiếp phóng viên Khi phóng viên đang trao đổi với ông Châu và đưa máy ảnh lên để chụp lại hình ảnh của ông thì nhân viên phòng thụ lý gọi điện thoại báo cho lãnh đạo tòa biết. Một phụ nữ (không đeo bảng tên) tự xưng là phó chánh án TAND quận 4 từ trên lầu bước xuống đuổi phóng viên ra ngoài. Vị phó chánh án này lớn tiếng cho rằng phóng viên không được quyền tác nghiệp khi chưa xin phép lãnh đạo tòa. Dù chúng tôi đã giải thích rằng chúng tôi phải tìm hiểu sự việc trước, đưa ông Châu ra về, sau đó sẽ lên xin trao đổi với lãnh đạo tòa án nhưng vị phó chánh án vẫn không đồng ý và gọi bảo vệ mời phóng viên ra khỏi trụ sở. Sau đó, dù chúng tôi có xuất trình giấy tờ, xin trao đổi với bà phó chánh án để tìm hiểu thông tin một cách khách quan nhưng vị phó chánh án không tiếp và yêu cầu phóng viên rời khỏi trụ sở ngay. |
Cách đây ít ngày, ông Châu cũng tự mình đi xe lăn đến tòa. Lần này có một nữ cán bộ xuống tiếp. Xem qua đơn và một số giấy tờ ông mang theo, cán bộ này hướng dẫn ông bổ sung một số loại giấy tờ khác. Hôm qua, ông Châu hoàn tất hồ sơ và đem đến tòa. Khi đề nghị bảo vệ lên báo với phòng thụ lý xuống tiếp, ông được người này trả lời là nhân viên lần trước tiếp ông không đi làm, còn các nhân viên khác đang rất bận, không thể xuống tiếp ông được.
Ông Châu nói: “Tôi cũng là con người, đâu ai muốn phải bò, phải lết dưới đất trông thảm hại như thế, nhưng họ không chịu xuống tiếp nên tôi phải bò lên thôi”. Vậy mà...
Ông Châu chìa cho chúng tôi xem tờ giấy có nét bút của cán bộ tên Minh với nội dung không thể tiếp nhận đơn kiện của ông. Theo hướng dẫn này, do có một người liên quan trong vụ án là em trai của ông Châu định cư tại Canada nên vụ việc thuộc thẩm quyền của TAND TP.HCM.
Giọng đầy cay đắng,ông Châu nói: “Tại sao ngay từ đầu cán bộ hướng dẫn không nói rõ ràng một lần, hướng dẫn luôn cho tôi biết. Đằng này chỉ nói với tôi là phải có giấy chứng tử, khai sinh, giấy tờ nhà... Giờ tôi chuẩn bị đầy đủ thì lại nói là có người em ở nước ngoài nên không thuộc thẩm quyền của tòa án quận. Thái độ của tòa khiến tôi thật thất vọng, có bị oan ức thì chắc tôi cũng ôm hận mà chết chứ chẳng dám nhờ đến tòa án nữa”.
Nói xong, ông Châu buồn rầu ôm xấp hồ sơ lết xuống cầu thang ra về. Chúng tôi và một số cán bộ tòa án định dìu ông xuống nhưng ông Châu từ chối vì “tôi tự lên được thì cũng tự xuống được”.
Vi phạm quyền của người khuyết tật
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch - Đoàn luật sư TP.HCM - cho biết trong nhiều thủ tục hành chính tại các cơ quan công quyền, nơi công cộng đều có quy định ưu tiên đối với người khuyết tật. Chẳng hạn như cơ quan công chứng thì cán bộ, công chứng viên phải xuống tận cổng trụ sở để tiếp nhận, làm thủ tục cho người khuyết tật, thậm chí đến tận nhà để công chứng nếu người khuyết tật có yêu cầu.
Việc TAND quận 4 để cho người khuyết tật phải bò lên cầu thang đến phòng thụ lý (trên lầu) là điều không thể chấp nhận được về mặt đạo đức, đó là chưa nói vi phạm các quy định của pháp luật đối với quyền của người khuyết tật.
Luật sư Nguyễn Minh Thuận, Đoàn luật sư TP.HCM, cũng cho rằng cán bộ thụ lý án TAND quận 4 đã chưa làm hết trách nhiệm trong hướng dẫn thủ tục cho người dân.
Quy định về tố tụng dân sự phức tạp, nếu không nắm rõ người khởi kiện sẽ phải vất vả đi lại nhiều lần để bổ túc hồ sơ. Đáng lẽ cán bộ tòa án phải hướng dẫn đầy đủ ngay từ đầu, không thể để người khuyết tật đi lại nhiều lần rồi mới thông báo: “Không thuộc thẩm quyền của tòa”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận