29/11/2010 09:38 GMT+7

Quá thiếu chỗ luyện tập thể thao

HUY THỌ thực hiện
HUY THỌ thực hiện

TT - Chính trưởng đoàn thể thao VN thừa nhận rằng những VĐV tốt nhất tại Asiad 16 thuộc về chương trình mục tiêu quốc gia 10 năm trước (Tuổi Trẻ ngày 27-11). Và chúng tôi đã gặp lại tác giả của chương trình mục tiêu quốc gia dành cho thể thao - ông Lê Bửu - để trò chuyện về thể thao nước nhà sau thất bại ở Quảng Châu (Trung Quốc).

WclNcmUk.jpgPhóng to

Học sinh Trường Lý Thái Tổ (Q.8, TP.HCM) giờ ra chơi chỉ biết ra lan can đứng nhìn xuống đường. Đó là hình ảnh không quá cá biệt ở các thành phố lớn. Như vậy thì làm sao có nhiều mầm non cho thể thao? - Ảnh: Minh Đức

Asiad 16: “Thất bại phản ánh đúng trình độ thể thao VN”

Tôi vừa bước vào cửa nhà, ông Lê Bửu - nguyên tổng cục trưởng Tổng cục TDTT VN - đã cười lớn nói: “May mà đoàn thể thao VN thất bại!...”.

* Ô hay, sao lại là may?

- Thì cứ nghĩ đi, nếu trong 17 huy chương bạc đoạt được chỉ cần ba chiếc đổi thành màu vàng - một điều rất đỗi bình thường trong thể thao - thì có phải là hoàn thành chỉ tiêu. Mà đã hoàn thành chỉ tiêu thì cớ gì phải mổ xẻ, phân tích dù trên thực tế thể thao VN cần phải được mổ xẻ, phân tích ít nhất vài năm trước chứ không đợi đến bây giờ.

* Trước tiên xin đi vào cụ thể, ông cảm nhận thế nào về thành tích của thể thao VN tại Quảng Châu 2010?

- Dĩ nhiên, tôi cũng như mọi người VN khác không tránh khỏi cảm giác buồn khi chúng ta cử đi một đoàn đông nhất từ xưa đến nay, nhưng chỉ có một HCV và trong bảng xếp hạng đã rơi xuống đến vị trí 24. Nhưng theo tôi có mấy cái được. Đầu tiên là được ở môn điền kinh, thứ hai là ở các môn võ. Dù chúng ta không đoạt được những HCV mong ước, nhưng các VĐV đều thể hiện được tinh thần chiến đấu đến cùng.

zmX1rKZP.jpgPhóng to

"Từ học sinh đến người dân quá thiếu chỗ tập luyện mà đòi thể thao phát triển mạnh mẽ thì quả là đánh đố nhau"

PGS.TS Lê Bửu

* Thưa ông, nhân nói về thành công của môn điền kinh, liệu đã đến lúc phải xem lại chính sách “đi tắt, đón đầu”, khi mà trong 11 môn có huy chương tại Asiad 16 chỉ có năm môn trong hệ thống Olympic?

- Suốt cuộc đời làm thể thao của mình, tôi chưa bao giờ ủng hộ quan điểm đó. Tôi cho rằng đó là cách làm chạy đua theo thành tích. Theo quan điểm của tôi, thể thao phải là thực chất.

* Trước Asiad 16, người ta đã buộc cả nữ võ sĩ karatedo Nguyễn Hoàng Ngân từng nhiều lần vô địch thế giới thi đấu lấy HCV giải ĐH TDTT toàn quốc. Vì vậy đã góp phần làm Ngân quá tải, dẫn đến chấn thương phải vắng mặt tại Asiad 16. Phải chăng đó là bệnh hám thành tích?

- Chính xác. Nhiều người làm thể thao đã mắc bệnh mê đếm huy chương!

* Đã có người đòi hỏi lãnh đạo ngành thể thao hiện nay phải từ chức, giống như chuyện đoàn Nga thất bại tại Olympic mùa đông và chủ tịch Ủy ban Olympic nước này phải từ chức theo gợi ý của Tổng thống Medvedev. Ông nghĩ sao?

- Nói thế thì tội cho mấy anh lãnh đạo trẻ của Tổng cục TDTT hiện nay. Nên nhớ thành tích trong thể thao không phải là chuyện một sớm một chiều. Hôm nay nếu có kết quả tốt thì chẳng phải nhờ lãnh đạo hiện nay làm tốt, bởi lực lượng phải được chuẩn bị cả chục năm trước. Tương tự, thất bại hôm nay là do chục năm trước mà thôi.

* Vâng, chính ông Lê Quý Phượng - trưởng đoàn thể thao VN dự Asiad 16 - khi trả lời Tuổi Trẻ đã nhìn nhận rằng những VĐV tốt nhất hiện nay là của chương trình mục tiêu quốc gia cách đây chục năm. Lứa VĐV này đã bắt đầu lớn tuổi nhưng lực lượng kế thừa chưa có. Là tác giả của chương trình mục tiêu quốc gia, ông có thể cho biết vì sao hiện nay không còn chương trình này?

- Tôi được Chính phủ điều động làm tổng cục trưởng Tổng cục TDTT vào năm 1992. Ngay từ khi ấy chúng ta đã nghĩ đến chuyện phải đăng cai SEA Games. Chuyện làm chủ nhà SEA Games không chỉ lo lắng về cơ sở vật chất phải đáp ứng được công tác tổ chức, mà còn phải chuẩn bị lực lượng sao cho xứng đáng với vai trò chủ nhà.

Và đó là lý do ra đời của chương trình mục tiêu quốc gia dành cho thể thao kéo dài từ năm 1994-2000. Còn sau đó vì sao chương trình này không tiếp tục thì tôi không biết. Tôi cho rằng muốn có thành tích tốt trong thể thao, việc đào tạo phải có quy hoạch, ví dụ chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 1994-2000 là phục vụ SEA Games 2003, sau đó chương trình gì, phục vụ đại hội nào... đều phải có kế hoạch rõ ràng. Tiếc là bây giờ chúng ta không thấy gì cả!

* Và đó là mấu chốt của vấn đề cần mổ xẻ hậu Asiad 16?

- Không. Theo tôi, chuyện lớn nhất là vấn đề sân bãi cho thể thao học đường. Muốn có được hạt giống tốt cho thể thao đỉnh cao thì nhặt từ đâu? Với các nước tiên tiến, nguồn nhân lực cung cấp cho thể thao đỉnh cao chính là nhà trường.

Nhưng chúng ta hãy xem thực trạng sân chơi thể thao trong các trường học hiện nay ra sao? (Ông vừa nói đến đây thì chỉ tay vào hai cô bé cháu ngoại của mình đang chơi nhảy lò cò ngay trong phòng khách gia đình, nơi ông dùng băng keo dán trên nền gạch bông để đánh dấu chỗ chơi lò cò cho cháu!). Đấy, hai đứa này học Trường Nguyễn Thái Sơn (Q.3, TP.HCM), một trường không đến nỗi nào ở TP.HCM, nhưng cũng không lấy đâu ra sân chơi thể thao cho học sinh.

Tôi nhớ dịp tết năm 1995, khi đến chúc tết thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi có nói rằng: “Anh luôn nói sức khỏe là mùa xuân của cuộc đời. Nhưng bây giờ đất đai bán hết, lấy đâu ra chỗ cho người ta tập thể thao cho có sức khỏe?”. Ngay lập tức chỉ vài tháng sau thôi, vào ngày 27-4-1996 đã có ngay chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đai phục vụ sự nghiệp TDTT.

Trong đó có nêu rõ bình quân mỗi học sinh phải có 4m2, mỗi người dân phải có 2m2 cho hoạt động tập luyện thể thao. Con số ấy không phải tự dưng mà có, mà do chúng tôi tham khảo ở các nước; dù còn rất thấp so với châu Âu đến 9m2/người, nhưng bằng các nước trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc...

Còn chúng ta hiện nay trường thì học sinh không có chỗ chơi, các cơ sở thể thao thì đang bị cắt xén, mất dần. Theo ước tính của tôi, tình hình đất đai dành cho thể thao tính bình quân theo đầu người chỉ đạt khoảng 2/10 so với yêu cầu của chỉ thị 274! Từ học sinh đến người dân quá thiếu chỗ tập luyện mà đòi thể thao phát triển mạnh mẽ thì quả là đánh đố nhau.

* Vừa qua, một số cựu quan chức ngành thể thao đã phát biểu trên truyền hình cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thể thao yếu kém như hiện nay là do sáp nhập ngành thể thao vào chung với văn hóa - du lịch? Ông nghĩ thế nào về chuyện này?

- Tôi cho rằng mọi người có lý khi nói ra nguyên nhân đó. Chúng ta hãy nhớ rằng vào đầu thập niên 1990 đã sáp nhập thể thao vào Bộ Văn hóa - thông tin - thể thao và du lịch, nhưng chỉ kéo dài hai năm rưỡi rồi phải tách ra vì không hiệu quả. Nay một lần nữa thể thao lại được sáp nhập. Tôi cho rằng với một ngành liên quan đến toàn dân (ai chẳng cần đến sức khỏe) mà không được độc lập thì quả là hơi “ép”! Chưa kể thể thao là một ngành có tính đặc thù chuyên môn rất cao, nên nếu không am hiểu sâu sắc thì khó quản lý tốt được.

* Nhưng thưa ông, nhiều nước người ta vẫn sáp nhập đấy thôi, ví dụ như Singapore, Thái Lan, Trung Quốc...?

- Hoàn cảnh của chúng ta khác với các nước. Họ có ủy ban Olympic mạnh, có hệ thống các liên đoàn thể thao hoạt động mạnh mẽ, hiệu quả. Còn chúng ta thực chất các liên đoàn hiện nay như thế nào thì mọi người đã biết. Thể thao VN hiện tại vẫn dựa vào Nhà nước là chính nên chưa thể học theo các nước được.

* Nói đến chuyện yếu kém của các liên đoàn, vừa qua chúng tôi nghe nhiều tâm sự rằng Tổng cục TDTT, thậm chí cả Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cũng không có quyền. Cụ thể, có liên đoàn rất yếu kém cần phải được chấn chỉnh, nhưng khi tổ chức đại hội nhiệm kỳ mới vẫn không thay đổi, lãnh đạo Tổng cục TDTT và cả Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đều muốn tạm dừng để làm lại nhưng không được vì “Bộ Nội vụ đã quyết”. Ông nghĩ thế nào về chuyện này?

- Tôi có biết chuyện đó. Và tôi nghĩ Chính phủ nên có sự thay đổi trong vấn đề này. Chuyện tổ chức, quản lý các liên đoàn thể thao trong nước nên giao hẳn cho Tổng cục TDTT.

* Xem ra chuyện chấn chỉnh cho thể thao VN đi đúng hướng không phải là điều đơn giản?

- Đương nhiên, không dễ một chút nào đâu. Vì vậy tôi trông chờ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực này thời gian tới.

TP.HCM điều tra hiện trạng cơ sở vật chất cho thể thao

Ông Lê Bửu nói: “Tôi rất mừng khi lãnh đạo TP.HCM vừa đồng ý triển khai đề tài “Điều tra hiện trạng cơ sở vật chất dành cho TDTT” do tôi làm chủ nhiệm. Bởi có điều tra mới biết được tình hình thực hiện chỉ thị 274 đang ở mức nào, thiếu thốn ra sao, từ đó mới có định hướng, đầu tư đúng đắn. Trước mắt, chúng tôi đang thực hiện điều tra thí điểm ở quận 1. Qua những thông tin ban đầu, tôi mới thấy đất thể thao dành cho học sinh chỉ vào khoảng 2/10 so với yêu cầu của chỉ thị 274”.

HUY THỌ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên