24/11/2010 08:07 GMT+7

Tái cơ cấu để Vinashin phục hồi và phát triển

LÊ KIÊN - CẦM VĂN KÌNH
LÊ KIÊN - CẦM VĂN KÌNH

TT - Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định như trên trong phần giải trình về vấn đề Vinashin trước Quốc hội chiều 23-11.

dru94K27.jpgPhóng to
Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng - Ảnh: Việt Dũng

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định đến thời điểm này, “tư tưởng của toàn bộ công nhân Vinashin đã ổn định từ trên xuống dưới”. Ông cho biết: hiện Ủy ban Kiểm tra trung ương đang tiếp tục làm rõ trách nhiệm của Thủ tướng, các phó thủ tướng, các bộ trưởng trong vụ việc ở Vinashin và kết quả kiểm điểm trách nhiệm sẽ công bố trước công luận.

“Chúng ta sẽ thành công”

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói như vậy khi kết thúc phần giải trình. Theo ông, VN phát triển ngành công nghiệp đóng tàu là phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển và Vinashin đã phát triển nhanh chóng về quy mô trong giai đoạn 2005-2006 - là thời kỳ hoàng kim của ngành hàng hải và ngành đóng tàu, nhưng “không ngờ rằng đến năm 2008-2009 Vinashin lâm vào tình trạng phá sản”.

“Khi Vinashin lâm vào tình trạng phá sản và chúng ta chọn phương án tái cơ cấu, đây là thời điểm hết sức khó khăn. Nhưng nếu không tái cơ cấu thì có nghĩa là cơ bản cơ sở vật chất đó trở thành đống sắt vụn, còn nếu tái cơ cấu thì nó sẽ phục hồi, phát triển và tự trả được nợ” - ông Hùng nói. Sau nửa năm tái cơ cấu và đặc biệt là ba tháng gần đây - theo Phó thủ tướng - các hợp đồng được hồi phục và công nhân đã có việc làm trở lại với thu nhập từ 2,8 triệu đồng/tháng trở lên.

“Năm nay sẽ đóng được 66 con tàu, doanh thu khoảng 600 triệu USD, cộng với thu từ công nghiệp phụ trợ nữa là có doanh thu khoảng 14.000 tỉ đồng. Sang năm có thể ký thêm được 110 hợp đồng đóng tàu. Tất cả 26 con tàu chuyển sang Vinalines thì 23 con đã hoạt động, có thể thu được 1.400 tỉ đồng trong năm nay. Còn lại ba tàu nữa, một con đã tháo dỡ và bán một phần rồi, một con sẽ sửa chữa được, còn tàu Hoa Sen đang cho thuê mỗi năm thu được khoảng 4 triệu USD vì nếu bán bây giờ sẽ lỗ nặng” - ông Hùng sơ bộ tình hình.

Về khả năng trả nợ, Phó thủ tướng nói: “Sản xuất kinh doanh phục hồi, đóng được tàu, tàu bán được thì có tiền trả nợ, trả nợ ngắn hạn, trả nợ dài hạn... Còn lại khoảng 20% các công ty phải tái cơ cấu bằng nhiều phương pháp, hoặc là cổ phần hóa, hoặc là bán, hoặc là bán nợ, hoặc là cho thuê để thu hồi vốn nhưng không bán đổ bán tháo. Tôi tin là có khoản sẽ mất, có khoản sẽ có lời nhưng về tổng thể là có lời. Nếu thị trường vận tải biển phục hồi, giá vận tải tăng lên, giá đóng tàu tăng lên thì phục hồi nhanh. Nếu chúng ta quản trị tốt và làm ăn có hiệu quả thì trước mắt năm nay lỗ, năm sau lỗ ít, năm 2012 có thể giảm lỗ và không lỗ nữa, năm 2013 có thể có lãi. Như vậy Vinashin có khả năng trả nợ. Con số 104.000 tỉ đồng tài sản và 86.000 tỉ đồng nợ thì đường đi của nó là như thế”.

Đối với những sai phạm và trách nhiệm trước vụ việc Vinashin, ông Hùng nêu rõ người làm trái, vi phạm sẽ phải xử lý theo quy định của pháp luật, cơ quan điều tra đang làm.

Sẽ xem lại cơ chế quản lý tập đoàn

Trước đó, trả lời các chất vấn về vụ Vinashin nợ 86.000 tỉ đồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho biết trước năm 2007 Vinashin hoạt động vẫn hiệu quả, ký được hợp đồng đến 12 tỉ USD. Hai bộ trưởng đều dẫn các quy định pháp luật, khẳng định tập đoàn được tự chủ trong huy động vốn dưới hình thức phát hành trái phiếu và phải tự chịu trách nhiệm hoàn trả, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn.

Luật cũng khẳng định nhiều quyết định đầu tư tập đoàn không phải báo cáo với bộ chủ quản, bộ chức năng. Vì vậy trả lời việc đầu tư dàn trải của Vinashin, ông Ninh và ông Dũng cùng cho rằng “Bộ không phải là người duyệt phương án đầu tư nên quyết định cụ thể về đầu tư, vay vốn của doanh nghiệp không phải thẩm quyền của chúng tôi”.

Ông Ninh cho hay Bộ Tài chính đã phát hiện, lập biên bản yêu cầu thực hiện kiến nghị thanh tra nhưng “có việc Vinashin thực hiện, có việc chỉ thực hiện một phần, cũng có những việc chưa hoặc không thực hiện”. Nhận thấy đã làm đúng với Luật thanh tra, nhưng Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng khẳng định luật này có bất cập vì “phát hiện nhưng không thể buộc doanh nghiệp phải thực thi kiến nghị. Chúng tôi đang nghiên cứu để kiến nghị bổ sung”.

Sáng nay, Thủ tướng trả lời chất vấn

Theo chương trình làm việc của Quốc hội, sáng nay (24-11) Quốc hội sẽ nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng làm rõ thêm một số vấn đề trong các phiên chất vấn bốn bộ trưởng hai ngày qua, đồng thời Thủ tướng sẽ trực tiếp trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Trước đó, theo tổng hợp của đoàn thư ký kỳ họp, đã có gần 30 câu hỏi chất vấn Thủ tướng. Phiên chất vấn sẽ được truyền hình và phát thanh trực tiếp, bắt đầu từ 8g.

Về phiên chất vấn, trả lời chất vấn hôm 23-11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhận định các bộ trưởng nắm được rất kỹ, chắc và trả lời các câu hỏi cặn kẽ, tỉ mỉ, chu đáo “nhưng Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trả lời hơi dài”. Ông đánh giá “Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng trả lời rất chân thành”. Riêng về phần của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khi giãi bày kế hoạch phục hồi Vinashin, ông Trọng nói “nếu được làm như vậy thì rất tốt”.

Nói chung về việc điều hành của các bộ trưởng, ông bày tỏ: đương nhiên Quốc hội cũng như nhân dân hết sức chia sẻ, thông cảm những khó khăn chung của cả nước cũng như của các ngành.

K.H. - V.V.T.

______________________

EJWSJwVu.jpgPhóng to
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh - Ảnh: V.Dũng

Bộ trưởng bộ Tài chính Vũ Văn Ninh:

Vẫn giữ quỹ bình ổn xăng dầu

Giải thích chất vấn của đại biểu về giá cả trong nước tăng cao trong khi các nước Thái Lan, Trung Quốc... cũng hội nhập nhưng giá không tăng cao như VN, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng tại VN còn có đặc thù do có tác động thiên tai, dịch bệnh, vấn đề lãi suất, tỉ giá... và bản thân VN có một số mặt hàng chưa theo giá thị trường, phải có lộ trình điều chỉnh.

Về quỹ bình ổn xăng dầu, đại biểu Vi Trọng Lễ (Phú Thọ) cho biết cử tri đề nghị bỏ quỹ vì dù giá tăng hay giảm, người dân vẫn phải đóng quỹ 300-500 đồng/lít. Ông Lễ hỏi quan điểm của bộ trưởng “khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định việc lập quỹ là sai pháp lệnh giá”. Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng pháp lệnh giá cho phép trong những trường hợp nhất định thì Chính phủ có những biện pháp để can thiệp vào thị trường hoặc Thủ tướng có quyền quyết định và công bố các biện pháp tài chính tiền tệ khi cần thiết để bình ổn giá thị trường.

Theo ông Ninh, các biện pháp cần thiết này “rất tổng hợp”, trong đó có biện pháp về các quỹ hành chính. Ông Ninh cho rằng nếu không có quỹ bình ổn thì giá xăng dầu hiện nay đã phải cao hơn hiện tại 1.500-2.200 đồng/lít và khẳng định “sẽ trình Thủ tướng, nếu cần thì kiến nghị sửa đổi pháp lệnh về giá chứ không đề cập việc bỏ quỹ bình ổn”.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu:

Giảm giá USD: phải chống nhập siêu

Được mời phát biểu về giá vàng, USD trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đưa nhiều con số chứng minh giá vàng tăng vừa qua do giá thế giới và công nhận có tình trạng đầu cơ. Ông Giàu cũng đưa thông tin chính thức phủ nhận thông tin VN đang giữ khoảng 1.000 tấn vàng, tương đương 45 tỉ USD. “Theo số liệu hải quan và Ngân hàng Nhà nước, trong 12 năm, từ 1998 đến nay VN nhập 339,8 tấn, xuất khẩu 268,8 tấn. Nghĩa là trong 12 năm qua số nhập hơn xuất chỉ 71 tấn”.

Để giữ tỉ giá VND trước USD, ông Giàu nhấn mạnh giải pháp khá dài hơi như phải giảm nhập siêu, xem lại chính sách tài khóa, tiền tệ, phát triển công nghiệp phụ trợ...

Cầm Văn Kình

_____________________

dmApuGNE.jpgPhóng to
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng - Ảnh: V.Dũng

Bộ trưởng bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng:

QH cho mới làm đường sắt cao tốc

Các đại biểu Quốc hội (QH) Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Dương Trung Quốc (Đồng Nai), Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) chất vấn về tính pháp lý và hợp lý của dự án đường sắt cao tốc khi QH chưa đồng ý chủ trương đầu tư mà Chính phủ vẫn tiếp tục khởi động.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng trả lời: “Vì QH chưa thông qua chủ trương đầu tư nên Bộ Giao thông vận tải chưa tiến hành đầu tư. Nhưng Bộ Giao thông vận tải được sự chỉ đạo của Thủ tướng có tiếp tục nghiên cứu dự án này dưới dạng báo cáo khả thi. Nghiên cứu này nhằm đáp ứng yêu cầu mà nhiều đại biểu QH nêu lên về công nghệ, môi trường, hiệu quả dự án, huy động vốn, sức chịu đựng vốn, sức chịu đựng của nền kinh tế đối với dự án... Còn quyết định đầu tư như thế nào thì Chính phủ sẽ có báo cáo với QH vào thời điểm thích hợp và QH quyết định” - ông Dũng giải trình.

Đại biểu Phạm Phương Thảo (TP.HCM) chất vấn về việc đã có 42 “hố tử thần” xuất hiện ở đường phố TP.HCM từ tháng 7 đến nay. Trong nhiều nguyên nhân thì có việc quản lý nhà nước chồng chéo, phối hợp chưa tốt và xử lý chưa nghiêm sai phạm. “Xin hỏi bộ trưởng có ý kiến gì về việc xử lý vấn đề này? Có nên có một nhạc trưởng xử lý vấn đề này trong một đô thị?” - bà Thảo chất vấn.

Bộ trưởng Dũng sau khi phân tích các nguyên nhân gây ra “hố tử thần” thì bày tỏ: “Hiện nay Bộ GTVT không làm chủ đầu tư bất cứ công trình nào trong nội ô TP.HCM mà hoàn toàn do TP.HCM làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư và đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo tính an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông. Vấn đề quản lý chồng chéo đại biểu nêu là chính xác”.

Theo ông, hiện nay quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng đô thị (công trình ngầm, vỉa hè, cấp thoát nước...) thuộc trách nhiệm của Bộ Xây dựng, còn Bộ Giao thông vận tải quản phần đầu tư xây dựng và quản lý kết cấu hạ tầng đường đô thị. “Trước đây có sở giao thông công chính thì hai nhiệm vụ này ở chung một sở, sự chồng chéo không xảy ra. Còn từ khi tách ra thì có tình trạng chồng chéo đó. Chúng tôi đang bàn với Bộ Xây dựng xem xử lý vấn đề này thế nào, rồi xin phép Chính phủ xem xử lý cho rõ ràng hơn”.

LÊ KIÊN - CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên