Phóng to |
Cống kiểm soát triều Bình Triệu kiểm soát triều cường ra vào nội thành TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng |
Trao đổi về dự án này, ông Nguyễn Ngọc Công, phó giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, cho biết thêm: Dự án trên giống như mô hình cống kiểm soát triều Bình Triệu nhưng được làm tại các cửa sông lớn, liên thông với các cống là hệ thống đê bao ở những đoạn có cao trình thấp. Các cống có thể đóng mở tự động nhằm chủ động kiểm soát triều cường bên ngoài và lượng nước trong kênh rạch nội thành TP.HCM.
Phóng to * Thưa ông, đến nay quy mô của dự án như thế nào? Tiến độ thực hiện tới đâu?
- Theo quyết định 1547 của Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM sẽ xây 12 cống kiểm soát triều tại các cửa sông như: Phú Xuân, Mương Chuối, sông Kinh, Kinh Lộ, Thủ Bộ, kênh Hàng, Rạch Tra, Vàm Thuật, Bến Nghé, Tân Thuận, Bến Lức, kênh Sáng Lớn. Kết nối các cống này là tuyến đê bao dài 172km (cao trình từ +2 đến +3m) từ Bến Súc (Củ Chi, TP.HCM) dọc theo sông Sài Gòn đến kênh Thủ Bộ (tỉnh Long An). Mục tiêu của quyết định 1547 là sau năm 2012 các công trình trên sẽ được vận hành phát huy hiệu quả chống ngập.
Đến nay đã có các cống như Vàm Thuật, sông Kinh, Tân Thuận đang trình phê duyệt dự án đầu tư, nếu thủ tục suôn sẻ có thể khởi công trong năm 2011. Các cống khác, hạng mục xây dựng đê bao cũng sẽ được trình phê duyệt dự án trong năm nay.
* Tại hội thảo do Hội Thủy lợi TP tổ chức mới đây, có nhà khoa học đã cảnh báo rằng việc xây dựng cống trên các cửa sông sẽ ảnh hưởng đến giao thông thủy, mức độ ảnh hưởng ra sao?
- Để giải quyết bài toán ngập nước thì phải xây dựng hệ thống cống như trên và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giao thông thủy. Tuy nhiên, ảnh hưởng không đến nỗi nghiêm trọng. Bởi theo thiết kế có đến năm cống có lắp đặt hệ thống âu thuyền tại các cống như: Rạch Tra, Tân Thuận, Mương Chuối, Bến Lức và Thủ Bộ. Hệ thống âu thuyền này giúp tàu thuyền ra vào cống trong khoảng 5-10 phút, giống như các phương tiện đường bộ dừng chờ đèn đỏ.
Ngoài việc xây dựng 12 cống lớn theo quyết định 1547, UBND TP sẽ xây dựng cống kiểm soát triều tại Nhiêu Lộc - Thị Nghè, giúp toàn bộ hệ thống kiểm soát triều đồng bộ. Cống này giúp kiểm soát triều cho lưu vực rộng 3.393ha thuộc một phần các quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình. Quy mô công trình dài 58m, từ đường Phú Mỹ (Bình Thạnh) băng ngang nhánh sông Sài Gòn nối cảng Ba Son (Q.1) và được trang bị máy bơm 172.800m3/giờ.
Hơn nữa thông thường từ tháng 9 hằng năm trở đi, TP.HCM mới bắt đầu xuất hiện những đợt triều cường lớn trên 1,3m, chỉ trong thời gian này các cống kiểm soát triều mới hoạt động.
Mặt khác, trong ngày thì đỉnh triều cường thường xảy ra khoảng 1-2 giờ (hai đợt), như vậy thời gian đóng cống trên các cửa sông không quá lâu. Nên việc ảnh hưởng đến giao thông thủy không đáng quan ngại.
* Cống kiểm soát triều Bình Triệu hoạt động đã phát huy hiệu quả chống ngập nhưng cũng phát sinh ô nhiễm môi trường, liệu những cống lớn được triển khai sắp tới có tái diễn tình trạng này?
- Đúng là một số rạch phía trong trạm kiểm soát triều Bình Triệu bị ô nhiễm. Tuy nhiên đổ thừa do xây trạm kiểm soát triều gây ra là chưa đúng, nguyên nhân chủ yếu là do vệ sinh kênh rạch không tốt, dòng chảy không thông thoáng. Ví như đoạn giữa rạch Lăng bị bồi lắng, lấn chiếm... Do đó khi mở cống kiểm soát nước không chảy ra hết, ứ đọng, phát sinh ô nhiễm. Vấn đề này Thành ủy, UBND TP.HCM cũng đã thấy và chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp các quận huyện xác định chỉ giới đường sông để làm cơ sở giải tỏa những hộ dân lấn chiếm, nằm trong chỉ giới này.
Khi sông rạch được giải tỏa thông thoáng sẽ tiến hành nạo vét với cao trình đáy - 4m đến -10m để gia tăng dung lượng chứa nước và dòng chảy thông thoáng, giải quyết vấn đề ô nhiễm. Vấn đề nằm ở chỗ liệu khi xây dựng xong các cống kiểm soát triều thì việc giải tỏa các trường hợp lấn chiếm đã xong chưa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận