15/11/2010 01:12 GMT+7

Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng: Hơn 300 công nhân mất việc làm

Đ.CƯỜNG - V.HÙNG
Đ.CƯỜNG - V.HÙNG

TT - Sáng 12-11, hàng chục lao động làm việc tại Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng (thuộc Tập đoàn Vinashin) bức xúc phản ảnh về việc họ bị mất việc làm thường xuyên.

Công nhân H.V.H. cho biết từ cuối năm 2008 đến nay, nhà máy thường xuyên không có việc làm khiến hơn 300 lao động thất nghiệp, không có lương. Nhiều công nhân phải tự tìm việc để kiếm sống.

Đến tháng 5-2010, nhà máy thông báo hoãn hợp đồng lao động và tạm ngưng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ tháng 7-2010. Công nhân N.T.H. kể trong khi người lao động đang đợi được hưởng trợ cấp thì nghe thông báo trên khiến ai cũng hoang mang.

Ngoài ra, nhà máy còn thông báo yêu cầu công nhân lựa chọn: xin nghỉ việc hoặc chuyển ra tỉnh Quảng Trị làm việc tại Nhà máy đóng tàu Cửa Việt. Rơi vào tình thế này, đa số công nhân không muốn lựa chọn cách nào cả vì họ muốn có việc làm nhưng ra Quảng Trị làm thì xa gia đình.

Đó là chưa kể họ còn lo ra Quảng Trị cũng sẽ không có việc làm vì dự án Nhà máy đóng tàu Cửa Việt ở Quảng Trị vẫn chưa được triển khai. Các công nhân còn phản ảnh trước đây khi nhà máy di dời địa điểm phải ngưng sản xuất kinh doanh, UBND TP Đà Nẵng có hỗ trợ hơn 3,2 tỉ đồng cho 431 công nhân nhưng đến nay công nhân vẫn chưa nhận được đồng nào.

Ông Trần Xuân Hòa, trưởng phòng tổ chức lao động tiền lương Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng, thừa nhận công nhân không có việc làm và không có lương trong thời gian dài. Theo ông Hòa, năm 2008 UBND TP Đà Nẵng có công văn yêu cầu thu hồi gần 50ha mặt bằng của nhà máy để chuyển mục đích sử dụng, không cho xây dựng công trình nào trên đất. Từ đầu năm 2009, hoạt động nhà máy hết sức khó khăn, các công trình đầu tư dang dở, sản xuất kinh doanh đình trệ, hợp đồng không ký được, công nhân thiếu việc làm, tài chính không đảm bảo, không đủ trả lương, đóng BHXH cho người lao động.

Đến tháng 12-2009, nhà máy cho một số cán bộ, nhân viên nghỉ ba tháng không lương. Sau đó, có thời gian nhà máy không có tiền trả lương cho công nhân từ 4-5 tháng. Đến tháng 5-2010, lãnh đạo nhà máy có chủ trương hoãn hợp đồng lao động với 277 công nhân, cho hưởng 70% lương đối với người làm việc tại nhà máy từ 24 năm trở lên và được đóng BHXH đến tháng 8-2010. Hiện nhà máy còn nợ BHXH trên 430 triệu đồng.

Đối với hơn 300 công nhân bị mất việc làm, ông Hòa cho biết có ba phương án: 1. Tạo điều kiện thuận lợi cho anh em tiếp tục làm việc ở Quảng Trị. 2. Công nhân tự xin thuyên chuyển công tác, nghỉ việc và hưởng trợ cấp theo chế độ nhà nước. 3. Nếu nhà máy làm thủ tục giải thể, giải quyết chế độ nghỉ việc cho cán bộ, công nhân theo nghị định 110 với kinh phí 8,2 tỉ đồng từ quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp hoặc nguồn doanh nghiệp chi trả 3,4 tỉ đồng. Nhà máy đã trình các phương án này lên Tập đoàn Vinashin nhưng chưa được trả lời.

Về số tiền 3,2 tỉ đồng mà UBND TP Đà Nẵng hỗ trợ cho 431 người lao động nhưng họ chưa được nhận, ông Hòa cho biết số tiền này nhà máy đã dùng để trả khoản nợ mà trước đó nhà máy đã vay để trả lương và đóng BHXH cho cán bộ, công nhân nên công nhân không được nhận nữa.

Đ.CƯỜNG - V.HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên