08/11/2010 15:02 GMT+7

Lũ ngày càng dữ

NGUYỄN CÔNG THÀNH
NGUYỄN CÔNG THÀNH

TTO - Đi trên đường Hồ Chí Minh, đoạn từ ngã ba Cam Lộ (Quảng Trị) đến sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh), một bên là dãy Trường Sơn nhiều ngọn núi nay đã trở thành đồi trọc, một bên có đoạn có thể nhìn thẳng tắp ra biển xanh ngút mắt, thấy cả sóng biển, không còn một hàng cây che chắn, làm bình phong.

xszn7mhX.jpgPhóng to
Nhiều nhà dân ở xã Hòa Thành (Đông Hòa, Phú Yên) bị ngập sâu do lũ - Ảnh: Nguyễn An Bang

Nhớ lại, trong cơn lũ lịch sử tháng 11-1999 ở Huế, khi đoàn cứu trợ của Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn Thừa Thiên - Huế đến cứu trợ đồng bào ở huyện Hương Trà, một vị lão nông dẫn chúng tôi ra quốc lộ 1A - tạm coi là ranh giới giữa núi đồi và miền duyên hải của miền Trung.

Chỉ tay lên núi nay hầu như là những quả đồi trọc, ông nói: "Trên núi trước kia là rừng. Sau cơn mưa lớn, mỗi cây rừng giữ lại một mét khối nước từ lá, cành, nhánh cho đến thân cây rồi thấm dần theo rễ xuống đất, từ đó theo mạch ra khe, ra suối.

Học người Nhật cách ngăn lũ

Bây giờ trên núi là đồi trọc, là nương rẫy của đồng bào dân tộc nên khi mưa xuống không còn cây gì giữ lại nước, nước lũ đổ xuống làng mạc thì không còn các lũy tre làng che chắn. Các hàng rào bằng cây dâm bụt cũng đã bị phá bỏ thay thế bằng các bức tường gạch, tạo thành dòng chảy làm lũ dâng cao, rồi những bức tường không chịu đựng nổi áp lực của nước nên bị vỡ tung làm dòng lũ đang chảy xiết tăng thêm sức mạnh tàn phá, cuốn trôi mọi thứ ra sông ra biển. Lũ ngày càng dữ là vậy!”.

Quay ra hướng biển, ông nói: "Ngày trước, bên ngoài bờ biển là rừng ngập mặn tự nhiên, cành lá các loài cây ngập mặn dập dờn trong nước biển, làm dịu bớt tính hung hăng của những đợt sóng to. Khi sóng biển vượt lên bờ liền bị các hàng dương (rặng phi lao) phòng hộ che chắn như tấm bình phòng ngăn chặn, rồi tiếp tục bị các lũy tre làng chặn đứng trước khi nước biển tràn vào các làng mạc và dịu hẳn khi tràn vào nhà dân. Nhưng giờ sóng biển dâng cao và đánh thẳng vào nhà dân vì không còn một loại cây gì để che chắn”.

Câu chuyện của vị lão nông vẫn cứ theo tôi từ cơn lũ lịch sử ở Huế vào cuối năm 1999 đến nay.

Trong khi chương trình trồng cây gây rừng, phủ xanh đồi trọc, khôi phục rừng ngập mặn của quốc gia và một số địa phương chưa kịp phát huy hiệu quả thì việc phá rừng ngày càng ác liệt và tinh vi. Những vạt rừng nguyên sinh dọc theo dãy Trường Sơn ngày càng cạn kiệt. Đường Hồ Chí Minh và những trục đường xương cá được chính phủ đầu tư mở ra để phát triển kinh tế xã hội khu vực miền Trung và Tây nguyên nay đã bị lâm tặc lợi dụng để tàn sát rừng, vận chuyển gỗ lậu nhanh hơn.

Còn ngoài biển, rừng ngập mặn tự nhiên bị tàn phá đến cạn kiệt để lấy đất làm đầm nuôi tôm, rừng dương phòng hộ (những rặng phi lao) nằm dọc tuyến biển bị chặt phá, băm nát cũng để lấy đất làm đầm nuôi tôm hoặc bị đào bới khai thác cát đen. Lũ ngày càng dữ là từ đây!

NGUYỄN CÔNG THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên