07/11/2010 09:11 GMT+7

Bổ sung thiết kế an toàn cho hồ bùn đỏ

NGUYỄN TRIỀU
NGUYỄN TRIỀU

TT - Báo cáo với đoàn công tác của Quốc hội sáng 6-11, chủ đầu tư và nhà thầu công trình xây dựng tổ hợp bôxit - nhôm Tân Rai, Lâm Đồng cho biết đã thống nhất bổ sung thiết kế an toàn cho hồ chứa bùn đỏ sau khi xảy ra sự cố tại Hungary. Đồng thời, lần đầu tiên chủ đầu tư cung cấp nhiều thông tin về dự án này.

eqSF4NXW.jpgPhóng to
Đoàn kiểm tra của Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường Quốc hội kiểm tra đập chắn số 10 tại Nhà máy alumin Tân Rai sáng 6-11 - Ảnh: T.T.D.

Sáng 6-11, đoàn công tác của Quốc hội và Chính phủ do GS.TSKH Đặng Vũ Minh - chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội - dẫn đầu đã dành khá nhiều thời gian để thị sát khu vực xây dựng hồ bùn đỏ, một trong những hạng mục quan trọng của dự án.

Tháp tùng đoàn công tác, phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận hiện toàn bộ công trường đang bước vào giai đoạn thi công nước rút. Theo Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV, chủ đầu tư), hiện một số hạng mục chính như nhà máy alumin, nhà máy nhiệt điện, trạm khí hóa than đã hoàn thành.

Tháng 4-2011 sẽ có alumin thương phẩm

Đại diện TKV cho biết đến cuối tháng 10-2010, khoảng 90% tổng khối lượng thiết bị cho dự án đã nhập khẩu và tập kết tại công trường trị giá khoảng 240 triệu USD.

Theo đánh giá của TKV, tiến độ xây dựng của gói thầu EPC nhà máy alumin cơ bản đáp ứng hợp đồng, trong khi tiến độ lắp đặt thiết bị chậm hơn dự kiến. Công trình thi công đảm bảo chất lượng theo thiết kế, vật tư nhập về được kiểm tra, nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng. Đội ngũ tư vấn giám sát có mặt thường xuyên trên công trường và thực hiện nghiêm túc công tác giám sát, kiểm tra, nghiệm thu trước khi chuyển giai đoạn thi công.

Trong khi đó, tiến độ thực hiện gói thầu EPC Nhà máy tuyển quặng bôxit Tân Rai chậm hơn dự kiến mà nguyên nhân chính là do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chậm, mưa nhiều khiến đường vào công trường lầy lội, thời gian đầu nhà thầu chưa huy động đủ nhân lực và thiết bị thi công. Riêng hồ Cai Bảng cung cấp nước cho toàn bộ dự án đã hoàn thành, đóng cống dẫn dòng và tích nước từ cuối tháng 8-2010 với dung tích hồ chứa hiện nay khoảng 14 triệu m3.

Về tiến độ chung của dự án, TKV cho biết dự kiến cuối tháng 11 sẽ chạy thử nhà máy nhiệt điện và đến tháng 3-2011 sẽ chạy thử có tải toàn bộ nhà máy alumin. Song song đó, từ tháng 3-2011 cũng sẽ đưa vào chạy thử có tải dây chuyền tuyển quặng để đến tháng 4-2011 cho ra lò alumin thương phẩm.

R42aI8UR.jpgPhóng to
Toàn cảnh hồ chứa bùn đỏ Nhà máy alumin Tân Rai, Lâm Đồng - Ảnh: T.T.D.

“Nếu vỡ hồ, tôi sẵn sàng đi tù”

Phần lớn thời gian của buổi khảo sát được đoàn kiểm tra dành cho hạng mục vốn còn nhiều ý kiến băn khoăn là hồ chứa bùn đỏ. Chủ đầu tư đã đưa đoàn thị sát khu vực xây dựng hồ chứa giai đoạn 1 (hồ số 1) nằm tiếp giáp với nhà máy alumin.

Sẽ có lãi?

TS Nghiêm Vũ Khải, phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội, cho rằng phải tuân thủ nguyên tắc rằng nếu hồ bùn đỏ làm chưa xong thì không được phép vận hành nhà máy chế biến alumin. Ông Khải cũng đề nghị chủ đầu tư phải tính đúng tính đủ mọi chi phí để phân tích xem hiệu quả kinh tế tới đâu, vì đây là một dự án thí điểm nên mọi thứ phải được công khai, rõ ràng.

Ông Dương Văn Hòa cho biết đã tính hết các chi phí, thuế và kết quả cho thấy dự án vẫn có hiệu quả khoảng 12%. Theo ông Hòa, giá alumin trên thị trường thế giới hiện khoảng 340 USD/tấn, trong khi chỉ cần bán được giá 333 USD là đã hòa vốn.

Ông Nguyễn Thanh Liêm - trưởng ban nhôm và titan của TKV - cho biết hồ chứa này rộng 110ha, có dung tích chứa 8,35 triệu m3, chia thành tám khoang rộng 14-16ha, mỗi khoang chứa 0,6-1,6 triệu m3. Hồ chứa bùn đỏ được xây dựng, vận hành theo kiểu “cuốn chiếu”. Thoạt đầu, bùn đỏ được thải vào khoang đầu tiên và khoang kế tiếp sẽ có nhiệm vụ của một bể chứa dự phòng.

Khi chứa đầy bùn ở khoang thứ nhất mới chứa tuần tự vào các khoang tiếp theo và thời gian tích đầy bùn của các hồ từ hồ thứ hai trở đi đủ để tháo khô nước ở hồ trước đó, nên không có khả năng vỡ dây chuyền giữa các khoang. Chưa kể địa hình hồ chứa bùn đỏ được bao bọc xung quanh là những đồi bát úp và không có lưu vực bổ sung nên ngoài nước mưa, khả năng lũ tràn được loại trừ.

Để tránh chảy tràn giữa trong và ngoài hồ, xung quanh hồ chứa sẽ có hệ thống kênh chống tràn rộng 2m và sâu 2m. Mặt khác theo TKV, tuy hồ bùn đỏ nằm ở độ cao hơn 830m so với mặt nước biển nhưng khi mặt hồ chứa đầy bùn vẫn thấp hơn mặt bằng nhà máy hơn 2m và độ sâu lớp bùn trung bình chỉ 10-12m nên khả năng tràn hồ, vỡ đập rất khó xảy ra.

Tuy nhiên theo ông Liêm, sau sự cố hồ bùn đỏ ở Hungary, theo chỉ đạo của Bộ Tài nguyên - môi trường, chủ đầu tư và nhà thầu đã thống nhất bổ sung một đập phía hạ nguồn hồ bùn đỏ để bảo đảm nếu xảy ra sự cố thì bùn cũng không thể thoát ra ngoài. Ông Dương Văn Hòa, phó tổng giám đốc TKV, tuyên bố đầy tự tin: “Tôi xin khẳng định hồ bùn đỏ của ta đảm bảo an toàn. Chúng tôi đã nhận thức được đây là vấn đề nghiêm trọng nên sẽ phải làm nghiêm túc”.

Về chống thấm, báo cáo kết quả thẩm định thiết kế của Bộ Công thương cho biết hồ bùn đỏ được thiết kế gồm nhiều lớp: dưới cùng nền hồ là lớp á sét được lu lèn dày 250mm, bên trên lớp này là một lớp vải địa kỹ thuật, tiếp đó là lớp màng chống thấm HDPE có tuổi thọ 30 năm, rồi thêm một lớp vải địa kỹ thuật nữa trước khi trải lớp đáy hồ bằng cát thô dày 60cm với những ống thu hồi nước. Sau khi tích bùn đến cao trình đã định, mặt hồ sẽ được trải thêm một lớp chống thấm HDPE rồi mới lấp đất mặt và trồng cây bên trên để chống xói mòn.

Ông Trần Văn Trạch, kỹ sư luyện kim được Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang giới thiệu là một chuyên gia hàng đầu về alumin, cho biết từ năm 2001 ông đã cùng các chuyên gia nước ngoài khảo sát dự án Tân Rai. Theo ông Trạch, công nghệ thải ướt áp dụng cho bùn đỏ ở Tân Rai là công nghệ thải ướt tiên tiến và hiện đại hơn nhiều công nghệ sử dụng ở Hungary.

Bùn đỏ chỉ nguy hại ở chỗ lượng xút (NaOH) dư sau khi tuyển quặng, khi thải vào nguồn nước sẽ làm tăng độ pH của nước. Ưu điểm của công nghệ này là có thể thu hồi lượng lớn dung dịch xút tồn dư trong bùn, vừa giảm tác động xấu đến môi trường vừa tiết kiệm chi phí, đồng thời làm tăng độ cô đặc của bùn đỏ. “Bùn đỏ sau khi đông cứng sẽ không tan trở lại nên không lo thấm ra môi trường” - ông Trạch nói. Với tư cách một chuyên gia độc lập, ông Trạch cho rằng không cần phải lo xa chuyện vỡ đập. “Nếu cho phép đảm bảo với Quốc hội, tôi đảm bảo nếu vỡ hồ thì tôi sẵn sàng đi tù” - ông Trạch tuyên bố.

NGUYỄN TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên