04/11/2010 08:04 GMT+7

Quốc hội lo ngại chuyện thu chi

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 3-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về thực hiện dự toán ngân sách năm 2010, dự toán và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2011. Nhiều đại biểu tiếp tục nêu vấn đề nợ công, chi cho nông dân ít, hội họp quá nhiều...

fesza11Q.jpgPhóng to
Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) phát biểu trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Quốc hội - Ảnh: V.Dũng

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội), nhân dân đang rất bức xúc về việc chi cho lễ hội rất nhiều. Ông Đào cho rằng đã đến lúc phải tuyên bố từ nay về sau lễ hội phải được xã hội hóa một cách nghiêm túc để “nhân dân yên tâm” và đại biểu Quốc hội sẽ không phải nghi ngờ Chính phủ.

Chi mà không biết tiêu kiểu gì

Phân tích thêm về chi ngân sách, ông Đào băn khoăn: “Chúng ta chi nhưng không biết tiêu kiểu gì, chưa thấy tỉnh nào báo cáo đã tiêu kiểu gì khi được phân bổ ngân sách”. Theo ông Đào, “chúng ta chỉ nói về chi mà không bàn về tiêu, do vậy suốt ngày nói không hiệu quả. Không minh bạch nên hiện nay đại biểu Quốc hội ngồi đây không hiểu là qua vụ Vinashin thì Vinashin mất 86.000 tỉ đồng hay Nhà nước xuất 86.000 tỉ đồng”.

Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) khẳng định phân bổ, sử dụng ngân sách còn bất cập, quá nhiều đầu mối quản lý, dàn trải trong công tác giảm nghèo. Trong khi đó chi cho lĩnh vực hành chính, hội họp lại quá nhiều. “Chính phủ cần chỉ đạo giảm họp ở cả tỉnh và trung ương. Cán bộ địa phương đang rất sợ đi họp vì chi phí nhiều”.

Tăng cường đối thoại, tranh luận thẳng thắn

Không có đại biểu Quốc hội nào phát biểu nên chiều 3-11 Quốc hội đã nghỉ sớm ngay sau khi Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn đọc tờ trình về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011.

Theo tờ trình, hoạt động chất vấn ở Quốc hội tiếp tục được nâng cao về chất lượng, tăng cường tính đối thoại, tranh luận thẳng thắn, cầu thị, không né tránh trách nhiệm; đi sâu làm rõ thực chất những vấn đề lớn, bức xúc được dư luận xã hội và cử tri cả nước quan tâm. Việc tổ chức hoạt động giải trình (điều trần) tại ủy ban của Quốc hội đã được triển khai với hình thức đa dạng, đạt được kết quả bước đầu, khẳng định tính đúng đắn áp dụng phương thức “điều trần”.

Bà Trịnh Thị Nga (Phú Yên) đồng quan điểm khi cho rằng thất thoát ngân sách cần được đánh giá nghiêm túc. Theo bà Nga, các quy định về chi hiện chưa chặt chẽ, còn nhiều sơ hở. “Ví dụ quy định tiếp khách, trích thưởng lúc quá chặt, lúc quá lỏng. Đặc biệt chi hội nghị, tiếp khách, quy định hiện nay chi khá thoải mái, chỉ sợ không có nguồn để chi. Phú Yên nói phải chi thấp hơn mức chung, chứ theo quy định thì không đảm bảo”.

Nợ công đã đến 70% GDP?

Vấn đề nợ công vẫn được nhiều đại biểu lo ngại, quan tâm. Theo ông Nguyễn Minh Thuyết - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục, thanh thiếu niên, nhi đồng, báo cáo của Chính phủ nói nợ công đang ở mức 56,7% GDP nhưng theo tính toán của một chuyên gia kinh tế, nếu theo thông lệ quốc tế, tính cả nợ của ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước thì nợ công VN đã không dưới 70% GDP - vượt các chỉ tiêu. Ông Thuyết đề nghị Chính phủ phải làm rõ.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cùng một băn khoăn khi nêu câu hỏi bội chi ngân sách thực là bao nhiêu nếu tính đủ các khoản trái phiếu chính phủ? Quỹ Tiền tệ quốc tế tại VN nói bội chi của VN khoảng 9%, ông Hùng đề nghị rà soát xem cách tính của VN có phù hợp.

Ông Hùng cũng đề cập tốc độ tăng giá tiêu dùng và cho rằng mục tiêu năm 2010 tăng không quá 7%, gần như Chính phủ sẽ không thể thực hiện.

Dự toán thấp

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nhìn thẳng vào con số vượt thu tới 58.000 tỉ đồng đặt dấu hỏi: “Có phải các địa phương thích thành tích nên dự toán thấp để rồi vượt cao?”. Ông Thuyền cho biết với lãnh đạo nhiều địa phương cần báo cáo là phải vượt thu nên bên dưới phải tập trung mọi cách để thu. Thu không được thì bán đất, bán đất không được thì mượn các doanh nghiệp năm này sẽ bù vào năm sau để vượt thu, để có thưởng.

Ông Nguyễn Văn Phúc, phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, đề cập việc thu nguồn lực xã hội vào ngân sách qua thuế, phí... ở mức khá cao. Theo ông Phúc, tỉ lệ huy động vào ngân sách chỉ tiêu chỉ từ 21-22% nhưng thực hiện đã lên đến 28%. Ông Phúc băn khoăn: “Đây là thành tích hay hạn chế?”.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh thừa nhận: “Nói ước thu không sát thì đúng là không sát thật”. Việc dự toán thấp rồi vượt thu không phải để lĩnh thưởng mà theo ông Ninh, vì ba nguyên nhân: thu nội địa do vấn đề giá cả nên dự báo rất khó khăn, bản thân doanh nghiệp cũng thay đổi trong quá trình kinh doanh dẫn đến thu biến động. Thứ hai, nguồn thu vượt dự toán lớn ở đất đai, theo ông Ninh, do các địa phương đã tăng đấu giá nên bán được giá sát thị trường hơn. Thứ ba, xuất nhập tăng so với dự kiến trên 10%. “Kết quả tăng thu nằm ở 1 vạn xã, 63 tỉnh” nên đó chính là lý do khiến ước thu không sát.

Về lo lắng bội chi, nợ công, ông Ninh trần tình: “Không phải đi vay thì không gì hạnh phúc bằng. Tôi cũng muốn vay càng ít càng tốt”. Ông Ninh nói mức bội chi vừa qua chưa tính trái phiếu chính phủ. Sắp tới, theo ông Ninh, do nhu cầu chi lớn, thu không thể tăng nhanh sẽ còn phải tiếp tục vay qua trái phiếu.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên