“Nếu cứ tự xả lũ với lưu lượng lớn thế này, hạ du có vấn đề gì, các anh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm!” - ông Nguyễn Bá Lộc, phó chủ tịch UBND tỉnh, trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tỉnh Phú Yên, đã bức xúc nói như vậy tại cuộc họp với lãnh đạo Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ trưa 2-11.
Phóng to |
Sáng 2-11, khi đang kiểm tra tình hình xả lũ tại thủy điện Sông Hinh, ông Nguyễn Bá Lộc nhận được điện báo của lãnh đạo Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ về việc thủy điện này phải xả lũ. Ông Lộc chỉ đồng ý cho thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng 3.500-4.000m3/giây. Tuy nhiên, đầu giờ chiều cùng ngày, khi đến thủy điện này kiểm tra, ông Lộc mới hay thủy điện Sông Ba Hạ đã “đổ” lũ về hạ du với mức 5.700 m3/giây và dự kiến sẽ xả đến mức 7.000m3/giây!
Cuộc làm việc giữa phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên và lãnh đạo Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ vì vậy khá căng thẳng. Ông Nguyễn Đắc Phú, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ, cho biết: “Trưa 2-11, mực nước tại hồ thủy điện Sông Ba Hạ đạt cao trình 104,7m (thấp hơn mực nước thiết kế 0,3m). Nguyên nhân thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng nhanh và lớn như vậy là do thủy điện Krông H’năng ở bậc trên của hồ thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng 2.000m3/giây. Việc xả lũ của hồ thủy điện Sông Ba Hạ là đúng quy trình”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Lộc cho rằng việc xả lũ của hồ thủy điện Sông Ba Hạ không có sự phối hợp với kế hoạch của địa phương, lưu lượng xả lũ của hồ này quá lớn. Đến 14g ngày 2-11, UBND tỉnh cũng như Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Phú Yên chưa nhận được bất cứ một báo cáo hay kế hoạch nào về việc xả lũ của hồ thủy điện Sông Ba Hạ.
Việc quyết định xả lũ với lưu lượng lớn của ban giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với vùng hạ du, UBND tỉnh Phú Yên sẽ có văn bản kiến nghị vấn đề này lên Tập đoàn Điện lực VN và Ban chỉ huy PCLB-TKCN trung ương...
Phóng to |
Chiều 2-11, Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng hơn 5.700m3/giây - Ảnh: NGọC CHUNG |
Theo Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Phú Yên, đến chiều 2-11 các hồ thủy điện tiếp tục xả lũ với lưu lượng ngày càng tăng. Tổng lưu lượng xả lũ cả ba hồ thủy điện Sông Hinh, Krông H’năng và Sông Ba Hạ khoảng 8.300m3/giây làm mực nước các sông lên nhanh. Trong ngày 2-11, lượng mưa ở Phú Yên rất lớn, phổ biển trong khoảng 225-551mm. Theo thông báo lũ khẩn cấp của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Phú Yên, lúc 14g30 cùng ngày, trong 12-24 giờ tính từ thời điểm trên, tất cả các sông ở Phú Yên đều đạt và vượt mức báo động 3, trong đó có ba sông là Kỳ Lộ, Bàn Thạch và sông Ba vượt báo động 3 từ 1-2m.
Đến chiều tối 2-11, nhiều vùng ở hạ du sông Ba thuộc các huyện Đông Hòa, Phú Hòa và đến 21g30 TP Tuy Hòa đã ngập trong nước lũ, có nơi ngập đến 1m. Huyện Phú Hòa đã tổ chức sơ tán 622 hộ với 2.260 dân khỏi vùng ngập lụt. Huyện Đông Hòa có kế hoạch sơ tán 523 người dân ở năm vùng trũng thấp ven sông Ba là các thôn Phú Lễ, Phước Lộc 1, Phước Lộc 2, Phước Bình Bắc và Lộc Đông của xã Hòa Thành. TP Tuy Hòa di dời hàng trăm hộ dân các phường 1, 3, 4, 6, Phú Đông, Phú Thạnh, Phú Lâm cư trú dọc sông Đà Rằng...
Ở phía bắc tỉnh Phú Yên, các huyện Tuy An, Đồng Xuân và thị xã Sông Cầu đều bị lũ chia cắt, cô lập nhiều vùng. Ba địa phương này đã sơ tán 321 hộ với gần 1.200 dân. Riêng huyện miền núi Đồng Xuân từ lúc 4g30 sáng 2-11 đã bị lũ cô lập hoàn toàn với các vùng khác vì đường tỉnh 641 nối quốc lộ 1A đến huyện này chìm trong lũ, nhiều đoạn ngập 1-1,5m, người dân phải leo lên đường sắt để đi. Ở thị xã Sông Cầu, 87 hộ dân sống ven sông Bình Bá đã phải sơ tán đến nơi khác vì lũ làm sông sạt lở, ăn sâu vào đất liền gần 20m...
Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, vào lúc 7g ngày 1-11, hồ chứa Phước Trung (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) có dung tích 2,4 triệu m3 bị vỡ ngang thân đập sâu 4m, dài khoảng 30m (khi vỡ mực nước hồ còn dưới mực nước thiết kế, hồ đang trong giai đoạn hoàn thiện, chưa bàn giao). Các hồ có cửa tràn: Suối Dầu, Am Chúa, Láng Nhớt (Khánh Hòa); Tân Giang, Sông Châu, Sông Sắt (Ninh Thuận); Lòng Sông (Bình Thuận) đang xả lũ theo quy trình, vẫn an toàn. Tuy nhiên, nhiều hồ mực nước đã vượt qua đỉnh tràn từ 20-120cm đang tràn tự do về hạ du.
Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Bình Định xuất hiện mưa lớn, lượng mưa đo được từ 113-258mm. Mưa lớn cộng với nước từ đầu nguồn đổ về nên nước lũ dâng lên rất nhanh, sáng 2-11 nước lũ đã làm cô lập nhiều địa phương.
Các xã khu đông: Phước Hòa, Phước Nghĩa, Phước Thuận, Phước Sơn (Tuy Phước), Cát Tiến, Cát Chánh, Cát Thắng (Phù Cát), phường Nhơn Phú, Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) bị ngập sâu 0,5-1m. Tuyến đường tỉnh 640 từ thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) đến các xã khu đông đã có nhiều đoạn đường ngập sâu, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, phải dùng thuyền để đi lại.
Ông Nguyễn Văn Thiện, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết trước diễn biến bất thường của cơn lũ, tỉnh đã huy động mọi lực lượng trực sẵn sàng 24/24 giờ để chủ động ứng cứu kịp thời người dân ở những vùng bị ngập sâu trong lũ đến nơi an toàn.
Đây là yêu cầu của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải trong buổi làm việc tại Ninh Thuận vào chiều 2-11 trước thông tin 57 người dân bị kẹt tại cù lao Phú Thọ (TP Phan Rang - Tháp Chàm) và thôn Hòa Thạnh (An Hải, Ninh Phước) vẫn chưa được giải cứu vì canô không thể vào do nước xoáy.
Phó thủ tướng yêu cầu trung đoàn không quân 937 đóng tại Ninh Thuận, trong hôm nay (3-11) chọn lựa thời điểm thời tiết tốt nhất cho cất cánh ngay máy bay trực thăng để đưa dân vào nơi an toàn. Phó thủ tướng cũng yêu cầu điều thêm trực thăng từ TP.HCM ra trực sẵn tại sân bay Cam Ranh để sẵn sàng ứng cứu các tỉnh miền Trung vì trong các ngày tới lũ có thể dâng cao.
Cũng tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý cao trình của các đập thủy lợi và thủy điện đang “lỗi thời” so với mưa lũ. Điển hình là lượng mưa trung bình của Ninh Thuận chỉ 600mm/năm nhưng riêng Phan Rang trong ba ngày qua đã mưa tới 860mm. Phó thủ tướng yêu cầu trước mắt gia cố các hồ đập đã có để bảo đảm an toàn, sau đó phải có một mức chống lũ mới trong các công trình thủy lợi xây sau.
Tin từ Sở GTVT Lâm Đồng chiều 2-11 cho biết hiện tuyến đường 723 nối Nha Trang - Đà Lạt đang bị sạt lở nghiêm trọng tại khu vực Hòn Giao thuộc địa phận Khánh Vĩnh, Khánh Hòa làm hơn 15 ôtô các loại với trên 100 người bị mắc kẹt giữa đèo Hòn Giao từ sáng 1-11.
Đây là đoạn đường đèo nằm trên độ cao 500m so với mặt biển, giáp ranh giữa khu vực K’Long K’Lanh, tỉnh Lâm Đồng và Khánh Lê, tỉnh Khánh Hòa, cách TP Đà Lạt chừng 60km, có nhiều khúc cua nên ôtô rất khó xoay trở để quay lại. Do bị đói và lạnh nên nhiều người phải đi bộ băng qua những đoạn sạt lở về hướng Khánh Lê tìm thức ăn và nước uống.
Một số lái xe đang bị kẹt giữa đèo cho biết hiện lực lượng cứu hộ của tỉnh Khánh Hòa đã tiếp cận được người dân bị kẹt giữa đèo nhưng cho biết là rất khó khăn vì cần phải nổ mìn phá đá và dọn dẹp trong khoảng 2-3 ngày nữa mới thông xe được. Trong khi đó ông Trương Hữu Hiệp, giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng, đã đích thân đến hiện trường chỉ đạo lực lượng cứu hộ của tỉnh Lâm Đồng tìm cách thông đường, để sớm đưa xe và người quay về Đà Lạt.
Hiện các hãng xe Phương Trang và Mai Linh cũng đang tạm ngưng lưu thông tuyến Đà Lạt đến các tỉnh miền Trung và ngược lại vì hiện đường 723 đang bị ách tắc, còn quốc lộ 27A vẫn chưa thông suốt hoàn toàn, không bảo đảm an toàn cho hành khách.
Đến 19g ngày 2-11, theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Khánh Hòa, toàn tỉnh đã phát hiện năm người chết và một người mất tích, di dời 840 hộ dân (2.928 nhân khẩu); 481 nhà bị ngập, 114 nhà bị hư hỏng; hơn 1.000ha lúa, hoa màu và hơn 100ha thủy sản bị ngập. Do lượng mưa lớn trong nhiều ngày liên tục, hiện hầu hết các hồ chứa nước trong toàn tỉnh Khánh Hòa đều đang xả lũ. Cũng theo Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Phú Yên, tính đến chiều tối 2-11, có thêm hai người chết và một người mất tích vì lũ, nâng tổng số người chết và mất tích tại tỉnh này lên bốn người. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, lũ các sông từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và Gia Lai trong ngày 2-11 đang lên nhanh, các sông ở Ninh Thuận đang xuống chậm nhưng còn ở mức cao. Trong đêm 2-11, mực nước phần lớn các sông từ Bình Định đến Khánh Hòa có khả năng đạt và vượt mức báo động 3. Các sông ở Quảng Nam và Gia Lai lên mức báo động 2, có nơi trên báo động 2. Tình trạng ngập lụt ở tỉnh Ninh Thuận giảm dần nhưng các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và Gia Lai cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu ở vùng trũng, đồng bằng hạ lưu các sông, suối. * Ngày 2-11, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn gửi các bộ, ngành và các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và Gia Lai, Kon Tum chủ động đối phó, triển khai các biện pháp phòng chống lũ. Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận huy động mọi lực lượng, phương tiện thực hiện việc sơ tán dân. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận