01/11/2010 23:06 GMT+7

Cảng Cam Ranh có thể cho tàu sân bay nước ngoài vào tiếp dầu

CẦM VĂN KÌNH ghi
CẦM VĂN KÌNH ghi

TTO - Cụ thể hoá tuyên bố của Thủ tướng về việc biến cảng Cam Ranh thành khu dịch vụ cho tàu nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh khẳng định khu vực dịch vụ sẽ tách biệt khu vực đồn trú của quân đội Việt Nam và có thể đón tiếp cả tàu sân bay nước ngoài.

sTE3AAAD.jpgPhóng to
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh trả lời báo chí - Ảnh: Việt Dũng

Trả lời báo chí bên lề Quốc hội ngày 1-11, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nói:

- Chúng ta có ý định xây dựng cảng Cam Ranh để thành khu dịch vụ hậu cần kỹ thuật. Bây giờ tôi chưa thể nói được quy mô như thế nào, tổng mức đầu tư bao nhiêu, nhưng hướng là sẽ biến cảng Cam Ranh thành khu vực dịch vụ sửa chữa nhỏ, sửa chữa vừa, còn đại tu thì chưa thể làm được. Tàu hải quân nước nào mà họ sản xuất thì họ thường đại tu tại chính nhà máy sản xuất. Việc làm lại máy, thay cả động cơ Việt Nam cũng chưa làm được, nhất là tàu hiện đại như tàu ngầm lớp kilo.

* Thưa ông, khu dịch vụ dự kiến sẽ tiếp nhận những loại tàu nào?

- Căn cứ này sửa chữa cả tàu ngầm, tàu mặt nước, tàu quân sự, tàu dân sự. Riêng tàu sân bay là trường hợp đặc biệt chúng ta chưa có khả năng sửa chữa. Tuy nhiên, không loại trừ việc cho phép vào để tiếp dầu.

Cảng Cam Ranh sẽ chủ yếu dành cho mục đích quân sự, sửa chữa tàu của Việt Nam là chính, nhưng nếu chỉ có thế thì lãng phí vì công suất lớn, làm dịch vụ là để bù lại chi phí của chúng ta.

Cảng Cam Ranh gần đường hàng hải quốc tế nên chúng ta coi đây là dịch vụ có thể thu lợi được và phần nào cũng giúp Việt Nam học hỏi những kinh nghiệm của các nước, tiếp cận những công nghệ tiên tiến nhất của họ.

Điều đó có lợi, một việc có nhiều mục đích khác nhau. Điều quan trọng là chúng ta phải cố gắng, có đội ngũ chuyên môn kỹ thuật giỏi, dịch vụ, nhà máy tốt, đảm bảo các dịch vụ trên bờ tốt.

* Hiện việc triển khai xây dựng cảng Cam Ranh đến đâu rồi, thưa ông?

- Hiện Bộ Quốc phòng đã triển khai lập dự án, đang đàm phán để thuê tư vấn mà trực tiếp là tư vấn của Nga, chuẩn bị mua các thiết bị, công nghệ. Giai đoạn đầu chúng ta sẽ phải thuê một số chuyên gia kỹ thuật của Nga giúp chúng ta xây dựng thành công nhà máy phục vụ việc sửa chữa, làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật.

Tất nhiên, để tiến đến thực thi dự án, còn rất nhiều thủ tục, như tổ chức thẩm định, thuê chuyên gia nước ngoài phản biện, đảm bảo tính khách quan, tiết kiệm, hiệu quả nhất. Sau đó, nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới triển khai để xây dựng.

* Thưa ông, khi biến Cam Ranh thành khu dịch vụ thì việc bảo vệ chủ quyền biển, giữ bí mật hải quân có gặp khó khăn?

- Khu dịch vụ phải khẳng định là khu vực chủ quyền của Việt Nam, nếu chúng ta không cho phép thì tàu nước ngoài không thể ra vào được. Tôi muốn lưu ý khu vực dịch vụ sẽ tách biệt khu vực căn cứ dành cho tàu nổi và tàu ngầm của Việt Nam, không liên quan gì đến nhau nên không sợ lẫn lộn, ảnh hưởng gì đến vấn đề bí mật quân sự của Việt Nam.

Việt Nam sẽ tiếp nhận các tàu nước ngoài vào cảng nhưng với điều kiện phải xin phép và đã làm hợp đồng kinh tế với Việt Nam. Hiện Việt Nam vẫn cho phép tàu hải quân nước ngoài vào thăm cảng của theo con đường ngoại giao, gồm tàu các nước ASEAN, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Pháp, Úc, New Zealand…

* Cảng Cam Ranh sắp tới có cho tàu các nước có tranh chấp chủ quyền vào không, thưa ông?

- Những nước có tranh chấp chủ quyền chúng ta vẫn có thể xem xét cho tàu vào. Đây là căn cứ làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật cho tất cả các nước trên thế giới, với tinh thần bình đẳng. Chủ quyền thì chúng ta quản lý, chúng ta có khả năng kiểm soát tình hình. Tất nhiên, trước khi cho tàu vào, phía Việt Nam phải xem cụ thể phía bạn đề nghị sửa chữa cái gì, nếu năng lực của nhà máy có thể thì vẫn cho vào.

* Bao giờ hoàn thành cảng này thưa bộ trưởng? Liệu việc sửa chữa tàu có gây vấn đề về môi trường?

- Việc xây cảng nhanh cũng mất 3 năm. Bây giờ cảng mới đang ở giai đoạn lập dự án, sau đó Nhà nước phải thẩm định, cái gì phát huy được thì làm, không làm được thì phải thuê, mua của nước ngoài. Chúng tôi đang có kế hoạch gửi thủy thủ đoàn, kỹ sư, kỹ thuật viên sửa chữa các loại tàu đi đào tạo ở nước ngoài, hiện chúng ta đã đàm phán, ký kết hợp đồng về việc này.

Hiện chưa thể nói trước được hiệu quả và khả năng thu lợi từ dự án. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thì việc làm dịch vụ chắc chắn tốt. Tôi đã tới các nước ASEAN, có nước như Singapore, họ thu lợi từ dịch vụ nhiều. Các căn cứ như vậy giúp bớt tốn kém ngân sách của nhà nước, các nước đều làm như vậy, không riêng gì Việt Nam.

Dự án hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới dân cư, di dân vì đó là khu vực dành riêng cho quốc phòng. Làm dịch vụ sẽ có dầu mỡ, sắt thép phế thải nên trong kế hoạch tổng thể dự án sẽ phải tính đến xử lý về mặt môi trường. Do đó không ảnh hưởng đến môi trường vì nếu để ảnh hưởng thì người đầu tiên chịu thiệt hại là hải quân của Việt Nam.

CẦM VĂN KÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên