31/10/2010 07:58 GMT+7

Lo lạm phát cao hơn tăng trưởng kinh tế

LÊ KIÊN ghi
LÊ KIÊN ghi

TT - Đầu tuần tới, Quốc hội dành trọn hai ngày (1 và 2-11) để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, các đại biểu Quốc hội cho biết họ hài lòng về tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến 6,7% nhưng không yên tâm trước nhiều chỉ số biểu hiện sự bấp bênh, yếu kém của nền kinh tế.

PO3zRIjl.jpgPhóng to

Đại biểu Ngô Văn Minh - Ảnh: LÊ KIÊN

Ông NGÔ VĂN MINH (phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam):

Cần mổ xẻ “những con số bệnh tật”

Tôi theo dõi đại hội đảng bộ các tỉnh thành thì dường như không có địa phương nào báo cáo tăng trưởng GDP dưới 10%, vậy mà GDP cả nước chỉ tăng trưởng 6,7%, tại sao vậy? Tôi đề nghị Chính phủ cần mổ xẻ, xem xét độ chính xác con số trong báo cáo của các tỉnh thành. Cá nhân tôi nghĩ rằng đó là “những con số bệnh tật”. Bệnh ở đây là bệnh thành tích. Tỉ lệ hộ nghèo cũng vậy, tỉnh nào cũng báo cáo thấp, nhưng đến khi Tổng cục Thống kê công bố con số thì thấy cao hơn nhiều.

Nhìn vào chỉ số tăng trưởng dự kiến 6,7% thì thấy ấn tượng. Nhưng cử tri và Quốc hội rất lo lắng về chỉ số tăng giá: nghị quyết của Quốc hội nói là 7% thì đã thực hiện không được; Chính phủ lại nói quyết tâm giữ ở mức 8% nhưng mới hết tháng 10 chỉ số đã 7,58%, có nghĩa là quyết tâm của Chính phủ cũng chắc chắn không đạt được.

Điều chúng ta cần là tăng trưởng cao phải đi đôi với chất lượng cuộc sống được nâng lên. Đằng này lạm phát cao hơn tăng trưởng. Cuộc sống của người nghèo, người nông dân, người ăn lương cũng thấy khó khăn. Cần làm rõ nguyên nhân do đâu. Theo tôi, dù có khách quan như thế nào đi nữa thì cần phải mổ xẻ kỹ nguyên nhân chủ quan để chúng ta có giải pháp tốt hơn. Đề ra chỉ tiêu mà không đạt được thì phải đòi hỏi trách nhiệm để còn rút kinh nghiệm cho những năm sau.

GDP đầu người nói là 1.300 USD, vượt qua ngưỡng nước có thu nhập trung bình ở mức thấp, nhưng trong bốn năm qua lạm phát tới mấy chục phần trăm, chính Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng công nhận 70-80% số hộ gia đình vẫn thu nhập dưới mức trung bình 1.000 USD. Điều đó có nghĩa tăng trưởng chỉ rơi vào túi số ít người. Tôi đi tiếp xúc cử tri ở những vùng nông thôn, vùng núi, nhìn bữa cơm của người dân mà buồn lòng. Nói là xóa nhà tạm nhưng nhiều người vẫn ở trong những cái không thể gọi là nhà. Người giàu thì giàu lên rất nhanh, còn người nghèo thì không cải thiện được bao nhiêu.

Nói GDP đầu người là 1.300 USD nhưng tăng trưởng nhờ vốn đầu tư, mà vốn đầu tư thì kém hiệu quả, lãng phí, rơi rớt, thậm chí là lỗ và nợ như Vinashin lên tới 86.000 tỉ đồng. Quốc hội cần mổ xẻ xem tăng trưởng như vậy thì đa số người dân được gì?

TS TRẦN DU LỊCH (phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM):

Đang rơi vào “bẫy tự do hóa thương mại”

Do kéo dài tình trạng tăng trưởng theo chiều ngang quá lâu, tuy đạt thành tích tăng trưởng khá cao trong nhiều năm, nhưng sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta vẫn nằm ở vị trí nhóm 30% các nền kinh tế có sức cạnh tranh thấp. Theo bảng xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp VN luôn nằm ở nhóm dưới trung bình của thế giới.

Do đó, nếu chỉ nhìn ngày hôm qua của mình thì rõ ràng bộ mặt kinh tế - xã hội có những tiến bộ rõ rệt (dĩ nhiên vẫn còn nhiều mặt thụt lùi như môi trường, xâm hại tài nguyên, trật tự đô thị, kỷ cương xã hội...), nhưng nếu nhìn ra thế giới, trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập thì chúng ta đang tụt hậu xa hơn về nhiều mặt, nền kinh tế đang yếu sức trong cuộc chạy đua toàn cầu.

cJ8niWO9.jpgPhóng to
Đại biểu Trần Du Lịch - Ảnh: LÊ KIÊN

Trong 10 năm qua, để thúc đẩy tăng trưởng GDP, khu vực đầu tư công (bao gồm đầu tư ngân sách nhà nước và doanh nghiệp nhà nước) tăng nhanh, thu hút một khối lượng tín dụng khá lớn; trong đó một phần bội chi ngân sách dựa vào tín dụng và phát hành. Ngay cả trái phiếu của Chính phủ cũng dựa chủ yếu vào ngân hàng thương mại, phần huy động trực tiếp từ công chúng chiếm tỉ trọng nhỏ.

Một khối lượng tiền lớn đưa vào khu vực đầu tư công, nhưng do tiến độ đầu tư kéo dài, thiếu đồng bộ nên không tạo ra được khối lượng tài sản tương ứng, kéo chậm vòng quay của đồng tiền, gây bất ổn vĩ mô nhưng chưa được đánh giá đầy đủ.

Trong khi chúng ta không tận dụng được tối đa các cơ hội mà WTO mang lại thì lại lãnh đủ những khó khăn ở sân chơi này. Thuận lợi từ việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài mang lại thì nền kinh tế không hấp thụ nổi (hiện tượng thừa vốn diễn ra ngay từ năm 2007); cắt giảm hàng rào thuế quan, xóa bỏ các biện pháp bảo hộ phi thuế thì nhập siêu tăng nhanh; các chính sách và biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp vừa và nhỏ; hộ sản xuất nông nghiệp mà khuôn khổ WTO cho phép thì không mang lại kết quả rõ rệt. Tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc tăng vọt mà chưa có giải pháp nào để kiềm chế. Sau năm 2015, khi thực hiện đầy đủ Hiệp định mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc thì thách thức sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Việc nền kinh tế rơi dần vào “bẫy tự do hóa thương mại” không còn là nguy cơ mà đã bắt đầu là hiện thực.

Tiềm ẩn không ít bất trắc

Tuy biểu dương sự điều hành linh hoạt của Chính phủ trong ba năm qua, nhưng Ủy ban Kinh tế trong báo cáo thẩm tra của mình vẫn khẳng định nền kinh tế đang “tiềm ẩn không ít bất trắc”. Cụ thể, chính sách tiền tệ và cán cân thương mại có nhiều biểu hiện đáng lo ngại: nhập siêu kéo dài trong nhiều năm (năm 2010 nhập siêu ở mức 13,5 tỉ USD) đã làm sụt giảm nguồn dự trữ ngoại hối, tăng nợ quốc gia... và gây sức ép giảm giá đồng nội tệ.

Chỉ số giá tiêu dùng ở mức cao và diễn biến không ổn định, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tác động xấu đến tâm lý của người dân.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền, những tháng đầu năm 2010, do thắt chặt tiền tệ, dư nợ tín dụng, đặc biệt tín dụng bằng VND tăng thấp, lãi suất tăng cao, phần lớn các doanh nghiệp rất khó khăn về vốn cho sản xuất, kinh doanh.

Thị trường vàng, ngoại tệ diễn biến phức tạp, tình trạng sử dụng ngoại tệ thanh toán hàng hóa, dịch vụ trên lãnh thổ VN diễn ra khá phổ biến. Thâm hụt cán cân vãng lai lớn cùng với thâm hụt ngân sách cao, nợ công có xu hướng tăng nhanh (từ 52,6% GDP năm 2009 lên khoảng 56,7% GDP năm 2010) sẽ là những trở ngại lớn cho sự phát triển kinh tế trong những năm tới đây, có thể ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia.

LÊ KIÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên