Phóng to |
Nhà máy bôxit Tân Rai (dự án tổ hợp bôxit - nhôm Lâm Đồng) đang được xây dựng tại thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Dự án đã đi vào giai đoạn hoàn thiện từng phần và dự kiến hoạt động từ quý 1-2011 - Ảnh: N.C.T. |
Phóng to |
Ông Lê Dương Quang - Ảnh: V.Dũng |
Dự án bôxit: Nếu không an toàn thì dừng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Quang nói:
- Ngay sau sự cố tại Hungary, bộ đã triệu tập TKV, các đơn vị tư vấn để họp bàn, sau đó yêu cầu TKV thực hiện quy trình thi công hồ chứa bùn đỏ hết sức nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng, đồng thời yêu cầu bổ sung ngay một số giải pháp.
Bộ cũng yêu cầu rà soát thiết kế kỹ thuật dù trước đó đã có một hội đồng thẩm định làm rất kỹ. Lần này để khách quan, bộ yêu cầu TKV tìm một tư vấn nước ngoài thẩm định độc lập lại. Đặc biệt, bộ đề nghị TKV nghiên cứu sử dụng số bùn đỏ thải ra vì hiện đã có nghiên cứu đưa thành công phụ gia vào bùn đỏ để sử dụng làm vật liệu xây dựng đường sá, đê kè...
* Thưa ông, vấn đề dư luận rất quan tâm là sự an toàn các hồ chứa bùn đỏ của hai dự án tại Tây nguyên?
- Hồ sẽ được nạo sạch lớp đất màu ở đáy, sau đó đổ đất sét (là một lớp chống thấm) và lèn chặt lại. Trên lớp đất sét rải hai lớp vải địa kỹ thuật. Giữa hai lớp vải có một lớp màng polymer chống thấm. Phía trên ba lớp này đổ một lớp cát thô dày khoảng 0,6m, sau đó mới thải bùn đỏ lên trên. Khi nào bùn đầy thì phủ tiếp một lớp chống thấm là màng polymer hoặc đất sét.
Bên trên lớp chống thấm sẽ phủ đất và trên cùng là lớp đất màu vét dưới đáy hồ. Ở lớp đất này sẽ trồng rừng hoặc trồng cỏ. Tất nhiên bây giờ chưa thành hình nên không ai thấy nhưng thiết kế là thế.
Hồ được chia thành tám khoang ngăn cách, không thông nhau. Khi thải bùn vào khoang thứ nhất thì khoang ngay kề sẽ sẵn sàng để nếu mưa lũ to thì bùn có chỗ tràn, không tràn ra ngoài. Trường hợp xấu nhất vỡ đập thì bùn tràn vào ô bên cạnh. Cứ lần lượt, xong ô nào thì lấp ô đấy.
Toàn bộ mặt hồ sau khi làm xong sẽ thấp hơn mặt bằng nhà máy khoảng 2-4m và thấp hơn so với địa hình trung bình của xung quanh khoảng 6m.
Hồ nằm trong một thung lũng có ba mặt được bao kín bởi đồi núi. Mặt thông ra ngoài sẽ làm một con đê lớn, bề mặt làm giống hệt đáy hồ. Ngoài cùng còn một con đường và đấy cũng là một con đê để ngăn bùn tràn.
* Người ta lo ngại những biến động của thiên nhiên sẽ làm vỡ hồ?
- Đúng là dù công trình đã tính toán chịu được động đất cấp 8, cấp 9 và dù vùng đó thống kê không có động đất mức độ đó nhưng không ai nói trước được rủi ro. Nguy hại nhất là nếu vỡ đập thì trong bùn vẫn còn một lượng kiềm hòa ra, ngấm xuống đất, đổ vào sông, về lý thuyết có thể có mặc dù chưa ai đánh giá cụ thể thế nào.
Nhưng nếu đã lên đó nhìn tận mắt, được xem xét tất cả tính toán, giải trình thì rất yên tâm về hồ chứa bùn đỏ.
Chúng tôi đã tính hết, chẳng có đường nào để bùn đỏ thoát ra. Nó nằm trong thung lũng, xung quanh là đồi núi. Rất nhiều người nghĩ nó giống như đập thủy điện ở trên cao, vỡ thì không có cách nào chống đỡ nhưng đây là bùn đặc, vỡ hồ cũng chẳng chảy đi đâu được. Tất nhiên, chúng tôi vẫn tính rủi ro nên trong vòng bán kính 2km của hồ sẽ không có dân sống.
Còn nói Tây nguyên cao 800-900m so với đồng bằng nghe có vẻ kinh khủng nhưng có phải dốc dựng đứng đâu.
* Thưa ông, tại sao không áp dụng phương pháp thải khô để xử lý bùn đỏ, ít nguy hại hơn so với thải ướt?
- Mỗi phương pháp đều có cái hay, cái dở. Thật ra trước đây đã tính kỹ lắm nhưng địa hình tự nhiên, tức là thung lũng thì cho phép áp dụng phương pháp thải ướt. Thứ hai, ở Tây nguyên mưa nhiều, dùng phương pháp thải khô thì khô xong gặp mưa cũng lại thành bùn ướt vì không thể nào cho bùn khô vào trong nhà có mái được.
Khi mùa nắng, bình thường ở Tây nguyên đã bụi rồi nên dùng phương pháp thải khô không phù hợp. Nhưng giờ chúng tôi tính phương pháp thải khô cho Nhân Cơ để cho hết nhẽ. Nếu giả sử sau này áp dụng thải khô thì mùa khô bụi bặm bay lên vẫn phải tìm cách tưới ướt, che chắn nên phải tính để có giải pháp.
* Thưa ông, bộ có tính đến việc dừng dự án như kiến nghị của nhiều nhà khoa học, nhà trí thức?
- Việc này đã có chủ trương của Bộ Chính trị, sau đó là Chính phủ và được tính toán rất nhiều nên bộ chưa có chủ trương dừng mà ngược lại đang đôn đốc để đẩy nhanh dự án Tân Rai vì dự án vào càng nhanh sẽ càng chóng đem lại hiệu quả. Hiện đã có một số khách hàng của Ả Rập, Nhật Bản, Trung Quốc đặt vấn đề mua alumin. Ngoài ra, TKV đã bàn với đối tác bên Nga để đem alumin sang thuê họ luyện nhôm cho mình.
Còn bây giờ nếu Chính phủ bảo dừng thì chúng tôi dừng.
* Nếu bộ thấy những kiến nghị dừng dự án của các nhà khoa học hợp lý thì bộ có thể đề xuất Chính phủ xem xét chứ?
- Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào dự án và không kiến nghị dừng lại. Chẳng hạn có người nói chuyển nhà máy xuống bờ biển. Vấn đề này trước đây cũng đã tính. Về mặt kỹ thuật cũng như kinh tế thì đưa xuống bờ biển là hợp lý nhất.
Nhưng Bộ Chính trị yêu cầu để trên Tây nguyên vì không chỉ là yếu tố kinh tế mà còn cả yếu tố xã hội. Để nhà máy trên đó giúp phát triển Tây nguyên. Chính vì thế nên hiệu quả kinh tế không cao và giờ thêm khảo sát, thuê tư vấn xem xét lại, tính thêm phương pháp thải khô... thì chưa biết sẽ tác động đến hiệu quả thế nào, chắc chắn chỉ tác động xấu đi thôi.
* Một số ý kiến cho rằng nhà máy Nhân Cơ chỉ mới khởi công, chưa xây dựng nhiều thì dừng lại sẽ tốt hơn?
- Nếu dừng Tân Rai thì thiệt hại kinh khủng vì nhà máy gần xong, còn dừng Nhân Cơ chuyển xuống biển thì hoàn toàn có thể làm được, có điều phải tính toán lại toàn bộ. Và không làm ở Nhân Cơ vẫn tốn kém vì dù sao cũng bỏ tiền vào đấy rồi, toàn bộ mặt bằng đã san, công việc bắt đầu triển khai cũng được 8-9 tháng.
* Thưa ông, dù sao nếu điều đó đáp ứng được yếu tố an toàn, hiệu quả kinh tế thì cũng cần thiết hơn tiếp tục mà sau này sẽ xảy ra sự cố?
- Nhà máy đặt gần biển hay trên núi đều phải an toàn như nhau. Đặt dưới biển mà hồ chứa bùn đỏ vỡ thì ảnh hưởng trực tiếp đến người dân ít hơn nhưng lại ô nhiễm biển. Thế nên đặt ở đâu cũng phải an toàn tối đa. Còn về tuyệt đối thì thật ra đến nhà máy điện nguyên tử cũng có thể nổ được.
Về kinh tế thì đúng là đặt gần biển lợi ích hơn rất nhiều. Đặt trên núi phải chở các thứ đến cảng, từ cảng vận chuyển lên Tây nguyên, sau đó lại chở alumin về dưới cảng. Nhưng như tôi đã nói, việc đặt nhà máy ở Tây nguyên còn có các yếu tố khác nữa.
* Ông nghĩ sao khi các nhà khoa học muốn có cuộc đối thoại với các cơ quan thực hiện dự án để Chính phủ có cơ sở đưa ra quyết sách đúng?
- Chúng tôi sẵn sàng vì đấy là cơ hội để mọi người hiểu về dự án. Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ về bùn đỏ, giờ đang chuẩn bị báo cáo giải trình thư kiến nghị mới đây. Chúng tôi cũng muốn những thông tin này được gửi cho các đại biểu Quốc hội để họ biết.
* Ông Nguyễn Khắc Vinh (chủ tịch Tổng hội Địa chất VN): Phải dừng lại để đánh giá tác động Nếu xảy ra vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Tây nguyên sẽ rất nguy hiểm, vì chất bùn đỏ sẽ thẩm thấu vào tất cả lớp đất đá trong khu vực Tây nguyên và ảnh hưởng đến đầu nguồn hệ thống sông Đồng Nai. Nếu xảy ra trường hợp như vậy thì hàng triệu người dân sẽ bị ảnh hưởng bởi các hóa chất độc hại từ các mỏ bôxit. Do đó, đây là thời điểm cần tạm dừng khai thác bôxit để nghiên cứu thật kỹ về những tác hại và lợi ích của nó. Phải dừng và đưa các chuyên gia giỏi vào nghiên cứu, đánh giá mọi tác động của vấn đề bôxit đến con người, báo cáo trình trước Quốc hội xem xét và có quyết định cuối cùng. Thứ trưởng Lê Dương Quang có thể nói về vấn đề an toàn nhưng ở đây phải để cho các nhà khoa học nghiên cứu, có số liệu xác thực mới nói được, mới kết luận được an toàn hay không. * TS Lê Huy Minh (phó viện trưởng phụ trách Viện Vật lý địa cầu): Tây nguyên có một số đứt gãy khá lớn Viện Vật lý địa cầu không thấy có cơ quan nào tham khảo ý kiến khi xây dựng bể chứa bùn đỏ tại các dự án khai thác bôxit ở Tây nguyên. Do đó chúng tôi không biết họ xây dựng các công trình ở đây với mức kháng chấn như thế nào, theo cỡ động đất cấp mấy để nói có chắc chắn hay không. Trong khu vực Tây nguyên có một số đới đứt gãy khá lớn, tuy không bằng khu vực phía Bắc hay ngoài khơi Vũng Tàu nhưng cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến khu vực. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận