18/10/2010 08:23 GMT+7

Đau xót lũ chồng lũ

NHÓM PV TUỔI TRẺ
NHÓM PV TUỔI TRẺ

TT - Cho đến sáng 17-10, hàng ngàn ngôi nhà ở các huyện Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn (Hà Tĩnh) vẫn còn chới với trong cơn lũ dữ, lực lượng chức năng phải tìm cách dỡ ngói để cứu người dân ra khỏi nơi nguy hiểm.

* 19 người thiệt mạng, 4 người mất tích * Gần 100.000 nhà dân chìm trong lũ * Bão cấp 17 tiến nhanh về biển Đông

yd1QSjia.jpgPhóng to
Những đôi mắt lo lắng, khắc khoải dưới mái ngói chờ lực lượng chức năng đến cứu (ảnh chụp tại huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh ngày 17-10) - Ảnh: Văn Định

100.000 nhà dân chìm trong lũ, 19 người chết, 4 người mất tíchHà Tĩnh chới với trong biển nước, 100.000 dân bị cô lập

Gần 100.000 nhà dân chìm trong lũ

Ngày 17-10, lũ dữ dội đã diễn ra chủ yếu ở địa bàn Hà Tĩnh. Nước sông Ngàn Sâu vượt mức báo động 3 đến 3m và cao hơn cả đỉnh lũ lịch sử của sông này vào năm 2007 đến 0,43m. Đến chiều tối mưa lũ vẫn hoành hành tại 12/12 huyện thị, TP, lượng mưa nhiều nơi trên 800mm như TP Hà Tĩnh 878mm, Hòa Duyệt 887mm. Mưa lũ khiến bảy người thiệt mạng, ba người mất tích, hàng trăm làng mạc bị cô lập, hơn 83.500 hộ dân chìm sâu trong biển nước.

Chúng tôi theo xuồng máy của Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh về xã Gia Phố (huyện Hương Khê). Chiếc xuồng máy men theo những ngọn cây, hễ thấy mái nhà nào nhô lên là ghé vào ngay. Lúc nghe bộ đội biên phòng bắc loa gọi “có ai trong đó không?” thì có người dân giơ tay vẫy qua lỗ thủng trên mái ngói, có người chèo thuyền ra từ mái nhà ngập nước. Sau khi nhận những gói mì để tạm chống đói qua ngày, bà con ai cũng kêu “thèm nước uống lắm”.

Ông Nguyễn Hùng Tiến ở xóm 13 ngồi trên nóc nhà cho biết tối qua dân làng đều ngủ trên mái nhà. Mưa thì lấy tấm nilông vừa che vừa làm chăn đắp. Cùng đi trên xuồng, phó chủ tịch UBND huyện Hương Khê Lê Trần Sáng cho biết ngoài xã Gia Phố, toàn huyện có 18.000 ngôi nhà bị ngập rất nặng. Cầu treo Gia Phố đã bị lũ cuốn trôi lúc 15g ngày 16-10. Đến tối qua huyện Hương Khê gần như bị cô lập. Trong sáng nay 18-10, tỉnh phải dùng máy bay trực thăng để tiếp tế lương thực cho khu vực này.

Trong khi đó, đợt lũ này Nghệ An bị thiệt hại nặng hơn, mưa lớn từ 700-800mm đã làm năm huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu, Thanh Chương ngập nặng. Hiện cả tỉnh còn chín xã bị cô lập. Cả tỉnh có 15.000 hộ dân bị ngập và tám người chết.

Tại Quảng Bình, dù nước đã xuống nhưng tổng hợp đến 17g ngày 17-10 của Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh cho biết trong đợt lũ thứ hai này đã có bốn người ở Đồng Hới, Bố Trạch, Quảng Trạch và Quảng Ninh thiệt mạng, một người ở huyện Tuyên Hóa mất tích. Như vậy tại ba tỉnh này đã có 19 người thiệt mạng, bốn người mất tích và gần 100.000 nhà dân chìm trong lũ.

Giao thông tê liệt

Ông Nguyễn Văn Bính - phó tổng giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội - cho biết đến 16g chiều 17-10 đã có 12 chuyến tàu chở khoảng 3.000 khách bị ách tắc tại ga Vinh và Đồng Hới. Trước đó, từ chiều 16-10 nước lũ đã làm ngưng trệ hoàn toàn hoạt động của đoạn đường sắt Bắc Nam từ Vinh đến Đồng Hới.

Để chuyển tải hành khách bị kẹt trên các đoàn tàu, ngành đường sắt đã huy động 60 ôtô loại 50 chỗ để chuyển khách từ Đồng Hới đến Vinh và ngược lại. Tuy nhiên đến 17g chiều qua, quốc lộ 1A có nhiều đoạn ngập sâu khiến xe chuyển tải khách phải dừng lại.

Đến cuối ngày hôm qua, mưa lũ đã làm sạt lở trên 25 điểm đường sắt từ Vinh đến Đồng Hới, có nhiều đoạn ngập sâu trên 2m khiến đoạn đường sắt này tê liệt hoàn toàn. Ngành đường sắt vẫn chưa có dự định thời gian thông đường.

Ông Lê Ngọc Minh - phó tổng giám đốc Khu quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ VN) - cho biết đến chiều tối 17-10 quốc lộ 1A qua Lệ Thủy (Quảng Bình) đã thông xe. Tuy nhiên đoạn qua Nghệ An, Hà Tĩnh vẫn còn ngập sâu ba điểm gây ách tắc giao thông, trong đó đoạn qua TP Hà Tĩnh bị ngập đến hơn 1m. Riêng hai nhánh đông, tây đường Hồ Chí Minh khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng ngập sâu nhiều đoạn.

hvS6kpZA.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Đức (phải) xúc động kể lại chuyện “chạy lũ” trên cây mít

Nhà sập phải bám cây mít để sống

“Nhà tui ngập từ 8g sáng 16-10 đến 20g tối thì sập. Tui và con cháu bám trên cây mít mới sống được đến giờ” - bà Nguyễn Thị Đức, xã Lộc Yên, huyện Hương a, Hà Tĩnh, nói trong nước mắt khi được lực lượng công an tỉnh đến cứu hộ lúc 7g15 sáng 17-10.

Buổi sáng bà Đức đang dọp dẹp nhà cửa cùng con là chị Trần Thị Liên thì nước tràn vào nhà. Bà Đức điện báo cho cháu Trần Phi Cát sang ở chung cho đỡ sợ. Đến tối nước càng ngập nặng hơn, anh Trần Phi Cát vội dìu từng người qua cây mít gần nhà để lánh nạn. “Đói và rét nhưng không dám ngủ vì sợ rớt xuống nước” - anh Cát cho biết.

PHI LONG

Trên “nóc” lũ Hòa Duyệt

Hòa Duyệt (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) là nơi nhập dòng giữa sông Ngàn Trươi và Ngàn Sâu trở thành điểm nóng nhất của vùng lũ Hà Tĩnh trong hôm qua 17-10. Đỉnh lũ ở đây đã cao hơn mức nước lịch sử năm 2007 tới 0,5m. Gần 7.000 hộ dân với 30.000 người thuộc 12 xã của huyện Vũ Quang bị đỉnh lũ lịch sử này nhấn chìm tới nóc nhà.

12 giờ trưa, bất chấp nước xoáy khi đỉnh lũ còn đang cao, phó tư lệnh Quân khu 4 - thiếu tướng Hồ Ngọc Tị đã quyết định cho xuồng cao tốc băng lũ vào Hòa Duyệt. Gần như tất cả các ngôi nhà thuộc các xã Đức Bồng, Hương Minh, Hương Thọ, Đức Hương... quanh điểm lũ này đều chìm tới nóc. Giữa mênh mông nước, chỉ có ba thứ còn ngoi lên được là nóc nhà, cột điện và ngọn tre.

Phía dưới những nóc nhà, “nóc” lũ khủng khiếp ấy là hàng ngàn người đang vật lộn với đói, lạnh. Bà Nguyễn Thị Xanh ở xóm 3, thôn Long Đại, xã Đức Hương - người đã kêu to át cả tiếng xuồng cao tốc để chúng tôi có thể thấy bà và đưa mì gói tới - kể trong làn môi tím tái: “Không riêng chi nhà tui, cả xóm ni hai ngày trời nhà ai cũng phải trằn mình trên nóc nhà”. Đúng như bà Xanh kể, nhìn xung quanh các mái nhà đều lổn nhổn người lẫn heo, gà sống chung.

Những con vật tội nghiệp ấy cũng là tài sản cuối cùng mà nhiều người dân vùng lũ Vũ Quang còn giữ được. Tại nhà ông Nguyễn Văn Hoàng ở xã Hương Minh, chúng tôi lần theo lối trổ ngói trên nóc chui vào chạn trú lũ và không khỏi xót xa khi cả nhà ông Hoàng chỉ còn nửa xoong măng luộc ăn cầm hơi. Ông Hoàng nói gạo và bắp lẫn hai con bò đã trôi hết, hàng xóm cũng không còn gì ăn. Nhìn đỉnh lũ khủng khiếp ông không nghĩ đoàn cứu trợ có thể đến kịp nên xoong măng luộc này bốn người trong nhà phải ăn cầm chừng từ hai ngày nay.

Dưới một nóc ngói khác, ông Bùi Văn Giá, hơn 70 tuổi ở xã Đức Bồng, nói đã sống hơn nửa thế kỷ ở vùng Hòa Duyệt nhưng kể cả cơn lũ lịch sử năm 1962 cũng không to đến mức này. Chứng tích lũ cao nhất ấy khiến ông Giá yên tâm kêu con cháu cột tài sản quý giá nhất là chiếc xe Dream thật cao lên xà nhà. Vậy nhưng nửa khuya ngày 16 rạng sáng 17-10, tài sản quý giá nhất ấy đã không chống chọi nổi với cơn lũ dữ. Chiếc xe Dream treo trên xà nhà ông Giá giờ lơ lửng trong nước.

17g, chiếc xuồng cao tốc đầu tiên vào “nóc” lũ buộc phải quay ra khi trời sầm sập mưa trở lại. Đêm nay, hai bờ Ngàn Trươi, Ngàn Sâu với hơn 3 vạn người vẫn chìm trong “nóc” lũ đói, lạnh.

NGUYỄN VIỄN SỰ

Cứu dân trong đêm

1g sáng 17-10, ngay trong đỉnh lũ và đêm tối, chính quyền huyện Vũ Quang đã quyết định điều năm canô đến các xã quanh “nóc” lũ Hòa Duyệt cứu dân. Ông Nguyễn Thanh Sơn - bí thư huyện ủy - cho biết: “Việc cứu hộ trong đêm tối như vậy là hết sức mạo hiểm, nhưng tiếng người dân kêu cứu vang dọc hai bờ sông, không ai cầm lòng được”. Và sự mạo hiểm ấy đã cứu được gần 3.000 người dân, đưa đến nơi an toàn. Trong khi toàn tỉnh Hà Tĩnh có bảy người chết và mất tích, thì tại đỉnh lũ Hòa Duyệt không có ai thiệt mạng.

____________________

jqYjGB0w.jpgPhóng to

Sơ đồ di chuyển của bão Megi - Đồ họa: v.cường. Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương

Bão Megi mạnh cấp 17 tiến nhanh về biển Đông

* Lũ vượt mức lịch sử vì lũ chồng lũ

“Hiếm có cơn bão nào gây ra gió mạnh đến cấp 17, giật trên cấp 17 khi tiến về biển Đông” - ngày 17-10, ông Lê Thanh Hải, phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, nhận định như trên về siêu bão Megi đang hoạt động cách đảo Luzon (Philippines) 280km về phía đông.

Dự báo chiều tối 18-10, sau khi vượt qua đảo Luzon, bão Megi đi vào khu vực phía đông của biển Đông. Ngày 19-10, bão còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 520km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão giảm xuống còn cấp 14 (từ 150-166 km/giờ), giật cấp 16-17.

Theo ông Hải, hiện có nhiều mô hình dự báo bão Megi di chuyển theo nhiều hướng khác nhau. Cụ thể như trang dự báo Hong Kong có nhận định sau khi vào biển Đông, bão Megi di chuyển chủ yếu theo hướng giữa tây và tây tây nam. Trong khi đó, trang dự báo của hải quân Mỹ lại nhận định bão Megi sẽ đi hơi chếch về hướng bắc theo hướng tây tây bắc.

Với diễn biến trên, nhiều khả năng bão Megi sẽ hướng vào đảo Hải Nam (Trung Quốc) và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển khu vực vịnh Bắc bộ. “Cho đến thời điểm này dự báo khả năng bão Megi ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung hoặc các khu vực khác là 50-50” - ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, hiện tình hình mưa tại khu vực miền Trung đã có dấu hiệu giảm. Mực nước trên các sông đã đạt đỉnh (vượt mức báo động 2-3, có nơi vượt đỉnh lũ năm 2007 như sông Ngàn Sâu) và xuống rất chậm. Nguyên nhân do một số hồ chứa nước phải xả lũ để đảm bảo an toàn. Vì vậy đỉnh lũ trên các sông miền Trung còn tiếp tục duy trì trong khoảng hai ngày tới.

* TS Nguyễn Lan Châu - cố vấn Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương - nhận định: “Với lượng mưa lớn và sông nhỏ thì lũ lên cao khi mưa tập trung với cường độ lớn, có thời điểm mưa 400mm trong sáu giờ là tất yếu. Lũ lên cao và ngập nhanh do một phần các tỉnh này vừa trải qua trận lũ đầu tháng 10 nên đất đai đang ướt nhão không còn khả năng thấm nước, ngoài ra còn do hồ chứa đầy và nước trên các sông vẫn cao. Bên cạnh đó, một phần do địa hình miền Trung tạo nên sông dốc, ngắn, lũ từ thượng nguồn về rất nhanh”

NHÓM PV TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên