16/10/2010 20:50 GMT+7

Lũ đặc biệt lớn trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Bình

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn TƯ
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn TƯ

TTO cập nhật từ vùng lũ - Nước sông ở các tỉnh miền Trung đang dâng lên từng phút, dự báo nước lên rất nhanh trong đêm nay. Một cơn lốc đã quét ngang xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế làm một người chết. Đập Mơ ở Hương Sơn, Hà Tĩnh bị vỡ. Quảng Bình sơ tán 5.400 hộ dân.

* Dự báo nước lớn nhanh trong đêm nay* Đường Hồ Chí Minh có đoạn ngập sâu 3m* Bão cực mạnh đang tiến về biển Đông* Nghệ An: Thương tâm lũ quét cuốn trôi 2 người

Hà Tĩnh: Vỡ đập Mơ; 22 xã bị chia cắt

Đến chiều 16-10, lũ ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh đã làm 22 xã, thị trấn bị chia cắt và cô lập. Nước lũ ở Chu Lễ đã đạt 16,47m, tạo thành biển nước trắng xóa. Xuồng cao tốc được điều động khẩn cấp di dân ra khỏi vùng bị ngập và sạt lở. Lượng mưa chiều lên đến trên 500mm. Sông Ngàn Phố đã vượt trên báo động 2, mỗi giờ nước sông lên 6-8cm.

Đêm 15 rạng sáng 16-10, trên địa bàn huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) mưa vẫn như trút. Đập Mơ ở xã Sơn Hàm bất ngờ vỡ khiến hàng trăm người dân nhốn nháo chạy lên núi. Mưa lũ đã quay lại huyện Hương Khê khi có 7 xã bị cô lập.

1rMqEEnb.jpgPhóng to
Mưa lũ đan g hoành hành tải Hà Tĩnh - Ảnh: Văn Đinh

Đến 12g ngày 16-10, người dân ở xã Sơn Ham mới quay trở lại nhà sau khi chạy lên núi tránh nước lũ từ đập Mơ đổ về.

Theo những người dân sống gần chân đập Mơ, đêm 15-10 ở thượng nguồn đập Mơ mưa rất lớn. Đến 19g nước đã mấp mé bờ đập, đến 2g sáng 16-10 nước tràn qua đập gần 1m. Những người canh giữ đập gọi điện thoại về cho biết đập Mơ có nguy cơ vỡ, nhưng vẫn không được ứng cứu.

Nước lũ vẫn ùn ùn đổ về, đổ xuống khe ầm ầm. Những tảng đất đá ở chân đập có dấu hiệu rạn nứt. 6g sáng những người canh đập thất kinh khi nghe tiếng nước vỡ như sấm. Chưa đầy một tiếng đồng hồ, xóm 1, xóm 2, xóm 3, xóm 4 của xã Sơn Hàm đã như một chảo nước khổng lồ. Người dân nhốn nháo chạy lên rừng tránh lũ. Mọi con đường bị nước lũ chia cắt.

Đến gần 10g sáng chúng tôi mới tiếp cận khu vực đập Mơ. Trước mắt là một lòng chảo khổng lồ, nước vẫn đổ xuống khe ào ào. Chân đập như một đống đổ nát. UBND huyện Hương Sơn đã điều động toàn bộ nhân lực lực ứng cứu nhưng bất lực đứng nhìn. Ông Nguyễn Quang Oánh, Chủ tịch xã Sơn Hàm cho biết: “Chưa bao giờ người dân chúng tôi lại bị uy hiếp như vậy. Người dân hoảng loạn chạy tránh. Cây cối nằm dưới chân đập bị san phẳng, ngô vụ đông bị dập tơi tả. Hiện vẫn chưa tính được thiệt hại”.

Theo BPCBL huyện Hương Sơn, hiện huyện này đang còn 10 xã bị chia cắt và cô lập, hơn 1.000 nhà dân bị ngập. Mưa lớn vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Zk60Innv.jpgPhóng to
Nhiều người dân xã Hương Sơn chạy lũ bằng thuyền - Ảnh: Văn Định
ULVkL0OR.jpg
Nước lũ đang lên ở Hà Tĩnh, người dân đang đối diện với lũ chồng - Ảnh: Văn Định
0GNUJhaq.jpg
Nhiều con đường bị chia cắt do nước lũ - Ảnh: Văn Định

Sáng 16-10, ở Hương Khê mưa như trút, mực nước sông Ngàn Sâu cũng đang lên cao, nhấn chìm nhiều cánh đồng và cô lập nhiều làng mạc. Các tuyến đường về xã Phương Mỹ, Phương Điền, Hương Thủy, Hương Giang, Lộc Yên, Gia Phố… bị ngập sâu và chia cắt.

Đến 9g sáng nay, lượng mưa đo được gần 150mm. Chu Lễ vượt mức báo động 3 (13,04m), mực nước của đập thủy điện Hố Hô là 67m/72m, đang tiến hành xả lũ. Sạt lở đất ở Phú Gia, Hương Lâm, Hương Liên… đã xảy ra.

Trước tình hình diễn biến phức tạp, huyện Hương Khê thành lập 22 đoàn về kiểm tra và triển khai công tác phòng chống lũ lụt ở 22 xã, thị trên địa bàn. Đồng thời có công điện khẩn cho các xã nằm trong tâm lũ như Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Gia Phố, Hương Giang, Hương Thủy, Hà Linh, Phương Điền, Phương Mỹ… tiến hành công tác di dời dân đến vùng an toàn.

Mưa lũ cũng khiến 79 thôn của 12 xã huyện Vũ Quang bị nước lũ cô lập. Trong đó, Đức Bồng, Đức Lĩnh, Ân Phú là những xã đang bị ngập nặng nhất. Người dân phải đi lại bằng thuyền. Tại sông Ngàn Sâu nước lên rất nhanh.

a3B0Nl3U.jpgPhóng to
Nhiều người dân ở bản Hạ Long rơi vào cảnh màn trời chiếu đất sau cơn lốc dữ - Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Theo Ban phòng chống lụt bão huyện Hương Khê đến chiều 16-10 đã có 12.000 ngôi nhà ngập nặng và trên 17.000 nhà bị nước lũ vào. Người dân Hương Khê lại chìm trong cảnh màn trời chiếu đất.

Mưa lớn đã xuất hiện ở huyện Cẩm Xuyên. Mực nước ở hồ Kẻ Gỗ trên mực nước ở cốt 30,88, lượng nước đạt 350 triệu m3. Các xã Cẩm Mỵ, Cẩm Duệ, Cẩm Thành, Cẩm Thạch, Cẩm Vịnh lại bị chìm ngập, hơn 4.000 người dân phải di dời khẩn ngay trong đêm. Công tác cứu trợ đang diễn ra cấp bách.

Hiện tại huyện Vũ Quang nước lũ đang lên nhanh. Các xã Đức Bồng, Đức Lĩnh, Ân Phú, Đức Giang, Đức Hương, Đức Liên, Hương Thọ, Hương Quang, Hương Điền bị chia cắt, cô lập hoàn toàn. Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Đăng Kỷ, phó chủ tịch UBND huyện, cho biết công tác di dời dân đang diễn ra trong nước lũ. Hơn 1.500 hộ dân đã được di dời đến các trường học...

Tương tự ở huyện Đức Thọ, Hương Sơn, nước lũ vẫn đang lên. Hai xã Đức Tùng, Đức Châu của huyện Đức Thọ bị cô lập không thể tiếp cận được.

iV7iDC34.jpgPhóng to
Hàng nghìn ngôi nhà ở huyện Hương Khê lại chìm trong nước

Quảng Bình: Sơ tán hơn 5.400 hộ dân

17g chiều 16-10, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài đã triệu tập một cuộc họp khẩn để ứng phó với lũ và ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo ngay bên bờ sông Gianh tại xã Cảnh Hóa (huyện Tuyên Hóa) để triển khai vực đối phó và di dời dân.

Đến chiều nay, số dân tại các xã bị ngập sâu được di dời là 5.400 hộ dân. Theo ông Hoài, muộn nhất đến 9g tối 16-10, phải di dời dân ở các xã ven sông Gianh như Phong Hóa, Châu Hóa, Văn Hóa… (huyện Tuyên Hóa) và các Quảng Hải, Quảng Tiên, Quảng Sơn… (huyện Quảng Trạch) đến nơi an toàn. Ông Hoài nói: “Có thể bị thiệt hại tài sản do lũ lớn nhưng kiên quyết không để dân chết như trận lũ vừa qua.”

Hiện nay, trời đổ mưa trên diện rộng tại tỉnh Quảng Bình, mưa có nơi đo được lên đến 500mm. Tại sông Kiến Giang nước đã vượt mức báo động 3, riêng sông Gianh tại Châu Hóa (huyện Tuyên Hóa) nước lên rất nhanh vượt báo động 3 và chỉ còn cách đỉnh lũ lịch sử 0,5m.

Quốc lộ 1A đi qua huyện Lệ Thủy đã ngập nước, các tuyến quốc lộ 12, quốc lộ 15 đi các huyện miền núi bị chia cắt hoàn toàn do nước ngập sâu gần 1m. Riêng đoạn thuộc xã Đức Hóa (huyện Tuyên Hóa) nước chảy xiết làm các phương tiện di chuyển để ứng phó hỗ trợ di dân gặp khó khăn. Đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa) ngập sâu 3m làm tê liệt hoàn toàn việc đi lại.

Tất cả trường học ở khu vực ven sông Gianh đã được lệnh đóng cửa, học sinh được thông báo cho nghỉ học, tránh trường hợp gặp nguy hiểm khi đến trường do nước chảy rất xiết.

Suốt ngày 16-10, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã tổ chức hai đoàn đến từng địa phương chỉ đạo công tác đối phó với lũ. Các nhu yếu phẩm gồm mì tôm, nước uống… đã được các huyện triển khai đưa về đến tận các xã chiều 16-10 nhằm cấp ứng cho dân. Tại các huyện, người đứng đầu mỗi phòng, ban đã được điều động về túc trực ở các xã để chủ động di dời dân đối phó với lũ.

4Ez2Olnr.jpgPhóng to
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua thôn Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa, huyện miền núi Minh Hóa của tỉnh Quảng Bình chiều 16-10 trở thành bến đò dọc
Cn3ItLX5.jpgPhóng to
Chợ Xuân Sơn chiều 16-10, khi nước dòng sông Son dâng cao

Để chủ động di chuyển, giúp người dân xã Tân Hóa vừa trải qua cơn đại hồng thủy, 200 bộ đội được Tỉnh đội Quảng Bình điều động về tận nơi cắm trại trên các đồi cao để di dân đi lánh nạn.

Từ sáng 16-10, bảy huyện, thành phố của Quảng Bình chìm trong lũ. Sông Gianh ba ngày trước nước trong xanh nay lại đỏ ngầu bùn đất. 10 xã ven sông Gianh của huyện Tuyên Hóa lại chìm trong lũ, trong đó nặng nhất là xã Thanh Hóa, Thạch Hóa. Tại huyện Lệ Thủy nước lũ đã ngập tám xã vùng giữa của huyện. Nhiều tuyến đường liên xã đã bị lũ cắt đứt.

Tại huyện Quảng Trạch, cả chín xã vùng Nam cũng ngập nặng lại. Xã Quảng Hải, ốc đảo nằm giữa dòng sông Gianh, giờ chỉ còn nổi thoi thóp một số vùng có địa thế cao. Người dân đua nhau dắt trâu bò lên tránh lũ ở trụ sở UBND xã. Ở xã Cảnh Hóa, nước chảy xiết ngay trên đường làng, sông Gianh cuộn đỏ bùn đất...

Người dân Quảng Bình lại đang “tấp nập” chạy lũ.

Lực lượng bộ đội, công an từ tỉnh đến các huyện lại được lệnh đưa canô đến các vùng lũ ở Tân Hóa (Minh Hóa), Phù Hóa, Cảnh Hóa, Quảng Minh (Quảng Trạch), Mai Hóa, Thạnh Hóa (Tuyên Hóa)... cứu hộ và di dời dân.

eJWiuijW.jpgPhóng to
Người dân xã Tiến Hóa chạy lũ trên sông Gianh - Ảnh: Lam Giang
TDRtZtGs.jpgPhóng to
Người dân Quảng Hải đưa trâu bò lên nhà cao tránh lũ - Ảnh: Lam Giang
ykYoetmg.jpgPhóng to
Xã Quảng Hải chìm trong lũ - Ảnh: Lam Giang
R3S70AJV.jpgPhóng to
Nhiều xã bên sông Gianh đã bị ngập nặng - Ảnh: HỮU KHÁ

Lũ đặc biệt lớn trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Bình

Mực nước lúc 20g ngày 16-10 trên một số sông như sau:

• Sông Cả tại Nam Đàn: 4,46m;• Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ: 16,56m, trên BĐ3: 3,06m (vượt lũ lịch sử năm 2007: 0,43m); • Sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt: 11,84m, trên BĐ3: 1,34m; • Sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm: 11,94m, trên BĐ2: 0,44m; • Sông La tại Linh Cảm: 5,14m, dưới BĐ2: 0,36m; • Sông Gianh tại Mai Hóa: 7,58m, trên BĐ3: 1,08m; • Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy: 2,49m, dưới BĐ3: 0,21m;

Dự báo, lũ trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Bình tiếp tục lên, riêng các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình dao động ở mức cao. Đêm nay, sáng mai (17-10), mực nước trên các sông có khả năng:

• Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ ở mức 16,70m, trên BĐ3: 3,2m (vượt lũ lịch sử năm 2007: 0,57m); • Sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt ở mức 12,5m, trên BĐ3: 2,0m (thấp hơn lũ lịch sử năm 1960: 0,24m); • Sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm ở mức 12,5m, dưới BĐ3: 0,5m; • Sông La tại Linh Cảm ở mức 6,2 m, dưới BĐ3: 0,3m; • Sông Gianh tại Mai Hóa lên mức 7,8m, trên BĐ3: 1,3m; • Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy lên mức 3,2 m, trên BĐ3: 0,5m; • Sông Cả tại Nam Đàn lên mức 5,4m, ở mức BĐ1.

Ngày mai (17-10), mực nước các sông ở Thanh Hóa sẽ lên. Tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng trên các lưu vực sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình tiếp tục diễn ra nghiêm trọng. Đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình.

Tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp.

Tuyến đường sắt Đồng Hới - Vinh bị tắc

Ông Mai Lê Long, Trưởng ga Đồng Hới cho biết, mưa to đã gây lũ lớn ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình; trên tuyến đường sắt Đồng Hới - Vinh đã có nhiều đoạn bị ngập nước làm tắc đường. Hiện có hai đoàn tàu chở hơn 600 hành khách từ TP.HCM đi Hà Nội đã bị kẹt phải đỗ lại ga Đồng Hới và ga La Khê (huyện Tuyên Hóa).

Ngày 16-10, tàu chở khách Đồng Hới - Vinh tới ga Kim Lũ cũng phải quay trở lại ga Đồng Hới.

Cũng theo ông Long, nước lũ hiện đang dâng cao, ngành đường sắt có khả năng phải sử dụng phương án tăng bo hành khách bằng ô tô từ ga La Khê theo đường Hồ Chí Minh ra ga Vinh và đường Quốc lộ 1A từ Đồng Hới ra Vinh. Sau đó hành khách được chuyển tiếp bằng tàu hỏa đi Hà Nội.

Thừa Thiên Huế: Lốc lớn ở Phong Điền

Chiều qua, một cơn lốc lớn đã quét ngang xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế làm một người chết và bốn người bị thương.

Nạn nhân tử vong trong cơn lốc là ông Trần Văn Me, 80 tuổi, ở bản Hạ Long, xã Phong Mỹ. Khi ngôi nhà ông Me bị lốc kèm theo mưa lớn làm đổ ụp, một bức tường đã đè lên người ông khiến ông không qua khỏi, dù người dân đã cố gắng đưa ông đến bệnh viện huyện cấp cứu.

“Ngôi nhà cấp 4, do nhà nước hỗ trợ gần như bị chôn vùi, khi tui tới chỉ còn đống gạch vụn. Tui cùng mấy anh em khác mất khoảng nửa giờ đào bới mới khiêng được cụ lên từ đống gạch đá”, anh Lê Văn Tuấn, một thanh niên tham gia cứu nạn kể.

Cơn lốc gây thiệt hại nặng tại bản Hạ Long - nơi có 83 hộ gia đình, trên 300 nhân khẩu (chủ yếu là đồng bào PaHy) và làm thiệt hại hàng chục heta cây cao su đang kì khai thác mủ của người dân bản Hạ Long và thôn Hòa Mỹ.

Phó chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Cho cho biết, chỉ riêng tại bản Hạ Long, thống kê sơ bộ có 60 ngôi nhà bị hư hại, trong đó 20 ngôi nhà bị sụp, 40 ngôi nhà bị tốc mái từ 70-100%. Ba học sinh tiểu học và cô Nguyễn Thị Bích Ngoan bị trọng thương do lốc làm tốc mái, ngói rơi trúng người.

Đến tối cùng ngày bốn người bị thương vẫn tiếp tục được điều trị, trong đó cô Ngoan cùng một học sinh được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, hai học sinh khác điều trị tai Trạm Y tế xã Phong Mỹ.

2BQQNSGI.jpgPhóng to
Chuyến hàng cứu trợ khẩn cấp đầu tiên cho bà con bản Hạ Long do lực lượng quân sự huyện Phong Điền vận chuyển trong đêm bằng canô - Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Ngay sau khi cơn lốc xảy ra, lãnh đạo huyện Phong Điền, xã Phong Mỹ cùng nhiều lực lượng triển khai cứu nạn, khắc phục hậu quả lốc, nhưng gặp vô vàn khó khăn khi bản Hạ Long hoàn toàn chia cắt bởi cầu Khe Hiên - cây cầu dẫn vào bản bị lũ nhấn chìm.

Trước đó, khoảng 20g ngày 15-10, lực lượng quân sự huyện Phong Điền đã dùng canô vượt lũ, vận chuyển chuyến hàng cứu trợ đầu tiên vào bản Hạ Long. Thiếu tá Nguyễn Hữu Phương, chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện nói: “Chúng tôi phải dùng xe hai cầu đưa hàng cứu trợ như mì ăn liền, nước uống, nến… từ thị trấn lên. Qua đoạn cầu bị ngập này phải dùng thuyền. Chúng tôi cố gắng để bà con không bị đói, rét, sống tối tăm trong đêm”.

Hiện bản Hạ Long gần như tê liệt về điện lưới, mất nguồn nước sạch, hàng trăm người dân sống tạm dưới các tấm bạt che tạm, hoặc trú trong một phần chưa bị tốc mái”.

Một cơn bão cực mạnh tiến về biển Đông

* Miền Trung tiếp tục mưa to

Ngày 15-10, nhiều cơ quan dự báo khí tượng quốc tế cảnh báo một cơn bão cực mạnh có tên Megi hình thành trên khu vực tây bắc biển Thái Bình Dương đang tiến về biển Đông.

Bão Megi chủ yếu di chuyển theo hướng bắc tây bắc với vận tốc 15km/giờ. Dự báo ngày 16-10, bão Megi tiếp tục mạnh thêm thành siêu bão và tăng tốc di chuyển lên 20km/giờ. Trong khi đó, trang dự báo khí tượng của Hong Kong dự báo bão Megi sẽ đổ bộ vào khu vực phía bắc đảo Luzon (Philippines) trước khi vào biển Đông.

* Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, trong hai ngày qua tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam đã có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-150mm, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa từ 150-200mm. Hiện mực nước trên các sông Kiến Giang, Vu Gia, Gianh...đang lên trên mức báo động 1, một số nơi xấp xỉ mức báo động 2.

Dự báo lũ trên các sông ở Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế có khả năng lên mức báo động 3; các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam lên mức báo động 2, riêng sông Cả tại Nam Đàn (Nghệ An) còn dưới mức báo động 1. Sau đó lũ các sông còn tiếp tục lên và ở mức cao.

Nghệ An: Lũ quét cuốn trôi 2 người

Trong khi đuổi trâu tránh dòng nước lũ, Nguyễn Thành Luân (21 tuổi) và Nguyễn Văn Đồng (20 tuổi) đã bị nước lũ cuốn trôi. Cả hai nạn nhân đều ở đội 3 và đội 4 xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Tính từ thời điểm bị lũ cuốn trôi trưa hôm qua (15-10) đến nay (16-10) thi thể hai nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy.

Anh Nguyễn Nguyên Chương (một người dân tham gia tìm vớt xác 2 nạn nhân) kể: Khoảng 12g trưa qua, do trâu bị kẹt, cô lập giữa dòng nước lũ. Dù mực nước lên cao nhưng Luân và Đồng vẫn cố ra giữa dòng nước đục ngầu, chảy xiết rất mạnh để cứu trâu. Ra đến giữa dòng, một trong hai người bị chìm, người đi sau bị cuốn trôi mấy chục mét rồi cũng chìm và mất tích. Ngay sau khi nghe tin báo nhiều bà con đã tiến hành lặn tìm xác nhưng vô vọng.

Ghi nhận tại hiện trường, khu vực cầu Hai Lạch, bản Noong (xã Ngọc Lâm) hàng trăm người dân và các chiến sĩ biên phòng vẫn đang ngụp lặn dưới dòng nước lạnh, chảy xiết tìm kiếm xác hai nạn nhân. Trên cầu Hai Lạch nhiều bà con cũng đang đội mưa ngóng chờ tin.

Đồng chí Nguyễn Bá Quyền - đội trưởng đội vận động đồn biên phòng 559 đóng tại địa phương - cho biết: Ngay sau khi có tin báo 2 nạn nhân mất tích do lũ quét, đồn đã họp khẩn, báo ban chỉ huy tỉnh, đồng thời lập 2 tổ thạo bơi (12 người) cùng bà con tìm xác hai nạn nhân từ trưa qua đến giờ.

Trên đường vào xã Ngọc Lâm, khắp nơi là cảnh hoang tàn sau trận lũ quét. Nhiều đoạn đường bị xói mòn trơ đá, một số đoạn ngập đầy bùn đất. Nhiều mốc đường bị lũ quét gãy sập, nước ngập đường khiến nhiều bản tại xã Ngọc Lâm và Thanh Hương bị cô lập hoàn toàn.

Một số hình ảnh chuyển về từ hiện trường xảy ra sự việc:

ciirU0uQ.jpgPhóng to
Bà con cùng các chiến sĩ biên phòng 559 đang chia nhau ra để tìm xác hai nạn nhân
KAakippy.jpgPhóng to
Trên cầu Hai Lạch hàng trăm bà con đang ngóng chờ tin
qSn52YWJ.jpgPhóng to
Rất nhiều cột mốc bị lũ quét gãy đôi - Ảnh: Hoàng Lộc

Quảng Trị: chưa tìm thấy xác một người bị lũ cuốn trên đất Lào

Tại Quảng Trị, bà Nguyễn Thị Hằng, chủ tịch UBND xã Tân Liên (Hướng Hóa), xác nhận đến 17g chiều 16-10 vẫn chưa tìm được thi thể chị Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1973, trú tại thôn Tân Tiến, xã Tân Liên), sau khi chị bị nước lũ cuốn trôi tại một con suối trên đất Lào. Hiện thân nhân của chị đang phối hợp cùng các lực lượng chức năng của nước bạn Lào như bộ đội, biên phòng ra sức tìm kiếm giữa dòng nước xiết.

Chị Thảo, một trong số những người đi cùng với chị Thủy, cho biết chị Thủy gặp nạn vào chiều 15-10 khi cùng 8 chị em khác lội suối trở về Việt Nam đoạn qua bản Làng Choang (huyện Mường Nòng, Xavanakhet, Lào). Những người này thường ngày vẫn qua Lào buôn bán. Nhưng khi trở về đến giữa dòng thì nước nguồn đổ về bất ngờ khiến chị Thủy bị nước cuốn trôi. Những người khác may mắn tấp vào một bụi cây gần đó sống sót.

Được biết, chị Thủy hiện đang sống cùng chồng tại thôn Tân Tiến, có 3 con nhỏ đang đi học.

Tiếp tục cập nhật

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn TƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên