Người dân Hungary đòi đền bù vụ tràn bùn đỏLũ bùn đỏ kinh hoàng ở Hungary
Theo ông Hùng, điều cơ bản nhất là nước thải bùn đỏ từ quá trình khai thác, chế biến bôxit ở Việt Nam là có, nhưng có thể không giống loại nước thải đang gây nguy hại nghiêm trọng đến môi trường ở Hungary do đặc tính lý, hóa khác nhau. Ông Hùng khẳng định quá trình xây dựng, làm nhà máy alumin ở Việt Nam sẽ phải đảm bảo công nghệ theo chuẩn quốc tế, sẽ tính đến khả năng ngăn ngừa, tránh được những sự cố như ở Hungary.
Ông Dương Văn Hòa, phó tổng giám đốc trực tiếp phụ trách dự án bôxit của TKV, cho biết theo thiết kế, cả hai nhà máy chế biến bôxit ở Việt Nam tới đây mỗi năm sẽ thải ra khoảng 1,3 triệu m3 bùn đỏ. Tuy nhiên, thiết kế của các hồ chứa bùn - chất thải của quá trình chế biến bôxit tại Việt Nam sẽ đảm bảo lưu giữ cho đến khi hoàn nguyên, tái sử dụng được. Việc lưu giữ bùn đỏ sau quá trình sản xuất, theo ông Hòa, sẽ không tập trung vào một hồ lớn mà chia thành nhiều ô khác nhau. Quá trình xây dựng các ô chứa sẽ đảm bảo luôn có một ô dự phòng nhằm sẵn sàng ngăn chặn, ứng cứu nếu xảy ra sự cố, đảm bảo hạn chế tối đa khả năng bùn tràn ra khu vực xung quanh.
Ông Hòa khẳng định việc thiết kế hồ đã được làm một cách nghiêm túc, có tính đến các khả năng sự cố và đã được cả một hội đồng khoa học của Bộ Công thương xem xét, đánh giá. “Chúng tôi không cho sự cố ở Hungary là bình thường mà đó là một cảnh báo rất nghiêm túc. Cảnh báo đó sẽ được nghiên cứu để đề phòng các tình huống xấu. Chúng tôi sẽ cẩn trọng hơn trong thi công để đảm bảo tốt nhất cho môi trường Việt Nam, đặc biệt ở khu vực chế biến bôxit tại Lâm Đồng” - ông Hòa nói.
Trong khi đó, theo một quan chức khác của TKV, với một quốc gia mới bắt tay vào ngành công nghiệp nhôm như Việt Nam, có thể phải cần nghiên cứu trực tiếp và kỹ sự cố ở Hungary để phòng tránh. Dù có thể không độc hại đến mức gây bỏng ngay, tiêu diệt sinh thái nếu tiếp xúc trực tiếp như Hungary nhưng nước thải, bùn đỏ của quá trình chế biến bôxit ở VN cũng có nhiều chất độc hại không kém nếu để rò rỉ vào nguồn nước sông. Đặc biệt với khu vực Tây nguyên có độ dốc cao, là khu vực sinh thái quan trọng, sẽ phải tính toán kỹ hơn để nếu cần thiết thì tăng thiết bị an toàn trong thiết kế nhằm ngăn chặn bùn đỏ có thể tràn ra môi trường - vị quan chức TKV nói.
Bùn đỏ rất độc Theo tài liệu hội thảo khoa học “Vai trò của công nghiệp khai thác bôxit - sản xuất alumin - nhôm đối với phát triển kinh tế - xã hội Tây nguyên và những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, văn hóa khu vực” do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN cùng Bộ Công thương tổ chức hồi tháng 4-2009, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe - trưởng ban phản biện xã hội, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN - cho rằng bùn đỏ là chất thải không thể tránh được của khâu chế biến bôxit thành alumin, gồm các thành phần không thể hòa tan, trơ, khá bền vững trong điều kiện phong hóa và đặc biệt là chứa xút - một hóa chất độc hại dùng để chế biến alumin từ bôxit. Theo tính toán, với dự án Nhân Cơ, dung tích hồ thải bùn đỏ sau 15 năm lên tới 8,7 triệu m3, tổng lượng bùn đỏ phải tích trên cao nguyên trong cả đời dự án Tân Rai khoảng 80-90 triệu m3. “Đặc trưng của bùn đỏ là có kích thước rất mịn. Do đó, bùn thải khi khô dễ phát tán bụi vào không khí gây ô nhiễm, tiếp xúc thường xuyên với bụi này gây ra các bệnh về da, mắt. Nước thải từ bùn tiếp xúc với da gây tác hại như ăn da, gây mất độ nhờn làm da khô ráp, sần sùi, chai cứng, nứt nẻ, đau rát... Đặc biệt khả năng gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và nước mặt là rất cao khi lưu giữ bùn với khối lượng lớn trong thời gian lâu dài. Lượng bùn này phát tán mùi hôi, hơi hóa chất làm ô nhiễm, ăn mòn các loại vật liệu” - TS Hòe khẳng định. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận