07/10/2010 06:44 GMT+7

Ba lần bị Trung Quốc bắt tàu

V.Q.CẦU - P. XUÂN
V.Q.CẦU - P. XUÂN

TT - Ngày 6-10, phó chủ tịch UBND xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) Dương Nhựt cho biết tàu đánh cá QNg-66478-TS bị Trung Quốc bắt giữ ngày 11-9-2010 là của ngư dân Mai Phụng Lưu ở thôn Tây, xã An Hải.

Trên tàu có chín ngư dân hành nghề lặn ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.

DLIUfaei.jpgPhóng to
Ngư dân huyện đảo Lý Sơn luôn coi vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là ngư trường truyền thống - Ảnh: V.Q.C.

Sau khi tàu của ngư dân Mai Phụng Lưu bị bắt, UBND xã An Hải đã có văn bản trình UBND huyện Lý Sơn và bộ đội biên phòng huyện đảo.

Huyện Lý Sơn đã báo cáo tỉnh, sau đó UBND tỉnh có công văn đề nghị Bộ Ngoại giao can thiệp nhưng phía Trung Quốc vẫn không trả tàu và giam giữ ông Lưu cùng tám ngư dân cho đến nay.

Theo ông Bùi Trường Xuân - cán bộ phụ trách thủy sản xã An Hải, ngư dân Mai Phụng Lưu bị Trung Quốc bắt lần này là lần thứ ba.

Tháng 1-2009, trong khi hành nghề lặn ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa, ngư dân Mai Phụng Lưu bị Trung Quốc tịch thu chiếc tàu đánh cá mang số hiệu QNg-66514-TS, cùng toàn bộ ngư cụ trị giá khoảng 700 triệu đồng.

Trở về nhà, ông Lưu chạy vạy vay mượn mua chiếc tàu đánh cá QNg-66478-TS thì đến tháng 4-2010 lại bị Trung Quốc bắt, thu giữ toàn bộ ngư cụ, máy móc trên tàu trị giá hơn 100 triệu đồng, sau đó thả chiếc tàu cùng 11 ngư dân trở về địa phương.

Ông Lưu đành phải vay mượn thêm tiền của bà con chòm xóm mua sắm máy móc, ngư cụ và đưa tàu ra khơi. Nhưng ngày 11-9, trong khi hành nghề ở ngư trường quần đảo Hoàng Sa, tàu của ông Lưu lại bị Trung Quốc bắt.

Từ ngày ông Lưu bị bắt, cuộc sống của gia đình ông gặp nhiều khó khăn.

Bà Phạm Thị Lan (43 tuổi), vợ ông Lưu, cho biết ngoài ông Lưu còn có hai con trai là Mai Chí Tâm (20 tuổi), Mai Văn Hổ (18 tuổi) và con rể Bùi Văn Hải cũng bị bắt trên tàu này.

Sau khi bị Trung Quốc bắt, ông Lưu có điện thoại về báo tin nhưng sau đó không còn liên lạc được nữa.

Cách đây hai ngày có điện thoại từ Trung Quốc báo cho ông Lưu gặp bà nhưng khi bà cầm máy thì chỉ có tiếng người nói bằng tiếng Việt giọng lơ lớ bảo nộp phạt 70.000 nhân dân tệ mới được thả về.

Theo bà Lan, cuộc sống gia đình rất khó khăn, bà phải đi làm thuê nuôi con gái út Mai Thị Thư học lớp 10.

Nhà có hơn 3 sào tỏi nhưng không có tiền mua giống, bà con chòm xóm thấy vậy mỗi người cho ít giống trồng được 2 sào, còn 1 sào cho thuê để trừ bớt nợ. Cháu Thư thấy nhà khổ quá nên đã nghỉ học theo một người quen vào TP.HCM phụ bán phở cách đây một tuần.

Bây giờ ở nhà chỉ còn mình bà. “Họ bắt hoài nên vợ chồng con cái ly tán. Khổ quá chú ơi” - bà Lan than thở.

Ông Dương Thành Phương - phó trưởng Công an xã An Hải - nói: “Quan điểm của địa phương là sẽ không để ngư dân đem tiền nộp cho phía Trung Quốc. Chúng tôi yêu cầu phía Trung Quốc phải thả tàu cá của ngư dân Mai Phụng Lưu”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi cho biết từ năm 2005 đến nay, Quảng Ngãi có đến 114 tàu đánh cá với 1.200 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ.

Trong đó, Trung Quốc bắt 63 tàu với 725 ngư dân. Khi trở về, phần lớn ngư dân đều bị tịch thu tàu, ngư cụ nên rơi vào cảnh khốn khó.

Ông Trần Cao Mưu - tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam - cho biết cơ quan này đã nhận được báo cáo của Hội Nghề cá Quảng Ngãi và phản ảnh của ngư dân về tình trạng “thời gian gần đây tàu thuyền đánh cá của Trung Quốc thường xuyên xâm phạm vùng biển Việt Nam để khai thác hải sản trái phép”.

Theo ông Mưu, sau khi nhận được báo cáo này, hội đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan chức năng của Việt Nam để phản ảnh và đề nghị can thiệp.

Công văn của Hội Nghề cá Việt Nam nêu rõ: “Thời gian gần đây, tàu thuyền đánh cá của Trung Quốc thường xuyên xâm phạm vùng biển Việt Nam để khai thác hải sản trái phép tại vùng biển 16-16,5O vĩ Bắc, 109,2-109,5O kinh Đông, cách Cù Lao Chàm và Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) vài chục hải lý về phía đông bắc”. Các tàu này làm nghề lưới rê, nghề câu, vớt cá con để làm giống.

Tàu của Trung Quốc thường lớn, đi đông vài chục chiếc.

Hội Nghề cá Việt Nam nhấn mạnh: “Việc tàu Trung Quốc thường xuyên khai thác hải sản ở vùng biển nói trên là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của ngư dân Việt Nam, khai thác trái phép nguồn lợi thủy sản trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Đây là hành động vô lý, xâm phạm lợi ích quốc gia và lợi ích của ngư dân Việt Nam, vi phạm các điều ước quốc tế và những ứng xử trên biển đông”.

V.Q.CẦU - P. XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên