06/10/2010 11:36 GMT+7

Quảng Bình, Hà Tĩnh: lũ vẫn còn chia cắt nhiều nơi

VĂN ĐỊNH
VĂN ĐỊNH

TTO - Đến chiều nay, 6-10-2010, lũ đang dần rút xuống, dù vậy, tại Quảng Bình và Hà Tĩnh vẫn còn nhiều nơi bị chia cắt, cô lập, người dân vẫn quay quắt tìm cái ăn trong lũ và chính quyền vẫn đang nỗ lực cứu trợ bằng nhiều phương thức và phương tiện...

* 35 người chết và mất tích do mưa lũ

Trực thăng cứu dân vùng "rốn lũ"

Chia sẻ với đồng bào miền Trung

Nhiều email của độc giả đã gửi đến tòa soạn Tuổi Trẻ chia sẻ với những khó khăn của đồng bào miền Trung và mong muốn được đóng góp, sẻ chia những khó khăn của người dân nơi đây.

Để đáp ứng nhu cầu của độc giả, báo Tuổi Trẻ sẽ làm tiếp nhận những đóng góp của bạn đọc ủng hộ đồng bào miền Trung.

Mọi đóng góp xin gửi về phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc tài khoản báo Tuổi Trẻ số 102010000118248 Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM.

Chúng tôi sẽ mở những chuyến cứu trợ đến đồng bào miền Trung. Xin cảm ơn.

Hà Tĩnh: lũ đang chia cắt 35 xã, chính quyền dồn lực cứu trợ

Đến 12g ngày 6-10, mưa lũ ở Hà Tĩnh vẫn đang chia cắt và cô lập 35 xã. Đặc biệt lũ ở huyện Cẩm Xuyên vẫn đang diễn biến phức tạp khi các hồ Kẻ Gỗ, Bộc Nguyên Thượng Tuy, Sông Rác xã lũ lớn.

XqWbpQxL.jpgPhóng to

Đã hơn 4 ngày gia đình anh Trần Văn Lợi (Gia Phố, Hương Khê, Hà Tĩnh) sống trên mái nhà. Đứa con gái đầu của anh đang nhận thùng mì tôm đầy ý nghĩa - Ảnh: Văn Định

Ông Nguyễn Văn Tuần, Chủ tịch huyện Cẩm Xuyên, nói: “Hiện tại các hồ thủy lợi đang xả lũ mạnh, tình hình lũ vẫn phức tạp. Chính quyền đang nỗ lực đưa người dân ra khỏi rốn lũ, việc cứu trợ diễn ra cấp bách”.

Kua0nQ2w.jpgPhóng to
Lũ vẫn khiến 24 xã ở Hà Tĩnh bị chia cắt - Ảnh: Văn Định

Vừa chống thuyền tránh lũ, anh Nguyễn Văn Đạt (ở xã Cẩm Vinh, Cẩm Xuyên) nói: “Hơn 10 năm nay mới xảy ra lũ lớn như năm nay. Chỉ một đêm mưa to, toàn xã chúng tôi ngập trong nước”.

Theo ban phòng chống lụt bão huyện Cẩm Xuyên, mưa lũ đã khiến 7 xã bị ngập, đặc biệt là 5 xã nằm dọc sông Ngàn Mọ, bao gồm: Cẩm Mỵ, Cẩm Thành, Cẩm Thạch, Cẩm Duệ, Cẩm Vịnh. Để đối phó với lũ, huyện này đã điều động 10 chiếc ca nô, hàng chục chiếc thuyền thúng để tiếp cận di dân và cứu trợ. Đến thời điểm này, huyện đang có 3.500 hộ dân chìm sâu trong lũ.

Sau 5 ngày mưa lũ, đến chiều ngày 6-10, lũ ở huyện Hương Khê xuống trông thấy. Do địa hình miền núi, huyện này vẫn đang còn có 17 xã bị chia cắt. Gần 16.000 hộ dân phải đi lại bằng thuyền. Chính quyền địa phương huy động hết nhân lực khắc phục hậu quả do lũ để lại. Hình ảnh những chiến sĩ bộ đội lội nước lũ khắc phục hậu quả xuất hiện rất nhiều ở vùng rốn lũ. Hàng nghìn người dân chạy lũ đã quay trở về. Nhưng trước mặt họ là cảnh hoang tàn do mưa lũ gây ra.

Chiều 6-10, các huyện Vũ Quang, Đức Thọ, Thạch Hà nước lũ vẫn chia cắt, làm ngập một số xã.

mMFz7FRu.jpgPhóng to
Sau những ngày tránh lũ bà, Phạm Thị Nhàn, ở xã Hương Thủy (Hương Khê) quay về sửa sang lại nhà cửa. Nhưng trước mắt bà là sự ngổn ngang do lũ gây ra - Ảnh: Văn Định
5zVWA7cg.jpgPhóng to

Đi đến đâu cũng thấy nhà cửa ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) chìm trong lũ - Ảnh: Văn Định

qurWwtLu.jpgPhóng to
Cứu trợ cho người dân Hương Khê chỉ bằng chiếc thuyền ba ván mỏng manh - Ảnh: Văn Định

Quảng Bình: quay quắt tìm cái ăn

Ông Trần Đức Luấn - chủ tịch UBND xã Quảng Tiên (Quảng Trạch, Quảng Bình) - cho biết hiện vẫn còn hơn 120 hộ dân với gần 600 khẩu của thôn Xuân Tiên bị cô lập cần được ứng cứu lương thực và nước uống. 100% nhà dân trong xã bị ngập, có nơi ngập nửa nhà đến chóp mái. 95% hộ dân đang thiếu nước sạch do nước lũ đã ngập hầu hết các giếng, hệ thống nước sạch của xã bị vỡ do lũ.

“Nước sông Gianh lên nhanh quá, như muốn nuốt chửng tất cả mọi thứ ở vùng đất nghèo này” - chị Lê Thị Mến, xã Quảng Trung (Quảng Trạch), bùi ngùi nói...

m1iyLEcG.jpgPhóng to

Xã Quảng Hải (Quảng Trạch) oằn mình chống sự hung hãn của dòng sông Gianh - Ảnh: Phước Tuần

gTOC0fr4.jpgPhóng to
Người dân ở các xã Quảng Sơn, Quảng Hòa, Quảng Minh… bất lực nhìn nước chảy khi không thể về nhà - Ảnh: Phước Tuần
uoHmIuv9.jpgPhóng to
Lực lượng cứu hộ của ban chỉ huy huyện đội Quảng Trạch tăng cường xuồng cao tốc cứu dân sáng nay 6-10 - Ảnh: Phước Tuần
lfiZjC4s.jpgPhóng to
Cây cầu bắc qua xã Quảng Hải bị lũ cuốn trôi - Ảnh: Phước Tuần
H47u7soz.jpgPhóng to
Thầy cô Trường THCS Quảng Tiên (Quảng Trạch) tranh thủ lau chùi bàn ghế sáng 6-10 - Ảnh: Phước Tuần
YgMD3Q33.jpgPhóng to
Khu nội trú của thầy cô Trường THCS Quảng Tiên (Quảng Trạch) - Ảnh: Phước Tuần
GC8jBSME.jpgPhóng to
Cụ Cao Thị Mít - xã Quảng Tiên (Quảng Trạch) - nhận thùng mì tôm cứu trợ đầu tiên sau khi lũ rút - Ảnh: Phước Tuần
hCl1UwTa.jpgPhóng to
Chị Lê Thị Mến, xã Quảng Trung (Quảng Trạch), xót xa nhìn thúng lúa trộn đầy bùn non - Ảnh: Phước Tuần
gQ242RIY.jpgPhóng to

Bất chấp nguy hiểm, nhiều người vẫn lội bộ qua vùng nước lụt đoạn xã Quảng Lộc - Quảng Trạch chiều 6-10 - Ảnh: Phước Tuần

Đến sáng 6-10, tuy một số nơi nước lũ đã rút nhẹ nhưng còn rất nhiều nhà dân tại Lệ Thủy (Quảng Bình) vẫn đang bị ngập sâu. Phải mất hơn một giờ đồng hồ phóng viên Tuổi Trẻ mới tiếp cận được vùng trũng thôn Vinh Quang, xã Hoa Thủy.

Tại đây, trước mắt chúng tôi là biển nước mênh mông. Trong những ngôi nhà xập xệ, nhiều người dân đang vật vã chống chọi với lũ bằng mì tôm và lương khô.

Chị Võ Thị Hiền ngụ tại thôn Quang Vinh vẫn chưa hêt bàng hoàng: “Ba ngày rồi anh ơi. Khi lũ vô chồng tui không có ở nhà. Mấy mẹ con phải đành leo tạm lên bàn thờ ngồi tránh lũ. Vừa ngồi vừa cầu trời khấn phật cho nước lũ đừng lên nữa. May hôm nay nước đã rút đi đôi chút nếu không 3 đứa con tui không biết chạy đâu”.

Cạnh đó, chị Trần Thị Rạng cũng đang vớt vát những vật dụng còn trôi nổi ngay trong nhà. Chị buồn bã nói: “Trôi hết rồi. Chỉ còn lại vài thứ lặt vặt thôi”. Trên chiếc thuyền nhà chị, một bếp lửa với vài que củi còn bốc khói. Chị nói may nhờ giữ được lửa mà đêm qua hai vợ chồng chống chọi được với cái lạnh. Một nhúm gạo được nhà hàng xóm san sẻ chính là sự sống của hai vợ chồng hai ngày qua. Dù địa phương đã nhanh chóng tiếp tế hàng cứu trợ nhưng nhiều hộ dân vẫn còn quay quắt với cái ăn.

rkS3eiLg.jpgPhóng to
FUgOsPUv.jpg
Những khu dân cư ven sông Kiến Giang vẫn chìm trong lũ sáng 6-10 - Ảnh: Quốc Nam (chụp sáng 6-10)
avDOVSu1.jpgPhóng to
Gia súc được tản cư lên những vùng cao - Ảnh: Quốc Nam (chụp sáng 6-10)
j3io4cLJ.jpgPhóng to
Nhà của đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đang chìm sâu trong lũ - Ảnh: Quốc Nam (chụp sáng 6-10)
u01YqQs1.jpgPhóng to

Khu vực chợ Thùi ở xã An Thủy mênh mông nước lũ - Ảnh: Quốc Nam (chụp sáng 6-10)

y4CQwXkM.jpgPhóng to
Một ngôi nhà dân tại thôn Vinh Quang, xã Hoa Thủy bị lũ đánh sập - Ảnh: Quốc Nam (chụp sáng 6-10)
0vEUkadp.jpgPhóng to

Chị Trần Thị Rạng, ở thôn Vinh Quang, xã Hoa Thủy đang vật vã với cái ăn - Ảnh: Quốc Nam (chụp sáng 6-10)

T0JlVyCo.jpgPhóng to
3 đứa con chị Võ Thị Hiền, thôn Vinh Quang, xã Hoa Thủy ngồi trên bàn thờ tránh lũ. Bên dưới nước lũ vẫn ngập sâu - Ảnh: Quốc Nam (chụp sáng 6-10)

Quảng Bình: Vận chuyện hành khách bằng đường bộ

Theo ông Phan Huy Giang - Phó tổng giám đốc công ty vận tải hành khách Hà Nội - cho biết bắt đầu từ khuya 5-10, hơn 20 chuyến xe đã vận chuyển gần 1500 khách đi trên các chuyến tàu SE4 và SE2 bị mắc kẹt tại ga Đồng Hới (Quảng Bình) ra ga Vinh bằng đường bộ. Và vận chuyển gần 700 hành khách từ ga Vinh vào Đồng Hới.

WFolPFAa.jpgPhóng to
Hành khách kẹt lại tại ga Đồng Hới đã được vận chuyển bằng đường sắt ra ga Vinh dài 200 Km để tiếp tục cuộc hành trình ra Hà Nội (Ảnh chụp sáng 6-10) – Ảnh: Phước Tuần

Các hành khách kẹt lại tại ga Đồng Lê cũng được vận chuyển về Đồng Hới từ sáng nay (6-10). Toàn bộ số hành khách này đã bị kẹt lại các ga do đoạn đường sắt từ Đồng Hới đến Đồng Lê ngập sâu và sạt lỡ nhiều đoạn do mưa lũ.

Hiện nay tuyến đường sắt từ Vinh đến Đồng Lê (huyện Tuyên Hóa - Quảng Bình) đã thông suốt. Đoạn đường đi qua các xã của huyện Tuyên Hóa đang bị sạt lỡ lớn, nhiều nơi do nước lũ chảy rất xiết. Với thời tiết vẫn còn mưa, nước vẫn ở mức cao đã khiến công tác khắc phục của anh em công nhân gặp rất nhiều khó khăn.

Tại các ốc đảo giữa các dãy núi của huyện Tuyên Hóa công tác vận chuyển sắt, thép, đá và cả nhu yếu phẩm, lương thực cho anh em công nhân gặp rất nhiều khó khăn. Nhằm giải quyết quyền lợi của hành khách, công ty sẽ cho tiến hành vận chuyển hành khách theo đường bộ từ Đồng Lê (Tuyên Hóa) về Đồng Hới dài 100 Km và ngược lại.

Ông Giang cho biết thêm, công ty đang tập trung nhân lực gấp rút khắc phục tuyến đường sắt sớm nhất.

* TP.HCM ngưng chạy một số tuyến tàu do mưa lũ

Theo TTXVN, do ảnh hưởng của lũ gây ách tắc trên tuyến đường sắt đoạn Vinh - Đồng Hới, ngành đường sắt đã quyết định ngưng chạy các chuyến tàu mang ký hiệu SE4, SE8, TN2 khởi hành tại ga Sài Gòn trong ngày 6-10 và chuyến tàu SE8 khởi hành từ ga Sài Gòn ngày 7-10.

Bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Trưởng ga Sài Gòn cho biết, ngoài ra, chuyến tàu SE6 khởi hành tại ga Sài Gòn ngày 6-10 chạy đến ga Đồng Hới là ga cuối cùng.

Tàu SE2 khởi hành tại Sài Gòn ngày 6-10 chạy từ Sài Gòn đến Hà Nội. Ngày 7-10, các chuyến tàu SE2, SE4, SE6, TN2 khởi hành từ Sài Gòn đến Hà Nội.

Theo bà Phương, các chuyến tàu địa phương vẫn chạy bình thường.

Thủ tướng chỉ đạo cứu trợ khẩn cấp cho dân vùng lũ

Ngày 6-10, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã ký công điện khẩn điện Ủy ban Nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế; Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương; Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam.

Công điện nêu rõ mưa lớn đã gây lũ, ngập lụt trên diện rộng, chia cắt nhiều khu dân cư tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế. Để kịp thời cứu trợ khẩn cấp cho nhân dân vùng ngập lũ, xét đề nghị của Ủy ban Nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế và Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh ứng ngân sách địa phương để huy động mỳ tôm, nước uống đóng chai trên địa bàn và trong khu vực để kịp thời cứu trợ cho người dân bị ảnh hưởng.

Số lượng cụ thể là tỉnh Hà Tĩnh 50 tấn mỳ tôm, 50.000 lít nước; tỉnh Quảng Bình 50 tấn mỳ tôm, 50.000 lít nước; tỉnh Thừa Thiên - Huế 10 tấn mỳ tôm.

Các tỉnh tổ chức cứu trợ kịp thời, đảm bảo không để người dân nào bị thiệt mạng do đói, khát.

Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ các địa phương hoàn trả số kinh phí tạm ứng và khắc phục hậu quả mưa lũ.

Cùng ngày, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão, tai nạn thương tích và tìm kiếm cứu nạn (Bộ Công an) đã gửi công điện khẩn tới các Tổng cục, Bộ tư lệnh, Vụ, Cục trực thuộc Bộ Công an; Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố từ Thái Bình đến Bình Thuận tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, nhất là khu vực miền Trung hiện nay.

Công điện yêu cầu lực lượng chức năng của địa phương triển khai phương án chống lũ theo cấp báo động, kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng có nguy cơ sạt lỡ, lũ quét để tổ chức sơ tán dân, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Lực lượng công an của địa phương tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, các ngầm, đò ngang, đò dọc để hướng dẫn người, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn nghiêm cấm việc vớt củi khi có lũ.

Lực lượng công an phối hợp với các lực lượng tại địa phương tiếp tục tìm kiếm người mất tích; tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ gia đình có người mất tích, bị nạn, nhà sập, hư hỏng; tăng cường lực lượng xuống cơ sở giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ, vệ sinh môi trường nhằm sớm ổn định cuộc sống sinh hoạt của người dân.

35 người chết và mất tích do mưa lũ

Thống kê của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến 6g sáng nay 6-10, số người chết do mưa lũ ở các tỉnh miền Trung là 28 người. Trong đó Nghệ An 6 người, Hà Tĩnh 7 người, Quảng Bình 12 người, Quảng Trị 3 người.

Ngoài ra còn có 7 người mất tích, 9 người bị thương. Bên cạnh đó mưa lũ làm 82 xã thuộc 9 huyện của Hà Tĩnh đã bị ngập lụt. Ở Quảng Bình, hơn 34.000 nhà dân thuộc 6 huyện bị ngập. Tại Quảng Trị, 52 xã của 8 huyện bị ngập... Hiện nay nhiều khu vực ở Quảng Bình, Hà Tĩnh vẫn bị cô lập do đường giao thông bị chia cắt.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo sáng nay, ông Lê Thanh Hải - phó giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương - cho biết ngày 5-10, mưa đã giảm nên lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình đang xuống. Tuy nhiên, mức nước rút chậm và đang ở mức báo động cao.

Vùng áp thấp phía nam đảo Hải Nam (Trung Quốc) đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới từ sáng 5-10 hiện đang thay đổi hướng di chuyển liên tục. Theo nhận định trong 2-3 ngày tới, áp thấp nhiệt đới sẽ gây mưa và gió giật chủ yếu trên vùng biển vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa, ít gây mưa trên đất liền.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát cho rằng dù trong ngày hôm nay nước lũ có khả năng rút dần nhưng với tình hình bị chia cắt hiện nay, việc cấp thiết là tiếp cận các thôn, xã đang bị cô lập trong vùng lũ để kịp cứu hộ cứu trợ. Cần phải gấp rút hỗ trợ lương thực, nước uống, thuốc men và triển khai công tác khắc phục sau lũ. Các địa phương cố gắng huy động nguồn lực tại chỗ và từ các địa phương bên cạnh để thực hiện. Ông Phát đề nghị Bộ Y tế khẩn cấp hỗ trợ thuốc, hóa chất để xử lý nước sạch tại chỗ.

Ông Phát cho biết chiều nay, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải sẽ trực tiếp thị sát tình hình và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Theo Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, từ hôm qua, trực thăng cứu hộ đã được huy động triển khai công tác cứu hộ, cứu trợ ở vũng lũ. Dự kiến, sẽ có 12 đến 14 chuyến trực thăng cung cấp nhu yếu phẩm, lương thực cho các vùng dân cư đang còn bị cô lập.

* Bà Phùng Thị Lý Hà - phó trưởng ga Hà Nội - cho biết do mưa lũ làm ách tắc đường sắt đoạn Nghệ An vào Quảng Bình nên ngày mai 7-10 ngành đường sắt chỉ tổ chức chạy bình thường 4 đôi tàu Thống Nhất từ ga Hà Nội gồm: TN1 (10g05), SE5 (15g45), SE1 (19g, SE3 (23g), tạm thời ngừng chạy tàu SE7 (6g15). Trong trường hợp tiếp tục có ảnh hưởng của mưa lũ, ngành đường sắt sẽ tổ chức chuyển tải hành khách bằng ô tô, hành khách không phải trả thêm bất cứ chi phí nào phát sinh.

Áp thấp nhiệt đới cách Thanh Hóa - Hà Tĩnh 270 km

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lúc 10g sáng nay 6-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,5 đến 19,5 độ Vĩ Bắc; 107,8 đến 108,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía tây đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển Thanh Hóa - Hà Tĩnh khoảng 270 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (39 - 61 km/giờ), giật cấp 8, cấp 9.

f5ZIKJ61.jpgPhóng to
Bản đồ hướng đi của áp thấp nhiệt đới - Ảnh: TT Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới hầu như ít di chuyển hoặc di chuyển chậm về phía Bắc. Đến 10g ngày 7-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,0 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; 107,5 đến 108,5 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (39 - 61 km/giờ), giật cấp 8, cấp 9.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh.

VĂN ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên