05/10/2010 07:18 GMT+7

Lũ dập Bắc Trung bộ

NHÓM PV-CTV TUỔI TRẺ
NHÓM PV-CTV TUỔI TRẺ

TT - Thống kê của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương cho biết các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế là những địa phương bị ngập lũ nặng nhất. Tính từ ngày 1 đến tối 4-10 có 16 người chết, hai người mất tích do mưa lũ.

* 18 người chết, mất tích

AYO0y1jf.jpgPhóng to
Đoàn cán bộ Sở Y tế Hà Tĩnh đưa mì gói đến cho người dân bị lũ ở xã Hương Giang (Hương Khê) - Ảnh: V.Định
1u3CbDxS.jpgPhóng to
Người dân xã Tân Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) chạy lũ - Ảnh: L.Giang

Trong đó, Nghệ An có bốn người chết (hai người bị sét đánh), Hà Tĩnh có bốn người chết và hai người mất tích, Quảng Bình có năm người chết, Quảng Trị ba người tử nạn (một cháu bé rơi xuống nước chết đuối).

Hà Tĩnh: 29 xã bị cô lập

Điện thoại kêu cứu lúc đêm khuya

Lúc 22g30 ngày 4-10, đường dây nóng của báo Tuổi Trẻ đã nhận được hai cuộc điện thoại từ vùng rốn lũ ở Quảng Bình là huyện Minh Hóa. Anh Đinh Xuân Láng, người đã gọi một trong hai cuộc điện thoại này, cho biết hiện ở xã Tân Hóa đang còn 50-60 hộ dân ngồi trên nóc nhà chờ cứu hộ. Anh không thể nắm được số lượng người do trời tối và phương tiện liên lạc rất hạn chế.

Sau đó chúng tôi đã liên lạc với ông Đinh Minh Chất, chủ tịch UBND huyện Minh Hóa. Ông Chất cho biết: “Lúc 20g huyện đã đưa thuyền lên ứng cứu cho Tân Hóa, trước đó tỉnh cũng điều canô và thuyền tăng cường cho huyện để cứu lũ”. Tin này được chúng tôi báo lại qua điện thoại với anh Láng. Anh Láng cho hay có khả năng đường lên xã khó khăn nên thuyền cứu hộ chưa lên kịp.

L.Giang

Đến tối 4-10, tại Hà Tĩnh lũ lớn vẫn hoành hành ở hai huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang. Bốn người chết, hai người mất tích, trên 50.000 nhà dân bị ngập và cô lập. Mọi cố gắng cứu trợ đang diễn ra cấp bách.

Tại huyện Hương Khê, hàng chục nghìn ngôi nhà chìm sâu trong biển nước. Hầu như đường đến 17 xã nằm dọc sông Ngàn Sâu bị chia cắt hoàn toàn. Cách trung tâm huyện 7km, trong nước lũ chảy xiết, người dân ở xã Lộc Yên vẫn phải chèo thuyền đến thị trấn mua từng gói mì để có cái ăn. “Đã hơn hai ngày nay, người dân chúng tôi chỉ biết đi lại bằng thuyền” - ông Trần Đình Lâm, chủ tịch UBND xã Lộc Yên, cho biết.

Mấy ngày qua, người dân các xã Lộc Yên, Hương Đô, Phúc Trạch, Hương Trạch (huyện Hương Khê) đang sống trong nỗi lo vỡ hồ thủy điện Hố Hô. Nhiều người dân nói không có năm nào hiểm họa như năm nay. Tự dưng xuất hiện một “túi nước khổng lồ” treo lơ lửng trên đầu hơn 70.000 người dân của huyện Hương Khê.

“Nước lũ về một đêm và một ngày đã đâm ra lo rồi. Khi nghe tin có nguy cơ vỡ hồ thủy điện, người dân rất hốt hoảng” - ông Lê Văn Sơn, ở xã Hương Trạch, nói. Đêm 3-10, mọi người đều hồi hộp với những thông tin báo về từ Nhà máy thủy điện Hố Hô. Khi ông Trần Minh Kỳ, phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, gọi điện thoại lúc 23g báo tin mực nước ở hồ thủy điện Hố Hô đã giảm, từ cán bộ tới dân mới nhẹ nhõm đôi chút. Theo báo cáo của Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão Hà Tĩnh, đến chiều qua mực nước thượng lưu ở hồ chưa vượt cao trình đỉnh đập, ba cửa tràn đã mở hoàn toàn, lực lượng quân đội thu dọn hết rác và cây củi mắc phía thượng lưu của đập, đập an toàn.

Tính tới tối qua, huyện Hương Khê có hai người chết, hai người mất tích. Nước lũ đang chia cắt, cô lập 17 xã với 16.520 hộ dân. Huyện Vũ Quang đang có 12 xã bị ngập, trong đó bảy xã bị ngập nặng. Một trường mầm non ở xã Đức Bồng bị sập do sạt lở núi. Huyện Hương Sơn có hai học sinh tiểu học chết do nước lũ.

Ngay trong ngày 4-10, UBND huyện Hương Khê xuất 2 tấn mì gói, 500 thùng nước.

Quảng Bình: sông Gianh nhấn chìm nhiều làng mạc

“Đây là một đợt lũ lớn, không hề có một dự báo nào trước đó. Lượng mưa tại huyện Minh Hóa đo được đến 1.171mm, quá lớn so với lượng mưa trung bình cả tỉnh trong một năm” - ông Đặng Tiến Dũng, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Bình, cho biết. Đến chiều qua, mưa đã gây lũ đột ngột trên thượng nguồn sông Gianh. Huyện Tuyên Hóa đã phải di dời 1.200 hộ với 4.500 nhân khẩu. Hơn 7.000 ngôi nhà bị ngập, hai nhà ở xã Thanh Hóa bị trôi và sập. Chín thuyền lớn của người dân bị nước lũ cuốn trôi trên sông Gianh.

Các xã ven sông Gianh thuộc huyện Tuyên Hóa chìm trong biển nước đỏ màu bùn. Xóm chỉ còn ngọn cây trồi trên mặt nước cuồn cuộn chảy. Sát mép nước là những ngôi nhà dân đã đóng cửa chạy lũ từ đêm 3-10. Ông Mai Văn Tần, ở Châu Hóa, không giấu được nỗi lo lắng: “Lũ lên to quá, đột ngột như ri là chỉ thua cơn lũ lịch sử năm 2007 chút ít thôi. Cả nhà tui chạy quáng quàng cả đêm”.

Ông Lê Nam Giang, phó chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa, cho biết toàn huyện có 20 xã đã thành các ốc đảo. Ở các xã bị ngập nặng, việc tiếp cận cứu hộ dân rất khó khăn do nước lũ chảy mạnh. Trong đêm 3-10 tại xã Thanh Hóa, nhiều người dân phải ngồi trên nóc nhà trong mưa gió chờ cứu hộ. Tại cảng bốc xếp ximăng của Nhà máy ximăng Sông Gianh, gần 10 tàu vào ăn hàng phải neo lại trên sông chờ nước rút để xuống cửa Gianh.

Tại huyện miền núi rẻo cao Minh Hóa, lũ đã cắt đứt các tuyến giao thông về xã Tân Hóa, Thượng Hóa. Ông Đinh Minh Chất, chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, cho biết: “Cả ngày nay chúng tôi rất lo lắng, vì chiếc canô phòng chống bão lụt, cứu hộ dân duy nhất của huyện do hoạt động từ hai ngày qua nên bị hỏng, huyện không còn gì trong tay ứng cứu dân. Chúng tôi chỉ còn biết cầu cứu tỉnh và nhờ tỉnh gọi Quân khu 4 hỗ trợ...”.

Trên địa bàn Quảng Bình, đường Hồ Chí Minh bị sạt lở 10 điểm, ngập sâu ở Thượng Hóa. Quốc lộ 12A bị tắc tại Hồng Hóa. Toàn huyện Minh Hóa bị cô lập với các huyện lân cận. Đường 15 từ Đồng Lê đi Tân Ấp và ga Khe Chuối ngập hơn 1m. Quốc lộ 12A đoạn từ ngã ba Khe Ve đi Cha Lo và đường 559 đoạn km12+500 ngập sâu hơn 2m. Toàn tỉnh có hơn 16.000 căn nhà bị ngập và hư hại. Từ trưa qua, trên địa bàn huyện Lệ Thủy mưa rất to. Tuyến đường 16 vào trung tâm huyện bị nước nhấn chìm. Quốc lộ 1A đoạn qua xã Hồng Thủy ngập sâu trên 1m, cắt đứt hoàn toàn giao thông gần ba giờ.

Tính đến tối 4-10, tỉnh Quảng Bình có năm người chết (ở huyện Minh Hóa hai người, Bố Trạch hai người và một người ở Quảng Trạch), một người bị thương.

Quảng Trị: lũ quét cuốn trôi hai người

Đến tối 4-10, mưa lũ tại Quảng Trị vẫn tiếp tục và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Rạng sáng 4-10, một trận lũ quét kinh hoàng quét qua thôn Tân Xuyên (Tân Hợp, Hướng Hóa, Quảng Trị) đã cuốn phăng ngôi nhà của gia đình anh Lê Văn Tám, khiến vợ anh là chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh tử nạn, còn anh Tám mất tích và chiều cùng ngày mới tìm được thi thể. Như vậy tại Quảng Trị có ba người chết do lũ (trước đó là cháu Nguyễn Thị Thu Ngân, 2 tuổi, ở xã Hải Sơn, Hải Lăng, bị chết do ngã xuống nước). Riêng hai con của anh Tám - chị Hồng thoát nạn, hiện đã được gửi cho người thân chăm sóc.

Mưa lũ còn khiến trên 5.000 hộ dân ở các vùng Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ... bị ngập nặng, có nơi lên đến 2m nước. Hơn 500 hộ đã phải di dời. Trong khi đó mưa vẫn không ngừng và mực nước tại các sông đều vượt mức báo động 3.

Thừa Thiên - Huế: giao thông thiệt hại nặng nề

Đợt mưa lớn suốt bốn ngày qua (từ ngày 1 đến 4-10) đã gây sụt lở nặng tại nhiều điểm trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận Thừa Thiên - Huế. Công ty cổ phần Quản lý và xây dựng đường bộ Thừa Thiên - Huế cho biết có 39 vị trí bị sụt lở trên tuyến đường này, trong đó có hai điểm sạt lở gây ách tắc giao thông, đường tại đèo Pa Ke (đoạn đầu huyện A Lưới giáp Quảng Trị) có nguy cơ bị đứt.

Quốc lộ 49A (nối liền vùng đồng bằng với miền núi Thừa Thiên - Huế) đoạn chạy ven sông từ lăng Thiệu Trị đến cầu Tuần (thuộc địa phận huyện Hương Thủy) bị sạt lở hơn 10 điểm chỉ trên 1km đường, nặng nhất là đoạn gần điểm khai thác cát của doanh nghiệp Tuyết Liêm có đến ba điểm sạt lở ăn sâu vào lòng đường gần 1m khiến giao thông qua đoạn đường này gặp khó khăn. Đoạn đường gần cầu Tuần thuộc quốc lộ 1A xuất hiện nhiều vết nứt và có nguy cơ sạt lở.

Công ty Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên cho biết mưa lớn những ngày qua đã khiến hàng chục đoạn đường thuộc nhiều khu gian bị ngập. Tại khu gian Hương Thủy - Truồi (phía nam TP Huế) có đoạn nước ngập đỉnh ray 700mm, đoạn thuộc khu gian Hiền Sỹ - Văn Xá, Mỹ Chánh - Phò Trạch (phía bắc TP Huế) có đoạn nước ngập đỉnh ray 50-100mm. Mưa lớn cũng đã khiến hàng chục điểm trên tuyến đường sắt qua Thừa Thiên - Huế bị sụt lở đất đá, ảnh hưởng đến tốc độ chạy tàu và phải có người dẫn tàu chạy với vận tốc chỉ 5km/giờ. Dự kiến đến ngày 6-10 công ty này mới khắc phục, trả lại trạng thái ban đầu đảm bảo an toàn chạy tàu.

Tin từ UBND huyện Phong Điền cho biết ít nhất có 2.100 ngôi nhà trên toàn huyện bị ngập từ 0,5-1m. Các xã có số nhà bị ngập nặng nhất đều thuộc vùng thấp trũng, nằm ven sông Ô Lâu. Theo chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Đại Vui, huyện đã di dời khẩn cấp 150 hộ dân thuộc nhiều xã ở vùng xung yếu. Lãnh đạo huyện cũng quyết định cho học sinh tiểu học, THCS tại nhiều xã vùng thấp trũng nghỉ học.

Mưa còn kéo dài trong hai ngày tới

Theo ông Lê Thanh Hải - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hiện vùng áp thấp trên khu vực biển Bắc Trung bộ đang yếu đi và di chuyển chậm về phía tây. Tuy nhiên hoàn lưu vùng áp thấp vẫn còn gây ra mưa trong hai ngày tới. Đặc biệt tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị sẽ còn mưa to đến rất to, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa vừa. Riêng tại TP Hà Nội có mưa rào.

Mưa nhiều, mực nước trên các sông khu vực Trung bộ như hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông La và các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị đang lên nhanh và dao động ở mức đỉnh. Cụ thể mực nước tại sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ là 14,86m, sông Gianh tại Mai Hóa, sông Thạch Hãn đều trên mức báo động 3.

Q.KHẢI

NHÓM PV-CTV TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên