Phóng to |
Phối cảnh kiến trúc khu ga trên cao của tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội -Ảnh: Ban dự án đường sắt đô thị - Hà Nội cung cấp |
Theo Ban dự án đường sắt đô thị Hà Nội, gói thầu số 4 sắp khởi công là gói thầu xây dựng hạ tầng kỹ thuật gồm san lấp mặt bằng, dựng nền... Các gói thầu khác xây dựng đường ray, xây dựng ga, depot (trạm bảo hành kỹ thuật) sẽ tiếp tục được khởi công thời gian tới.
Thu soát vé tự động Tại các nhà ga trên toàn tuyến có các khu vực riêng rẽ phân biệt chưa thanh toán tiền và đã thanh toán tiền, công nghệ soát vé sử dụng đồng xu hoặc thẻ thông minh trên đó có mã hóa các thông tin về loại vé, giá tiền... |
Tuyến đường sắt này sẽ đi qua địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy và huyện Từ Liêm - khu vực có nhu cầu đi lại rất cao (do tập trung nhiều công chức, sinh viên và người lao động, đồng thời nối trung tâm thành phố với khu vực ngoại thành). Sau khi tuyến đường sắt này đi vào hoạt động ổn định sẽ giúp giãn mật độ, phương tiện đi lại và làm cầu nối phát triển kinh tế cho khu vực ngoại thành.
Ông Ngụy Như Nguyện, trưởng phòng dự án (Ban dự án đường sắt đô thị Hà Nội), cho biết đoàn tàu chạy tuyến số 3 được thiết kế gồm bốn toa, cabin hai chiều với vận tốc tối đa đạt 80km/giờ, trung bình 37km/giờ, có khả năng vận chuyển trên 900 hành khách. Nếu thiết kế tăng lên thành năm toa, tàu có thể vận chuyển gần 1.200 hành khách.
Tổng chiều dài của cả tuyến số 3 khoảng 12,5km, trong đó có 4km đi ngầm, còn lại chạy nổi. Sẽ có 12 ga được xây dựng dọc tuyến, trong đó có 4 ga ngầm và 8 ga mặt đất. Ga ngầm được thiết kế hiện đại, có thang máy và thang cuốn, hệ thống kiểm soát môi trường, thông gió, thoát nước, nước thải, chiếu sáng, cảnh báo cháy tự động...
Các ga trên tuyến sẽ được kết nối với các tuyến xe buýt và các tuyến đường sắt đô thị khác nhằm giúp hành khách đi lại thuận lợi và tăng năng suất vận chuyển. Đi từ đầu tuyến đến cuối tuyến chỉ mất chưa đầy 20 phút, khoảng 40 phút cho hai chiều, kể cả thời gian dừng đón, trả khách và quay đầu.
Depot của cả tuyến sẽ được xây dựng trên diện tích 15,5ha, nằm tại đường 70 (đoạn từ Nhổn rẽ vào Trường đại học Công nghiệp Hà Nội) với 17 tòa nhà gồm các hạng mục chính: bãi tập kết toa xe, máy rửa, máy tiện bánh xe, xưởng bảo dưỡng, đại tu, khu vực nhà kho... Depot có thể chứa tối đa 24 tàu loại dài 100m.
Ông Nguyện cho biết việc thi công tuyến số 3 có nhiều điều kiện thuận lợi, nhà thầu sẽ sử dụng công nghệ đào ngầm của châu Âu, ráp nối bằng các phân đốt đúc sẵn. Ngoài đoạn thi công nổi, khoảng 4km đi ngầm khi thi công sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giao thông, môi trường, đồng thời không gây hại nhà dân và các công trình khác trên mặt đất. Tổng mức đầu tư của toàn tuyến đường sắt đô thị số 3 hơn 18.000 tỉ đồng, gồm nguồn vốn ODA và vốn đối ứng trong nước, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối năm 2015.
5 tuyến đường sắt đô thị Hà Nội trong tương lai * Tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh) phục vụ các khu vực ngoại thành phía đông bắc và nam Hà Nội đi qua trung tâm thành phố. * Tuyến số 2 (Nội Bài - trung tâm thành phố - Thượng Đình) là xương sống cho khu vực đô thị hiện tại và tương lai. * Tuyến số 3 (Nhổn - ga Hà Nội) nối khu vực phía tây với trung tâm thành phố và phía nam. * Tuyến số 4 (Đông Anh - Sài Đồng - Vĩnh Tuy - Thanh Xuân - Từ Liêm - Thượng Cát - Mê Linh) dạng vòng tròn, kết nối với các tuyến số 1, 2, 3 và 5, đa dạng hóa nhu cầu giao thông và gắn kết với các dự án phát triển đô thị. * Tuyến số 5 (Nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc) có chức năng kết nối trung tâm thành phố với các đô thị dọc hành lang Láng - Hòa Lạc, với chiều dài là 34,5km. Ngoài ra, để hỗ trợ các tuyến đường sắt, tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển hành khách, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng thêm các tuyến xe buýt ưu tiên gồm: tuyến 1 Ba La - Kim Mã, tuyến 2 Vĩnh Quỳnh - Hàng Bài. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận