12/09/2010 07:36 GMT+7

Chưa được như mong muốn của dân

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - “Kiện toàn tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND trong thời gian tới là công việc rất quan trọng và rất cấp bách” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại hội nghị toàn quốc về hoạt động của HĐND và UBND ngày 11-9.

c

Hội nghị nhằm đánh giá những mặt được, chưa được của hệ thống chính quyền địa phương trong nhiệm kỳ qua. Hội nghị cũng thảo luận về kết quả thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại mười tỉnh thành trong thời gian vừa rồi.

Chưa rõ trách nhiệm, ỷ lại cấp trên

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết bên cạnh nhiều kết quả tích cực, đáng khích lệ, hoạt động của UBND các cấp còn bộc lộ một số hạn chế như: quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế được xây dựng còn thiếu cơ sở khoa học, phải điều chỉnh nhiều lần; quy hoạch đô thị thiếu đồng bộ, tình trạng quy hoạch “treo” các công trình, dự án đầu tư diễn ra ở nhiều địa phương.

Chất lượng một số đề án, chương trình, kế hoạch chưa cao do năng lực tham mưu của một số cơ quan chuyên môn các cấp địa phương còn hạn chế.

“Trách nhiệm của tập thể và cá nhân; của người đứng đầu UBND với cấp phó và các thành viên UBND chưa thật sự rõ ràng, cụ thể, khó xác định trách nhiệm khi xảy ra các vụ việc. Tình trạng vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính còn nhiều, việc chấp hành các quyết định, chỉ thị của cấp trên còn thiếu nghiêm túc” - ông Tuấn nói.

Một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo báo cáo của Chính phủ, là “công tác thanh tra, kiểm tra công vụ chưa được quan tâm chỉ đạo thường xuyên; việc xử lý cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật còn chưa cương quyết; vẫn còn xảy ra tình trạng nể nang, bao che đối với các sai phạm. Việc kiểm tra, đôn đốc của các cấp, các ngành chưa thường xuyên, thiếu triệt để dẫn đến hiệu quả chỉ đạo, điều hành một số địa phương chưa cao. Một bộ phận lãnh đạo, quản lý còn tư tưởng ỷ lại vào cấp trên”.

Không muốn làm cán bộ HĐND

Đối với hoạt động của HĐND các cấp, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy hiện vẫn chưa giải quyết được một cách căn bản mối quan hệ giữa cơ cấu và chất lượng đại biểu, giữa tính đại diện và khả năng thực hiện nhiệm vụ. Chẳng hạn như tỉ lệ đại biểu ở cơ quan hành chính cao. Đội ngũ nhân sự lãnh đạo thường trực và các ban của HĐND không ổn định, thường xuyên có sự luân chuyển. Một bộ phận cán bộ có tâm lý không muốn làm đại biểu chuyên trách và chưa yên tâm với công tác chuyên trách.

“Chất lượng của đại biểu và hiệu quả hoạt động của HĐND chưa đạt được như mong muốn của cử tri. Nội dung họp nhiều và quan trọng nhưng khi bàn luận còn thiếu sâu sắc hoặc thậm chí chiếu lệ, hình thức. Hoạt động giám sát còn mỏng, nể nang, né tránh dẫn đến tâm lý một số nơi người dân thiếu tin tưởng” - trưởng Ban công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên cho hay.

Hôm nay (12-9), các đại biểu tiếp tục thảo luận trước khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng kết luận hội nghị.

* Ông Lê Quang Bình (chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh): Tôi e là vội vàng

lYDSnlKc.jpgPhóng to
Ảnh: L.K.

Tôi nghĩ rằng hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri bây giờ giao hết cho đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh thì cần xem xét lại. Đại biểu Quốc hội ở tỉnh ít thì sáu người, nhiều thì hơn mười người nhưng chuyên trách chỉ một, hai người sẽ không đủ sức đảm đương nhiệm vụ. Hơn nữa, Nhà nước ta tổ chức bốn cấp, phải có sự tương thích, không thể cấp này có cơ quan đại diện mà cấp khác lại không có.

Tôi biết Chính phủ đang đề nghị tại kỳ họp tới đây của Quốc hội ra nghị quyết sửa đổi hiến pháp để kỳ bầu cử tháng 5-2011 là bỏ luôn HĐND các cấp như đã thí điểm. Tôi e như vậy là hơi vội vàng. Hiện nay chưa có luật trưng cầu ý dân nhưng chúng ta có thể có hình thức nào đấy để lấy thêm ý kiến nhân dân về việc này.

Tôi cảm nhận rằng nếu hỏi ý kiến Chính phủ và UBND thì tuyệt đại đa số đồng ý bỏ, nhưng nếu lấy ý kiến các cấp HĐND một cách độc lập thì tôi nghĩ phần lớn HĐND các cấp sẽ kiến nghị không bỏ, MTTQ chưa chắc đã đồng ý bỏ. Quan điểm của tôi là chưa nên kết luận vội vàng vấn đề này mà nên tiếp tục thí điểm và phân tích, đánh giá hết sức cẩn thận.

HĐND ở quận, huyện, phường nói là hình thức vì không có thực quyền. Có quyết định được về ngân sách không? Không. Có quyết định về chỉ tiêu thuế không? Không. Có quyết định về nhân sự không? Không, vì cấp trên, cơ quan Đảng đã quyết rồi.

* Bà Phạm Phương Thảo (chủ tịch HĐND TP.HCM): Cần bỏ vì chỉ có hình thức

eoua5ZAn.jpgPhóng to
Ảnh: L.K.

TP.HCM tổ chức thí điểm với quy mô lớn: 24/24 quận huyện và 259/259 phường. Có thể nói rằng việc thí điểm vừa qua ở TP.HCM là khá thành công, tạo sự đồng thuận từ trong nội bộ đến người dân.

Không tổ chức HĐND giúp tinh gọn bộ máy, khắc phục sự trùng lắp chức năng, nhiệm vụ nhưng công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội vẫn đảm bảo. Các tổ đại biểu HĐND TP đã tăng cường tiếp xúc cử tri tại địa bàn nơi mình ứng cử, phối hợp chặt chẽ với MTTQ và các đoàn thể xã hội không chỉ trong hoạt động giám sát mà còn lắng nghe dân, xử lý các kiến nghị của người dân.

Việc thí điểm này phù hợp với đề xuất của TP.HCM về xây dựng chính quyền đô thị, trong đó nhấn mạnh tính gọn nhẹ và hiệu quả của bộ máy. Hiện nay TP.HCM còn 58 xã, năm thị trấn có tổ chức HĐND. Chúng tôi lấy ý kiến tại các đơn vị này thì 90% cho biết có thể nghiên cứu không tổ chức HĐND nữa, chỉ 10% muốn được giữ lại. Tôi nghĩ ở những xã, thị trấn đã đô thị hóa ở mức cao thì có thể không cần tổ chức HĐND.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên