02/09/2010 07:16 GMT+7

Cô gái kéo cờ lễ độc lập

HẢI DƯƠNG
HẢI DƯƠNG

TT - Ngày 2-9-1945, tiếng nhạc hào hùng của bài Tiến quân ca lần đầu tiên vang lên trên quảng trường Ba Đình (Hà Nội), lá quốc kỳ đỏ thắm mang ngôi sao vàng rực rỡ từ từ bay lên từ đôi bàn tay kéo cờ của hai cô gái trẻ...

gF7rqZhA.jpgPhóng to

Mỗi khi gặp lại, bà Thoa (trái) và bà Loan thường cùng đến quảng trường Ba Đình trò chuyện - Ảnh nhân vật cung cấp

UqTSTkbe.jpgPhóng to

Lá cờ trên lễ đài mà cô nữ sinh Dương Thị Thoa và nữ du kích người Tày Đàm Thị Loan đã kéo lên trong ngày Quốc khánh 2-9-1945 - Ảnh tư liệu

Đến hôm nay bà Dương Thị Thoa vẫn nhắc: “Tôi là người may mắn nhất trong thời khắc lịch sử ấy”. Chiều đó cô gái Lê Thi (bí danh khi đi hoạt động của bà Dương Thị Thoa) đứng hàng đầu trong đoàn phụ nữ cứu quốc Hoàn Kiếm tại khu vực quảng trường, hô to khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm...” cùng nhiều đoàn đại biểu khắp nơi về háo hức dự ngày lễ trọng đại, bỗng có một người trong ban tổ chức xuống bảo: “Các chị cử một người lên kéo cờ”. Mọi người ngơ ngác vì chưa được chuẩn bị. Sau đó, cô gái trẻ Lê Thi được mọi người tin tưởng chọn vì dẫn đầu đoàn phụ nữ Hoàn Kiếm và lại đứng hàng đầu tiên.

Khoảnh khắc may mắn

“Tôi đi lên bục lễ đài mà trong lòng run và lo lắng vì chưa hề được chuẩn bị gì cho việc kéo lá cờ linh thiêng của Tổ quốc trong ngày rất trọng đại này. Đến gần chân cột cờ, tôi gặp một nữ du kích người Tày mặc áo chàm, quần bó cạp. Hai chị em dắt tay nhau đến bên cột cờ trên lễ đài...”, bà Thoa nhớ lại.

Thoa bàn với cô du kích Tày: “Chị thấp người thì nâng cờ, còn tôi cao sẽ kéo cờ”. Đôi tay của cô gái trẻ và người nữ du kích người Tày chiều hôm đó lại bỗng linh hoạt, nhịp nhàng. Thời khắc kéo cờ lịch sử diễn ra trong vài phút kết thúc hoàn hảo. Nốt nhạc cuối của bản Tiến quân ca vang lên, lá cờ được kéo lên đến đỉnh tung bay trong ngày độc lập.

Họ bước xuống và đi về đội hình của mình mà chẳng kịp hỏi tên nhau. Cả hai cùng với hàng vạn người khắp nơi tập trung chăm chú lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. Đây cũng là vinh dự lớn lao khi bà Thoa và đông đảo người dân được nhìn thấy Bác Hồ kính yêu lần đầu. “Khi Bác dừng lời, hỏi: Tôi nói đồng bào nghe rõ không?, tất cả chúng tôi đều xúc động trào nước mắt vì sự giản dị, gần gũi của Người” - bà Thoa kể.

Con đường dài

Đầu năm 1945, cô nữ sinh Dương Thị Thoa được người bạn cùng lớp giác ngộ và vận động cùng tham gia hoạt động cách mạng. Bà Thoa nói thật ra hồi đó khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tận mắt chứng kiến nhiều sự kiện đau thương của dân tộc, của đất nước khi chưa được độc lập, tự do, bà cảm thấy ray rứt trong lòng, muốn làm điều gì đó cho Tổ quốc. Vì vậy, khi có người giác ngộ và động viên, bà đã hăng hái tham gia cách mạng.

Tháng 8-1945, cô nữ sinh Dương Thị Thoa, con gái thứ tư của giáo sư Dương Quảng Hàm, đã quyết định liều lĩnh bỏ qua mong ước của cha mẹ là cho con gái thi cao đẳng sư phạm để nối nghề dạy học, trốn nhà đi hoạt động trong hội phụ nữ cứu quốc.

Thoa đi tìm tất cả những người quen biết, vận động mọi người tham gia cách mạng. Chỉ bằng những mối quan hệ trong giới học sinh, Thoa đã thu gom được nhiều gạo, muối, tôm khô... để gửi lên chiến khu, nơi có lãnh tụ Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh. Hơn một tháng, gần đến ngày khởi nghĩa, cô nữ sinh mới quyết định về nhà báo cáo với cha mẹ. “Tôi về nhà lúc đó cũng sợ lắm, đinh ninh sẽ bị cha mẹ trách mắng, nhưng không ngờ cha tôi chỉ nhắc nhở vài câu rồi bỏ qua. Cha mẹ cũng hiểu cho tôi trong không khí cách mạng lúc bấy giờ”.

Những ngày bồng bột của tuổi trẻ tưởng sẽ qua mau, “nhưng sau vài phút được vinh dự kéo cờ, được nhìn thấy Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, được nghe hàng vạn người đồng thanh hô to: “Xin thề! Xin thề! Xin thề!” thì tôi đã hoàn toàn tin tưởng, quyết tâm đi theo, làm cách mạng đến cùng”, bà Thoa kể.

Sau ngày 2-9 lịch sử ấy, cô nữ sinh Dương Thị Thoa dành tất cả thời gian và sức lực cho cách mạng. Cô vận động những gia đình giàu có quyên góp gạo, muối mang đi cứu đói cho người nghèo. Cô dạy học ở những lớp bình dân học vụ rồi thoát ly gia đình gia nhập Trung đoàn Thủ đô... 60 ngày đêm (từ 19-12-1946 đến 17-2-1947), cô Thoa đã chiến đấu như những người lính thực thụ để bảo vệ từng tấc đất Hà Nội, cùng thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Vào chiến khu, cô Thoa được điều động lên Vĩnh Yên làm phó chủ tịch hội phụ nữ, rồi chủ tịch Hội Phụ nữ Tuyên Quang... Trên những cương vị mới, cô Thoa đã hoàn thành xuất sắc việc vận động và tập hợp nữ giới tham gia kháng chiến, xây dựng hậu phương cho cuộc đấu tranh chống Pháp trường kỳ.

“Thời kỳ gian khổ nhất là những năm 1950-1953, tôi được điều về hoạt động giữa lòng địch trong nội thành Hà Nội. Tôi tiếp tục làm công tác vận động, tuyên truyền chị em phụ nữ ở đây ủng hộ kháng chiến. Nhiều lần giáp mặt với lính Pháp, phải dùng mưu kế để thoát thân và hoàn thành nhiệm vụ”. Quãng đời hoạt động cách mạng, cống hiến cho sự nghiệp chung của bà Thoa tiếp tục trải qua nhiều công việc, sau đó kết thúc bằng việc thành lập và đứng đầu Viện Nghiên cứu gia đình và giới.

Đã 65 mùa thu trôi qua kể từ khoảnh khắc được lịch sử chọn làm người kéo cờ cho lễ độc lập, bà Dương Thị Thoa đã chứng minh mình xứng đáng với sự lựa chọn ấy.

Hội ngộ sau 44 năm

Cô du kích Tày năm xưa, bà Đàm Thị Loan, phu nhân cố đại tướng Hoàng Văn Thái, đã viết lại những dòng hồi ký của mình trong cuốn Từ Việt Bắc đến Tây Ninh xuất bản năm 1988, còn bà Thoa cũng viết bài báo đăng trên nội san của cơ quan mình.

Năm 1989, tạp chí Lịch Sử Quân Đội đã phát hiện mối liên hệ giữa những bài báo của bà Thoa và dòng hồi ký của cô du kích người Tày. Hai người bắt đầu những cuộc hội ngộ xúc động vào ngày 2-9 hằng năm.

Dịp Quốc khánh năm nay, bà Thoa buồn hơn nhiều vì không được gặp người bạn cùng kéo cờ năm xưa nữa. Bà Đàm Thị Loan sau một thời gian dài lâm bệnh đã mất vào đầu năm 2010.

HẢI DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên