Khởi động lại dự án đường sắt cao tốcQuốc hội nói “không” với dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCMĐường sắt cao tốc - Những chuyện cần nghĩ trước khi làm
Phóng to |
Tàu cao tốc Shinkansen tại Tokyo (Nhật) - Ảnh: Railway-technology.com |
Đã đề nghị Nhật Bản hỗ trợ vốn và kỹ thuật để nghiên cứu khả thi
Theo đó, để tiếp tục nghiên cứu sâu sắc và toàn diện hơn về dự án đường sắt cao tốc (ĐSCT) báo cáo Quốc hội, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật (vốn ODA không hoàn lại) của Chính phủ Nhật Bản để lập dự án đầu tư xây dựng công trình đoạn Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang thuộc dự án ĐSCT Hà Nội - TP.HCM và dự án nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Nội Bài.
Thủ tướng giao Bộ GTVT trên cơ sở những ý kiến đóng góp của Quốc hội, tổng hợp đưa vào nội dung nghiên cứu, đánh giá; làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để đàm phán nội dung, tiến độ và cách thức tiến hành lập các dự án đầu tư xây dựng công trình nêu trên theo đúng quy định.
Theo ông Nguyễn Đạt Tường - phó tổng giám đốc VNR, trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, khi kết luận về dự án ĐSCT, Quốc hội không cho phép triển khai dự án nhưng không có nghĩa là không được phép nghiên cứu. Việc Chính phủ cho phép lập báo cáo nghiên cứu khả thi hai phân đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM là để giải đáp các câu hỏi của Quốc hội đặt ra.
“Khi Chính phủ trình báo cáo đầu tư dự án lên Quốc hội, có rất nhiều câu hỏi đưa ra, các nội dung này cần phải nghiên cứu sâu hơn làm cơ sở trả lời Quốc hội để quyết định về chủ trương đầu tư. Sau khi có chủ trương đầu tư thì tiếp tục hoàn thiện báo cáo để trình Quốc hội lần thứ hai để Quốc hội xem xét ra quyết định đầu tư dự án” - ông Tường nói.
Ông Tường cho biết hiện các cơ quan chức năng đang làm việc với Chính phủ Nhật Bản về khoản viện trợ không hoàn lại. Phía Nhật Bản đang xem xét nội dung này và chưa có thông báo cụ thể.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Công - chánh văn phòng, người phát ngôn của bộ trưởng Bộ GTVT - cho biết: phía VN mới có đề nghị Nhật Bản hỗ trợ về kỹ thuật và vốn để nghiên cứu khả thi các đoạn ĐSCT nói trên và phía Nhật Bản chưa đưa ra thông báo cụ thể. Hôm nay 31-8, lãnh đạo Bộ GTVT sẽ có cuộc làm việc với JICA về một số nội dung liên quan đến ĐSCT, chưa phải có ký kết thỏa thuận gì về dự án như một số báo đưa tin.
Tái khởi động dự án ĐSCT: cần thận trọng
Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc tái khởi động dự án ĐSCT, ông Đặng Như Lợi - phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội - nói: “Dự án ĐSCT chưa được Quốc hội thông qua và việc cơ quan chức năng xem xét lại, chuẩn bị lại là chuyện bình thường. Đất nước cần phát triển cơ sở hạ tầng và việc nghiên cứu các dự án ĐSCT là trách nhiệm của cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, các dự án được nghiên cứu, chuẩn bị để trình lên Quốc hội có được xem xét, thông qua không lại là chuyện khác”.
Còn ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Văn Minh cho rằng: “Phải có tư duy chiến lược, độ nhạy thời cuộc. Ở trường hợp cụ thể này, người chủ trì việc tái khởi động phải tiên lượng được là họ đạt được mục đích gì khi tiếp tục triển khai dự án. Người chủ trương việc này nên cẩn thận, nhìn nhận, đánh giá kỹ xem trong điều kiện Quốc hội vừa không thông qua thì mình có nên làm nữa không và nếu làm thì làm thế nào”.
“Đành rằng là việc tái khởi động dự án này bằng vốn ODA của Nhật Bản tài trợ không hoàn lại. Nhưng nếu nói là tài trợ thì mình thuyết phục họ tài trợ cho dự án đường bộ cao tốc được không? Có những dự án khác hợp lòng dân hơn thì những người làm giao thông nên triển khai trước. Tôi đoán rằng nếu Chính phủ làm xong đường bộ cao tốc Bắc - Nam thì 20 năm nữa Bộ GTVT không đề nghị Quốc hội cũng yêu cầu nghiên cứu dự án ĐSCT” - ông Minh bình luận.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng cho rằng việc tái khởi động dự án là không có gì trái luật và nếu Chính phủ trình lên chắc là Quốc hội vẫn sẵn sàng xem xét.
“Quan điểm của tôi là cần phải khắc phục sự lạc hậu của hệ thống đường sắt hiện nay, nhưng việc tập trung làm ĐSCT hay nâng cấp đường sắt hiện tại, nghĩa là đáp ứng cái tối thiểu trước hay cái tối đa trước thì cần phải cân nhắc. Đó vừa là bài toán kinh tế vừa là quan điểm đầu tư. Có lẽ sẽ phù hợp hơn nếu dự án được Quốc hội khóa XIII xem xét vào đầu nhiệm kỳ, để nếu như quyết định chủ trương đầu tư thì Quốc hội khóa XIII có thời gian giám sát, chứ dự án vừa không nhận được sự đồng tình đã trình lại ngay thì e rằng không phải thời điểm” - ông Quốc nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận