Trong số đó, xã Quảng Lợi thiệt hại nặng nhất với 27 nhà. Bảy chiếc thuyền của ngư dân đang neo đậu trú bão ở xã Quảng Lợi cũng bị lốc đánh chìm.
Khoảng 14g50 cùng ngày, một cơn lốc khác cũng đã quét qua hại xã Phú Hải và Phú Diên của huyện Phú Vang, trong đó thiệt hại nặng nhất là xã Phú Hải với gần 60 ngôi nhà tốc mái ở mức độ khoảng 70%, rất nhiều nhà tốc mái hoàn toàn; một trụ điện hạ thế bị gãy gây mất điện trên diện rộng.
Đặc biệt, cơn lốc đã làm 11 người dân Phú Hải bị thương, trong đó có năm cháu nhỏ khi đang học trong một cơ sở trường mầm non thì bị ngói rơi trúng đầu, chân, tay...
Ngay trong tối nay, một người dân buộc phải chuyển lên Trung tâm Y tế huyện Phú Vang cấp cứu do bị thương nặng (bị rơi khi đang lợp lại nhà bị tốc mái)
Lúc 13g ngày 23-8, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Đà Nẵng nhận được thông tin cầu cứu từ tàu ĐNa 61406 TS của chủ tàu là bà Nguyễn Thị Ban (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng), trên tàu có 10 người.
Tin cho biết tàu bị hỏng máy và đang trôi trên biển với tốc độ 1 - 1,5 hải lý một giờ, cách Đà Nẵng hơn 30 hải lý về hướng Đông Đông Bắc. Tại khu vực này gió biển đang mạnh cấp 6, cấp 7, vì vậy các tàu bạn rất khó tiếp cận tàu này để ứng cứu.
Ngay sau khi nhận thông tin cầu cứu, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 đã đưa tàu cứu nạn ra ứng cứu tàu ĐNa 61406 TS. Dự kiến tối 23-8 tàu cứu nạn sẽ đưa các ngư dân trên tàu về đến Đà Nẵng.
Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Đà Nẵng cho biết đến chiều tối ngày 23-8, đã có 1.924 tàu với 8.087 lao động đã về bến neo đậu an toàn; chỉ còn 129 tàu với 1.018 lao động đang hoạt động trên biển.
Phóng to |
Rất nhiều tàu thuyền đang neo đậu tránh bão số 3 tại Bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng - Ảnh: L.Hải |
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Đà Nẵng cho biết sẽ đảm bảo quân số thường trực 24/24 và chuẩn bị phương tiện gồm 2 tàu, 3 ca nô sẵn sàng thường trực để ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Đơn vị đã thường xuyên tổ chức bắn pháo hiệu để thông báo cho các tàu thuyền tìm nơi tránh bão; đồng thời cử lực lượng xuống các địa bàn xung yếu giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, giằng neo tàu thuyền, sẵn sàng ứng cứu ngư dân bị nạn trên biển.
Từ đêm 22 và suốt cả ngày hôm nay 23-8, toàn tỉnh Quảng Bình đã có mưa vừa đến mưa to. Đến 21g ngày 23-8, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình và lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh đã gọi được 4.060 tàu thuyền với 16.394 ngư dân vào các cửa sông Nhật Lệ, Roòn, Gianh, Dinh, Lý Hòa tránh bão an toàn.
4.162 tàu thuyền khác cùng với nhiều ngư dân cũng đã được báo bão và gọi về, hoặc đã tìm được nơi tránh, trú bão an toàn ở các tỉnh bạn. UBND tỉnh Quảng Bình đã gửi công điện khẩn đến các huyện, thành phố, các ban ngành trong tỉnh để triển khai công tác phòng chống bão số 3.
Phóng to |
Gặt lúa chạy bão ở xã Đức Ninh, TP Đồng Hới - Ảnh: L.Giang |
Ở các địa phương như Lệ Thủy, Quảng Ninh, Đồng Hới, Bố Trạch, Quảng Trạch, nhiều nơi lúa hè thu đã vào thời kỳ chín rộ nên bà con nông dân đang khẩn trương gặt lúa chạy bão, chạy lụt. Nhiều vùng ruộng thấp trũng có nguy cơ bị nước lũ tràn ngập thì bà con giúp đỡ nhau về nhân lực để thu hoạch nhanh trước khi bão tới.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi, lúc 10g ngày 23-8, ở vùng biển Hoàng Sa có 20 tàu của ngư dân trong tỉnh hành nghề đánh bắt hải sản xa bờ đang chạy tránh bão số 3.
20 tàu này gồm 19 tàu của ngư dân huyện đảo Lý Sơn và một tàu đánh cá ở xã Bình Đông, huyện Bình Sơn.
Hiện ngoài 3 tàu đang trên đường vào bờ, 7 tàu đang neo đậu tránh bão tại đảo Gò Mèn và đảo Trụ Cẩu (thuộc quần đảo Hoàng Sa), còn có 10 tàu đánh cá chưa liên lạc được. Trong đó tàu đánh cá của ngư dân Bùi Văn Bình (xã Bình Đông huyện Bình Sơn) với 18 ngư dân đã mất liên lạc từ chiều hôm qua.
Ngoài khu vực quần đảo Hoàng Sa, ở vùng biển phía Bắc nơi dự kiến cơn bão gây ảnh hưởng nghiêm trọng vẫn còn 370 tàu với 28.132 lao động của Quảng Ngãi còn ở ngoài khơi; vùng biển phía Nam tỉnh còn 245 tàu với 1832 lao động và vùng biển Quảng Ngãi còn 429 tàu với 2.420 lao động còn ở ngoài khơi.
Tỉnh đang chỉ đạo cho Bộ đội biên phòng tỉnh và các đài Icom cộng đồng tiếp tục liên lạc với các tàu đang tránh bão ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và kêu gọi tàu thuyền ở các vùng biển nhanh chóng vào nơi trú ẩn.
Phóng to |
Tàu thuyền ở xã Thạch Kim đã được neo đậu và che phủ an toàn - Ảnh: Văn Định |
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, chiều 23-8, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự đã có công điện khẩn yêu cầu những huyện ven biển như Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Nghi Xuân phải tổ chức hướng dẫn tàu thuyền vào nơi tránh bão an toàn. Đặc biệt nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi khi bão chưa đến.
Công điện cũng chỉ đạo các huyện miền núi Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê… đề phòng mưa lớn gây ra lũ quét, sạt lở đất.
Đến 16g ngày 23-8, tất cả 3.783 tàu với 13.710 ngư dân đang hoạt động đánh bắt cá tại các vùng biển đã nhận được thông báo về cơn bão số 3 và hầu hết đã và đang vào đất liền để trú, tránh bão an toàn.
Chiều tối ngày 23-8, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xuất hiện mưa to. Ở vùng biển Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã có gió giật cấp 4, cấp 5.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (từ 75 - 102 km/giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Trị đến Thanh Hóa và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 7g ngày 24-8, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh - Thừa Thiên Huế khoảng 60 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (từ 89 - 102 km/giờ), giật cấp 11, cấp 12. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển khu vực quần đảo Hoàng Sa, vịnh Bắc Bộ và vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh. Từ sáng mai 24-8, khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Khu vực các tỉnh Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và phía đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to; cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng. Vùng ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 2 - 4m. Do ảnh hưởng của bão số 3, ở các tỉnh ven biển Trung Trung Bộ đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to; lượng mưa phổ biến 50 - 100mm, riêng tại đảo Lý Sơn 340,8mm, Đà Nẵng 153,8mm, Nam Đông (Thừa Thiên Huế) 148,4mm… Tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận