Thế nhưng đề xuất này đã bị phần lớn thành viên ủy ban Thường vụ Quốc hội bác bỏ.
Tờ trình của TAND tối cao nêu rõ: trên thế giới từ lâu đã hình thành nguyên tắc phải tuân theo các phán quyết đã có là án lệ (tiêu biểu là các tòa án Anh, Mỹ - NV). Theo nguyên tắc này, một phán quyết của tòa án ngoài ý nghĩa là cách giải quyết một vụ án cụ thể, còn có ý nghĩa thiết lập ra một tiền lệ để áp dụng cho những vụ án tương tự sau này, tạo ra sự bình đẳng trong xét xử các vụ án giống nhau (mà không có trong luật thành văn).
Ý nghĩa của án lệ là tiết kiệm công sức của các thẩm phán và các cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia tranh tụng vì sử dụng những tình huống tương tự đã được giải quyết (trước đó - NV) làm căn cứ giải quyết các vụ việc. Khi áp dụng nguyên tắc án lệ vào xét xử, thẩm phán tòa án có tư cách là người làm luật thông qua các phán quyết của mình.
Làm sao áp dụng khi pháp luật liên tục sửa đổi?
"Ở nước ta luật pháp luôn luôn thay đổi. Vì vậy không thể lấy bản án trước áp dụng cho án sau được. Có nhiều vụ trước đây là tử hình nhưng bây giờ chỉ vài năm tù. Ví dụ, những năm 1970 chỉ ăn trộm vài chục mét dây điện có thể bị xử tử hình nhưng nay thì đã khác" |
Tuy nhiên, cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, chưa nên áp dụng án lệ vào hoạt động xét xử, Ủy ban Tư pháp phân tích: “Việc đưa án lệ vào công tác xét xử của tòa án có mục đích là khi xét xử, thẩm phán phải có trách nhiệm tham khảo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án cấp trên để giải quyết vụ việc tương tự. Tuy nhiên, mục đích này không hoàn toàn phù hợp với pháp luật VN vì hệ thống pháp luật không ngừng được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Trong từng giai đoạn cụ thể, chính sách pháp luật cũng không hoàn toàn giống nhau”.
“Án lệ không có nghĩa cứ thấy người ta làm là làm vì nó còn phải phù hợp với trình độ thẩm phán, với văn hóa pháp đình, với hệ thống pháp luật của ta (pháp luật thành văn) nữa. Những năm 1990 ở Đông Âu cũng có phong trào đưa án lệ vào nhưng không thật sự thành công vì với hệ thống pháp luật thành văn thì nó khó dung nạp án lệ” - chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nói.
Đặt cơ chế để sửa sai đến cùng
Theo tờ trình của TAND tối cao, thực tiễn công tác giám đốc thẩm của TAND tối cao cũng phát hiện một số quyết định của hội đồng thẩm phán có sai lầm, nhưng không có cơ chế để kháng nghị và xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm (pháp luật hiện hành quy định đây là cấp xét xử cuối cùng, bất kể đó là quyết định sai hay đúng - NV). Điều này dẫn đến tình trạng một số cá nhân, tổ chức lâm cảnh oan ức khi nhận bản án có sai sót và TAND tối cao nhận thấy sai cũng không thể sửa.
Vì vậy, TAND tối cao đề nghị quy định cơ chế xem xét lại quyết định của hội đồng thẩm phán có sai lầm theo hướng: chánh án TAND tối cao xem xét kháng nghị bản án, quyết định của hội đồng thẩm phán khi bản án, quyết định này được hai phần ba thành viên hội đồng thẩm phán kiến nghị kháng nghị. Đề nghị này được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí.
Dự thảo Luật khiếu nại chưa đạt yêu cầu
Chiều qua, dự án Luật khiếu nại (trên cơ sở tách Luật khiếu nại, tố cáo thành hai luật là Luật khiếu nại và Luật tố cáo) được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi thẩm tra, Ủy ban Pháp luật kết luận: qua tiếp cận, cả hai dự án Luật khiếu nại và Luật tố cáo không có nội dung gì khác nhiều so với Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành. Vì vậy, thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị chưa nên trình ra Quốc hội hai dự án luật trên.
GS.TS Nguyễn Vân Nam: Kết hợp án lệ và vận dụng điều luật Án lệ là các quyết định xét xử của thẩm phán cho từng trường hợp tranh chấp cụ thể. Nó được hình thành ở Anh vào thời kỳ các thẩm phán không có những điều luật ghi thành văn bản mà chỉ có thể dựa vào các quy tắc đạo lý, tập tục bất thành văn trong xã hội để phân xử. Phán quyết của thẩm phán có hiệu lực bắt buộc đối với những tranh chấp có các tình tiết tương tự cho thời gian sau. Án lệ có một ý nghĩa quan trọng giúp người dân dự đoán được hậu quả pháp lý đối với những hành vi trong tương lai của mình (nhưng luật thành văn làm điều này còn tốt hơn). Chưa cần nói đến các điều kiện để một phán quyết được coi như một án lệ thì việc ngày nay tuyệt đại đa số các quốc gia đều có luật thành văn, khiến câu hỏi nên áp dụng nguyên tắc án lệ hay không đã trở nên không cần thiết. Hiện nay ngay tại Anh và Mỹ, nguyên tắc án lệ đã dần dần nhường chỗ cho nguyên tắc kết hợp giữa án lệ và áp dụng lý giải điều luật của hệ thống luật thành văn. Giả sử chúng ta áp dụng nguyên tắc án lệ thì sao? Trình độ thẩm phán của ta chưa cao, tỉ lệ án sai, án oan, án phải sửa vẫn còn là điều ai cũng biết. Không lẽ các bản án đó sẽ là chuẩn mực án lệ cho các vụ việc trong tương lai sao? Nhà nước pháp quyền bảo đảm và tạo điều kiện để thẩm phán làm việc chỉ theo lương tâm và các điều luật. Họ được hoàn toàn tự do trong đánh giá, nhận định và quyết định xử lý vụ việc mà không bị ràng buộc phải tuân theo bất kỳ một bản án nào trước đó. Tuy nhiên, là con người chứ không phải thánh sống, thẩm phán vẫn có thể phạm sai lầm. Vì vậy họ cần phải được giúp đỡ qua hai con đường: Một là qua các bản án cho những trường hợp tương tự để tham khảo về cách vận dụng luật giải quyết các vấn đề chung, cơ bản là giống nhau (án lệ). Hai là qua ý kiến của giới chuyên môn, của các nhà khoa học về luật pháp để tham khảo cách vận dụng luật phù hợp với các tình tiết thực tế khác nhau đối với mỗi trường hợp cụ thể (áp dụng luật trên cơ sở và khuôn khổ các điều luật). Trên cơ sở các nguồn thông tin này, thẩm phán sẽ ra quyết định xử lý của chính mình. Đối với chúng ta, sự kết hợp giữa án lệ và vận dụng điều luật của luật thành văn như thế cũng là một cách rất hiệu quả giúp thẩm phán nhanh chóng nâng cao trình độ của mình. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận