Trả lời Tuổi Trẻ, ông C. Lawrence Greenwood - phó chủ tịch ADB - nhận định tiềm năng thủy điện có vai trò rất quan trọng trong khu vực nhưng đây là điều phải làm thận trọng. Ông cho biết: “Cần quan tâm đến công tác quản lý nước theo hướng bền vững, không tác động xấu tới dòng nước cũng như gây ra các tổn hại môi trường khác.
Với các dự án do Ngân hàng Thế giới, ADB tài trợ, chúng tôi đều có yêu cầu khắt khe về môi trường. Do đó, tất nhiên những dự án chúng tôi tham gia đều không có vấn đề gì”.
Mặc dù vấn đề đập thủy điện trên sông Mekong không được đưa vào chương trình nghị sự của GMS 16 nhưng các bộ trưởng đều nhất trí với yêu cầu sử dụng hợp lý tài nguyên, trong đó có tài nguyên nước trong khu vực. Ông Satit Wongnongtaey, bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Thái Lan, nói với Tuổi Trẻ: “Chúng ta đã có diễn đàn là Ủy ban sông Mekong (MRC) để nói về việc quản lý sông Mekong nên trong phiên họp lần này, chúng tôi chỉ nói những vấn đề chính để có thể tăng cường sức mạnh kinh tế, trong đó có phần quản lý tài nguyên. Với Thái Lan, chúng tôi nhất trí rằng việc quản lý tài nguyên nước trong Mekong là điều rất quan trọng”.
Trong cuộc họp báo kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng bày tỏ tin tưởng vấn đề sử dụng tài nguyên nước sẽ không gây phương hại đến quan hệ giữa các nước GMS.
Ông C. Lawrence Greenwood nói với báo chí sau hội nghị rằng: “Hàng hóa vận chuyển từ Đà Nẵng sang Lào trên con đường rất đẹp, nhưng tới biên giới thì gặp quá nhiều thủ tục ngăn cản và mất nhiều giờ mới đi qua hải quan và nhập cảnh được”. Tuyên bố chung của hội nghị cũng nhấn mạnh việc phát triển hạ tầng mềm cho hợp tác trong khu vực như thúc đẩy thực hiện hiệp định tạo thuận lợi cho giao thông vận tải người và hàng hóa, hoàn thiện hệ thống quá cảnh hải quan, hợp tác trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin...
Trong bài phát biểu của mình, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Liao Xiaojun đưa ra một số đề xuất cho hoạt động của GMS trong bối cảnh khu vực và quốc tế mới. Trong đó, ông Liao Xiaojun kiến nghị các nước tập trung hợp tác cả về phần cứng và phần mềm để nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các nước trong tiểu vùng. Ông nói: “Chúng ta đã làm việc với góc độ hợp tác và kết nối nhanh, tuy nhiên cơ sở hạ tầng cần tiếp tục được củng cố cả về phần cứng cũng như phần mềm để tạo điều kiện thuận lợi đầu tư thương mại”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Campuchia Cham Prasidh nêu vấn đề cần tiếp tục mở rộng các mạng lưới giao thông trên cả đường sắt, đường thủy và đường bộ. Ông cũng đề xuất các nước GMS tăng cường hợp tác nông nghiệp dựa trên môi trường sinh thái.
Thỏa thuận khung về tạo thuận lợi thương mại và vận tải Các nước tiểu vùng sông Mekong mở rộng đã trải qua cuộc họp các quan chức cao cấp vào ngày 19-8. Ngày 20-8, các trưởng đoàn và bộ trưởng GMS đã nhóm họp riêng trao đổi các vấn đề hợp tác phát triển trong khu vực. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc, hội nghị đánh giá cao các thành tựu đầu tư, thương mại, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển năng lượng, nguồn nhân lực, hợp tác môi trường trong các nước GMS. Ông Phúc cho biết hội nghị cũng bàn luận khuôn khổ chiến lược phát triển giai đoạn năm 2012. Đặc biệt, hội nghị quan tâm đến vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng, biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế và đảm bảo phát triển đồng đều giữa các khu vực. Ông C. Lawrence Greenwood cho biết hội nghị cũng bàn về hoạt động tăng cường bảo vệ môi trường và tính đa dạng sinh học, hỗ trợ kỹ thuật, năng lượng tái sinh và phát triển năng lượng sạch trong GMS. Đặc biệt, các nước GMS đã có một thỏa thuận khung về tạo thuận lợi thương mại và vận tải. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận