09/08/2010 08:03 GMT+7

Quy chế phát ngôn làm không nghiêm, bạn đọc thiệt

LÊ KIÊN thực hiện
LÊ KIÊN thực hiện

TT - Ngày mai (10-8) sẽ khai mạc Đại hội IX của Hội Nhà báo VN. Dịp này, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN LÊ QUỐC TRUNG xung quanh những thắc mắc của bạn đọc và những trăn trở của người làm báo trong thời gian qua.

elvaKQ5Q.jpgPhóng to

Phóng viên trong và ngoài nước tác nghiệp tại Phủ chủ tịch trong dịp đón Tổng thống Mỹ G.Bush sang Việt Nam ngày 13-8-2008 - Ảnh: T.T.D.

G6HTTUNV.jpgPhóng to

Ông Lê Quốc Trung - Ảnh: Lê Kiên

Ông Lê Quốc Trung cho rằng số đông cơ quan, đơn vị thực hiện quy chế người phát ngôn cho có, chiếu lệ.

"Tôi nghĩ nếu mỗi tờ báo bám sát được đối tượng phục vụ, bám sát đúng tôn chỉ mục đích thì sẽ dễ dàng tạo ra được bản sắc, thu hút bạn đọc và tạo ra chỗ đứng riêng của mình trong làng báo"

Ông Lê Quốc Trung

* Sau vụ PMU18 đến nay, dư luận cho rằng báo chí chùng xuống, nhất là trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Ông cảm nhận vấn đề này như thế nào? Hội Nhà báo có nên thảo luận vấn đề này không?

- Trong thời gian qua báo chí vẫn tiếp tục đưa lên mặt báo khá nhiều vụ việc, tham gia tích cực đấu tranh chống tiêu cực. Ngay trong đợt trao giải báo chí quốc gia năm 2009, số tác phẩm báo chí đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng vẫn chiếm tỉ lệ rất cao, trong đó giải A duy nhất của Đài truyền hình Đồng Nai là một tác phẩm chống tiêu cực. Vì vậy, nói hoạt động báo chí chùng xuống là chưa thật sự chính xác.

Tuy nhiên nếu xét về mặt không khí của hoạt động báo chí, nhận xét trên có phần đúng và báo giới chúng ta cần suy nghĩ. Rõ ràng là sau vụ PMU18, báo chí cần rút kinh nghiệm về cách tiếp cận, khai thác và xử lý thông tin để tránh những sai sót đáng tiếc. Qua trao đổi với lãnh đạo một số cơ quan báo chí, tôi được biết sau vụ PMU18, họ thận trọng hơn trong cách thức tiếp cận nguồn tin, thu thập thông tin và đưa tin.

Báo chí đã không còn bồng bột, bị thu hút quá mức vào sức nóng của sự kiện. Về phía các cơ quan nhà nước, sau sự việc này họ cũng dè chừng hơn trong việc cung cấp thông tin, phát ngôn trước báo chí, tránh tình trạng thiếu chuẩn mực như trong vụ PMU18.

Nhân nói về vụ việc này, về phía hội và bản thân tôi là người phụ trách thường trực ở hội bây giờ nhìn lại thấy rằng lẽ ra sau những vụ việc như vậy nên tổ chức trao đổi, rút kinh nghiệm để báo chí tiếp tục thực hiện tốt vai trò của mình trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực.

* Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy chế người phát ngôn và đã có một số cơ quan làm tốt, nhưng nhiều cơ quan, đơn vị lợi dụng quy chế này để khước từ các nhà báo...

- Tôi nghĩ rằng quy chế của Thủ tướng ban hành rất cần thiết, nếu thực hiện đúng thì rất có lợi cho cả cơ quan cung cấp thông tin và báo giới. Nhưng thực tế, nhiều cơ quan báo chí cũng phàn nàn và về phía hội chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến tới các cơ quan quản lý nhà nước. Việc thực hiện quy chế này rất không đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị nhà nước. Rất ít cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm chỉnh quy chế.

Số đông cơ quan, đơn vị làm cho có như kiểu cử ra người phát ngôn là chánh văn phòng, khi gặp báo chí thì đọc một bản viết sẵn, phóng viên hỏi thêm thì không biết trả lời thế nào, hoặc trả lời “để tôi xin ý kiến lãnh đạo vì cái này không thuộc thẩm quyền của tôi”. Cách làm chiếu lệ như vậy là không ổn.

Đó là chưa kể một số nơi lợi dụng quy chế này để nói rằng phải chờ người phát ngôn chính thức, trong khi đó những cá nhân, bộ phận khác trong cơ quan hoàn toàn có thể cung cấp thông tin cho nhà báo. Vì vậy trong nhiều trường hợp, báo chí vẫn chưa có thông tin kịp thời để cung cấp đến bạn đọc và người thiệt thòi chính là bạn đọc. Hội Nhà báo sẽ tiếp tục đấu tranh để quy chế này được thực hiện nghiêm minh.

* Phải chăng hoạt động báo chí đang đơn điệu và tẻ nhạt? Không ít tờ báo thiếu bản sắc?

- Tôi cho rằng ở đây có hai khía cạnh cần phải nói. Thứ nhất, chính bản thân tôi với tư cách là một người đọc thì khi cầm tờ báo phải lướt qua tất cả các tít xem có gì ở báo này khác báo kia, nếu độc đáo hơn thì mới đọc, còn trùng lắp thì thôi. Nhưng tôi là người có nhiều báo để đọc. Còn nhiều người chỉ mua một tờ báo thôi. Vì vậy với những thông tin quan trọng, được dư luận rộng rãi quan tâm thì cùng lúc có nhiều báo khai thác là chuyện bình thường.

Nhưng phải thừa nhận bây giờ rất nhiều tờ báo không phục vụ chu đáo với đối tượng riêng của mình mà lại nhảy vào những vấn đề chung, lấn sang sân khác nên đọc giống nhau, gây cảm giác đơn điệu và nhàm chán.

* Báo chí VN đặt dưới sự lãnh đạo, định hướng của Đảng. Nhưng qua một số sự việc được cho là nhạy cảm, phức tạp đã thấy rằng cơ quan tham mưu của Đảng nhiều khi bị động trong chỉ đạo, theo sau sự kiện khiến báo giới lúng túng. Theo ông, công tác này cần phải đổi mới như thế nào?

- Cả về phía hội và các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tham mưu của Đảng cũng nhận thấy có tình trạng trên. Tức là đôi khi cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý phải chạy theo một số sự kiện. Khi báo chí đăng cả lên rồi thì mới có điều chỉnh. Điều chỉnh không phải là ngăn cấm thông tin mà là làm sao để định hướng đúng cho nó không gây ra những tác động xấu trong dư luận xã hội.

Hội Nhà báo VN cũng đã nhiều lần tham gia ý kiến với Bộ Thông tin - truyền thông, Ban Tuyên giáo trung ương về vấn đề này. Tôi nghĩ rằng để khắc phục được thì trước hết các cơ quan chỉ đạo như Ban Tuyên giáo hay cơ quan quản lý như Bộ Thông tin - truyền thông phải chủ động nắm bắt được thông tin từ phía các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin.

Nhưng quan trọng hơn là cơ quan quản lý, chỉ đạo cần làm sao để có khả năng dự báo được những vấn đề xã hội quan tâm, những vấn đề nhạy cảm dễ gây ra bức xúc, tác động không lợi trong dư luận để chủ động định hướng trước.

LÊ KIÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên