Đó là phát biểu của ông Trần Đức Chính (tổng biên tập báo điện tử Công Luận, thuộc Hội Nhà báo VN) tại “Hội thảo về tác nghiệp của nhà báo trong tình huống nóng”, do báo điện tử Công Luận tổ chức chiều 3-8.
Theo ông Chính, trong bốn tháng đầu năm 2010 có bảy vụ cản trở, hành hung nhà báo, trong đó có vụ đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến phóng viên Trần Thế Dũng (báo Người Lao Động) bị hành hung ở Lạng Sơn. Không dừng lại ở đó, trong ba tháng qua tiếp tục xảy ra ít nhất tám vụ việc cản trở, đe dọa, xúc phạm, hành hung nhà báo.
Ông Đỗ Cảnh Thìn (tổng biên tập tạp chí Cảnh Sát Phòng Chống Tội Phạm) cho biết tình hình chống người thi hành công vụ nói chung và nhà báo nói riêng diễn ra ngày càng phức tạp, trung bình mỗi năm xảy ra 400-500 vụ việc chống người thi hành công vụ.
Nhà báo Phạm Kiên (ban thời sự Đài truyền hình VN) bộc bạch phóng viên truyền hình tác nghiệp ở điểm nóng thường khó “giấu mình” hơn so với các đồng nghiệp báo in, vì phóng viên truyền hình phải kèm theo quay phim với các loại máy, chân máy... khá cồng kềnh, “căng thẳng nhiều khi không chỉ là e ngại nguy hiểm với bản thân, mà còn lo lắng máy quay phim trị giá hàng tỉ đồng của cơ quan bị đập phá hư hỏng”.
Ông Trần Đức Chính cho rằng: “Có một thực tế, làm báo là làm nghề nguy hiểm nhưng cho đến nay kỹ năng phòng tránh, chủ động đối phó với hiểm nguy vẫn chưa được các trường báo chí đào tạo cho sinh viên. Nhiều tòa soạn và chính những nhà báo cũng chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này”.
Nhà báo Trần Duy Phương (tổng biên tập VTC News) đặt câu hỏi trong trường hợp nhà báo đang tác nghiệp đúng pháp luật nhưng vẫn bị lực lượng công an có mặt tại hiện trường ngăn cản thì sao?
Ông Nguyễn Văn Lan (phó cục trưởng Cục Tham mưu, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm) đề xuất Hội Nhà báo VN và Bộ Công an nên có quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa các hành vi chống người thi hành công vụ, trong đó có chống lại các nhà báo khi đang tác nghiệp, để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lên án mạnh mẽ các hành vi chống người thi hành công vụ trên các báo đài và có thể phối hợp thành lập đường dây nóng giữa hai lực lượng để kịp thời hỗ trợ trong các trường hợp cần thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận