02/08/2010 07:29 GMT+7

Thăng chức không thể chỉ dựa vào bằng cấp

TRỊNH VĨNH HÀ thực hiện
TRỊNH VĨNH HÀ thực hiện

TT - Việc một bộ phận quan chức, cán bộ nhà nước tìm mọi cách để có bằng cấp, đảm bảo tiêu chí để được tuyển dụng, được thăng quan tiến chức cho thấy có một khoảng tối của “nền học vấn quan trường”.

Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục (1987-1990), đã nói như vậy trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ.

YwD1ITON.jpgPhóng to
Để hạn chế tình trạng chạy theo bằng cấp, ngoài cơ chế kiểm soát thường xuyên cần có các đợt thanh tra định kỳ và chế tài nghiêm khắc đơn vị, cá nhân sai phạm. - Ảnh minh họa từ culpeperschools.org
b0qeFovO.jpgPhóng to
Giáo sư Phạm Minh Hạc

GS Phạm Minh Hạc nói:

"Chừng nào quan niệm tuyển dụng chưa thay đổi sẽ khó chấm dứt được cách tuyển người theo kiểu “con ông cháu cha”, tuyển người biết cách hợp thức hóa các yêu cầu tuyển dụng nhưng không có tài, đức. Còn người giỏi sẽ sợ mà né môi trường làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước"

GS Phạm Minh Hạc

- Một bộ phận những người đang nắm quyền lực tại các địa phương đã đặt ra mục tiêu hợp thức hóa tấm bằng xác nhận trình độ học vấn bằng những con đường đi tắt, bằng giải pháp tiêu cực bởi vì họ không cần chứng minh trình độ chuyên môn, thể hiện năng lực thực tế và bằng cấp chỉ là điều kiện để có chức vụ, có quyền lực và đảm bảo quyền lợi của cá nhân.

Tôi ví dụ một con số, lâu nay những giáo sư có uy tín trở thành cán bộ cao cấp chỉ chiếm 3-4%. Những người giỏi, vì nhiều lý do khác nhau, lại ít khi nắm chức quyền. Còn chức quyền nhiều khi rơi vào tay những người có đủ “mác học vấn” nhưng lại không thực chất. Chưa bàn đến việc quan chức đi học bằng tiền Nhà nước hay tiền túi nhưng rõ ràng chuyện dùng tiền để có tấm bằng không tương xứng với trình độ là một sự lừa dối.

Người có quyền mà lừa dối thì làm sao nói được dân? Những người đứng đầu cần phải giỏi, trao quyền vào tay người không đủ tài, không đủ đức là một mối nguy hại, kéo lùi sự phát triển của đất nước. Những gì mắt thấy tai nghe khiến tôi buồn cho “nền học vấn quan trường”.

* Mỗi khi công luận đưa tin về người này, người kia có quyền chức nhưng phải lo chạy chọt để kiếm tấm bằng, dư luận bức xúc nhưng ít ai ngạc nhiên. Phải chăng chuyện chạy theo bằng cấp bằng mọi giá là việc phổ biến trong những cơ quan nhà nước? Theo giáo sư, điều gì dẫn đến tình trạng này?

- Không có một cuộc điều tra nào để có được những con số cụ thể khẳng định việc mua bằng phổ biến trong quan trường và các cơ quan nhà nước. Việc lấy bằng của các cơ sở giáo dục nước ngoài lại không bắt buộc thẩm định chất lượng nên khó có thể biết đâu là vàng, đâu là thau. Nhưng chúng ta đều biết cơ chế tuyển dụng, cơ chế sử dụng lao động, các quy định, tiêu chí mang ra cân nhắc để quyết định thăng quan tiến chức, nâng lương đều lấy yếu tố bằng cấp làm trọng.

Đó chính là sự bất ổn khiến nhiều người phải tìm mọi cách để có bằng cấp. Và cũng vì vậy nhiều cá nhân đã không thấy sai trái, xấu hổ khi hòa vào dòng người chạy theo bằng cấp như vậy. Cán bộ khoa học của VN cũng đang bị cư xử theo kiểu hành chính hóa. Những người có bằng cao, trình độ thấp nếu biết cách lựa vẫn được đối xử tốt. Thực tế đó không khuyến khích người ta phấn đấu để có trình độ thật, họ tìm cách mua bằng cũng là điều dễ hiểu.

* Như vậy, thay đổi cơ chế tuyển dụng, sử dụng lao động, bầu cử người nắm quyền các cấp sẽ là điểm mấu chốt có thể mang lại sự chuyển biến trong việc chống chạy theo bằng cấp? Theo giáo sư, để làm được điều này có những khó khăn, cản trở gì?

- Hiện nay tại nhiều doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, những cơ quan tuyển dụng tư nhân hoặc có yếu tố nước ngoài, họ đã thực hiện việc tuyển người theo trình độ thực tế, không phải căn cứ vào bằng cấp, quyết định thăng chức, tăng lương trên cơ sở năng lực, cống hiến. Khó khăn chỉ nằm trong khối cơ quan hành chính nhà nước là chủ yếu. Cơ quan nhà nước lắm lúc chưa tạo điều kiện cho những người có năng lực thật phát huy. Để thay đổi là việc lâu dài và khó khăn, nhất là thay đổi quan niệm, nhận thức của người hoạch định chính sách, xây dựng cơ chế.

* Có những vấn đề không thể giải quyết ngay nhưng trước mắt, theo giáo sư, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo như thế nào trước vấn nạn “chạy theo bằng cấp”?

- Năm 2001-2005, theo đề nghị của Ban khoa giáo trung ương, bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo thời đó đã thành lập một đoàn thanh tra đặc biệt để thanh tra việc cấp bằng từ phổ thông đến đại học. Sau bốn năm triển khai việc này, tôi được biết bộ đã phát hiện trên 10.000 trường hợp cấp bằng sai quy định, trong đó có một số cán bộ cấp tỉnh, cơ quan trung ương. Nếu Bộ Giáo dục - đào tạo có cơ chế kiểm soát tốt việc thực hiện tuyển đầu vào, đào tạo và cấp bằng, chế tài nghiêm khắc, nhất là đối với các cơ sở cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ trong nước thì việc mua bán bằng sẽ hạn chế hơn.

Những năm gần đây, Bộ Giáo dục - đào tạo phát động phong trào chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục nhưng việc kiểm tra, kiểm soát việc cấp bằng, nhất là bằng cấp cao, lại không được thực hiện tốt. Học sinh, sinh viên sẽ khó có thể quay lưng với tiêu cực nếu các cơ sở giáo dục và nhiều cán bộ nhà nước, quan chức còn mua bằng. Còn với bằng cấp do các cơ sở nước ngoài cấp, hiện bộ không với tay đến được trừ khi cá nhân hoặc cơ quan tuyển dụng có yêu cầu thẩm định.

Đây cũng là một kẽ hở lớn cho việc cán bộ có tiền hoặc được cấp tiền đi mua bằng nước ngoài kém chất lượng nhưng vẫn không bị phát hiện, xử lý.

* Theo giáo sư, làm gì để kiểm soát tốt hơn chất lượng bằng cấp nói chung và bằng tiến sĩ nói riêng? Trong bối cảnh này, quan điểm của giáo sư thế nào về đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ? Việc đào tạo số lượng tiến sĩ lớn trong thời gian không xa liệu có thể đảm bảo chất lượng, không xảy ra tình trạng học giả, bằng thật không?

- Không riêng tôi mà nhiều nhà khoa học đều nghi ngại đề án đó. Nếu không có cách kiểm soát chất lượng chặt chẽ ngay từ bây giờ thì việc triển khai đề án sẽ chỉ tạo thêm “cửa” cho việc đào tạo xô bồ, không chất lượng. Thực tế năm 2010, các cơ sở đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đã hạ điều kiện đầu vào rồi, họ phải “nới điều kiện” để tăng chỉ tiêu. Có những cơ sở được đào tạo tiến sĩ hiện nay chỉ có vài giáo sư nhưng vẫn gánh vài chục chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ.

Tôi nghĩ để hạn chế tình trạng chạy theo bằng cấp, ngoài cơ chế kiểm soát thường xuyên cần có các đợt thanh tra định kỳ và chế tài nghiêm khắc đơn vị, cá nhân sai phạm. Bằng do cơ sở nước ngoài cấp khi được sử dụng làm điều kiện để tuyển dụng cần có quy định bắt buộc phải thẩm định bởi cơ quan quản lý nhà nước.

TRỊNH VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên