Phóng to |
Các luật sư đến nộp hồ sơ cho TAND huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu) - Ảnh: M.Luận |
Do số lượng hồ sơ và chứng cứ nhiều nên tòa án đã bố trí một tổ tiếp nhận gồm sáu người do thẩm phán Trịnh Hoàng Anh làm tổ trưởng. Sau khi xem xét kỹ các đơn khởi kiện, các cán bộ tòa án đã tiếp nhận và viết giấy thông báo tạm nộp án phí trao cho các luật sư được người dân ủy quyền.
Đã nộp 265 hồ sơ
Theo luật sư Vũ Bá Thanh, trong ngày các luật sư được ủy quyền đã nộp cho tòa án 265 hồ sơ khởi kiện. Do lượng hồ sơ, đơn khởi kiện nhiều nên dự kiến phải mất một tuần mới hoàn tất việc nộp hồ sơ cho tòa án.
Thẩm phán Trịnh Hoàng Anh cho biết một tuần sau khi tiếp nhận hồ sơ, xem xét các chứng cứ và yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, tòa án sẽ có thông báo về việc thụ lý vụ kiện và tiến hành các bước hòa giải. Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, trong vòng 40 ngày tòa sẽ cho mời Vedan và các luật sư ủy quyền lên hòa giải, nếu hòa giải bất thành sẽ đưa ra xét xử.
Nói về những thuận lợi và khó khăn của vụ kiện, luật sư Vũ Bá Thanh cho rằng bản thân các vụ kiện đã là một khó khăn và thực tiễn giải quyết những vụ kiện có số lượng lớn như thế này chưa nhiều. Ông Thanh nói: “Một vụ kiện dân sự bình thường mất 4-6 tháng, nên chỉ cần hình dung cũng thấy vụ kiện này sẽ tiêu tốn thời gian của luật sư và cơ quan tố tụng rất nhiều”. Về thuận lợi, luật sư Thanh cho rằng vụ kiện được dư luận xã hội quan tâm, chính quyền đồng tình. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những chỉ đạo kịp thời và các bước đi rất cụ thể; gia đình, cá nhân người thiệt hại tin tưởng.
Cũng theo luật sư Thanh, để giảm bớt chi phí, thời gian xét xử, các luật sư sẽ căn cứ vào hồ sơ để đề xuất nhập các vụ kiện theo nhóm. Việc nhập các vụ kiện này là có cơ sở, tuy nhiên quyết định cuối cùng vẫn do phía tòa án đưa ra.
Vedan đề nghị đàm phán, Bà Rịa - Vũng Tàu từ chối
Trong khi đó ông Trần Văn Cường - phó giám đốc Sở NN&PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu, trưởng Ban chỉ huy thống kê thiệt hại kinh tế và môi trường trong vụ Vedan (ban chỉ huy) - cho biết tỉnh đã từ chối lời đề nghị đàm phán của Vedan vừa đưa ra gần đây.
Ông Cường cho biết Vedan vừa có văn bản thừa nhận họ có một số sai sót trong quá trình ghi chép lại số hồ sơ thiệt hại của dân nên dẫn đến việc đề nghị tính toán mức bồi thường sai. Vì vậy Vedan đề nghị xin được sao chụp toàn bộ hồ sơ kê khai thiệt hại và thẩm định thiệt hại để làm căn cứ giải quyết bồi thường. Bên cạnh đó, Vedan cũng xin được gặp UBND tỉnh, ban chỉ huy và các cơ quan chức năng để bàn bạc “hỗ trợ” người dân thiệt hại.
Trước đề nghị của Vedan, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản trả lời không chấp nhận và nói thẳng: mọi việc đã quá muộn! Theo đó, UBND tỉnh cho biết toàn bộ hồ sơ bị thiệt hại của dân đã được bàn giao cho luật sư để nộp cho tòa án, vả lại đây là hồ sơ vụ kiện nên theo quy định pháp luật không thể cho bị đơn là Vedan sao chụp mà không có ý kiến của người khởi kiện. Đối với đề nghị được gặp để “bàn việc hỗ trợ”, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu rõ: “Đáng tiếc việc trao đổi, đàm phán vào lúc này không thể thực hiện được vì người dân Bà Rịa - Vũng Tàu đã làm thủ tục khởi kiện quý công ty ra tòa. Việc trao đổi, đàm phán chỉ có thể tiến hành nếu Vedan đồng ý bồi thường ngay số tiền 53,61 tỉ đồng cho người dân bị thiệt hại”.
Đồng Nai: xác định thiệt hại còn lúng túng
Nhà ông Nguyễn Văn Long (ấp 1, xã Phước Thái, huyện Long Thành) hôm qua không khí nhộn nhịp hơn thường ngày khi nhiều nông dân bị thiệt hại kéo đến đây nhờ ông xác định giúp quá trình đã thu mua tôm của họ nuôi và đánh bắt trên sông Thị Vải. Theo ông Huỳnh Văn Lưu - chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai, tất cả cuộc họp ông đều yêu cầu khi dân đưa đơn kiện Vedan thì trách nhiệm của tòa án huyện Long Thành, Nhơn Trạch trước tiên phải nhận đơn và hướng dẫn người dân chứ không được trả đơn.
Là người đã hoàn thiện hồ sơ đi kiện sớm nhất ở xã Phước Thái, ông Đỗ Bá Ngâm tâm sự: “Nhiều người làm hồ sơ xong rồi, chỉ cần đến xã xác nhận nhưng còn lúng túng vì lúc này họ nhìn trên bản đồ tự thu thập không biết vị trí bị thiệt hại ở đâu!”.
Theo ông Nguyễn Văn Ngẫu - chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Thành, mấu chốt là xác định đối tượng đánh bắt nuôi trồng thủy sản ở từng vùng ô nhiễm, số hộ thiệt hại và đưa ra mức giá yêu cầu cho từng loại hình đánh bắt để buộc Vedan phải bồi thường. Nhưng đến nay việc này vẫn chưa xong, khiến một số cơ quan chức năng và cả người dân lúng túng.
Nói đến tiến độ xác định mức độ thiệt hại, ông Võ Văn Chánh, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đồng Nai, cho hay: “Hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch vừa thống kê xong số hộ thiệt hại nhưng việc tính giá trị thiệt hại ra sao ở các vùng ô nhiễm, cho từng loại hình đánh bắt đang bị vướng”. Ông Chánh giải thích nếu lấy theo cách tính toán của Viện Môi trường - tài nguyên (sau đó UBND tỉnh Đồng Nai căn cứ vào đây ra văn bản đòi Vedan bồi thường gần 120 tỉ đồng - PV) thì sẽ thấp cho người dân bị thiệt hại nên phải chờ Bộ Tài nguyên - môi trường áp giá mới tính toán được.
Chiều 27-7, Hội Luật gia Đồng Nai đã gửi công văn đến 40 tổ chức hành nghề luật sư để mời họp bàn giúp đỡ, hướng dẫn nông dân khởi kiện Vedan theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai. Đồng thời hội cũng gửi công văn đến hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch đề nghị thông báo cho các xã có nông dân bị thiệt hại trong vụ Vedan biết và tạo điều kiện cho tổ công tác xuống địa bàn thực hiện việc giúp dân như chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai bắt đầu từ ngày 4-8.
Các bước tiếp theo Theo ghi nhận của chúng tôi, sau khi nộp hồ sơ, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã vạch ra các bước tiến hành rất cụ thể. Ngay trong buổi sáng cùng ngày, ông Trần Văn Cường đã tổ chức cuộc họp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, ban ngành về các bước tiếp theo. Theo đó, Hội Nông dân tỉnh phối hợp UBND địa phương, đoàn thể tuyên truyền cho dân chuẩn bị tâm lý, hiểu rõ khởi kiện Vedan ra tòa là công việc tốn nhiều công sức, thời gian và có thể sẽ còn kéo dài; tổ chức kiểm tra, rà soát và có ý kiến cho từng trường hợp phát sinh sau khi nộp hồ sơ khởi kiện. Các luật sư tiếp tục đi thực tế thu thập thêm chứng cứ, tài liệu về thiệt hại của dân để phục vụ quá trình tranh tụng tại tòa. Sở Tài nguyên - môi trường sẽ mời Viện Môi trường - tài nguyên, Tổng cục Môi trường họp trình bày các phương pháp tính toán, thẩm định thiệt hại và vụ bắt quả tang Vedan xả thải trộm để các luật sư nắm bắt chính xác thông tin, đảm bảo cung cấp chứng cứ cho tòa án đạt hiệu quả cao nhất... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận