20/07/2010 07:43 GMT+7

Mặc bão mới, ngư dân vẫn bám ngư trường

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TT - Sau ba ngày nỗ lực tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển Hoàng Sa, sáng nay (20-7), hai trong số ba tàu cứu hộ cứu nạn thuộc Vùng C hải quân là HQ 951 và HQ 952 trở về đất liền cùng 14 ngư dân bị nạn trong cơn bão Côn Sơn vừa qua. Riêng tàu HQ 629 vẫn tiếp tục ở lại làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.

* Chưa tìm thấy 17 ngư dân l Bị ba tàu ngàn tấn đâm vào, cầu Bính “lâm bệnh”

99ZvhHlO.jpgPhóng to
Sơ đồ dự báo đường đi bão số 2 - Nguồn: NCHMF

Tuy nhiên, chiều tối 19-7, qua liên lạc Icom, chỉ huy tàu HQ 629 cho biết thời tiết đang xấu dần đã làm ảnh hưởng đến công tác tìm kiếm 16 ngư dân Quảng Ngãi được cho là mất tích trong cơn bão vừa qua. Đến chiều tối cùng ngày, vẫn chưa có thông tin gì về 16 thuyền viên được cho là mất tích.

Theo trung tá Lê Đình Sơn - trưởng ban thông tin liên lạc Vùng C hải quân, việc tiếp nhiên liệu dầu, lương thực cho các tàu cá đã được hoàn tất. Một số ít trong các tàu cá Quảng Ngãi được ứng cứu đã tự quay trở về đất liền, số còn lại tranh thủ đánh cá.

Bão số 2 di chuyển gần giống bão số 1

Chiều tối 19-7, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã mạnh lên thành bão số 2 có tên quốc tế là Chanthu (tên một loài hoa do Camphuchia đặt). Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, tối qua bão số 2 hoạt động cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 490km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 9-10.

Dự báo ngày 20-7, bão số 2 di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến tối 20-7, bão còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200km về phía đông đông bắc.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (89-117km/giờ), giật cấp 11-12. Đến tối 21-7, nhiều khả năng bão số 2 gây ra gió giật cấp 12-13, hoạt động cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 120km về phía đông.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hướng di chuyển của bão số 2 gần giống với giai đoạn giữa của bão số 1. Khi vào biển Đông, bão số 2 di chuyển hướng về Hong Kong, sau đó hơi lệch về nam hướng vào bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Hướng di chuyển sắp tới của bão số 2 là khá ổn định. Tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng hướng di chuyển bão sẽ thay đổi tiến thẳng về VN nên cần hết sức đề phòng.

Lúc 17g ngày 19-7, ông Phạm Văn Ơn - thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi - cho biết trong số 85 ngư dân bị mất tích do bảy tàu đánh cá bị chìm ở khu vực quần đảo Hoàng Sa trong bão số 1, hiện đã cứu vớt được 68 ngư dân, còn 17 ngư dân chưa tìm thấy.

Trong đó, số ngư dân được Trung Quốc cứu vớt là 15, tàu Jade Trader (Hong Kong) cứu được 10 ngư dân, tàu hải quân và ngư dân tự cứu vớt được 43 người (trong đó có 14 ngư dân bị thương đã được lực lượng hải quân cứu chữa).

Trong ngày 19-7, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các địa phương không cho tàu bè ra khơi, đồng thời tiếp tục chỉ đạo những tàu thuyền của ngư dân ở quần đảo Hoàng Sa phải nhanh chóng vào bờ khi áp thấp nhiệt đới đang có xu hướng mạnh dần lên thành bão.

Vùng biển Hoàng Sa là ngư trường truyền thống

Ông Phan Văn Ơn cho biết vùng biển Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi. Trong khi đó, các cơn bão hằng năm thường đổ bộ vào vùng biển này với tần suất cao.

Cũng theo ông Ơn, những năm gần đây hệ thống thông tin cảnh báo bão đã được cải thiện.

Ở trung ương, sau khi Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương có thông báo về bão thì Đài Tiếng nói VN, các đài thông tin duyên hải khu vực, đài Icom cộng đồng và các phương tiện truyền thông khác lập tức thông tin cho bà con ngư dân đang đánh bắt ngoài khơi biết. Nhưng một số ngư dân chủ quan sợ tốn chi phí cho chuyến đi biển dài 15-30 ngày nên có khi họ mới ra biển nhưng chưa đảm bảo sản lượng khai thác đủ chi phí bỏ ra bèn nấn ná tìm cách neo trú ở các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa chờ bão tan để đánh bắt hải sản.

Trong khi đó tàu thuyền của bà con ngư dân chỉ chống chọi được những cơn bão với sức gió cấp 7, cấp 8 trở lại nên sự cố thường xuyên xảy ra.

Giải cứu cầu Bính

Ngày 19-7, lực lượng cứu hộ đã tiến hành cắt bớt phần cabin tàu chở container Vinashin Orient và kéo được con tàu này ra khỏi gầm cầu Bính sau hơn một ngày bị mắc kẹt do đứt neo va vào cầu. Tuy nhiên, sau vụ va chạm của ba tàu hàng loại lớn, cầu Bính bị hư hại khá nặng.

Ông Nguyễn Hồng Nam - giám đốc Ban quản lý các dự án cầu Hải Phòng, đơn vị quản lý cầu Bính - cho biết ngoài việc kiểm tra của các đơn vị thuộc Bộ GTVT và Đại học GTVT, đơn vị này cũng mời các chuyên gia của tư vấn giám sát, nhà thầu Nhật Bản từng thi công cầu Bính (đang thi công cầu Nhật Tân, Hà Nội) đến hiện trường xem xét đưa ra ý kiến tư vấn về giải pháp khắc phục.

Ông Nam cho biết vụ va chạm của ba con tàu đã làm hai sợi cáp bong vỏ, dầm thép chính hạ lưu bị cần cẩu tàu chọc vào làm biến dạng toàn bộ đáy dầm dài 36m. Nếu thay hai sợi cáp này phải đặt sản xuất từ nhà máy bên Nhật Bản. Kết quả sơ bộ ban đầu cho thấy cầu Bính đã có nhiều biến dạng và giảm khả năng chịu lực.

Sau khi cầu Bính được giải cứu, Sở GTVT Hải Phòng mới chỉ cho xe thô sơ, xe máy thông xe, tạm thời chưa cho ôtô qua cầu.

Về trách nhiệm và chi phí khắc phục thiệt hại của cầu Bính, ông Nam cho biết theo điều 84 của Luật xây dựng, người có lỗi gây ra sự cố công trình có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và các chi phí có liên quan. Việc này cơ quan chức năng sẽ phân xử.

Cầu Bính nối trung tâm TP Hải Phòng với huyện Thủy Nguyên, được khánh thành và đưa vào sử dụng tháng 5-2005 với tổng mức đầu tư 943 tỉ đồng.

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên