Phóng to |
Trước đó, trong báo cáo bổ sung, giải trình của Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM sẽ được chia làm nhiều giai đoạn, có sự phân kỳ đầu tư bằng các dự án thành phần, phù hợp với khả năng huy động vốn; dự án thành phần nào xong sẽ đưa vào khai khác ngay và rút kinh nghiệm để tiếp tục chuẩn bị, đầu tư dự án mới”.
Đối với đồ án quy hoạch chung thủ đô Hà Nội, Phó thủ tướng nói: “Chính phủ sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của QH để hoàn chỉnh đồ án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến trước khi phê duyệt”.
"Không thể không làm đường sắt cao tốc. Vừa phải làm đường bộ cao tốc, làm đường sắt nâng cấp, làm đường bộ mở rộng 1A, tiếp tục hoàn thiện, mở rộng đường Hồ Chí Minh, làm đường đê và đường giao thông ven biển" Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng |
Báo cáo thêm trước QH vấn đề một số địa phương cho nước ngoài thuê đất trồng rừng, Phó thủ tướng cho biết: “Thủ tướng đã kết luận: trước mắt các địa phương tạm dừng cấp giấy phép đầu tư về lĩnh vực này; thứ hai, tất cả địa phương đã cấp giấy phép đầu tư thì tạm dừng cho thuê đất, giao đất đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Sau khi Bộ Kế hoạch - đầu tư có kiểm tra, đánh giá đầy đủ các mặt sẽ đề xuất Chính phủ có những quyết định cần thiết. Hướng là không ngăn cản đầu tư nước ngoài, nhưng phải hợp lý, bảo vệ tài nguyên gắn với an ninh quốc phòng, nằm trong quy hoạch được phép”.
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) hỏi: “Việc hơn mười địa phương cho nước ngoài thuê đất trồng rừng, ngoài trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, còn bộ ngành, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm?”. Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trả lời: “Việc này các địa phương làm đúng luật. Khổ thế các đồng chí ạ! Khi làm thì được phân cấp, về quyền là được, nhưng rà lại thấy có vấn đề... Trong quá trình kiểm tra, rà soát, thấy có khâu nào làm không chuẩn, làm sai thì sẽ có xử lý trách nhiệm. Ở đây việc rút giấy phép cũng phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật, không thể nói rút là rút ngay được... Việc rút giấy phép đầu tư phải làm công bằng, theo pháp luật”.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhắc lại trên diễn đàn QH bài học cảnh giác từ câu chuyện Mỵ Châu - Trọng Thủy để chất vấn: “Các cán bộ lãnh đạo địa phương đều đã có học qua các lớp quốc phòng toàn dân, vậy Chính phủ có xem xét xử lý những cán bộ đã ký các quy định cấp phép cho doanh nghiệp nước ngoài trồng rừng không? Ngăn chặn vấn đề này trước hết là nhờ sự tỉnh táo, trách nhiệm của một số vị cán bộ lão thành cách mạng, và có phần tiếp sức của báo chí tạo nên dư luận, vậy Chính phủ có lời công khai tri ân các cụ và có lời khích lệ báo chí, nhất là sắp đến Ngày báo chí cách mạng VN?”.
Phó thủ tướng nói: “Việc này sẽ kiểm tra, rà soát đầy đủ trên diện rộng, từ đó mà tính chủ trương mới. Ở đâu sai thì xử lý trách nhiệm, đến mức nào tùy tình hình cụ thể. Nếu làm đúng mà do luật pháp có vấn đề thì do lâu nay mình chưa tính hết tình hình, cần rút kinh nghiệm trình lên Chính phủ để Chính phủ trình ra QH chỉnh sửa luật”.
Không nuông chiều EVN
Các đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), Ngô Văn Minh (Quảng Nam) và Vũ Quang Hải (Hưng Yên) đồng loạt lên tiếng về việc người dân phải chịu cảnh cắt điện luân phiên, ngoài các lý do khách quan thì tình trạng thiếu điện hiện nay còn lý do chủ quan nào?
Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết tốc độ tăng trưởng ngành điện nhiều năm qua từ 13-14%, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, Thủ tướng đã yêu cầu thời gian tới tốc độ tăng trưởng này phải lên đến 16%. Phó thủ tướng nêu mấy nguyên nhân, trong đó có việc kêu gọi đầu tư phát triển nguồn điện còn chậm, “có cả nguyên nhân về tiêu dùng chưa tiết kiệm, mùa lạnh có hộ dùng điện làm ấm nước trong bể bơi để tắm, thanh toán hàng trăm triệu tiền điện”.
“Trách nhiệm thiếu điện ở đâu? Thưa các đồng chí ở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, những người giúp việc là các bộ trưởng, đặc biệt là bộ trưởng Bộ Công thương, và trách nhiệm trực tiếp là Tập đoàn Điện lực VN (EVN). Thủ tướng đã liên tục tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, từ đó tìm cách sửa đổi, tất nhiên ở đây cũng có những vấn đề liên quan thể chế” - Phó thủ tướng nói.
Cả ba đại biểu nêu trên đều đăng ký tái chất vấn. Đại biểu Lê Văn Cuông đặt vấn đề: “Có ý kiến cho rằng đang có sự nuông chiều EVN?”. Phó thủ tướng nói: “Trong phiên họp Chính phủ vừa rồi, Thủ tướng nói có một cái chậm, điện là chậm, cho nên không có nuông chiều gì đâu các đồng chí, ngành điện lực làm chưa tốt thì phải kiểm điểm thôi. Góp ý của các đồng chí tôi hoàn toàn đồng tình”.
Đại biểu Nguyễn Văn Thời (Thái Nguyên): “Doanh nghiệp xuất khẩu nhận đơn hàng từ trước sáu tháng đến một năm, còn ngành điện cắt điện chỉ báo trước một tuần, gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp, vậy có giải pháp nào không?”. Phó thủ tướng: “Dự báo trước sáu tháng thì khó. Dự báo là đủ. Nhưng phối hợp giữa nhà sản xuất và ngành điện chưa thật tốt. Đề nghị anh Hoàng (Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, đang có mặt trong hội trường- PV) là vấn đề này nhiều ý kiến đại biểu QH phê bình, phải coi từ nay đến cuối năm vấn đề khắc phục thiếu điện là nhiệm vụ trọng tâm của ngành điện, của Chính phủ, của Bộ Công thương”.
“Tôi yên tâm với dự án đường sắt cao tốc”
“Phó thủ tướng có yên tâm với dự án đường sắt cao tốc không?”, trả lời câu hỏi này của đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau), Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Tôi thì yên tâm. Rằng phải làm. Yên tâm rằng Đảng, QH, Chính phủ sẽ tính được bài để làm... Không thể không làm đường sắt cao tốc. Vừa phải làm đường bộ cao tốc, làm đường sắt nâng cấp, làm đường bộ mở rộng 1A, tiếp tục hoàn thiện, mở rộng đường Hồ Chí Minh, làm đường đê và đường giao thông ven biển, phải làm. Cân đối nguồn lực tính toán để làm”.
Nhưng tiền đâu để làm? Phó thủ tướng đưa ra các số liệu dự tính: “Nói gọn thế này, năm nay GDP của mình là 106 tỉ USD, năm 2020 gần 300 tỉ USD, năm 2030 gần 700 tỉ USD... Với mức độ tăng trưởng giai đoạn đầu cao khoảng 8%, thời kỳ sau thấp hơn khoảng 7%, thời kỳ phát triển rồi dưới 6%, như vậy ta sẽ có GDP bình quân đầu tư từ 1.000 USD/năm lên gần 3.000 USD, rồi lên gần 6.000 USD, lên 12.000 USD, lên 20.000 USD cho đến năm 2050 là một nước công nghiệp phát triển. Đất nước phải phát triển như vậy. Xây dựng quyết tâm đi như vậy.
Tỉ lệ dư nợ bình quân là 50% GDP, như vậy dư nợ đến năm 2020 có thể lên đến 150 tỉ USD là an toàn, vừa vay vừa trả mỗi năm khoảng 2-3%. Đến năm 2030 thì dư nợ của chúng ta có thể là 350 tỉ USD, vừa vay vừa trả khoảng 3-4% GDP... Còn những vấn đề như tiêu cực, thất thoát, tham nhũng thì Đảng, Nhà nước, QH tìm mọi biện pháp... Công việc phải làm thì phải làm. Nhưng không phải ngày mai làm, bây giờ còn tính toán, còn nâng lên đặt xuống rồi báo cáo với QH”.
* ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau): Hiệu quả chất vấn còn hạn chế Nhiều nội dung chất vấn tại hội trường thuộc chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của chính quyền các cấp ở địa phương, đại biểu bức xúc đến chất vấn thành viên Chính phủ nên hiệu quả chất vấn còn hạn chế. Phải chăng Chính phủ cần xử lý nghiêm, triệt để vấn đề đại biểu QH nêu là thuộc về địa phương? * Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Làm sai không có nghĩa là “chặt chém” ngay Tôi đồng ý xử nghiêm, xử đúng quy định pháp luật. Kể cả các bộ, các ngành, Phó thủ tướng, Thủ tướng thì các đồng chí QH có thể xử lý... đúng quy định của pháp luật, đúng thực tiễn của tình hình để chúng ta cân lên, đặt xuống và xử lý một cách thận trọng. Còn hôm nay thấy sai một chút chỗ này xử lý, “cách chức đi, kỷ luật đi”, ngày mai thấy sai chỗ kia, “cách chức đi, kỷ luật đi”, lấy ai mà làm việc các đồng chí? Giả sử làm mười việc tốt, có một việc sai thì cũng phải tính toán... Cho nên quy định của Đảng, pháp luật có cái đạo đức, tính hợp lý là phải cân nhắc, thận trọng, có tính toán. Nghiêm ở đây không có nghĩa sai là “chặt chém” ngay, như vậy thì hết người, không có người để làm. Thử hỏi trong số chúng ta ngồi đây, bản thân tôi nhiều khi cũng tự hỏi mình làm trăm việc, làm mười việc thế nào cũng sai một hai việc cũng nên, có khi sai lớn, có khi sai nhỏ, nhưng mà các đồng chí cứ dẹp đi thì bầu không kịp? |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận