12/06/2010 08:35 GMT+7

Đề nghị xem xét tín nhiệm Bộ trưởng Cao Đức Phát

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Đó là đề nghị của đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) tại phiên chất vấn sáng 11-6 khi cho rằng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã không hoàn thành nhiệm vụ với tư cách bộ trưởng quản lý rừng của đất nước.

Et2I4Qsk.jpgPhóng to

Đã có sự vênh nhau về số liệu cho nước ngoài thuê đất lâm nghiệp trồng rừng. Số của Bộ trưởng Cao Đức Phát thấp hơn số do ông Lê Quang Bình, chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, đưa ra - Ảnh: Việt Dũng - Đồ họa: Vĩ Cường

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát:

“Nói hơn nữa sẽ vượt quá thẩm quyền”

Qe1VmNd0.jpgPhóng to
Ông Lê Quang Bình (phải) và Bộ trưởng Cao Đức Phát trao đổi bên lề phiên chất vấn sáng 11-6 - Ảnh: Việt Dũng

Dân đu dây qua sông, “ông” giao thông không biếtBộ trưởng Vũ Văn Ninh: “Chúng ta sử dụng nợ công hiệu quả”Phiên chất vấn buổi chiều: vấn đề nào cũng nóngXem toàn văn nội dung buổi chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát

Bộ trưởng Cao Đức Phát đã trả lời như vậy khi bị chất vấn về việc cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê đất lâm nghiệp trồng rừng. Ông Phát cho biết bộ đã tiến hành kiểm tra ở hai địa phương và “được biết các đồng chí ở đó thực hiện nghiêm túc theo các quy định của luật pháp hiện hành, trong đó có xem xét các khía cạnh về kinh tế - xã hội cũng như an ninh, quốc phòng”.

Theo ông Phát, tính đến cuối năm 2009 có 10 địa phương đã xem xét và ra văn bản chấp thuận các dự án với tổng diện tích 305.353ha. Trên thực tế, diện tích đã có văn bản cho thuê 50 năm là 15.664ha, diện tích liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp và bà con nông dân trong nước với các nhà đầu tư nước ngoài là 18.160ha, các nhà đầu tư đã trồng 15.183ha, khoanh nuôi 542ha.

Bộ nói 10, ủy ban nói 18

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) ba lần đứng dậy chất vấn về việc sau khi cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát xong thì có chủ trương để UBND các tỉnh tiếp tục cấp giấy chứng nhận đầu tư mới đối với các dự án trồng rừng có yếu tố nước ngoài, việc này có hay không. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: “Riêng ý kiến cá nhân tôi, trong mọi trường hợp đều phải thực hiện nghiêm túc theo quy định của luật pháp, cân nhắc rất kỹ cả về lợi ích kinh tế, xã hội cũng như an ninh quốc phòng, tính tới hoàn cảnh cụ thể ở từng địa phương và chung cả trong đất nước chúng ta... Tôi sợ rằng có nói cái gì hơn nữa sẽ vượt quá thẩm quyền”.

Để làm rõ nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị bộ trưởng các bộ Tài nguyên - môi trường, Quốc phòng, Công an “xem Luật quốc phòng, an ninh như thế nào, có vi phạm không?”. Hội trường im lặng chờ đợi. Không có thành viên Chính phủ nào đăng ký trả lời. Có một cánh tay giơ lên xin phát biểu, đó là ông Lê Quang Bình, chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội.

Ông Bình nói: “Số liệu chúng tôi nắm được hiện nay toàn quốc có 19 dự án nước ngoài được cấp phép trồng rừng tại 18 tỉnh, nhưng Bộ NN&PTNT nói là 10 tỉnh. Diện tích đất rừng là trên 398.374ha, bộ thông báo là 305.353ha. Các tỉnh hiện nay đã giao 33.824ha, số này khớp với báo cáo của bộ. Thời gian cho thuê đất là 50 năm, số này cũng khớp với báo cáo của bộ.

Về đặc điểm của đất giao, trong báo cáo của bộ không nói rõ, nhưng chúng tôi xác định hầu hết đất nằm ở vị trí khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh, có khu vực là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn. Chúng tôi đề nghị: thứ nhất, các địa phương không cấp giấy chứng nhận đầu tư mới; thứ hai, hiện nay Chính phủ ủy quyền cho các tỉnh được tự ý giao đất trồng rừng cho các công ty nước ngoài, chúng tôi đề nghị tới đây Chính phủ cần phân cấp lại”.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc được mời phát biểu khi vừa có mặt tại hội trường sau chuyến công tác về. Ông Phúc nói: “Những cái nào hợp lý, quy mô vừa phải thì cho tiếp tục, cái nào không hợp lý, không đúng, diện tích quá nhiều, vào vùng quốc phòng an ninh dứt khoát rút giấy phép. Xử lý vấn đề này vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh, đảm bảo quy hoạch phát triển rừng hợp lý, đồng thời bảo vệ môi trường đầu tư và thực hiện đầy đủ các luật pháp liên quan”.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân nhận xét: “Tôi thấy thật sự Bộ trưởng Cao Đức Phát không nắm được vấn đề. Bộ trưởng là tư lệnh cho lĩnh vực, bộ trưởng nói rằng chỉ có hơn 300.000ha dự kiến cho thuê, chứ chưa phải cho thuê, nhưng nếu như dư luận không phát hiện kịp thời, đương nhiên sẽ cho thuê... Đồng chí ở Ủy ban Quốc phòng và an ninh nói là cho thuê gần 400.000ha, có nghĩa gần bằng diện tích của tỉnh Tây Ninh, như vậy trách nhiệm tư lệnh lĩnh vực của đồng chí tới đâu?”.

Đảm bảo người trồng lúa có lãi 30%

Ngoài vấn đề thuê rừng, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đã nhận được nhiều chất vấn về việc đảm bảo cho người trồng lúa có lãi 30% và cơ chế điều hành xuất khẩu gạo. Ông Phát cho biết thực hiện các biện pháp để cho giá ở trong nước tiệm cận chứ cũng không thể bao giờ bằng giá thế giới. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh bổ sung thêm hiện các cơ quan chức năng đã xây dựng đề án thành lập quỹ bình ổn giá, được trích từ lợi nhuận xuất khẩu gạo, quay trở lại bù đắp cho việc thu mua lúa gạo đảm bảo cho nông dân có lãi.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nói nội dung dự thảo nghị định về xuất khẩu gạo còn hai vấn đề chính: một là cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc công bố giá thành sản xuất lúa để trên cơ sở đó có thể tính cho người nông dân có lãi được 30%; hai là cơ quan nào công bố giá sàn gạo xuất khẩu để trên cơ sở đó các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo có điều kiện trong thương thuyết, đàm phán các hoạt động xuất khẩu gạo.

Ông Hoàng cho biết dự thảo nghị định nêu trên bản mới nhất đã được trình vào ngày 3-6 vừa qua, “chắc trong thời gian sớm nhất Chính phủ sẽ xem xét, ban hành nghị định này”.

Đối thoại trên nghị trường Đại biểu Nguyễn Đình Xuân:

Bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ

Căn cứ trên những điều bộ trưởng đã phát biểu và cũng như qua giám sát thực tế nhiều năm nay, tôi nhận thấy bộ trưởng đã không hoàn thành nhiệm vụ của mình với tư cách là bộ trưởng quản lý vấn đề rừng của đất nước và đã gây ra những nguy cơ cho đất nước trong vấn đề phòng chống thiên tai bão lũ. Tôi đề nghị bộ trưởng, các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội xem xét chỉ số tín nhiệm trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Cao Đức Phát:

Không thể làm những việc không đúng thẩm quyền

Bộ NN&PTNT được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng. Bộ Tài nguyên - môi trường được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về đất, trong trường hợp này là các địa phương được phân cấp và các địa phương cho thuê đất chứ không cho thuê rừng... Nói là có trách nhiệm không? Rõ ràng chúng tôi phải có trách nhiệm cùng với các thành viên Chính phủ khác trước các vấn đề có liên quan của đất nước.

V.V.THÀNH

_____________________

Chủ nhiệm ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình:

Dứt khoát không cho nước ngoài thuê rừng

Các tỉnh không tự ý cho nước ngoài thuê rừng, mà xin ý kiến Chính phủ thì các bộ đùn lên đẩy xuống, nên chờ lâu quá địa phương phải ký. Ông Lê Quang Bình cho biết khi trả lời Tuổi Trẻ bên hành lang Quốc hội sáng 11-6.

* Thưa ông, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát nói có 10 tỉnh cho thuê rừng, nhưng ông khẳng định là 18?

- Chúng tôi khảo sát qua kênh cơ quan quốc phòng an ninh ở địa phương, còn bộ chắc là từ UBND các tỉnh báo lên. Con số chúng tôi đưa ra là mới được cập nhật và tôi tin vào kênh chúng tôi thu thập là chính xác.

* Bộ trưởng Phát nói rằng các dự án cho nước ngoài thuê phần lớn là rừng sản xuất, nhưng ông khẳng định là có diện tích thuộc địa bàn quốc phòng, an ninh trọng yếu?

- Chúng tôi khảo sát thấy phần lớn diện tích đã ký và đã giao cho các công ty nước ngoài trồng rừng nằm trong khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh. Trong đó một số thuộc rừng đầu nguồn, rừng sinh thái, rừng cần phải bảo vệ.

* Thưa ông, Ủy ban Quốc phòng và an ninh có ý kiến gì với Chính phủ và Quốc hội về việc này không?

- Chúng tôi đã có văn bản gửi Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó đề nghị tiến hành kiểm tra lại từng dự án. Dự án nào không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh mà đã giao cho các công ty nước ngoài, đặc biệt là có những công ty nước ngoài cần phải giữ mối quan hệ lâu dài thì nên cho tiếp tục làm, còn những dự án nào liên quan nhiều đến quốc phòng, an ninh thì kiên quyết rút giấy phép đầu tư. Trước mắt, cần kiểm tra để ngăn chặn ngay việc các tỉnh tiếp tục cấp phép đầu tư.

* Trên thực tế, những địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh khi cấp phép đầu tư các tỉnh có hỏi Chính phủ không?

- Các tỉnh trước khi ký cũng đều hỏi Thủ tướng, hỏi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhưng khi trả lời thì bộ nói là xin thêm ý kiến Bộ Quốc phòng. Địa phương cũng có xin ý kiến Bộ Quốc phòng, nhưng Bộ Quốc phòng lại trả lời là vấn đề này hỏi lại ý kiến quân khu. Khi hỏi quân khu thì có những dự án quân khu không trả lời, lại bảo rằng cái này Bộ Quốc phòng. Tỉnh chờ lâu quá thì cứ ký. Chúng tôi xem thì thấy có công văn địa phương hỏi đi hỏi lại tới ba, bốn lần mà cũng không có trả lời.

* Quan điểm của ông thế nào? Có nên cho nước ngoài thuê đất rừng dài hạn không?

- Không. Quan điểm của tôi dứt khoát là không. Trước đây, khi bàn về dự án 5 triệu ha rừng, nhiều đại biểu Quốc hội và Chính phủ cũng nói là không còn 5 triệu ha đất để trồng rừng, vì đã giao hết cho dân và doanh nghiệp rồi. Nhiều diện tích rừng đầu nguồn, rừng sinh thái cũng không còn nữa. Trong khi người dân ở miền núi rất cần rừng, phải có đất trồng rừng, phải sống bằng rừng mà lại đi giao cho nước ngoài thuê.

LÊ KIÊN thực hiện

Ý kiến cử tri:

* Ông Nguyễn Văn Út (Q.Bình Tân, TP.HCM):

Thiếu trách nhiệm

Tôi không hiểu Bộ trưởng Cao Đức Phát thật sự không biết hay cố tình chống chế khi để xảy ra tình trạng các tỉnh đua nhau cho nước ngoài thuê đất rừng. Đại biểu Lê Quang Bình, chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh, đã phản bác số liệu mà ông Phát đưa ra. Điều này chứng tỏ Quốc hội đã rất sâu sát và có trách nhiệm.

Tôi nghĩ phải gọi chính xác cách quản lý của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, của UBND một số tỉnh trong chuyện này là thiếu trách nhiệm.

* Bà Lê Kim Nga (Q.Tân Phú, TP.HCM):

Chưa ai nhận trách nhiệm về trò chơi online

Tôi rất quan tâm phần báo cáo thêm của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Nguyễn Thiện Nhân về thực trạng trò chơi online. Những con số như 77% là trò chơi bạo lực - chém giết, 9% là trò chơi cờ bạc, 14% là bóng đá - múa - đua xe mặc dù Phó thủ tướng nói rằng chỉ mới khảo sát ở năm địa phương nên chưa phản ánh toàn diện bức tranh cả nước, nhưng với một người mẹ có con còn ngồi ghế nhà trường thì nó rất có ý nghĩa. Tác hại của trò chơi online như thế nào thì các vị đại biểu đã kể khi đặt câu hỏi chất vấn và các vị đầu ngành cũng đã nói.

Tôi chỉ thấy tiếc một điều là cả hai vị bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, Lê Doãn Hợp và một vị phó thủ tướng kiêm bộ trưởng đều chưa đứng ra nhận trách nhiệm.

N.TRIỀU ghi

Đại biểu nói gì?

“Không sợ phải trả giá”

Trao đổi nhanh với Tuổi Trẻ về việc đề nghị Quốc hội (QH) xem xét chỉ số tín nhiệm, đại biểu Nguyễn Đình Xuân nói:

- Đại biểu có quyền đề nghị như vậy, tất nhiên việc đó chỉ có thể xảy ra khi có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu QH, hoặc kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, ủy ban của QH trình QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn. Cho dù đề nghị của tôi sẽ không có được tỉ lệ 20% theo yêu cầu, nhưng tôi nghĩ rằng nếu không có từ số 1 - là tôi - thì làm sao có đến con số 20%.

* Ông có nghĩ lại sau khi đưa ra đề nghị nêu trên?

- Việc đề nghị đó có vẻ hơi gay gắt, nhưng nó có cơ sở cả quá trình nhiều năm như tôi đã nói trên hội trường. Thật ra không ai muốn làm mất lòng người khác, nhất là xét theo nhiều mặt thì người đó lại là cấp trên của mình (ông Nguyễn Đình Xuân là giám đốc vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, Tây Ninh), nhưng tôi không thể làm cách khác. Đây là phương tiện cuối cùng mà pháp luật cho phép, nên tôi, với vị trí là một đại biểu QH, buộc phải nói ra và hành động. Thay mặt cử tri giám sát việc bảo vệ tài nguyên rừng của đất nước, tôi chấp nhận cả việc phải trả giá, gặp khó khăn.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên