Phóng to |
Việc sử dụng xe gắn máy thuận lợi cho từng cá nhân nhưng luôn gây bất lợi lớn cho cả cộng đồng. Trong ảnh là cảnh kẹt xe trên đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: N.C.T. |
Hội thảo do Sở Giao thông vận tải TP.HCM và Ban tư vấn hợp tác công tư về hạ tầng cơ sở (thuộc Ngân hàng Thế giới) tổ chức để bàn giải pháp về giao thông ở TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.
5 năm tới: ôtô và môtô sẽ tăng gấp đôi
Các chuyên gia quốc tế cho rằng từ nay đến năm 2015, TP.HCM sẽ tăng gấp đôi lượng ôtô và xe gắn máy so với hiện nay (hiện có hơn 4 triệu xe gắn máy và hơn 400.000 ôtô), khi ấy TP.HCM sẽ kẹt cứng. Một câu hỏi được đưa ra thảo luận rất sôi động là “Tại sao người dân thích đi xe cá nhân hơn xe buýt?”. Trả lời câu hỏi này, các chuyên gia giao thông của VN cho rằng xe cá nhân tiện lợi hơn vì đi một mạch từ nhà đến nơi làm việc rất nhanh chóng, linh hoạt và xe gắn máy ngày càng rẻ hơn...
Các chuyên gia quốc tế tiếp tục đặt câu hỏi: “Vậy tại sao lại hạn chế xe gắn máy rất tiện lợi như vậy ở TP.HCM?”. Các đại biểu VN trả lời rằng đi xe máy không an toàn, có đến 90% vụ tai nạn liên quan đến xe máy. Xe máy còn gây ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông. Một đại biểu cho rằng nếu trong năm năm tới lượng xe cá nhân ở TP.HCM tăng gấp đôi thì khó có thể sống được trong thành phố!
Các chuyên gia giao thông quốc tế đánh giá cao nhận xét của ông Khuất Việt Hùng - phó viện trưởng Viện Quy hoạch và phát triển giao thông vận tải - khi ông cho rằng cần chấp nhận hệ thống giao thông đa phương thức. Trong đó gồm xe buýt, taxi và xe cá nhân, nhưng các nhà quản lý cần kiểm soát sự phát triển của xe cá nhân ở mức chấp nhận được.
Nói về chất lượng xe buýt ở TP.HCM, nhiều đại biểu cho rằng yếu kém nhất trong hoạt động của xe buýt là thời gian hành trình không bảo đảm. Hành khách không đi xe buýt vì xe này không bảo đảm đưa họ đến nơi làm việc đúng giờ.
Ông Trịnh Văn Chính - chuyên gia về giao thông - cho rằng TP.HCM loại bỏ vé xe buýt tháng là không phù hợp. Theo ông Chính, phải đa dạng các loại vé để người dân có nhu cầu đi lại được tiếp cận với xe buýt. Tại các trạm xe buýt trung chuyển, cần tổ chức các bãi giữ xe cá nhân miễn phí hoặc có giá vé thấp hơn so với việc giữ xe bình thường. Các chuyên gia tư vấn giao thông (thuộc Ngân hàng Thế giới) cho rằng việc thu phí giao thông vào khu vực trung tâm TP.HCM là cần thiết nhưng phải cải thiện chất lượng xe buýt tốt hơn.
Tăng tắc nghẽn giao thông
Phóng to |
Ông Samuel Zimmerman - chuyên gia tư vấn phát triển giao thông đô thị Ngân hàng Thế giới - cho rằng VN đang đối mặt với tắc nghẽn giao thông ngày càng tăng và nguyên nhân chính là do sự bùng nổ dân số, thu nhập người dân tăng...
Theo ông Samuel Zimmerman, giải quyết vấn đề giao thông ở các đô thị đang bùng nổ phương tiện xe cá nhân không thể chỉ nhìn một góc cạnh mà phải tìm hiểu nhiều lĩnh vực. Cụ thể, cần tìm hiểu kỹ những vấn đề về tài chính, kinh tế, phương tiện liên lạc, sử dụng đất, môi trường, vì nguyên nhân dẫn đến tắc nghẽn giao thông có thể do quy hoạch kém, sử dụng đất lãng phí, quy hoạch giao thông không quan tâm đến người đi bộ, quy hoạch giao thông không đồng bộ, để phương tiện giao thông phát triển tự phát...
Ông Samuel Zimmerman cho rằng TP.HCM có nhiều đặc trưng riêng về phát triển đô thị, nhưng làm thế nào để tổ chức vận hành giao thông đô thị phát triển là việc làm của nhiều bên (các sở, ngành), chứ không phải của một cơ quan hoặc một đơn vị.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quang Phượng, giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết những năm qua trung ương và TP.HCM đã dành sự quan tâm lớn để đầu tư hạ tầng giao thông đô thị của TP.HCM, trong đó coi việc phát triển vận tải hành khách công cộng là nhiệm vụ trọng tâm.
Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị và năng lực cung ứng của dịch vụ vận tải hành khách công cộng phát triển chưa tương xứng (mới đáp ứng được 7,3% nhu cầu đi lại).
Đây chính là nguyên nhân chủ yếu của những vấn đề nóng bỏng trong giao thông đô thị như: ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm không khí... Những vấn đề này đã tác động tiêu cực đến đời sống, sức khỏe người dân, môi trường sinh thái và sự phát triển bền vững của TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận