23/05/2010 07:31 GMT+7

Chất lượng cuộc sống không tăng

C.V.KÌNH - LÊ KIÊN
C.V.KÌNH - LÊ KIÊN

TT - Hôm qua, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về báo cáo bổ sung của Chính phủ kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách năm 2009, tình hình thực hiện đầu năm 2010.

xCrGOcQC.jpgPhóng to
Buôn bán hàng rong giữa khói bụi của đường phố là kế sinh nhai của nhiều người nghèo - Ảnh: N.C.T.

Đánh giá Chính phủ đã lèo lái được đất nước vượt qua sóng gió năm 2009 với sự điều hành linh hoạt, nhưng đại biểu Nguyễn Minh Hồng (TP.HCM) đặt câu hỏi: lúc khó khăn thì “nóng” lên việc tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ cũng giao làm cả một đề án, “nay thì có vẻ đã rơi vào quên lãng?”.

Cái cần là hiệu quả kinh tế

Dù tái cơ cấu không thể làm một sớm một chiều nhưng bà Hồng băn khoăn “chưa biết Chính phủ có làm tiếp không, có ưu tiên tăng trưởng nữa không?”. “Cứ tăng đầu tư, 8 đồng vốn mới được 1 đồng lời. Nguyên liệu thô thì cứ xuất đi, rồi lại nhập hàng thành phẩm, rất khổ tâm” - bà Hồng nói.

Nhìn từ khía cạnh đầu tư, đại biểu Đặng Văn Khanh (Hà Nội) “có cảm giác” vừa qua VN cứ tập trung vào bất động sản, một vài ngành công nghiệp, còn hầu như rất ít quan tâm đến phát triển sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp. Nên “chế biến thức ăn gia súc cũng phải nhập từ nước ngoài, phân bón, thuốc trừ sâu cũng nhập từ nước ngoài” - ông nói.

Cho rằng chính sách đào tạo nghề mờ nhạt, ông nhận định: “Chúng ta đang thực hiện rất nhiều chương trình di dân tái định cư mà việc đào tạo nghề như vậy không ổn. Nên mới có nghịch lý của chúng ta là vừa thừa vừa thiếu lao động”.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư phát triển VN, nhận định tăng GDP 2009 là thấp nhất trong mười năm trở lại đây. Thế nhưng bội chi ngân sách lại ở mức rất cao: 6,9% (con số tuyệt đối rất lớn: 119.000 tỉ đồng).

“Thu ngân sách tăng cao mà mức bội chi như vậy, tôi cho rằng kỷ luật ngân sách không nghiêm. Trong các chỉ tiêu không đạt như nghị quyết QH, phần lớn là chỉ tiêu xã hội và môi trường. Điều này nói lên chất lượng cuộc sống không được nâng cao” - bà Hường nói.

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) thì nhận định thời gian qua “giá cả tăng dữ dội”. Tất nhiên “phải theo thị trường” nhưng theo ông Trừng, thời gian qua điện, nước, than, xăng dầu tăng giá một lúc, rất gần nhau. “Giá như thế này là bà con chết” - ông Trừng nói.

Ông đề nghị Chính phủ phải nhìn nhận một nguyên nhân gây lạm phát: đó là các tập đoàn, tổng công ty làm ăn chưa hiệu quả. “Họ chiếm 40% vốn xã hội mà làm ăn không hiệu quả thì khó mà ngăn được lạm phát. Cần nghiên cứu để khu vực tập đoàn, tổng công ty hoạt động hiệu quả” - ông Trừng đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Việt Dũng (TP.HCM) cho rằng chỉ số hiệu quả đầu tư trên vốn (chỉ số ICOR) của VN đã tăng “một cách khủng khiếp”. ICOR lên đến trên 8, khu vực dùng vốn nhà nước thì đã lên trên 10, nên ông Dũng lo lắng: “Thấy chiến lược của ta đang chạy theo chỉ tiêu, thành tích tăng trưởng cao, trong khi cái cần là hiệu quả kinh tế thì lại thấp đi”.

Thủy điện - bài học về môi trường và phân cấp

Đề cập đến lĩnh vực xã hội, đại biểu Nguyễn Minh Hồng nêu vấn đề cấp phép thủy điện và cho rằng đây là bài học về việc phân cấp cho địa phương.

Theo bà Hồng, “cấp phép thủy điện là bài học mà có thể ta sẽ phải trả giá kinh hoàng về môi trường”. Nếu trung ương cứ phân cấp rồi buông thì khó tránh được tình trạng này vì trình độ ở địa phương có hạn. Để xảy ra việc cấp phép nhiều thủy điện không hợp lý, phải tính đến hủy bỏ dự án, bà Hồng cho rằng một phần trách nhiệm địa phương, một phần trách nhiệm trung ương.

Cũng về lĩnh vực xã hội, đại biểu Mai Thế Trung (Bình Dương) cho rằng Chính phủ cần quan tâm hơn, tìm cách xử lý tình hình đình công, lãn công, thiếu việc làm. “Đình công, lãn công mấy tháng đầu năm nổi lên, gay gắt hơn do kinh tế vừa qua khủng hoảng, đời sống người lao động không thoát khó khăn”.

Ông Trung cho rằng có nơi vẫn đánh giá một chiều rằng do doanh nghiệp thực hiện pháp luật không tốt. “Nói thế thì chưa hẳn”, vì vậy theo ông Trung, cần xem lại nhiều vấn đề khác, trong đó có hệ thống công đoàn và không nên quên đi tình hình đình công, lãn công.

Về dư luận phê phán các địa phương cho nước ngoài thuê đất trồng rừng, ông Mai Thế Trung khẳng định đây chính là chủ trương của Chính phủ đã được thực hiện nhiều năm. Giờ cần phải xem xét, đánh giá lại chủ trương, không nên thấy dư luận nói rồi quay ngay ra phản đối.

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng nhấn mạnh trong tám chỉ tiêu Chính phủ không đạt mức QH giao thì có đến bốn chỉ tiêu về môi trường. “Môi trường cỡ này là đi ngược với chủ trương phát triển kinh tế bền vững”, vì vậy ông Trừng yêu cầu Chính phủ hành động ngay để giảm thiểu các mối họa. “Cuộc sống chúng ta có đi lên nhưng thật ra không tăng chất lượng”...

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nhận định các chỉ tiêu xã hội, môi trường không đạt thường “do khi đưa ra chỉ tiêu dường như có yếu tố bệnh thành tích, đưa ra cho vui, không thực hiện được cũng... chẳng sao”.

Đại biểu Trần Hoàng Thám (TP.HCM) thì đề cập việc điều hành của các cơ quan hành chính vẫn để lại trong lòng dân không ít bất an. “Lòng dân chính là một phần an sinh xã hội. Cải cách hành chính cần có lối ra. Đề án của Chính phủ thực hiện, doanh nghiệp, dân vẫn kêu” - ông Thám nói.

Sản xuất đình đốn vì thiếu điện

Một trong những nguyên nhân làm sản xuất khó đi là thiếu điện. Nhu cầu điện của Bình Dương khoảng 15 triệu kWh/ngày, nhưng họ cắt hẳn 1 triệu kWh. Hàng trăm doanh nghiệp đình đốn, đảo lộn sản xuất. Việc cắt điện sẽ ảnh hưởng kết quả phát triển kinh tế.

Khi nền kinh tế đang khó khăn, khả năng tăng trưởng không lớn, lại thiếu điện nghiêm trọng thì sản xuất quá khó khăn. Nền kinh tế VN mới phục hồi ở giai đoạn đầu, cần xem xét mọi khả năng để tăng cung ứng điện, phục vụ sản xuất.

Cử tri bất bình vì giá thuốc tây

Giá thuốc cao gấp 3-5 lần giá thực, cử tri rất bất bình. Chúng ta chỉ bình ổn giá được một số mặt hàng, với kiểu quản lý giá thế này thì không ổn. Phải có giải pháp bài bản để quản được giá thuốc. Kỳ họp này cũng chưa thấy báo cáo gì về giải pháp. Đề nghị Chính phủ giải trình sâu hơn.

Khai mạc kỳ họp mà vẫn có ghế trống

Tôi thấy báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế QH về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009 của Chính phủ chưa “đủ đô”. Người dân cũng để ý thấy khai mạc kỳ họp QH mà vẫn có ghế trống.

C.V.KÌNH - LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên