17/05/2010 07:49 GMT+7

Quốc hội sẽ xem xét 2 dự án quan trọng

VÕ VĂN THÀNH thực hiện
VÕ VĂN THÀNH thực hiện

TT - “Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII khai mạc ngày 20-5 có khối lượng công việc rất lớn, nhiều vấn đề đặt lên bàn nghị sự tại kỳ họp có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của đất nước cũng như của thủ đô Hà Nội trong thời gian tới” - ông Đinh Xuân Thảo (viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ trước thềm kỳ họp.

T801mSmQ.jpgPhóng to

Ông Đinh Xuân Thảo - Ảnh: V.V.T.

TT - “Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII khai mạc ngày 20-5 có khối lượng công việc rất lớn, nhiều vấn đề đặt lên bàn nghị sự tại kỳ họp có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của đất nước cũng như của thủ đô Hà Nội trong thời gian tới” - ông Đinh Xuân Thảo (viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ trước thềm kỳ họp.

Kiềm chế chỉ số lạm phát

Ông Đinh Xuân Thảo nói: Ở góc độ kinh tế, đây là kỳ họp Quốc hội sẽ thảo luận hai nội dung có tổng nhu cầu vốn lớn nhất thời gian gần đây, đó là dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM (có tổng mức đầu tư gần 56 tỉ USD) và đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (dự kiến tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khoảng 90 tỉ USD).

Ngoài ra, Quốc hội sẽ dành hai ngày rưỡi để tiến hành hoạt động chất vấn, dành một ngày để thảo luận ở hội trường việc giám sát chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học. Quốc hội cũng sẽ dành thời gian để miễn nhiệm, phê chuẩn chức danh bộ trưởng Bộ GD-ĐT đồng thời xem xét, quyết định liên quan đến nhân sự trong cơ quan của Quốc hội.

Hoạt động lập pháp tại kỳ họp này cũng rất khẩn trương với nhiều đạo luật được người dân quan tâm như Luật thuế nhà, đất, Luật an toàn thực phẩm, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

* Kỳ họp Quốc hội cuối năm 2009 đã đề ra mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng không quá 7%, tuy nhiên trong nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4-2010 lại nêu phấn đấu kiềm chế chỉ số lạm phát khoảng 8%. Liệu có sự thay đổi nào về mục tiêu chống lạm phát trong năm nay?

- Nếu như kỳ họp đầu năm 2009, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, Chính phủ phải trình Quốc hội điều chỉnh một số chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP), tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu, CPI..., thì kỳ họp đầu năm 2010 sẽ không có việc điều chỉnh các chỉ tiêu mà tập trung vào bàn các giải pháp cho năm 2010 nhằm đạt GDP khoảng 6,5% và không để lạm phát cao trở lại.

Trong bối cảnh giá cả đầu năm 2010 tăng khá cao so với các năm trước, những biến động về chỉ số giá tiêu dùng chắc chắn là vấn đề hàng triệu cử tri quan tâm. Về phía Ủy ban Kinh tế đã nhận định việc thực hiện mục tiêu CPI là thách thức lớn của năm 2010, từ đó nhấn mạnh cần tập trung thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, kiểm soát giá các hàng hóa thiết yếu, trong đó chủ yếu sử dụng biện pháp kinh tế, hạn chế sử dụng các biện pháp hành chính. Như vậy, có thể thấy Chính phủ cũng như cơ quan của Quốc hội đều khẳng định kiềm chế chỉ số lạm phát.

Không tạo gánh nặng cho con cháu

* Vừa qua đã có nhiều chuyên gia bình luận về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Trong điều kiện an ninh tài chính chưa đảm bảo vững chắc, dư nợ Chính phủ và dư nợ quốc gia ở mức cao (gần 42% GDP), các ý kiến đặc biệt quan ngại về nhu cầu vốn khổng lồ của dự án này?

- Ở đây tôi tán thành về chủ trương. Chắc ai cũng mong muốn đất nước có một hệ thống đường sắt cao tốc hiện đại để cải thiện giao thông cho người dân. Nhưng đi vào cụ thể phải thấy rằng mong muốn là vô cùng, do đó phải xem xét đến khả năng thực hiện. Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam với tổng mức đầu tư gần 56 tỉ USD (sau này trượt giá có thể cần nhiều vốn hơn) trong khi GDP của nước ta mỗi năm xấp xỉ 100 tỉ USD.

Để thực hiện dự án này, không phải ngay một lúc chúng ta cần toàn bộ số tiền nêu trên, theo dự kiến phân kỳ đầu tư thì có thể mỗi năm chỉ cần khoảng trên 4 tỉ USD. Nhưng chúng ta còn nhiều việc quan trọng khác cần làm, đơn cử như dự án điện hạt nhân mà Quốc hội đã thông qua cũng cần vốn rất lớn để triển khai hằng năm. Vấn đề là thu ngân sách hiện nay phải dành phần lớn để chi thường xuyên, nhiều khoản đầu tư phát triển phải đi vay nước ngoài, mà vay nhiều thì nợ quốc gia tăng, nếu không cẩn thận sẽ tạo gánh nặng cho các thế hệ con cháu.

Nói như vậy để thấy rằng cần làm rõ hơn các vấn đề tài chính trong việc đầu tư dự án này. Ngoài ra còn nhiều vấn đề khác. Về mặt địa lý nước ta trải dài từ Bắc đến Nam, nếu tập trung phát triển tốt hệ thống đường bộ theo hình xương cá sẽ tạo ra nhiều lợi thế.

* Mới đây Ủy ban Kinh tế đã có báo cáo ý kiến về đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội, trong đó nêu rõ “đặc biệt, cần đề phòng những tác động không đúng đắn của các nhóm lợi ích làm sai các định hướng của đồ án”?

- Vừa qua cũng có dư luận lo ngại về nhóm lợi ích liên quan đến đồ án này. Ví dụ như xung quanh định hướng dự trữ một diện tích đất ở Ba Vì (Hà Nội) để sau này chuyển các cơ quan hành chính nhà nước lên đó, có ý kiến nói ông này, bà nọ đã mua đất ở đây đầu cơ chờ giá lên. Thật ra đó là quy hoạch định hướng cho 30-50 năm sau, nên nếu nói đầu cơ thì thời gian đến khi quy hoạch thành hiện thực còn rất lâu.

Nghĩa là ở đây cần làm rõ các thông tin có liên quan, bảo đảm đúng quy định của Luật quy hoạch đô thị về việc công bố lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân để hoàn thiện và để tổ chức thực hiện đồ án. Khi người dân có đầy đủ thông tin sẽ tránh được sự xáo trộn về tâm lý, không bị giới đầu cơ lợi dụng, bên cạnh đó sẽ không có đột biến về giá đất, về thị trường bất động sản.

* Với tư cách là một công dân thủ đô, ông có ý kiến gì về việc triển khai đồ án này?

- Chúng ta cần đề phòng tác động từ các nhóm lợi ích, nhưng cũng cần bình tĩnh để xem xét, quyết định. Đừng vì thiếu thông tin, nhất là thông tin trong một lĩnh vực khá chuyên ngành của đồ án này, làm ảnh hưởng đến những vấn đề sẽ quyết định sự phát triển lâu dài của thủ đô. Nói một cách nôm na, khi nghe một bản nhạc giao hưởng, muốn nói về cái hay cái dở của bản nhạc đó thì cần có kiến thức nhất định. Đứng trước một đồ án quy hoạch cũng vậy.

Xem lại nhiệm vụ của Hiệp hội Lương thực VN

* Theo báo cáo của Ban Dân nguyện, đại diện thường trực nhiều cơ quan của Quốc hội nhận thấy hiện nay Hiệp hội Lương thực VN có những nhiệm vụ, quyền hạn không phù hợp với quy định tại Luật thương mại như: hướng dẫn giá các loại gạo xuất khẩu; tổ chức thực hiện việc đăng ký, thống kê xuất nhập khẩu; hướng dẫn và điều hành xuất nhập khẩu mặt hàng gạo...?

- Vấn đề trên chắc sẽ được nêu lên tại kỳ họp lần này. Là đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, được tham gia một số cuộc họp có liên quan, tôi biết các anh ở Hiệp hội Lương thực có nói rằng “chúng tôi làm không sai”, lý do là Chính phủ mà trực tiếp là Bộ Nội vụ, Bộ Công thương đã phê duyệt điều lệ của Hiệp hội Lương thực có những nhiệm vụ, quyền hạn như vậy.

Tôi cho rằng cần thiết phải sửa vấn đề này để phù hợp với quy định của pháp luật theo hướng xem lại nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong điều lệ của hiệp hội.

VÕ VĂN THÀNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên