13/05/2010 07:29 GMT+7

Đề xuất thu phí xe máy qua cầu Phú Mỹ: Được voi đòi tiên

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TT - Như Tuổi Trẻ ngày 12-5 đã thông tin, Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ (gọi tắt là Công ty cầu Phú Mỹ) đã gửi văn bản đến UBND TP.HCM đề xuất nhiều kiến nghị để UBND TP giải quyết, trong đó có việc thu phí xe gắn máy qua cầu Phú Mỹ. Tại sao lại có những kiến nghị này và đằng sau nó là gì?

RNdPeVtl.jpgPhóng to
Trạm thu phí cầu Phú Mỹ trong thời gian hoàn thiện sau khi khánh thành cầu - Ảnh: T.T.D.

Từ tăng vốn 1.806 tỉ đồng lên 2.077 tỉ đồng

Chúng tôi đang khốn khổ

(Trích văn bản của Công ty cầu Phú Mỹ gửi lãnh đạo UBND TP.HCM ngày 4-5-2010)

Tất cả người dân TP, các doanh nghiệp có sử dụng cầu Phú Mỹ và kinh tế - xã hội của TP đang được hưởng lợi ích do cầu Phú Mỹ mang đến (nếu tính bắng tiền có thể đến hàng chục lần giá trị đầu tư cầu Phú Mỹ), nhưng người làm ra cầu Phú Mỹ, doanh nghiệp dự án BOT cầu Phú Mỹ chúng tôi thì lại đang khốn khổ do thu phí không đủ để trả nợ vay vốn là do TP chưa áp dụng đúng các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng BOT đã ký với nhà đầu tư, trong đó có việc giải quyết thông suốt tuyến đường vành đai phía đông để nối kết ra xa lộ Hà Nội và tổ chức phân luồng giao thông tại khu vực xung quanh cầu Phú Mỹ và đường vành đai phía đông.

HĐQT và các cổ đông trong và ngoài nước của Công ty BOT cầu Phú Mỹ cảm thấy TP chưa có sự đối xử công bằng với Công ty cầu Phú Mỹ vì các kiến nghị của công ty đến nay vẫn chưa được giải quyết, làm cho cổ đông nước ngoài hoang mang, đi đến mất lòng tin khi muốn đầu tư vào Công ty cầu Phú Mỹ.

Tháng 12-2004, UBND TP.HCM phê duyệt tổng mức đầu tư dự án cầu Phú Mỹ và phương án hoàn vốn theo hợp đồng BOT cầu Phú Mỹ là 1.806,5 tỉ đồng (tương đương 116,1 triệu USD). Tháng 9-2005, Công ty cầu Phú Mỹ làm lễ động thổ xây dựng cầu Phú Mỹ và ba tháng sau đơn vị này cho biết sau khi hoàn thành hồ sơ thiết kế kỹ thuật công trình chính và công trình phụ của cầu Phú Mỹ, dự án này cần phải tăng mức đầu tư.

Tháng 6-2006, đơn vị này đã giải trình với UBND TP về việc xin điều chỉnh tăng vốn đầu tư dự án từ 1.806 tỉ đồng lên 1.960,1 tỉ đồng (tương đương 126 triệu USD). Không đầy một tháng sau, đơn vị này tiếp tục giải trình tổng mức đầu tư cần điều chỉnh tăng lên 1.993,2 tỉ đồng (tương đương 128,1 triệu USD) chưa kể lãi vay trong thời gian thực hiện dự án. Tháng 9-2006, UBND TP ra văn bản chấp thuận về chủ trương tạm thời điều chỉnh tổng mức vốn đầu tư của dự án cầu Phú Mỹ là 2.077,5 tỉ đồng.

Một chuyên gia ngành giao thông ở TP phân tích Công ty cầu Phú Mỹ đã tính toán rất kỹ việc tăng vốn đầu tư cho dự án. Nguồn vốn tăng thêm này chắc chắn sẽ kéo dài thời gian thu phí giao thông và người dân là kẻ đầu tiên và cuối cùng phải gánh chịu. Theo chuyên gia này, các cơ quan chức năng phải tỉnh táo để thẩm tra thật kỹ liệu mức tăng thêm hàng trăm tỉ đồng của dự án có hợp lý hay không.

Đến việc được Nhà nước bảo lãnh “rủi ro”

Trong văn bản giải trình với Bộ Kế hoạch - đầu tư về nội dung của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cầu Phú Mỹ vào tháng 5-2002, UBND TP.HCM cho biết trong điều kiện nguồn vốn ngân sách TP còn hạn hẹp và với dự báo về lưu lượng xe lưu thông qua cầu Phú Mỹ rất lớn nên rất cần xây dựng cầu theo phương thức BOT. Để được đầu tư theo phương thức này, điều kiện đầu tiên là chủ đầu tư phải có vốn tự có tương đương 30% tổng mức đầu tư và phải chứng minh bằng văn bản các cam kết cho vay vốn đầu tư dài hạn của các tổ chức tài chính, các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước đối với phần vốn còn lại. Thế nhưng, thực tế Công ty cầu Phú Mỹ chỉ có 20% vốn tự có và vốn vay ngân hàng là chủ yếu.

Trước yêu cầu cấp bách xây dựng cầu Phú Mỹ, UBND TP đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ bảo lãnh phần vốn vay nước ngoài của Công ty cầu Phú Mỹ. Tháng 11-2006, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định về việc bảo lãnh khoản vay nước ngoài cho dự án BOT cầu Phú Mỹ, cho phép Bộ Tài chính phát hành thư bảo lãnh cho hợp đồng tín dụng với các ngân hàng nước ngoài.

Nhằm tạo điều kiện thực hiện dự án cầu Phú Mỹ, UBND TP còn cam kết ưu tiên cho Công ty cầu Phú Mỹ được đầu tư các khu đất đã được đền bù và tạm giao cho công ty làm công trường xây dựng gồm 8,2ha đất ở P.Thạnh Mỹ Lợi (Q.2) và 2,1ha đất ở Q.7. Đồng thời, UBND TP cam kết hạn chế tối đa các loại xe tải lưu thông từ xa lộ Hà Nội vào trung tâm TP qua cầu Sài Gòn, cầu Tân Thuận, hầm Thủ Thiêm... Tất cả các xe từ cảng Bến Nghé, cảng Sài Gòn ra miền Đông, miền Tây Nam bộ phải đi theo hướng qua cầu Phú Mỹ.

Theo một chuyên gia ở Khu quản lý giao thông đô thị số 2, điều đáng lo nhất là toàn bộ vốn vay ngân hàng trong và ngoài nước khoảng 93 triệu USD của nhà đầu tư đã được Nhà nước bảo lãnh trực tiếp. Theo đó, nếu dự án bị rủi ro thì nhà đầu tư không bị chế tài mà Nhà nước sẽ gánh chịu. Theo chuyên gia này, đây là vốn vay thương mại với lãi suất cao và đây là lần đầu tiên một dự án tư nhân được Nhà nước bảo lãnh trực tiếp vốn vay. Điều này cho thấy dự án cầu Phú Mỹ đã được Nhà nước ưu đãi quá nhiều. Thế nhưng, chỉ sau hơn một tháng thu phí giao thông, chủ đầu tư dự án đã nôn nóng cho rằng nguồn thu phí không đủ trả nợ vay ngân hàng kèm theo các kiến nghị chẳng khác nào đá “trái bóng” về phía UBND TP.HCM.

Đầu tư nửa vời

Một cán bộ của Sở Giao thông vận tải TP.HCM chỉ đích danh dự án BOT cầu Phú Mỹ là kiểu đầu tư BOT nửa vời vì chỉ xây cầu Phú Mỹ nhưng không làm đường dẫn vào cầu. Ba dự án làm đường kết nối với cầu Phú Mỹ không đầu tư theo hình thức BOT mà thực hiện theo hình thức BT (đầu tư và chuyển giao) với tổng vốn đầu tư lúc đầu là 1.400 tỉ đồng (đang đề nghị điều chỉnh tăng vài trăm tỉ đồng nữa) cũng do Công ty cầu Phú Mỹ làm chủ đầu tư. Mặc dù đến nay dự án nút giao thông khu A - đường kết nối vào cầu Phú Mỹ - còn đang thi công nhưng đơn vị này đã đề nghị TP tạm ứng 348,6 tỉ đồng để trả nợ vay và lãi vay kỳ trả nợ của năm đầu tiên.

Theo các chuyên gia về giao thông, việc đầu tư BOT cầu Phú Mỹ đang đặt ra nhiều vấn đề về năng lực tài chính của nhà đầu tư, bởi vì chủ đầu tư đang “quơ quào” nhằm tăng nguồn thu cho cầu Phú Mỹ. Cụ thể là đề nghị thu phí xe gắn máy trong khi việc thu phí loại xe này không có trong hợp đồng BOT cầu Phú Mỹ.

Các chuyên gia về giao thông cho rằng dự án BOT cầu Phú Mỹ đã phát sinh nhiều vấn đề mà các cơ quan chức năng cần rút kinh nghiệm. Và việc Công ty cầu Phú Mỹ đề xuất đầu tư xây dựng cầu Sài Gòn 2 theo hình thức BOT cần được xem xét toàn diện. Bởi vì ở Q.2 đang có trạm thu phí giao thông ở xa lộ Hà Nội, cầu Phú Mỹ và sắp tới là hầm Thủ Thiêm. Nếu sau này có thu phí cầu Sài Gòn 2 thì ở khu vực này có đến bốn trạm thu phí. Hơn nữa, nếu Nhà nước bảo lãnh vốn vay ngân hàng đầu tư xây dựng cầu Sài Gòn 2 thì có khi thiệt hại lại là Nhà nước và chính người dân là nạn nhân vì phải trả phí giao thông kéo dài.

“Thu phí xe hai bánh là phạm luật”

Ông Nguyễn Minh Hoàng - đại biểu HĐND TP.HCM, nguyên trưởng Ban kinh tế và ngân sách HĐND TP - nói như vậy khi biết Công ty cầu Phú Mỹ đề xuất thu phí xe hai bánh. Ông Hoàng cho biết:

- Các quy định hiện nay không cho phép thu phí đối với xe hai bánh. Tôi không đồng tình thu phí đối với xe hai bánh. Ngay từ khi còn là trưởng Ban kinh tế và ngân sách HĐND TP, tôi đã nêu ý kiến này.

Đến nay, việc thu phí các loại xe qua cầu Phú Mỹ là chưa chính thức. Cấp thẩm quyền của TP chỉ mới cho phép tạm thu phí thôi. Mới được thu tạm thì trước mắt cứ thực hiện như vậy chứ không được phép đòi hỏi gì thêm.

Đề án thu phí chính thức của cầu Phú Mỹ hiện nay chưa được HĐND TP thông qua, kể cả mức thu và thời gian được thu.

* Công ty cầu Phú Mỹ xin UBND TP tạm ứng hơn 348 tỉ đồng để thanh toán nợ, ý kiến của ông thế nào?

- Vấn đề này thuộc thẩm quyền của UBND TP. Nếu TP thấy có tiền thì cứ xem xét việc tạm ứng. Còn nguyên tắc tài chính thì làm sao đến cuối năm phải thu hồi được tiền.

* Theo ông, thay vì đòi hỏi thu phí xe gắn máy, Công ty cầu Phú Mỹ nên làm gì ở thời điểm này?

- Công ty này nên chờ cấp thẩm quyền xem xét phương án thu phí chính thức nhằm đảm bảo tính pháp lý cuối cùng cho việc thu phí. Khi đó sẽ xem xét nhiều yếu tố như tổng mức đầu tư là bao nhiêu, thu phí ở mức nào, lợi ích ra sao, hiệu quả kinh tế như thế nào... Hiện nay dự án này cũng chưa có báo cáo về tổng mức đầu tư.

Đại biểu PHẠM MINH TRÍ (thành viên Ban kinh tế và ngân sách HĐND TP): Tôi rất ngạc nhiên

Cách đây chưa lâu, Ban kinh tế và ngân sách HĐND TP có làm việc với chủ đầu tư dự án BOT cầu Phú Mỹ về một số vấn đề liên quan đến dự án. Khi đó, chúng tôi đã có ý kiến chính thức với chủ đầu tư dự án là không được phép thu phí đối với xe gắn máy vì quy định không cho phép. Tôi rất ngạc nhiên là tại sao chủ đầu tư lại tiếp tục đề xuất với UBND TP cho phép áp dụng thu phí đối với xe hai bánh qua cầu Phú Mỹ.

Ông Phạm Sanh (nguyên tổ trưởng tổ công tác cầu Phú Mỹ - Sở Giao thông vận tải TP): Quá vội vã!

Phương án tài chính trong hợp đồng BOT đã tính toán đầy đủ về nguồn thu phí giao thông ở cầu Phú Mỹ. Có thể trong giai đoạn đầu số lượng xe qua cầu Phú Mỹ chưa nhiều thì nhà đầu tư có thể bị thiệt hại chút ít, nhưng đến giai đoạn sau nhà đầu tư sẽ được lợi nhiều khi lượng xe lưu thông qua cầu tăng. Có thể nói nhà đầu tư đã quá vội vã khi đưa ra nhiều kiến nghị với UBND TP.

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên