![]() |
Nhiều người dân Hà Nội đã đến xem, đóng góp ý kiến vào đồ án quy hoạch thủ đô, trước khi đồ án này được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến - Ảnh: Thân Hoàng |
Theo nội dung đồ án, Hà Nội sẽ là một thủ đô với một đô thị trung tâm hạt nhân kết nối với năm đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên - Phú Minh, Sóc Sơn và các thị trấn sinh thái mật độ thấp. Hành lang xanh chiếm 70% tổng diện tích đất tự nhiên, bao gồm toàn bộ khu vực nông thôn, hệ thống sông hồ, vùng đồi núi.
Trục Thăng Long được xác định là trục giao thông chính từ hồ Tây (Ba Đình) đến Ba Vì, đi qua chuỗi đô thị mới và một số công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử, giải trí tầm cỡ quốc gia và quốc tế, có đài Độc lập và hệ thống công viên cảnh quan... Kết thúc trục Thăng Long là khu đất dự trữ dưới chân núi Ba Vì dành để xây dựng trụ sở các bộ, ngành, cơ quan Chính phủ (gọi là Trung tâm hành chính quốc gia) sau năm 2050. Trung tâm chính trị quốc gia vẫn ở khu Ba Đình (trụ sở Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội).
Đầu tư chủ yếu cho giao thông
Thủ đô Hà Nội cũng sẽ là một thành phố hiện đại với mạng lưới giao thông công cộng được phát triển mạnh, bao gồm hệ thống xe buýt nhanh, hệ thống sáu tuyến tàu điện ngầm/metro. Xây dựng mới tám tuyến đường sắt đô thị, kéo dài kết nối với các đô thị vệ tinh. Từ đường vành đai 4 trở vào khu vực nội ô chủ yếu là hệ thống tàu điện ngầm.
Chính phủ vừa có tờ trình chính thức gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xin điều chỉnh thời hạn trình dự án Luật đầu tư công và Luật thủ đô. Lý do là các dự luật có nhiều vấn đề mang tính đặc thù, liên quan nhiều quy định khác trong hệ thống pháp luật, cần thêm thời gian nghiên cứu, tổng kết. Luật thủ đô được xin hoãn đến kỳ họp thứ 8 (cuối năm nay), còn Luật đầu tư công xin hoãn vô thời hạn. |
Để thực hiện quy hoạch trên, tổng kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung cho cả giai đoạn 2010-2030 dự trù khoảng 60 tỉ USD (trong đó quá nửa là đầu tư cho giao thông). Giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050 xây dựng khung hạ tầng kỹ thuật tăng thêm khoảng 30 tỉ USD.
“Huy động tối đa nguồn vốn nội lực, chủ yếu từ quỹ đất, tài sản công thuộc sở hữu nhà nước. Thu hút vốn từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Huy động từ các nguồn vốn ngân sách nhà nước, FDI, đặc biệt là vốn ODA để xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung cho giai đoạn 2010-2020 (dự kiến gần 31 tỉ USD)” - ông Quân cho hay.
“Tôi nhìn mô hình, thiết kế thì đẹp đấy nhưng ở ta thường vẽ đẹp, thiết kế đẹp nhưng làm không đẹp” - chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Lê Quang Bình nhận xét.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói: “Nhìn trên thuyết minh thì thấy như quy hoạch trên một vùng đất chưa có gì trên đó. Trong khi thực tế chúng ta đang quy hoạch trên cơ sở hạ tầng, xã hội, văn hóa cũ mới đan xen. Đây là vấn đề phức tạp, khó khăn. Quy hoạch để thực hiện hàng chục năm, tiền không đáp ứng đủ được ngay, quản lý thế nào là vấn đề, nếu không sẽ bị phá vỡ”.
Ông Lưu lưu ý quỹ đất của Hà Nội là nguồn lực tài chính rất lớn nhưng nếu quản lý không tốt, nguồn lực ấy sẽ rơi vào tay chủ thể khác. Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng trong tổ chức thực hiện phải thật chặt chẽ, đề phòng lợi ích nhóm.
Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ đánh giá rõ những khó khăn, thuận lợi khi thực hiện đồ án này, làm rõ các khái niệm trung tâm chính trị và trung tâm hành chính, vì thực chất Chính phủ cũng là một bộ phận trong hệ thống chính trị. Phần lớn ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Trung tâm hành chính - chính trị quốc gia nên tập trung chứ không nên phân tán hai nơi Ba Vì - Ba Đình.
Lấy đâu ra 90 tỉ USD?
Vấn đề quan trọng nhất là kinh phí thực hiện. Ủy ban Kinh tế lưu ý Chính phủ cần tính tới một đặc điểm của đầu tư xây dựng là chi phí thực tế sẽ gia tăng rất nhiều so với dự toán, trong khi đầu tư xây dựng mới về hạ tầng thời gian gần đây ở Hà Nội thì tới 80% chi phí dành cho bồi thường giải phóng mặt bằng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển phân tích: “Nói là lấy tiền từ đất đai và tài chính công. Hà Nội thu ngân sách khoảng 70.000 tỉ đồng/năm, mỗi năm thu tăng 15%, vậy toàn bộ số thu này có đủ đầu tư cho thành phố không? Trong khi hiện nay ngân sách của ta không có tích lũy, thu bao nhiêu chi hết cho sự nghiệp hành chính, muốn đầu tư phát triển phải đi vay. Tới đây hàng loạt công trình ngốn tiền: điện hạt nhân, đường cao tốc... đều phải đi vay. Đây là vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng, phân kỳ đầu tư thế nào cho hợp lý”.
Vẫn theo nội dung đồ án, đến năm 2030 Hà Nội có hơn 9 triệu người, tỉ lệ đô thị hóa đạt 70%. Giai đoạn từ năm 2010-2020 Hà Nội sẽ khống chế nhập cư vào thành phố, dân số chủ yếu tăng tự nhiên.
Ông Hiển và ông Nguyễn Văn Thuận - chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - cho rằng nội dung này trái với quy luật công nghiệp hóa, đô thị hóa và xu hướng di dân, sẽ biến Hà Nội thành ốc đảo chỉ dành cho chính người Hà Nội. Giải thích, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân nói các đô thị của ta lâu nay tăng dân số cơ học với tỉ lệ cao, Hà Nội tỉ lệ tăng dân số cơ học là 2%. Trong khi theo các nghiên cứu, nếu tăng dân số cơ học 3% thì có tiền cũng không xử lý được vấn đề hạ tầng. Vì vậy cần phải khống chế mức độ dân số hợp lý. Quan niệm của ông Quân là không nên dùng biện pháp hành chính để cấm đoán nhập cư mà phải dùng các biện pháp kinh tế.
Đồ án này sẽ được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội tại kỳ họp tới đây.
Xem xét Luật thủ đô và đồ án quy hoạch Hà Nội Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội: 84,48% ý kiến đồng ýĐừng để mục tiêu lớn bị ảnh hưởngCăng mắt xem đồ án quy hoạch chung Thủ đôLấy ý kiến đồ án quy hoạch thủ đôĐề nghị xem lại quy hoạch thủ đô Hà Nội
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận