11/05/2010 07:28 GMT+7

Phí cầu đường chỉ nên 1 loại

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
CẦM VĂN KÌNH thực hiện

TT - Không phản đối Nhà nước thu phí để bảo trì, giúp đường sá tốt hơn nhưng ông Nguyễn Khánh Toàn nêu thực trạng phí chồng phí, phương tiện vận tải đang chịu cảnh “trăm dâu đổ đầu tằm”.

3Xzt4irB.jpgPhóng to
Các doanh nghiệp vận tải kêu họ phải “cõng” quá nhiều loại phí - Ảnh: T.T.D.

Quỹ bình ổn xăng dầu chưa dùng hết 1.000 tỉ đồng

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, tổ trưởng tổ giám sát giá xăng dầu liên bộ Tài chính - Công thương, tính đến thời điểm này quỹ bình ổn xăng dầu đã thu được khoảng 2.000 tỉ đồng theo chính sách vừa cho trích quỹ bình ổn để tránh tăng giá, các doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục trích quỹ.

Về mức xả quỹ, ông Thỏa khẳng định thông tin quỹ đã chi 2.000 tỉ đồng là không đúng. Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính chưa có thống kê cụ thể về mức chi quỹ tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, do mới trích quỹ được khoảng một tháng nên chắc chắn quỹ chưa dùng hết 1.000 tỉ đồng.

Ông Thỏa cho biết giá xăng dầu thế giới đang xuống, các doanh nghiệp vẫn lỗ nhưng tổ giám sát liên bộ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ để giá xăng dầu trong nước vận hành đúng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Toàn nói:

- Chúng tôi chưa thống kê cụ thể các loại thuế, phí mà các phương tiện, người sử dụng phương tiện vận tải đang phải trả, nhưng phải nói là khá lớn. Về bản chất, phí có gây khó khăn cho hoạt động vận tải và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Với doanh nghiệp vận tải, hiện nay các loại thuế, phí đã khá nặng rồi, chúng tôi không mong có thêm loại nào nữa.

* Thưa ông, hiện người dân đang phải đóng phí xăng dầu rồi, thu thêm phí bảo trì đường bộ nữa là phí chồng phí?

- Đúng thế. Chúng tôi đang phải chịu rất nhiều sức ép, xăng dầu tăng, thuế xe tăng, phí trước bạ tăng, rồi lại đang có rất nhiều loại phí... Điều này đã rất khó, rất vất vả với những người làm vận tải rồi. Hiện doanh nghiệp, người dân vẫn đang phải đóng phí xăng dầu với mức 1.000 đồng/lít xăng, 500 đồng/lít diesel, 300 đồng/lít dầu hỏa và mazut. Khoản này thực chất vốn là phí lưu thông, cũng đóng cho việc bảo trì phát triển đường sá.

Chỉ riêng khoản này nếu phân tích kỹ thì rõ ràng đã có tình trạng phí chồng phí. Đấy là chưa nói đến việc tới đoạn nào có trạm thu phí thì phải đóng thêm phí của trạm đó nữa.

* Bản thân các trạm thu phí hiện nay cũng là gánh nặng rất lớn?

- Chỉ riêng phí qua các trạm thu phí hiện nay đã quá sức với người dân, doanh nghiệp. Điều đáng nói là theo quy định của Bộ Tài chính, ít nhất 70km mới được đặt một trạm thu phí nhưng thống kê của Hiệp hội Vận tải ôtô VN thì hiện chỉ 30-40km đã có một trạm. Thậm chí có đoạn Nhà nước đã đầu tư rồi, nhà đầu tư chỉ mở rộng một tí nhưng cũng đặt trạm thu phí.

* Phí xăng dầu cũng để phục vụ duy tu bảo dưỡng đường bộ, giờ định đặt ra quỹ bảo trì đường bộ cũng cho mục đích này. Có nên để hai loại phí cho cùng một mục đích?

- Theo tôi không nên. Nếu cần có thể tăng loại phí xăng dầu lên chứ không nên có cùng lúc hai loại, mà hai loại đó người dân vẫn hiểu chỉ cho cùng mục đích duy tu, xây dựng đường sá. Phí xăng dầu trên lý thuyết có thể tận thu đến 98% nhưng thật sự đi vào thu khó đạt con số đó. Nếu phí thu cho quỹ bảo trì đường bộ có thể thu tốt hơn thì chỉ nên có một phí này.

Trên tính toán, nếu thu quỹ bảo trì đường bộ mà ngân sách nhà nước cấp như mức năm 2008, quỹ trung ương sẽ có khoảng 3.900 tỉ đồng, đáp ứng 82% nhu cầu bảo trì quốc lộ; các quỹ địa phương sẽ có khoảng 2.300 tỉ đồng, đáp ứng 41% nhu cầu bảo trì đường địa phương. Nếu thu một phí cho quỹ bảo trì đường bộ đã đảm đương được nhiệm vụ cho việc duy tu, bảo dưỡng đường thì nên bỏ phí xăng dầu và ngược lại.

Dự kiến mức thu phí với phương tiện đường bộ sử dụng dầu diesel (Đơn vị tính: đồng/tháng)

Xe con, xe tải dưới 2 tấn, xe du lịch dưới 12 ghế<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

180.000

Xe tải từ 2 đến dưới 4 tấn, xe khách từ 12-30 ghế

270.000

Xe tải từ 4 đến dưới 10 tấn, xe khách từ 31 ghế trở lên

396.000

Xe tải từ 10 đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet

720.000

Xe tải từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet

1.440.000

Thu phí bảo trì đường bộ qua xăng 1.000 đồng/lít?

Chiều 10-5, ông Nguyễn Văn Công, chánh văn phòng Bộ Giao thông vận tải, cho biết trong các phương án thu phí bảo trì đường bộ mà Tổng cục Đường bộ trình (Tuổi Trẻ 8-5 đã phản ánh), chưa có phương án nào được lựa chọn.

Hiện nay, Vụ Tài chính và Tổng cục Đường bộ đang tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo làm cơ sở để bộ hoàn chỉnh dự thảo cuối cùng trình Chính phủ xem xét, quyết định. Dự kiến bộ sẽ trình Chính phủ dự thảo nghị định cuối tháng 6-2010.

Dự thảo đề án quỹ bảo trì đường bộ gồm hai phương án. Phương án thứ nhất là thu phí qua giá xăng dầu bằng cách chuyển 50% số tiền thu được từ phí xăng dầu đang được áp dụng với các đơn vị kinh doanh xăng dầu hiện nay vào quỹ bảo trì đường bộ. Phương án thứ hai là thu phí qua đăng ký, đăng kiểm sẽ áp dụng thu theo đầu môtô, xe máy khi đăng ký phương tiện (thu một lần khi đăng ký) và thu theo đầu ôtô khi kiểm định phương tiện.

Bên cạnh đó, đề án cũng đề xuất phương án thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ như khi thi công, lắp đặt các công trình thiết yếu trên kết cấu hạ tầng đường bộ. Nguồn thu lưu hành xe quá tải trọng vận chuyển hàng hóa không thể tháo rời trên 32 tấn cũng được đề xuất.

Tuy nhiên, tại cuộc họp về việc thành lập quỹ bảo trì đường bộ gần đây, phần lớn ý kiến tập trung ở phương án thu phí cho quỹ bảo trì đường bộ qua giá xăng với phương tiện cơ giới lưu thông trên đường bộ và thu trên đầu phương tiện đường bộ sử dụng dầu diesel tính theo tháng và theo chủng loại phương tiện. Theo đó, mức đề xuất thu phí bảo trì đường bộ qua giá xăng là 1.000 đồng/lít.

Các phương tiện chịu mức thu này là môtô, xe máy và gần như toàn bộ ôtô bảy chỗ trở xuống, xe bán tải. Đơn vị kinh doanh xăng nộp khoản tiền này vào tài khoản của quỹ bảo trì đường bộ tại Kho bạc Nhà nước. Nguồn thu này ước đạt 2.971 tỉ đồng nếu tính với lượng xăng tiêu thụ năm 2009 là khoảng 2,971 tỉ lít xăng.

Đối với phương tiện giao thông cơ giới sử dụng dầu diesel, dự kiến chịu phí thu trực tiếp trên đầu phương tiện. Nguyên tắc để áp dụng mức thu này là thu theo kilômet xe chạy với mức thu tính toán tương đương mức thu qua xăng của xe sử dụng xăng đối với nhóm xe cùng trọng tải. Chủ phương tiện nộp phí theo tháng hoặc theo kỳ kiểm định phương tiện tại trạm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ. Với số lượng phương tiện hiện nay, tổng mức phí thu được của phương tiện chạy diesel là trên 2.958 tỉ đồng/năm.

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên