27/04/2010 08:34 GMT+7

Người kiệt sức, lửa chưa dứt

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TT - Trong ngày 26-4, tại khu A1 vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) lửa vẫn hoành hành và lan sang khu A2 . Thống kê ban đầu tại khu A1 đã có trên 200ha rừng bị thiệt hại.

Đến 20g cùng ngày, ngọn lửa tưởng chừng được khống chế đã bùng phát trở lại. 550 người chữa cháy vẫn đang đánh vật với ngọn lửa.

CCW0trUv.jpgPhóng to
Theo các chuyên gia, vụ cháy ở vườn quốc gia Tràm Chim sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái động - thực vật, nhất là loài sếu đầu đỏ - Ảnh: Đ.Vịnh

Sáng 26-4, chúng tôi len lỏi vào tận các điểm cháy nằm sâu trong ruột rừng khu A1. Đó đây từng đụn khói bốc cao. Thỉnh thoảng từng vạt lửa lại bùng lên. Trong cái nắng gắt mùa khô, không khí nóng bức, hết sức ngột ngạt. Từng tốp chiến sĩ ôm vòi nước cứ xông vào hết đám cháy này tới đám khác. Thượng tá Dương Hữu Nghĩa, trưởng Công an huyện Tam Nông, đang trực tiếp chỉ huy tại đây, cho biết: “Lửa cháy hết sức khủng khiếp, tập trung cứu chữa bên này chưa xong thì bên khác bắt cháy, rồi cứ cháy lan. Anh em chạy rượt theo các đám cháy muốn đứt hơi”.

Dập nơi này, bùng nơi khác

11g, trong khi các cánh rừng khu A1 đang còn bốc khói, hay tin báo cháy từ khu A2, ban chỉ huy chữa cháy cấp tốc điều động một số lực lượng qua đây. Đại đội trinh sát của Tỉnh đội Đồng Tháp và công an vừa cuốn các đường dây và máy bơm để chuyển qua khu A2 cứu chữa thì ngay lúc đó tại khu vực gò Lau Voi, gò Tre lửa lại bùng lên cao. Đường ống nước được nối lại, máy bơm lại khởi động.

“Nguồn nước lấy dưới kênh. Từ kênh vô các đám cháy xa 500- 1.100m, phải nối 40-50 ống mới tới nên rất vất vả. Cháy liên tục, hết đám này tới đám khác khiến anh em kiệt sức” - thiếu tá Huỳnh Văn Đáp, đội trưởng đội PCCC khu vực Hồng Ngự, cho biết. Mãi tới 14g các đám cháy mới được dập tắt. Lửa vừa tắt, cả trăm gương mặt phờ phạc, lấm lem bụi khói nằm vật ra vì kiệt sức. Lát sau họ lại tất tả lên đường qua khu A2.

Tính đến chiều 26-4, trong vườn quốc gia Tràm Chim đã có gần chục điểm phát cháy. Trong đó tại khu A1 diện tích rừng bị cháy hơn 220ha. Còn tại khu A2, ông Nguyễn Văn Hùng, phó giám đốc vườn quốc gia Tràm Chim, cho biết khu này với 1.100ha rừng tràm có 3-4 điểm cháy. “Chúng tôi đang ở trong ruột rừng tập trung lo chữa nên chưa thể thống kê thiệt hại” - ông nói.

Đến 18g50, thượng tá Lê Văn Lũ, phó Phòng cảnh sát PCCC Công an Đồng Tháp, cho biết cơ bản các đám cháy ở khu A2 đã tạm thời được khống chế. Tuy nhiên, lửa trong rừng vẫn còn âm ỷ nên các lực lượng chữa cháy vẫn phải làm việc.

Thượng tá Tống Duy Sử, trưởng Phòng cảnh sát PCCC Công an tỉnh Đồng Tháp, cho biết lực lượng chữa cháy được huy động lên đến 550 người, bao gồm các lực lượng vũ trang, người dân... 15 máy bơm công suất lớn cùng hàng ngàn mét ống chuyên dụng từ các nơi đã được huy động về để tập trung cứu rừng. Do địa hình phức tạp, nhiều kênh mương nên xe chữa cháy chuyên dụng không thể tiếp cận được hiện trường.

puogPqJW.jpgPhóng to
Ngọn lửa cơ bản được khống chế ở bề mặt nhưng tầng đất bên dưới này có lớp than bùn nên nguy cơ cháy trở lại rất cao - Ảnh: Đức Vịnh

Người đã kiệt sức, nguy cơ cháy còn cao

Trước đó, dù đến cuối chiều 25-4, hơn 550 người thuộc các lực lượng quân đội, công an, cảnh sát PCCC chuyên nghiệp của tỉnh và các huyện thị cùng lực lượng tại chỗ lao vào rừng cật lực cứu chữa nhưng các đám cháy cứ tiếp tục lan rộng, mãi đến 24g các khu vực cháy ở khu A1 tạm thời được khống chế. Tuy nhiên rạng sáng 26-4, một số điểm cháy hôm trước ở khu vực gò Tre, gò Lau Voi, gò Trâu phát hỏa trở lại.

Có mặt tại hiện trường, suốt ngày 26-4 chúng tôi chứng kiến nhiều đám lửa liên tục bùng lên, khói bốc cao nghi ngút. Hàng trăm người sau một đêm vất vả cứu rừng bơ phờ lại liên tục lao vào cuộc chiến. 10g, đám cháy ở khu vực kênh Mười Nhẹ vừa dập tắt thì bên khu gò Trâu lửa lại lan rộng thêm...

Khu vực bị cháy ở khu A2 là rừng tràm lâu năm. Trong lúc máy bơm chưa triển khai kịp, hàng chục chiến sĩ đại đội trinh sát thuộc Tỉnh đội Đồng Tháp đeo bình xịt phun nước tạm thời ngăn chặn cháy lan. Các đường ống bơm nước dài khoảng 400m được nối từ kênh vô tận khu vực cháy. Hàng trăm người lại thay nhau ôm vòi phun lao vào cố dập tắt các đám lửa. Các đám cháy chưa kịp dập tắt thì lúc đó bên khu A1 lại khói ngùn ngụt. Các cánh rừng bên ấy lại bốc cháy...

Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết tại khu vực tam giác của khu A1, rừng cháy trong điều kiện thời tiết nắng gắt, phần do trong rừng có nhiều thảm thực vật dễ bắt lửa và gió thổi mạnh nên đám cháy tiếp tục lan rộng. Sau nỗ lực nhiều giờ của các lực lượng, đám cháy tạm yên nhưng chừng ba giờ sau ngọn lửa lại bùng phát, rồi lửa vượt qua nhiều khu kế cận... “Khu A1 có đến năm khu vực cháy. Tổng diện tích rừng bị cháy hơn 200ha, trong đó có hơn 50ha rừng tràm” - ông Hùng cho biết.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đến tối qua lửa vẫn còn cháy âm ỷ trong rừng. Lúc này đang mùa khô, thời tiết nắng nóng kéo dài nên mặt đất phủ đầy lớp thực bì rất dễ bắt lửa. Một khi rừng bị cháy, lửa rất dễ phát tán. Do đó khả năng rừng lại phát cháy trong những ngày tới là rất cao. Trong khi đó hàng trăm con người tham gia chữa cháy đã đuối sức do các đám cháy liên tục hoành hành trong hai ngày liền nên việc phòng chống cháy rừng tới đây sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Vườn quốc gia Tràm Chim

Vườn quốc gia Tràm Chim nằm ở trung tâm Đồng Tháp Mười, có diện tích 7.313ha, thuộc địa phận huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Năm 1991, khi phát hiện loài sếu đầu đỏ, Tràm Chim được đổi tên thành khu bảo vệ sếu và môi trường thiên nhiên, và năm 1994 chuyển thành khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tràm Chim. Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập vườn quốc gia Tràm Chim.

Tràm Chim hiện nay có diện tích rừng tràm 1.826ha, có 130 loài thực vật bản địa, 174 loài thực vật nổi, 130 loài cá nước ngọt, 23 loài động vật đáy cùng các loài lưỡng cư, bò sát. Đặc biệt, Tràm Chim có 231 loài chim, trong đó có chim hạc (sếu đầu đỏ) có tên trong Sách đỏ. Trước khi xảy ra cháy, tại vườn quốc gia Tràm Chim có 85 con sếu đầu đỏ đang sinh sống tại hai khu A1 và A5. Việc cháy rừng sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống của loài sếu nằm trong Sách đỏ này.

Các vụ cháy lớn:

● Năm 1996, Tràm Chim bị cháy khoảng 250ha, trong đó 220ha đồng cỏ, 30ha tràm.

● Năm 2008, Tràm Chim bị cháy 332ha, chủ yếu là đồng cỏ, trong đó có khoảng 32ha tràm.

___________________

Ông Hà Công Tuấn, phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), cho biết vụ cháy xảy ra trên diện tích rừng hơn 200ha, trong đó có hơn 50ha rừng tràm (còn lại là đồng cỏ). Dù đám cháy đã cơ bản được khống chế, tuy nhiên do có diện tích rừng tràm, lại có hệ thống than bùn ngầm ở dưới nên nguy cơ bùng cháy trở lại là rất cao và khả năng vẫn còn những đám cháy âm ỷ dưới mặt đất.

Qua ảnh vệ tinh, Tổng cục Lâm nghiệp ghi nhận đến chiều qua có 21 điểm cháy rừng ở 12 tỉnh, chủ yếu là các tỉnh Tây nguyên và phía Nam. Có đến chín địa phương có rừng nguy cơ cháy ở cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm, nếu cháy rừng xảy ra thì hầu hết các kiểu rừng đều dễ bắt lửa với tốc độ rất nhanh. Đó là các địa phương An Giang, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Cà Mau, Đồng Nai, Gia Lai, Long An và Ninh Thuận. Ngoài ra còn có Quảng Nam và Kon Tum cũng đang có rừng nguy cơ cháy ở cấp IV - cấp nguy hiểm.

ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên