24/04/2010 08:05 GMT+7

Sập dầm cầu cạn Pháp Vân do thi công không đúng, giám sát lơ là

TUẤN PHÙNG thực hiện
TUẤN PHÙNG thực hiện

TT - Theo GS.TSKH Lê Văn Thưởng (thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước), nguyên nhân chính thức của sự cố rơi bốn phiến dầm tại gói thầu 3A xây dựng cầu cạn Pháp Vân kéo dài (Hà Nội) đã được thống nhất trong cuộc họp diễn ra chiều tối 22-4 giữa các bên liên quan.

ykFBp71c.jpgPhóng to
Ngay tại vị trí dầm sập, các thanh chống kế cạnh vẫn làm bằng thân gỗ non - Ảnh: T.Phùng

Tại cuộc họp, các thành viên của Hội đồng nghiệm thu nhà nước, Ban quản lý dự án Thăng Long, đại diện Bộ GTVT, tư vấn giám sát và đại diện các nhà thầu đã thống nhất lý do xảy ra sự cố do việc gác dầm lên vị trí gối cao su ở trụ cầu không đảm bảo độ chính xác nên tạo sự biến dạng của gối cao su làm dầm nghiêng. Cùng với việc không có sự chống đỡ, liên kết tốt giữa các phiến dầm đã gây ra sự cố trên. Nguyên nhân sự cố do nhà thầu thi công không đúng quy trình dẫn đến không đảm bảo liên kết, gây mất ổn định vị trí các thanh dầm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Lê Văn Thưởng nói:

- Hội đồng nghiệm thu nhà nước và các bên liên quan đã có cuộc họp với nhau và khẳng định nguyên nhân chủ yếu là do các gối cao su bản thép biến dạng không đồng đều. Quan sát thực tế cho thấy các phiến dầm có chỗ nghiêng ra và có chỗ hở ra nhìn thấy đường hở. Mặt khác, các gối cao su biến dạng không đều sẽ làm dầm nghiêng từ từ và đến lúc nghiêng quá thì bị đổ gây hiệu ứng domino.

* Gối cầu mới dùng được năm tháng tại sao lại biến dạng sớm? Có khả năng lớp cao su bị phong hóa do thời tiết?

- Do biến dạng chứ không phải phong hóa. Các gối dầm cao su bản thép dùng cho cầu cạn Pháp Vân nhập từ Hãng OVM của Trung Quốc (gối bao gồm các lớp thép và cao su xen kẽ). Nếu đặt dầm đúng tâm gối thì gối biến dạng đều. Nhưng đặt lệch thì một bên chịu lực quá tải sẽ biến dạng nhiều hơn, tạo độ nghiêng làm dầm nghiêng dần kết hợp với hệ thống giằng chống không đảm bảo gây ra đổ dầm.

* Ông đánh giá thế nào về hệ thống giằng chống các phiến dầm?

- Qua xem xét hiện trường, tôi bảo với bên thi công là: “Các ông làm không bằng nông dân làm. Họ đặt thanh xà lên thì họ cũng chống đỡ và níu giữ tốt, không có thép thì họ cũng dùng dây buộc lại. Còn trong tay các ông có thép, có máy hàn mà gác dầm lên cũng không hàn lại với nhau”. Cho đến bây giờ nhiều phiến dầm cũng chưa hàn để tạo liên kết ngang. Cái đó là sai quy trình.

Các thanh chống xiên phải là những thanh chắc chắn chứ không phải là các đoạn gỗ bé làm từ thân bạch đàn. Chúng tôi gọi các thanh chống này là thanh củi chứ chưa phải là thanh chống đảm bảo. Đáng ra phải làm bằng thanh gỗ như thanh tà vẹt nhưng có thể họ sợ tốn kém nên không làm đúng như vậy.

* Sự cố rơi dầm cầu cạn Pháp Vân có thể tránh được nếu tuân thủ quy trình thi công?

- Chúng ta làm dầm này không phải là mới mà làm nhiều nơi rồi. Bây giờ thi công có máy móc thiết bị hiện đại hơn nhiều, đáng ra phải không có sự cố này. Nhưng do trình độ công nhân thấp nên không thực hiện đảm bảo. Ngày trước thi công phần việc kích kéo lắp đặt dầm toàn tuyển chọn những người có trình độ và kinh nghiệm để thực hiện. Còn hiện nay chỉ có nhà thầu và tư vấn giám sát ở dưới quan sát, công nhân đứng ở trên chỉnh dầm đặt vào vị trí. Tôi hỏi công nhân thi công cầu cạn Pháp Vân đặt dầm lên gối phải đảm bảo thế nào thì họ bảo chỉ biết gác lên thôi. Nếu nhà thầu sử dụng công nhân thời vụ chưa có tay nghề tốt thì cũng nên tổ chức hướng dẫn để họ làm đúng.

* Qua sự cố trên, trách nhiệm của các bên như thế nào?

- Việc tổ chức thi công của nhà thầu chưa tốt. Lỗi chính là do nhà thầu chứ các quy định, hướng dẫn đều đã có hết. Chủ đầu tư và tư vấn giám sát cũng nhắc nhở nhưng vẫn lơ là, không kiểm tra thường xuyên.

* Tin bài liên quan:

Hà Nội: Sập nhịp dẫn cầu cạn Pháp Vân nối dàiSập dầm cầu cạn Pháp Vân - Hà NộiVụ sập dầm cầu cạn Pháp Vân (Hà Nội): Lỗi do nhà thầu thi côngTừng cảnh báo nguy cơ sập dầm cầu cạn Pháp Vân

TUẤN PHÙNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên