Đến ngày 25-3, ông Tiêu Viết Là gọi điện thoại về nhà thông báo chuẩn bị 70.000 nhân dân tệ (tương đương 200 triệu đồng) để nộp phạt. Trước vụ việc trên, Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đề nghị Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao có công hàm gửi phía Trung Quốc yêu cầu sớm thả vô điều kiện tàu cá và ngư dân đang bị bắt giữ.
Phóng to |
Bà Nguyễn Thị Sâm (mẹ ông Tiêu Viết Là) cùng bà Nguyễn Thị Bưởi (vợ ông Là) và con dâu Trương Thị Chi (vợ anh Tiêu Viết Linh, con ông Là) đang ngày đêm mong ngóng tin người thân - Ảnh: V.Q.Cầu |
Xung quanh vụ việc Trung Quốc bắt giữ 12 ngư dân thuộc tỉnh Quảng Ngãi, tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam Trần Cao Mưu nói: “Chúng ta khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đồng nghĩa với việc chúng ta phải có ngư dân đánh bắt tại những vùng biển này, vì nếu không có ngư dân trên biển, không có lực lượng khai thác trên biển thì vai trò chủ quyền cũng mờ nhạt”.
Ông Mưu cho biết từ trước đến nay, sau mỗi lần có thông tin từ các vụ việc bắt giữ ngư dân, hội đều triển khai việc thu thập thông tin chính thống từ phía các tỉnh hội và cơ quan địa phương, các sở NN&PTNT, UBND các huyện trực tiếp có ngư dân bị bắt.
“Thậm chí có những trường hợp cấp bách, trong khi chờ đợi thông tin bằng văn bản, chúng tôi cũng trực tiếp điện thoại xuống cơ sở để nắm tình hình” - ông Mưu cho biết. Sau mỗi lần như vậy, hội đều lên tiếng phản đối để bảo vệ quyền lợi của ngư dân. Riêng đối với việc bắt giữ 12 ngư dân của Quảng Ngãi mới đây, Hội Nghề cá sẽ chính thức có văn bản gửi Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối hành động này.
Khắc khoải mong tin người thân
Kể từ ngày 22-3 đến nay, khi chiếc tàu đánh cá của ngư dân Tiêu Viết Là bị Trung Quốc bắt ở quần đảo Hoàng Sa, gia đình của 12 ngư dân trên tàu đang khắc khoải mong chờ tin tức về những người bị bắt giữ.
Chiều 6-4, tại nhà ngư dân Tiêu Viết Là (thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu), bà Nguyễn Thị Bưởi - vợ ông Là - thở dài nói: “Sau cuộc điện thoại của ảnh báo tin bị bắt hôm đó đến giờ, tôi không nhận được cuộc điện thoại nào nữa”. Rồi cũng từ đó đến nay, ngày nào bà cũng chạy lên UBND xã, ghé đồn biên phòng hỏi thăm nhưng chẳng có tin tức gì.
Vợ chồng ông Là có năm người con. Hai con trai là Tiêu Viết Linh và Tiêu Viết Vấn cùng với ông Là đều bị Trung Quốc bắt. Con gái Tiêu Thị Liên đi làm nghề may công nghiệp trong Sài Gòn biết tin cứ ngày ngày điện thoại về hỏi thăm có tin tức gì của ba không. Còn con út Tiêu Thị Vang đang học lớp 9, đến trường bạn bè hỏi thăm tình hình của ba thì lại khóc. Bà Bưởi nói: “Khổ lắm! Ảnh bị bắt không biết bao giờ về. Ở nhà, con cái buồn và nợ nần nhiều quá”.
Chị Trương Thị Chi - vợ anh Tiêu Viết Linh, có con mới 6 tháng tuổi - ngấn nước mắt nói: “Ở nhà dồn tiền cho chuyến biển đầu tiên. Rồi tàu bị Trung Quốc giữ, nhà hết gạo, nên tui theo bà con ra gành Cả bắt ốc bán. Dạo này thủy triều xuống vào ban đêm cũng cố gắng bắt mỗi đêm được vài ba ký, bán được 20.000 đồng mua gạo sống qua ngày”.
Bà Nguyễn Thị Sâm - mẹ của ông Tiêu Viết Là - bị bệnh u gan đã chạy chữa ở TP.HCM rồi ra Đà Nẵng. Bà thở dài rồi lắc đầu nói: “Trước bữa ra khơi, thằng Là nói đi chuyến biển này kiếm ít tiền rồi đưa mẹ đi khám bệnh. Giờ nó bị bắt, thiệt khổ cho vợ chồng con cái nó mà cũng khổ cho tui”.
Năm 2006, cũng một chuyến đi đánh cá ở quần đảo Hoàng Sa, ông Là từng bị Trung Quốc bắt giam cả tháng trời rồi mới cho người về, còn tàu, ngư cụ bị tịch thu. Tính ra tiền nợ con tàu, tiền của chủ vựa buôn cá cho ứng trước để ra khơi đến giờ vẫn còn trên 300 triệu đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận