Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020:
Tại hội nghị được Bộ Kế hoạch-Đầu tư và Liên hiệp quốc tại VN tổ chức ngày 31-3, các đại biểu VN thuộc hay không thuộc Tổ Biên tập chiến lược đều đưa ra nhận xét: các báo cáo xây dựng chiến lược hiện nay vẫn chưa phân tích đẩy đủ những xu hướng khu vực và toàn cầu sẽ ảnh hưởng tới VN như liên kết ASEAN, xu hướng gia tăng tranh chấp kinh tế, tranh chấp biển Đông, vấn đề sông Mekong, sự nổi lên của Trung Quốc, các xu hướng thông tin-văn hoá đang và sẽ tạo ra các xu thế xã hội rất mới ở VN,…
TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn - nói: “Với mức độ phát triển hiện nay của Trung Quốc, nhu cầu về tài nguyên như nước và khoáng sản của họ đương nhiên tác động đến VN. Về xã hội, sự già đi trong dân số và chênh lệch nam nữ của châu Á đều sẽ gây tác động quan trọng tới VN. Về công nghiệp, chính sách phát triển nông thôn hài hòa của Trung Quốc, họ đẩy mạnh công nghiệp thu hút nhiều lao động về phía Tây, chắc chắn sẽ tạo ra cạnh tranh quyết liệt với các ngành công nghiệp thu hút nhiều lao động của VN. Toàn bộ bức tranh đó phải được tính đến trong chiến lược".
TS Lê Đăng Doanh đưa ra gợi ý về những tác động VN sẽ phải xử lý khi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc có hiệu lực với VN từ năm 2015: “Sẽ có khoảng 900 mặt hàng Trung Quốc có thuế suất bằng 0. Tác động tới kinh tế VN là không thể xem thường. Chiến lược phát triển mới phải chuẩn bị mạnh mẽ cho tình huống đó".
Ngoài ra, các đại biểu cùng cho rằng chiến lược phải nhấn mạnh khía cạnh xã hội, môi trường sao cho hai mảng này được chú trọng tương xứng với những tham vọng về phát triển kinh tế của VN trong thập niên tới.
Ngay từ bài phát biểu khai mạc, Đại diện Thường trú của LHQ tại VN là ông John Hendra đã nhấn mạnh: “Những thành tựu trong quá khứ không nhất thiết sẽ bảo đảm cho thành công trong tương lai.” Theo ông Hendra, chiến lược phát triển của hai giai đoạn trước đã giúp VN tiến lên từ nền kinh tế nghèo nàn và dựa trên nông nghiệp, một nền kinh tế bị tách biệt khỏi kinh tế thế giới trong nhiều năm, trở thành một nền kinh tế giàu có hơn, dựa vào thị trường và đang phát triển nhanh chóng, ngày càng hội nhập vào cộng đồng khu vực và toàn cầu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội nghị, ông Hendra nói: “Về khía cạnh xã hội, VN nên tập trung một số vấn đề sau: cần tiếp tục xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là nâng cao chất lượng chính sách xã hội. Thứ hai là giảm khoảng cách giàu nghèo,làm sao để tăng trưởng kinh tế mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Thứ ba là chiến lược mười năm tới phải đảm bảo có cách tiếp cận bền vững như tính tới biến đổi khí hậu, đảm bảo những người chịu các cú sốc về kinh tế, thiên tai,… được bảo vệ.”
Ngoài ra, TS Đặng Kim Sơn cũng cho rằng đột phá của VN trong 25 năm qua là về chính sách, nhưng vấn đề của thập niên tới sẽ là thể chế: “Nhiều chính sách đề ra là đúng nhưng không thực hiện được hoặc không đến nơi đến chốn. Như vậy vấn đề vướng và cần xử lý là thể chế, từ cấp cộng đồng đến cấp vùng và vĩ mô. Cách tiếp cận hiện nay của chúng ta giúp ta xử lý và làm rõ vấn đề chính sách nhưng chưa tạo niềm tin là có giải pháp, chưa có lối ra.”
Dự kiến trong năm nay Tổ Biên tập Chiến lược sẽ tổ chức thêm hai hội nghị tương tự để lấy thêm ý kiến đóng góp cho Chiến lược 2011-2020.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận