30/03/2010 08:35 GMT+7

Cả trăm ngàn dân khát nước

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TT - “Cấm sử dụng nước kênh, rạch để tưới cây, tắm rửa gia súc, phải để cứu khát cho dân”. Đó là lệnh của UBND huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) nhằm đối phó nạn thiếu nước. Hàng trăm ngàn người dân ở Tiền Giang và Bến Tre đang sống trong cảnh khát nước ngọt.

XHqIimep.jpgPhóng to
Đến chiều 29-3, kênh Tham Thu cung cấp nước cho Nhà máy nước thị xã Gò Công (Tiền Giang) đã cạn kiệt - Ảnh: T.T.D.

Hiện nay, dù mùa khô chưa vào giai đoạn khốc liệt nhưng hàng trăm ngàn cư dân các huyện ven biển ở hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre đang bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Tại Bến Tre, hơn 150.000 dân ở các huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú đang gặp rất nhiều khó khăn về nước sinh hoạt. Tại các huyện Ba Tri, Bình Đại phải đổi nước ngọt chưa qua xử lý do xe máy cày chở tới với giá từ 30.000 đồng/m3 trở lên để sử dụng.

Cứu được lúa, dân bị khát

Nhà máy Tân Hiệp lại “kêu cứu”

Theo Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng, từ 15g ngày 29-3 đã xả nước đẩy mặn cho sông Sài Gòn với lưu lượng 30m3/giây theo yêu cầu của Nhà máy nước Tân Hiệp. Dự kiến đợt xả nước này kéo dài hết ngày 2-4 với tổng lượng nước xả hơn 10 triệu m3. Đây là lần thứ hai trong tháng 3-2010, Nhà máy nước Tân Hiệp “cầu cứu” hồ Dầu Tiếng xả nước do tình hình nhiễm mặn trên sông Sài Gòn lên cao.

Ngày 29-3, mực nước hồ Dầu Tiếng xuống còn mức 20,06m (mực nước chết 17m). Trong khi đó, lượng nước về hồ trong những ngày qua chỉ đủ bốc hơi, thấm.

Ngày 29-3, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Trần Thị Kim Cúc đã chỉ đạo UBND tỉnh và các địa phương phải tập trung lo cấp nước ngọt cho dân và xem đây là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của tỉnh...

Chiều 29-3, kênh Tham Thu dài khoảng 30km bắt đầu từ xã Bình Phan (huyện Chợ Gạo) dẫn nước ngọt chạy dọc quốc lộ 50 về vùng ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang) đã cạn kiệt. Nước còn lại trong kênh đã bị chuyển màu, ô nhiễm. Dọc dài hai bên đoạn kênh, hàng ngàn hộ dân tranh thủ tìm cách vét lấy nguồn nước còn lại để cứu hoa màu và dùng cho sinh hoạt.

Bà Nguyễn Thị Hòa (xã An Thạnh Thủy, Chợ Gạo) cho biết hơn mười ngày trước ngành nông nghiệp đã tập trung bơm nước cứu lúa đông xuân nên giờ lúa được cứu thì dân hết nước xài.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Khang, nguồn nước để các nhà máy xử lý rồi cung cấp cho hàng trăm ngàn dân ở các huyện Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Gò Công Đông và Tân Phú Đông là từ kênh rạch, ao hồ. Nhưng vài tuần trước nước bên ngoài sông Tiền bị mặn nên tất cả các cống lấy nước cung cấp cho vùng ngọt hóa Gò Công đều phải đóng. Các địa phương tập trung bơm chuyền 2-3 cấp để cứu hàng chục ngàn hecta lúa đông xuân nên bây giờ kênh rạch không còn nước cung cấp cho sinh hoạt.

Chờ nước cứu viện

Tại huyện Gò Công Đông, gần như tất cả kênh rạch, ao hồ đều đã cạn khô. Nơi nào còn nước thì đã bị ô nhiễm nặng, đen kịt. Trạm xử lý nước Phước Trung 2 ở xã Tăng Hòa đã đóng cửa ngừng hoạt động từ ba ngày nay. Hơn 500 hộ dân ở hai xã Phước Trung, Tăng Hòa chỉ còn dựa vào nguồn nước mưa dự trữ và nước dưới ao. Ông Nguyễn Thanh Vân ở xã Phước Trung nói: “Nước ngọt giờ quý như vàng, chỉ dám uống rất tiết kiệm. Hi vọng chính quyền sẽ sớm có biện pháp cấp nước cho dân ở đây, nếu không chắc phải đi mua nước ở nơi khác mới có xài”.

Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông Lê Văn Nghĩa cho biết hiện có hơn 20.000 dân ở các xã Tân Điền, Tân Thành, Kiểng Phước, Vàm Láng, Gia Thuận, Tân Phước đang thiếu nước trầm trọng. Chiều 29-3 huyện đã gửi văn bản khẩn cấp đề nghị tỉnh chở nước ứng cứu khẩn cấp cho số hộ này. “Chúng tôi đã chỉ đạo các xã quản lý chặt nguồn nước còn lại trên kênh. Tuyệt đối cấm sử dụng nước kênh rạch để tưới cây, tắm rửa gia súc, phải để cứu khát cho dân”.

Tại huyện cù lao Tân Phú Đông, gần 40.000 dân đang thiếu nước sinh hoạt vì bốn bề nước sông đã mặn chát. Ngay cả các trạm cấp nước ngọt hiện có cũng bị nhiễm mặn và chỉ bơm cấp nước hạn chế vào giờ cao điểm sáng sớm và chiều. Nhưng lượng nước trong các ao chứa cũng sẽ hết trong vài ba tuần nữa.

2HNBjNHr.jpgPhóng to
Nước hồ chứa ở Tiền Giang đã cạn lại còn nhiễm mặn - Ảnh: VÂN TRƯỜNG

Nhà máy nước cũng bị khô

Ông Huỳnh Công Dũng, giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Tiền Giang, cho biết hiện nay nước mặn đã xâm nhập tới TP Mỹ Tho, tức cách biển 70km. Độ mặn ngày 28-3 đã lên tới 700mg/l, vượt mức cho phép đối với nước sinh hoạt đô thị gần ba lần.

Trong khi đó phần lớn các nhà máy nước của công ty đặt trong vùng ngọt hóa thuộc huyện Gò Công Đông và thị xã Gò Công đều bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Nhưng vì không còn nguồn nước nào khác nên bắt buộc nhà máy vẫn phải chạy và người dân phải sử dụng. “Các trạm này chỉ hoạt động cầm chừng khoảng 20 ngày nữa cũng hết nước mà thôi” - ông Dũng nói.

Hiện tại, theo ông Dũng, nhà máy nước lớn nhất đặt tại thị xã Gò Công, cung cấp cho hơn 40.000 dân ở thị xã, cũng bị nhiễm mặn và có nguy cơ phải ngừng hoạt động nếu không có nguồn để bơm vào ao chứa. Nhà máy đang chỉ có thể “vét” được 400m3/giờ từ các con kênh cách đó gần chục cây số, so với nhu cầu của dân tới 500m3/giờ. Ngay trong đêm 29-3 công ty phải cho đào đường qua quốc lộ 50 để đặt đường ống kéo về khu vực còn nước ngọt ở phía nam cống Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây để bơm về nhà máy nước.

Ông Nguyễn Văn Khang cho biết tỉnh vừa chi 600 triệu đồng để lắp đặt các trạm cấp nước dã chiến cung cấp nước ngọt miễn phí cho hơn 30.000 dân ở vùng sâu bốn huyện đang thiếu nước, chủ yếu là Tân Phú Đông và Gò Công Đông, nhưng những ngày tới không còn nước cung cấp thì tình hình sẽ khó khăn trở lại. Hôm nay (30-3) UBND tỉnh Tiền Giang họp khẩn cấp để bàn các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước ở bốn huyện phía đông của tỉnh.

Thanh Hóa: 65.000 dân ven biển bị thiếu nước

Ngày 29-3, ông Nguyễn Văn Long - trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) - cho biết hiện nay có khoảng 65.000 người dân ở các xã ven biển của huyện là Hải Lộc, Minh Lộc, Đa Lộc, Hưng Lộc, Ngư Lộc đang bị thiếu nước ngọt sinh hoạt nghiêm trọng. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đề nghị UBND tỉnh chi kinh phí để khoan 50 giếng lấy nước sinh hoạt phục vụ khẩn cấp cho dân năm xã này.

Nguồn nước ở sông Kênh De bị nhiễm mặn quá ngưỡng cho phép xử lý, nên Nhà máy nước sinh hoạt Hưng Lộc (đặt tại xã Hưng Lộc, phục vụ 20.000 dân ở xã Hưng Lộc, Ngư Lộc) đã ngừng hoạt động từ tháng 12-2009 đến nay.

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên