Không phải họ bớt xài điện mà sử dụng thật hợp lý. Nếu ước tính trên phạm vi toàn TP, số tiền tiết kiệm điện có thể lên đến hơn 500 tỉ đồng.
Phóng to |
Gia đình chị Trần Thị Phượng, ngụ P.12, Q.3, TP.HCM, đã thực hiện tiết kiệm điện từ nhiều tháng qua -Ảnh: Minh Đức |
Giảm 9% tiền điện năm 2010 là điều mà 100.000 hộ gia đình ở TP.HCM sẽ bắt tay thực hiện. Chương trình do Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Hội Liên hiệp phụ nữ TP tổ chức, lễ ký kết diễn ra sáng 27-3. Thực tế nhiều hộ dân đã làm việc này từ hai năm nay...
Chị Huỳnh Thị Thư (6/20 Cống Lở, Q.Tân Bình) là một trong 1.860 hộ gia đình ở Q.Tân Bình tham gia đăng ký hộ tiết kiệm điện năm 2009 do Hội Liên hiệp phụ nữ quận phát động. “Năm 2008 mình cũng đăng ký, nhưng lúc đó mình nghĩ tham gia cho có phong trào, không ngờ thấy nó lợi ích thiệt” - chị Thư nói. Lợi ích ngay trước mắt của chị là tiền điện trong nhà giảm thấy rõ: trước đó tháng nào cũng trả 500.000-600.000 đồng, từ ngày tiết kiệm điện trung bình mỗi tháng chỉ tốn 350.000 đồng, có tháng tiết kiệm tới 42%!
Sau khi đăng ký hộ tiết kiệm điện, chị Thư thực hành tại xưởng may trước. Hồi trước cứ may một bộ đồ xong, chị cắm bàn ủi, ủi rồi tắt. May bộ nữa, lại cắm vô, ủi rồi tắt. Về sau, mấy chị em của xưởng tập trung may xong các công đoạn mới ủi toàn bộ một lần. Ở nhà, chị tập trung ủi đồ của cả nhà một tuần một lần (trước đây ngày nào cũng ủi), mua một thùng đựng đá để ba ngày mới mở ngăn đông tủ lạnh lấy đá thay vì ngày nào cũng mở như trước đây.
Với các thiết bị điện khác, chị nhắc nhở mọi người rút ổ cắm khi không dùng đến. Chị Thư làm phép tính: mỗi tháng tiết kiệm 150.000-250.000 đồng tiền điện, một năm số tiền lên đến hơn 2 triệu đồng, đủ để đóng học phí cho con trai học mẫu giáo trong năm tháng.
Phóng to |
Hộ chị Huỳnh Thị Thư (Q.Tân Bình, TP.HCM) tiết kiệm được 150.000-250.000 đồng tiền điện hằng tháng - Ảnh: Đặng Tươi |
Chị Nguyễn Thị Sơn (33/35 Nguyễn Sỹ Khách, P.15, Q.Tân Bình) khoe hóa đơn tiền điện tháng mới nhất của gia đình: 108.125 đồng. Chị Sơn kể trước đây hầu như lúc nào nhà cũng bật tivi, không coi cũng bật theo thói quen. Về sau, chị quy định có coi mới bật. Con gái chị cũng đã bỏ thói quen bật vi tính để đó, chỉ có việc cần thiết mới mở, làm xong thì tắt.
Giống chị Thư, nhà chị Sơn bây giờ ủi đồ mỗi tuần một lần, chứ không “bạ đâu ủi đó” nữa. Hàng loạt thói quen khác như quên tắt đèn, quên tắt quạt... đã không còn tồn tại trong nhà chị Sơn nữa. Từ ngày tham gia chương trình tiết kiệm điện, tiền điện nhà chị Sơn có tháng giảm tới 56%!
Theo Hội Liên hiệp phụ nữ Q.Tân Bình, năm 2008 có 1.270 gia đình đăng ký “hộ tiết kiệm điện”, tiết kiệm 4.000 kWh; năm 2009 có 1.860 hộ tham gia, tiết kiệm 4.800 kWh. Ngày 8-3 vừa qua, 16 hộ tiết kiệm 200 kWh điện/năm đã được quận khen thưởng.
“Không cần nói nhiều đâu, cứ thấy cái lợi rõ ràng thì ai cũng làm mà” - chị Sơn bộc bạch.
Đó chính là sức lan tỏa hữu hiệu trong cộng đồng mà chương trình “Gia đình tiết kiệm năng lượng” do Hội Liên hiệp phụ nữ và Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM năm nay phát động trong toàn TP đang nhắm đến.
Chị Trần Thị Phượng (453/90 Lê Văn Sĩ, Q.3) cho biết gia đình chị sẽ tham gia chung trong 100.000 hộ của TP. Nhà có bốn mẹ con, chị Phượng nói sẽ đăng ký tiết kiệm tới... 50% số tiền điện so với trước, chứ không chỉ 9% như chương trình phát động.
Theo ông Huỳnh Kim Tước - giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM, đây là lần đầu tiên chương trình thực hiện cấp TP theo diện rộng. Chương trình đặt mục tiêu 100.000 hộ gia đình tham gia. Đến nay với việc tổ chức tích cực của Hội Liên hiệp phụ nữ TP từ tổ hội, chi hội phụ nữ ở 24 quận huyện, đã có 87.000 hộ đăng ký.
Ông Tước cho biết điện năng tiêu thụ của các hộ gia đình chiếm 35-75% tổng lượng điện năng (trong đó TP.HCM là 36%). Các hộ gia đình sử dụng điện không bị ràng buộc bởi các văn bản, quy chuẩn pháp luật (như đối với điện dùng trong sản xuất, điện công nghiệp), do đó kêu gọi tiết kiệm điện trên tinh thần vận động sự tự nguyện. “Tiền điện các hộ gia đình ở TP.HCM phải trả là 5.200 tỉ đồng/năm, nên nếu mỗi hộ tiết kiệm 10% tiền điện thì số tiền sẽ rất lớn” - ông Tước nói.
Làm gì để tiết kiệm điện? - Sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, không dùng nữa thì tắt ngay. - Đèn: chỉ bật đèn tại những vị trí sinh hoạt, cần chiếu sáng và bật vừa đủ, dùng xong thì tắt ngay. Dùng các loại đèn tiết kiệm như đèn huỳnh quang, đèn compact... cho độ sáng như nhau nhưng điện năng tiêu thụ thấp hơn. - Máy điều hòa không khí: khi không có người trong phòng thì tắt máy. - Máy lạnh: duy trì nhiệt độ từ 24-26OC, đóng kín cửa khi dùng. - Tủ lạnh: hạn chế số lần mở cửa, cài đặt nhiệt độ các ngăn vừa phải và phù hợp tính chất thực phẩm, tránh đặt ở mức lạnh nhất. - Nồi cơm điện: chỉ nên nấu cơm trước khi ăn 30-45 phút để hạn chế thời gian hâm nóng, dùng nồi cơm điện có công suất và dung tích phù hợp, lau chùi sạch đáy nồi cơm và mâm nhiệt của nồi cơm điện để tiếp xúc tốt hơn. - Sử dụng máy nước nóng năng lượng mặt trời. - Quạt: vệ sinh định kỳ, dùng tốc độ quạt theo nhu cầu cần thiết. - Bàn ủi: không ủi đồ vào những giờ cao điểm, ủi nhiều đồ một lần, lau sạch bề mặt kim loại sẽ giúp hoạt động có hiệu quả hơn. - Máy giặt: giặt khối lượng đồ phù hợp với công suất máy, không nên chọn chế độ nước nóng nếu thật sự không cần thiết, đặt máy ở nơi thông gió, thoáng khí. - Máy tính: không nên để màn hình ở chế độ sáng quá cao, tắt màn hình hoặc chọn chế độ screensaver khi tạm dừng, tắt máy hoặc chọn chế độ hibernate khi ngừng sử dụng máy trong thời gian tương đối dài, tắt máy và rút phích cắm khi không sử dụng máy trong thời gian dài. - Tivi: chọn kích cỡ phù hợp nhu cầu, không nên dùng loại quá lớn, không nên để màn hình ở chế độ sáng quá cao, tắt tivi khi không có người xem, tránh thói quen “bật sẵn”, với thời gian dài không sử dụng nên tắt tivi bằng nút nguồn (power) và rút phích cắm ra khỏi ổ điện. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận