Phóng to |
Mặt cầu Thăng Long được làm mới bằng công nghệ hiện đại nhưng bị lún, nứt, phải vá lại và chờ khắc phục - Ảnh: T.Phùng |
Theo quan sát, phần mặt cầu phía hạ lưu sông Hồng có hai vết lún, nứt chạy ngang khá dài. Còn phần mặt đường phía thượng lưu có hơn một chục vết nứt, lún khá lớn, trong đó nhiều vết đã được vá lại có kích thước tương đương chiều rộng một làn xe. Đặc biệt gần đầu cầu phía nội thành xuất hiện một vệt lún kèm theo sáu vết nứt trên diện tích rộng hơn 10m2. Cùng với các vết nứt đó, tại nhiều khu vực tiếp giáp nền đường với dải phân cách còn có tình trạng mặt đường vừa bị lún vừa bị đùn lên.
Hoài nghi về chất lượng bêtông nhựa đường
Ông Nguyễn Năng Thể, phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án 2 (PMU2, thuộc Cục Đường bộ VN - đại diện chủ đầu tư), cho biết: “Khi phát hiện sự cố, chúng tôi đã yêu cầu đơn vị thiết kế là Viện Khoa học và công nghệ giao thông vận tải (KH&CNGTVT) đề xuất công nghệ và tư vấn giám sát dự án để tìm hiểu nguyên nhân, biện pháp khắc phục. Đó là trách nhiệm của đơn vị tư vấn thiết kế”. Ông Thể phỏng đoán: “Có thể do một mẻ trộn bêtông nào đó không đúng kỹ thuật, tôi khẳng định không phải rút ngắn tiến độ thi công nên dẫn đến hiện tượng trên vì quy trình thi công rất nghiêm ngặt”.
Trước nghi ngại việc lún nứt lớp bêtông nhựa đường của mặt cầu có thể làm nước thấm xuống gây hư hỏng mặt cầu thép phía dưới, ông Thể cho rằng các vết lún, nứt không làm nước ngấm vào kết cấu sắt của cầu vì lớp chống thấm rất tốt. PMU2 đã đề nghị Viện KH&CNGTVT khoan mẫu về nghiên cứu thấy vẫn đảm bảo. Hiện PMU2 đang yêu cầu Viện KH&CNGTVT phải có phương án sửa chữa trong đầu tháng 4-2010.
Thiết kế chưa phù hợp với vật liệu?
Theo ông Bùi Xuân Trung - giám đốc Công ty CP đầu tư và xây dựng Bảo Quân, nhà thầu thi công trải thảm mặt cầu Thăng Long, vật liệu được sử dụng trải thảm mặt cầu Thăng Long là bêtông nhựa đường SMA (stone matrix asphalt) lần đầu tiên đưa vào sử dụng ở VN. Vì vậy cả chủ đầu tư, tư vấn thiết kế và nhà thầu đều không có kinh nghiệm. Đơn vị tư vấn thiết kế phải thuê chuyên gia nước ngoài giám sát, hướng dẫn phần việc này, từ quy trình sản xuất vật liệu đầu đến thi công trải thảm đều được tư vấn kiểm tra nghiêm ngặt. Việc trộn và đổ bêtông nhựa SMA cũng không gặp mưa ngày nào nên khó có thể nói việc bong, nứt mặt cầu là do chất lượng bêtông nhựa.
Tuy nhiên, ông Trung đưa ra một giả thiết để lý giải hiện tượng lún, nứt của mặt cầu: kết cấu của bêtông nhựa SMA có độ rỗng lớn làm tăng khả năng thấm nước xuống giúp mặt đường chóng khô, không văng nước khi xe chạy qua. Nhưng khi sửa chữa mặt cầu, chủ đầu tư chỉ dùng vật liệu này trên phần đường cho ôtô mặt xe chạy, còn hai bên lề vẫn giữ nguyên vật liệu cũ. Vì vậy, khi mưa xuống, nước ngấm qua lớp bêtông nhựa SMA xuống dưới bị lớp chống thấm trên mặt cầu thép chặn lại và không có đường thoát.
Khi phát hiện sự cố, đơn vị thi công kiểm tra thấy phía dưới những chỗ nứt gãy đều có đọng nước. Trong khi chờ phương án xử lý chính thức, trên mặt cầu đang được đục nhiều chỗ để làm khe thoát nước.
Theo phản ảnh của Công ty Bảo Quân, từ khâu chọn vật liệu, thuê chuyên gia nước ngoài hướng dẫn, giám sát thực hiện đều được Viện KH&CNGTVT tiến hành. Dù rút ngắn tiến độ thi công nhưng đều được sự cho phép của giám sát. “Mỗi ngày chúng tôi có thể thi công 1.000 tấn bêtông nhựa đường nhưng dự án này chỉ làm 400-500 tấn/ngày nên không thể nói là làm ẩu để chạy tiến độ được”- ông Trung khẳng định.
Chiều 20-3, Công ty Bảo Quân vẫn đang chờ phương án cụ thể từ chủ đầu tư để xử lý các vết nứt trên cầu Thăng Long. Trước mắt, nhà thầu đang cho vá cục bộ những chỗ hư hỏng để xe chạy, đồng thời tăng cường thi công các khe thoát nước. Sáng cùng ngày, lãnh đạo Bộ GTVT đã có cuộc họp với các đơn vị liên quan để tìm nguyên nhân và giải pháp xử lý sự cố trên mặt đường cầu Thăng Long.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận