Phóng to |
Trong khi đó, ở khu vực hạ lưu của các con sông, nguy cơ mất trắng vụ đông xuân dần hiện rõ khi những cánh đồng lúa đang đối mặt với khô hạn được xem là khốc liệt nhất trong vòng mười năm qua.
Đãi vàng giữa lòng sông
Đứng trên đường Hồ Chí Minh ở đoạn qua xã Cà Dy (huyện Nam Giang, Quảng Nam) có thể nhìn thấy rất rõ những nhóm người dân địa phương đang lúi húi đào, đãi vàng sa khoáng ngay dưới lòng sông. “Bắt đầu vào mùa này mực nước sông sẽ cạn dần, đến tháng 5 hay tháng 6 thì cạn đỉnh điểm, nhưng chưa năm nào sông lại trơ đáy đến như vậy. Mới giữa tháng 3 mà có đoạn nước chỉ ngang đầu gối” - ông Thành, một người dân ở xã Cà Dy, vừa nói vừa xắn quần chuẩn bị lội qua sông vào rẫy.
Nhà máy nước lao đao Nước không còn chảy thành dòng khi đổ về hạ lưu đoạn qua TP Đà Nẵng suốt 20 ngày qua khiến các kỹ sư của Nhà máy cấp nước Đà Nẵng lo sốt vó. Nước vẫn đầy bên sông Cầu Đỏ, nhưng ông Tôn Thất Du - quản đốc Nhà máy nước Cầu Đỏ - lo lắng: “Nước đó là nước từ biển dâng lên đấy. Mặn chát, nên mấy hôm rồi nhà máy nước không thể lấy nước tại đây được mà phải chuyển nước từ cách đây 8km về sản xuất”. Theo lời ông Du, đây là năm đầu tiên được dự báo sẽ rất khó khăn trong việc cung ứng nước sinh hoạt cho 850.000 dân ở TP Đà Nẵng. “Mới đầu tháng 3 mà sông đã bị nhiễm mặn như vậy thì vài tháng nữa chắc chắn sẽ rất khó khăn. Hiện nồng độ muối đo được trong nước đã gấp 4-5 lần rồi. Đây cũng là năm sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn từ rất sớm” - ông Du cho biết. |
Tiếp tục đi trên đường Hồ Chí Minh để lên phía huyện Phước Sơn, hình ảnh những nhóm người dân cặm cụi xúc từng bao đất ở mép sông rồi ì ạch khiêng ra giữa lòng sông đang trơ đáy để đãi vàng, khiến nhiều người lo ngại một thảm họa khô hạn rồi sẽ diễn ra trong nay mai. Không thể không xuýt xoa khi mà cả một đoạn sông Đăk Mi dài hơn 20km tính từ chân con đập của Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 (Phước Sơn) đang thi công xuống đến tận chân cầu Giằng (Nam Giang) khô trơ đáy.
Ngược lên hướng phía huyện Đông Giang - nơi nhiều đoạn sông Bung đang mùa kiệt nước - có thể thấy con sông này đang bị đào xới, san ủi để phục vụ việc đắp đập làm hai thủy điện Sông Bung 5 và Sông Bung 6. “Cả sông Đăk Mi và sông Bung là hai nhánh sông chính của hệ sông Vu Gia cấp nước cho vùng hạ lưu gồm TP Đà Nẵng và một phần bắc Quảng Nam. Nhưng với tình cảnh này thì trong một thời gian nữa, phía hạ lưu sẽ không còn nước để uống” - một cán bộ huyện Nam Giang phân trần.
Trong khi đó ông Nguyễn Văn Lê - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thủy điện A Vương - bảo: “Gần đây, các dòng sông khô kiệt. Nước về hồ thủy điện rất thấp, chỉ đạt 15,5m3/giây, bằng 60-65% lưu lượng nước trung bình nhiều năm. Nhưng khô hạn nhất ở thượng nguồn này có lẽ phải kể đến phía đầu nguồn sông Thu Bồn - đoạn thuộc xã Hiệp Hòa. Cả lòng sông như một bãi sa mạc. Trên sông nhiều tàu cuốc đào vàng không kịp di chuyển mắc kẹt trên bãi bồi. Ngay dưới chân cầu, hàng loạt xe ben, xe tải chạy thẳng ra giữa sông múc cát xây dựng. Dân địa phương than thở: “Năm nay mọi thứ thay đổi hẳn, lòng sông chỉ là một bãi đá cạn hoặc những con lạch chỉ đủ cho ghe nhỏ qua lại”.
Theo ông Võ Quang Bình - chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa (Hiệp Đức), năm nay sông cạn sớm ít nhất hai tháng, nguyên nhân chính là do tình trạng phá rừng đầu nguồn khiến lượng nước về sông ngày càng nhỏ giọt. “Không thể cấm dân đào đãi vàng vì họ tranh thủ lúc nông nhàn để kiếm thêm vài chục nghìn đồng mỗi ngày” - ông Bình bảo
Phóng to |
Sông Bung đoạn qua thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang, Quảng Nam) bắt đầu khô kiệt, từ trên cầu Thạnh Mỹ nhìn xuống có thể thấy nhiều thiết bị cơ giới xúc đất cát, thậm chí có thiết bị tham gia đào đãi vàng - Ảnh: Đ.Nam |
Những cánh đồng... cháy khát
Ngồi bên bãi bồi ngày nào còn xanh mướt, ông Mai Văn Phúc (thôn 3, xã Hiệp Hòa) cho biết nhà ông có 8 sào đất trồng bắp, mè, đậu và lúa đã xuống giống nhưng nắng hạn kéo dài khiến mọi thứ “cháy” đen. Chống cuốc bên cánh đồng bắp héo úa, ông Phúc ngậm ngùi: “Tiền giống má, tiền phân bón, tiền công... nợ vẫn chưa trả hết, bây giờ nhìn cánh đồng mà đứt ruột!”. Cạnh cánh đồng ông Phúc, đồng lúa 5 sào của ông Nguyễn Hồng cũng trong cảnh tương tự. Tất cả bắp, đậu, mè... đều bị nắng đốt khô không một giọt nước tưới. Hàng chục hộ dân ở thượng nguồn sông Thu Bồn thuộc địa phận xã Hiệp Hòa cũng lâm cảnh tương tự.
Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hiệp Đức Trần Thọ cho biết: “Đã có 116ha lúa của bà con bị hư hỏng do thiếu nước. Nếu tình trạng hạn hán tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến khô cháy cả cánh đồng”. Còn chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức Đào Bội Thuyên nói: “Khô hạn kéo dài, sông đầu nguồn cạn nước xảy ra sớm hơn mọi năm. Việc sinh hoạt, sản xuất của người dân ngay đầu mùa đã gặp khó”.
Tìm về các cánh đồng lúa ở hạ lưu sông Vĩnh Điện thuộc các phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) và huyện Điện Bàn (Quảng Nam), cảnh những nông dân đang cố nạo vét kênh rãnh để tận dụng nước ao hồ mới thấy xót xa. Ông Lê Văn Tám (thôn Mân Thái, Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) chỉ tay về đám ruộng bắt đầu xuất hiện những đám cháy sém nói: “Toàn bộ công sức nằm trong 6 sào ruộng nước ấy. Bây giờ không có nước thì coi như bỏ. Nắng hạn kiểu này thì năm nay đói là cái chắc”.
Phó chủ tịch phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) Nguyễn Đức thông báo: “Trong số 356ha lúa vụ đông xuân thì 120ha có nguy cơ mất trắng toàn diện vì không có nước. Mấy năm trước chỉ lo nước cho vụ hè thu, năm nay vụ đông xuân cũng khô cháy. Không biết người ta làm gì phía đầu nguồn mà nước sông về ngày một ít hơn”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận